Những khoảnh khắc vô tận trong văn học

Đọc các tác phẩm văn học, ta sẽ bắt gặp rất nhiều khoảnh khắc vô tận ngắn ngủ về thời gian vật lý nhưng vô tận về ý nghĩa nhân sinh.

Đỗ Thu Nga
12:00 02/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

Đọc tác phẩm văn học ta luôn bắt gặp những khoảnh khắc vô tận ngắn ngủi về thời gian vật lí nhưng vô tận về ý nghĩa nhân sinh.

Đó là khoảnh khắc Thúy Kiều “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa” (Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Đó là khoảnh khắc Vũ Như Tô nhận ra mộng lớn không thành. Cửu Trùng Đài cháy thành tro bụi (Vũ Như Tô – Nguyễn Huy Tưởng)

Đó là khoảnh khắc Mị vụt chạy theo A Phủ để tìm đường sống (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)

Từ những gợi ý trên và những trải nghiệm khi đọc tác phẩm văn học yêu thích, anh (chị) hãy viết bài văn với nhan đề “Những khoảnh khắc vô tận”

BÀI VIẾT:

“Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho dòng nước mắt, biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên” (Đặng Tiến – Vũ trụ thơ). Có phải chăng, nghệ thuật sinh ra đã mang trong mình sứ mệnh cao cả là cải tạo hiện thực? Phải chăng sứ mệnh thiêng liêng của người cầm bút chính là tìm được những hạt ngọc trong bề sâu tâm hồn người và đóng băng chúng vĩnh cửu trong ngôn từ thơ ca để tìm ra những giá trị nhân loại trọn vẹn thời gian và không gian lịch sử? Vây nên, qua sự đọc, ta bắt gặp “những khoảnh khắc vô tận” đong đầy mãi nơi nhịp thở con tim bởi đó chính là hạt ngọc tâm hồn, là những giá trị nhân loại, là tiếng hát vô biên, vĩnh hằng của văn chương.

Nghệ thuật là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, là lương tri, là cuộc đời, là nàng thơ mà chỉ ai yêu thiết tha, nồng nàn mới có thể thấu hiểu và nâng niu. Từng vệt đen trên trang sách không phải là con chữ nằm thẳng đơ trên trang giấy mà chính là “những khoảnh khắc vô tận” được nhà văn bất tử hóa đóng khung vào ngôn từ văn chương. Từng milligram quặng chữ quý báu ấy tuy ngắn ngủi về thời gian vật lí, chỉ cần một cái liếc mắt hay tích tắc đồng hồ là có thể thấu hiểu nhưng lại bất tận với thời gian nhân sinh. Có những câu văn rất nhanh để hiểu nhưng thật lâu để thấm nhuần, để khắc sâu vào tâm hồn, có khi là một ngày, một tháng hoặc cả đời người. Hoặc cũng có thể, chính câu văn ấy đã mang trong mình một thời đại văn chương, ôm ấp lí tưởng cao cả hay cả những tâm tư tình cảm đong đầy trắc trở.

Văn chương bắt nhựa từ cuộc sống mà nở thành hoa. Cuộc sống lại muôn màu muôn vẻ nên vườn hoa ngôn từ mang trong mình những cung bậc cảm xúc chẳng thể thấu hiểu dễ dàng. Qua ngòi bút nhà văn, lý tưởng sinh sôi lại trở thành những hình thức nghệ thuật đầy vẻ đẹp và qua cái nhìn, trí tưởng tượng phong phú của người đọc, các hình thức ấy lại vận động khác nhau để lại những khoảng trống len lỏi vào trái tim độc giả. Vì vậy, tác phẩm nghệ thuật đa dạng và muôn màu, đòi hỏi phải suy ngẫm, trăn trở để có thể thấu tỏ. Và hơn thế. ‘Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc trong sạch và phong phú hơn” (Thạch Lam). Để hiện thực hóa nhiệm vụ đó, để nghệ thuật không bao giờ chết, tác phẩm phải đúc kết, nắm bắt được những chi tiết đắt giá, vĩnh hằng, những khoảnh khắc dẫu ngắn ngủi nhưng giàu ý nghĩa nhân sinh. Đó có thể là một bức tranh in bóng thời đại, một bức chân dung với tâm hồn người cao quý, đẹp đẽ với các giá trị chân – thiện – mỹ thanh cao, thuần khiết. Từ đó, nghệ thuật khơi gợi nơi người đọc những ý nghĩ sâu xa, gợi mở những khát vọng hướng tới chân lí, ăn mòn cái xấu xa, đê tiện, nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng, yêu thương hơn. Và từ đó, nghệ thuật đạt được cái mục đích tối thượng mà nó luôn khát khao vươn tới: cải tạo hiện thực và làm đẹp tâm hồn đa cam của con người. Tóm lại, “những khoảnh khắc vô tận” chính là thước đo của một tác phẩm nghệ thuật chân chính, nó thể hiện đặc trưng văn học hướng về con người và lưu giữ cái tính người trong con người và sứ mệnh cải tạo hiện thực của văn chương.

nhung-khoanh-khac-vo-tan-trong-van-hoc-7

Có thể nói, “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm”. Một tác phẩm hay phải là một tác phẩm tóm gọn được mọi vẻ đẹp của cuộc sống, là một lát cắt thảo mộc mà từ đó mở ra đầy trăm hoa, mật ngọt cho đời. Vậy nên, một ngòi bút có thần phải là ngòi bút nắm bắt được những điểm sáng ấy để bộc tỏ với độc giả những vấn đề nhân sinh. Hãy đến với “Chí Phèo” cùng chi tiết giọt nước mắt – khoảnh khắc vô tận làm nên bụi vàng của truyện ngắn Nam Cao. Để từ đó, ta rút ra được cho bản thân một bài học trông nhìn và hưởng thức.

Qua “Chí Phèo”, Nam Cao đã gióng lên cho ta một bức tranh ảm đạm của xã hội đầy rối ren, tàn ác cùng cuộ sống nhuốm màu thê lương của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Người nông dân hiện lên đầy đặc sắc không chỉ vì quá trình tha hóa bị tước đi quyền làm người đầy đau đớn, vật vã mà còn bởi tính cách lương thiện, những phẩm chất tốt đẹp không bao giờ chết nới con người họ. Chí Phèo cùng với giọt nước mắt chính là minh chứng cho vẻ đẹp vĩnh hằng đó. Có thể nói, với Nam Cao, giọt nước mắt chính là miếng kính biến hình vũ trụ, là thước đo nhân cách của một tâm hồn. Theo nhà văn, khi nào con người ta còn rơi nước mắt, khi ấy, tâm hồn của họ vẫn chưa chết. Việc “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” “ôm mặt khóc rưng rức” – giọt nước mắt đầu tiên lăn dài trong tác phẩm hiện lên, như một phút giây ngắn ngủi mà bất tận kéo dài mãi trong tâm khảm rồi lặn đi trong thinh không để lại trong lòng bạn đọc biết bao hồi âm, suy nghĩ. Chi tiết đủ ngắn khi chớp mắt đã đọc xong nhưng cũng dài bất tận cùng với nỗi đau tột cùng của mối tình đầu tan vỡ, của nỗi đau đớn dày vò bị tước đoạt quyền làm người, của ước mơ, của thiên lương bị vụt tắt. Chi tiết “giọt nước mắt” ấy thấm đượm biết bao sầu muộn nhưng cũng nên thơ biết bao khi tô vẽ nên một tâm hồn dẫu khô cằn bởi những cơn say triền miên nhưng lại lấp lánh biết bao khát vọng cháy bỏng, nuối tiếc muốn sống một cuộc sống tốt đẹp. Chi tiết giọt nước mắt khép lại nhưng nốt nhạc trầm buồn về nó cứ vang mãi đến vô cùng khiến ta thêm hi vọng về một tâm hồn lương thiện không bao giờ chết, làm tâm hồn ta nặng trĩu bởi hình ảnh những con người khắc khổ cứ miên man tìm về miền hạnh phúc, vùng vẫy mãi rồi biến mất nơi cái ao đời bằng phẳng. Đồng thời, nó cho ta biết về bức tranh đời sống đượm màu lạnh ngắt của lịch sử và hơn cả mở ra trong lòng ta sự trân quý vẻ đẹp tâm hồn người không bao giờ mất đi, dẫu là những người bị cuộc sống đọa đày tới tận cùng bể khổ. Vậy nên, khoảnh khắc giọt nước mắt của Chí Phèo lăn cuống như ngưng đọng thời gian, vĩnh cửu in hằn trong tim ta như vết thương lòng không bao giờ dứt và biết đâu chừng, trên má ta, giọt nước mắt cũng lăn xuống tự khi nào.

Tạm rời xa Nam Cao, hãy tìm đến với Nguyễn Tuân trên hành trình “đi tìm cài đẹp trong ánh sáng” để kịp thâu vào tầm mắt mình với những nhịp đập thời gian bất chợt hiện ra rối vụt tắt nhưng lại như đốm sáng soi chiếu, dẫn đường, là linh hồn cho cả tác phẩm. Đó chính là chi tiết: “giọt nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào” trong tác phẩm “Chữ người tử tù” – một bông hoa tươi thắm trên con đường chinh phục cái đẹp của ông.

Đối với Nguyễn Tuân, cái đẹp, cái cao thượng chính là thước đo công minh nhất của nhân cách con người, là trụ cột của mọi nấc thang chân thiện mỹ mà nhà văn hằng ngưỡng vọng. Và vì thế, chi tiết giọt nước mắt cùng cái cúi lạy của viên quản ngục ở cuối tác phẩm đã được ông trìu mến, gửi gắm vào đó biết bao tâm tư. Giọt nước mắt chính là tấm gương gợi sự đa chiều giữa viên quản ngục và nghệ thuật, giữa nghệ thuật và con người. Giọt nước mắt ấy chính là giọt nước mắt hối hận của viên quan trước những năm tháng bế tắc thỏa hiệp với cái ác nơi ngục tù tăm tối, là giọt nước mắt tri ân đến Huấn Cao – người tri kỉ đã dùng đến con chữ để viên quan trở về với bản ngã đích thực. Đồng thời, đó chính là giọt nước mắt chỉ dành cho cái đẹp, để tạ ơn cái đẹp và tôn thờ nó ở ngai vàng cao nhất của sự sống. Hành động cúi lạy của viên quan không những không làm nhân cách ông thấp hèn đi mà tôn ông lên vị trí cao nhất của sự liêm khiết, trong sáng, thánh thiện. Chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi thôi, Nguyễn Tuân đã lột tả được khả năng cứu chuộc con người của cái đẹp, cái tài hoa. Khoảnh khắc ấy như sống mãi và rồi bất tử như chính cái đẹp bất tử trước vạn vật, trước thời gian tạo hóa. Như vậy, chính giây phút ấy, ta thêm phần ngưỡng mộ trước nhân cách sáng ngời ủa viên quan và thêm trầm trồ trước sự cứu rỗi của nghệ thuật đối với con người. Quả thật “những khoảnh khắc vô tận” ấy làm cho những gì đẹp đẽ nhất trên đời trở nên bất tử.

Vậy, văn chương muốn thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của nó, phải bằng mọi giá, như thứ nước rửa ánh nhiệm màu, vẽ lại những giây phút lắng đọng, trọn vẹn thời gian và không gian lịch sử, như ôm ấp bao kiếp người, nắm trọn mọi vấn đề thời đại. Chỉ có thế, cát bụi thời gian vô thủy vô chung mới chẳng thể ăn mòn văn chương và được độc giả tiếp nhận và cũng chỉ có thế, nghệ thuật mới cải tạo thực tại và làm cho sự sống tốt đẹp hơn. Muốn như vậy, nhà văn cần trau dồi cái tâm, cái tài của mình để kịp chớp lấy những khoảnh khắc thiêng liêng, đắt giá. Bên cạnh đó, người đọc cũng phải: “Dùng con mắt thời đại anh để nhìn trời mưa cũ” để thấu hiểu hết bài học nhân sinh mà tác giả gửi gắm.

Tác phẩm nghệ thuật không bao giờ kết thúc ở cuối trang sách, nó vẫn tiếp tục tồn tại như một lực lượng sống nội tâm, luôn chất chứa những nỗi đau mình, đau đời tha thiết bởi mỗi dòng chữ đều là “những khoảnh khắc vô tận” sớm phai tàn theo thời gian vật lí nhưng sống mãi trong thiềm thức độc giả.

(Tô Gia Trân - Lớp 11.5, Trường THTH ĐHSP, năm học 2017 0 2018)

Xem thêm: Nạn đói trong văn học: "Chữ nghĩa tôi run rảy khi viết về nạn đói"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận