Giải đề: "Đừng nói: Trao cho tôi đề tài; Hãy nói: Trao cho tôi đôi mắt"
Ở bài viết dưới đây, chúng tôi xin gợi ý cho các bạn học sinh cách giải đề về lời khuyên của Raxun Gamzatop: "Đừng nói: Trao cho tôi đề tài; Hãy nói: Trao cho tôi đôi mắt".
ĐỀ BÀI:
Trong "Đaghextan của tôi", Raxun Gamzatop từng khuyên các nhà văn trẻ:
“Đừng nói: Trao cho tôi đề tài
Hãy nói: Trao cho tôi đôi mắt”
Anh chị hiểu thế nào về lời khuyên trên? Bằng hiểu biết về tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ) và một số đoạn trích trong “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), hãy lí giải “đôi mắt” riêng của mỗi nhà thơ khi gặp gỡ ở đề tài người phụ nữ.
GỢI Ý GIẢI ĐỀ:
Giải thích
- “Đề tài”: Là đối tượng hiện thực mà nhà văn hướng ngòi bút sáng tác nhằm bàn luận, kiến giải, cắt nghĩa vấn đề. Đề tài sẽ là cơ sở để mỗi tác giả thể hiện tầm nhìn của chính mình về cuộc đời và nhân thế.
Một số đề tài tiêu biểu: đề tài người phụ nữ, đề tài thiên nhiên, đề tài lòng yêu nước, đề tài người nông dân trước CMT8…
- “Đôi mắt”: chỉ cái nhìn của tác giả trước hiện thực cuộc sống. Văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan nên “đôi mắt” của mỗi nghệ sĩ là riêng biệt, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình. Do vậy, nhắc đến đôi mắt của tác giả trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, ngoài việc đó là một cái nhìn toàn vẹn, khách quan, phản ánh hiện thực đời sống, còn là nhắc đến sức sáng tạo mang tính cá thể của mỗi người nghệ sĩ.
-> Tóm lại: Qua cách diễn đạt tương phản “đừng trao”-“hãy trao”, nhận định của Raxun Gamzatop bàn về yêu cầu đối với một nhà văn trong quá trình sáng tác. Quan trọng hơn đề tài phản ánh, cái nhìn độc đáo và lăng kính mới mẻ khi nhìn nhận và suy nghiệm về cuộc đời luôn là đòi hỏi tất yếu ở mỗi ngòi bút.
Bình luận
Nhận định của Raxun Gamzatop rất xác đáng. Vì sao vấn đề “đôi mắt” luôn là yêu cầu quan trọng đối với văn chương?
- Văn học là tấm gương phản chiếu hiện thực cuộc sống. Tác phẩm phản ánh cái nhìn chủ quan của nhà văn trước thế giới khách quan. Đôi mắt không chỉ dừng lại ở vai trò là lăng kính nhìn nhận cuộc đời mà qua đó, tác giả còn bày tỏ một thái độ, một quan niệm, một nghi vấn kêu gọi người đọc suy nghiệm và giải đáp trước một đề tài.
Do đó, “đôi mắt” chính là phương tiện để nhà văn nhìn nhận và đánh giá hiện thực. Có “đôi mắt” tức là nhà văn sở hữu cho mình một nét chân dung tâm hồn trong quá trình đối thoại với độc giả.
- Bản chất của sáng tác văn chương là quá trình sáng tạo mang tính cá thể. Chính vì thế, “đôi mắt” của người nghệ sĩ không thể vay mướn. Cái nhìn của mỗi nhà văn sẽ định hình nên mỗi phong cách. Một nhà văn nhìn đời qua đôi mắt của tình thương và đạo lý bao giờ cũng khác ánh nhìn đời sắc sảo chân thực của nhà văn khác.
Do đó, đôi mắt chính là biểu hiện của sức sáng tạo từ mỗi người nghệ sĩ ngay từ bước đầu sáng tác. Có đôi mắt, nhà văn sẽ tự định hình cho mình một tầm nhìn riêng, từ đó sở hữu giọng điệu riêng không trùng lắp.
- Vấn đề “đôi mắt” vừa là sứ mệnh cao cả vừa là yêu cầu tất yếu của văn chương. Nhà văn trong sáng tác không thể bỏ qua việc củng cố và cải cách tầm nhìn của mình trước hiện thực liên tục đổi thay. Để từ đó, tác phẩm luôn đảm bảo tính chân thực, khách quan, thậm chí để lại dấu ấn trong lòng người đọc về một cái nhìn toàn vẹn và nhân văn.
Chứng minh
1. Gặp gỡ ở đề tài người phụ nữ, cả Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đều có “đôi mắt” tinh tường, sâu sắc để khám phá ra những vấn đề gợi nhiều suy nghĩ.
- Người phụ nữ trong xã hội phong kiến có số phận truân chuyên, gặp nhiều tai ương, bất hạnh, phải gánh chịu nhiều nỗi đau tinh thần, thậm chí là thể xác. Họ là những con người “hồng nhan bạc phận”, chịu sự bó buộc của xã hội phong kiến cùng các thế lực cầm quyền mà rơi vào kiếp sống bất hạnh, lầm than.
- Tuy thế, dù hoàn cảnh tăm tối đến đâu ở họ vẫn sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp: Đức hi sinh cao cả, sức sống mạnh mẽ, đặc biệt là khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc.
- Suy cho cùng, mỗi tác giả lại có “đôi mắt” khác nhau khi nhìn nhận về người phụ nữ
- Ở đức hạnh:
+ Nguyễn Dữ: Đức hạnh của Vũ Nương được xây dựng trên quan niệm Nho giáo về người phụ nữ. Thế nên, nàng là nhân vật tiêu biểu cho chuẩn mực người phụ nữ phong kiến với vẻ đẹp truyền thống. Quan niệm “tam tòng, tứ đức” đã góp phần gầy dựng nên hình tượng người phụ nữ nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó, hi sinh vì chồng con, thủy chung và son sắt.
+ Nguyễn Du: Thúy Kiều được tạo ra không phải để làm vừa lòng bất kì một tư tưởng phong kiến nào. Tìm hiểu về vẻ đẹp của Thúy Kiều, người đọc sẽ phát hiện ra nhiều nét táo bạo (“Như nàng lấy hiếu làm trinh”) và riêng biệt. Thế nhưng, ở Kiều vẫn hội tụ đầy đủ những phẩm chất lễ, hiếu, tiết, nghĩa, vẫn là một người phụ nữ đức hạnh nhưng sống một cuộc đời đầy nước mắt.
- Ở khát vọng hạnh phúc:
+ Nguyễn Dữ: Đối với Vũ Nương, niềm vui của nàng không gì khác ngoài thú vui nghi gia nghi thất. Đó cũng là hạnh phúc dựa trên quan niệm “phu xướng phụ tùy, xuất giá tòng phu”. Hạnh phúc đó tuy giản đơn, nhưng để có được nó, nàng vẫn phải cam chịu, để cuối cùng cái chết là câu trả lời cho nỗi oan không thể cất tiếng. Chỉ vì một lời nói ngây ngô của con trẻ cũng đã bức tử những khát vọng bình yên của một người phụ nữ.
+ Nguyễn Du: Còn Thúy Kiều, hạnh phúc của nàng không còn hoàn toàn gắn với ước mong gia đình, mà hơn nữa, đó là khát vọng tự do yêu đương theo nghĩa trần thế nhất. Bước chân “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” cũng vì thế mà khẳng định bản lĩnh của nhân vật và ngòi bút Nguyễn Du trước những hà khắc cổ hủ của tư tưởng trung đại, đó còn là ước mơ được làm chủ cuộc sống, làm chủ những hạnh phúc tình ái của người phụ nữ dần tiệm cận với tư tưởng bình đẳng, nhân văn.
+…
Như vậy, cùng đề tài nhưng hai tác giả đã có những chiều hướng phản ánh khác nhau về chân dung người phụ nữ. Sự khác biệt ấy đã đánh dấu một tư tưởng nhân văn tiến bộ vượt thời đại của Nguyễn Du, làm nên sự phát triển của chủ nghĩa nhân đạo từ thế kỉ XVII (Nguyễn Dữ) sang thế kỉ XVIII (Nguyễn Du). Một thế kỉ mới đã họa hình nên nét chân dung tinh thần mới cho hình tượng người phụ nữ. Đó cũng là khác biệt trong cái nhìn của hai tác giả, là sự chuyển đổi cảm hứng từ ưu thời mẫn thế sang chủ nghĩa nhân văn, từ con người của lăng kính đạo lý sang con người của ý thức cá nhân.
Tổng kết
- Hai tác phẩm trên chính là minh chứng làm sáng tỏ lời khuyên của Raxun Gamzatop.
- Đánh giá về nhà văn và bạn đọc
(Lưu ý: Các tác phẩm yêu cầu trên có thể được thay thế bằng những tác phẩm khác, có thể là:
- "Tiến sĩ giấy" và "Vịnh khoa thi hương": đề tài nho học thi cử.
- "Thu điếu" và "Đây mùa thu tới": đề tài mùa thu.
- ...
Cách bàn luận và triển khai bài viết vẫn giống ví dụ trên)
(Thầy Trần Lê Duy)
Xem thêm: Lý luận văn học: "Xuyên qua ngôn ngữ, người ta có thể khái quát, cảm nhận hiện thực"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận