Nạn đói trong văn học: "Chữ nghĩa tôi run rảy khi viết về nạn đói"

Nạn đói khủng khiếp chắc chắn đã ám ảnh các nhà văn, để từ đó, họ viết nên những truyện, những hồi ký ám ảnh người đọc về sau.

Đỗ Thu Nga
10:00 06/02/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Chữ nghĩa tôi run rẩy khi về nạn đói”

Về nạn đói, Tô Hoài viết: “Mỗi khi chợt nghĩ lại, tôi vẫn bàng hoàng về những năm khủng khiếp ấy”, viết về nạn đói thì tác giả Dế Mèn thấy “chữ nghĩa tôi run rẩy, thổi bay được. Khủng khiếp quá”.

Vậy, những chuyện gì đã ám ảnh Tô Hoài khiến mấy chục năm sau nhà văn lão thành vẫn rùng mình? Trong cuốn Chuyện cũ Hà Nội, Tô Hoài với tư cách một nhân chứng đã ghi lại muôn mặt đời thường của Hà Nội những năm 1930-1945.

Ông kể trong nạn đói, trẻ em bị rẻ rúng, được đưa đi buôn bán như mua gà bán lợn: “Lại thêm người đói các nơi ùn tới. Trong đầu chợ, nhan nhản người đem bán trẻ con. Ở làng tôi, người quảy trẻ con sang bán ở các chợ bên kia sông Hồng. Có người chuyên đi buôn trẻ con, như thời thường mua bán gà lợn. Nhưng đâu bây giờ cũng hết cái ăn, ai còn mua trẻ con làm gì. Bắt đi lắm khi lại dắt về. Khốn khổ”.

Hà Nội tuy không phải là nơi nạn đói hoành hành, nhưng người đói đổ về đây những rất nhiều. Phố phường Hà Nội trong cơn đói được miêu tả: “Càng phấp phỏng, càng hoảng hốt khi trông thấy lũ lượt người đói các nơi kéo vào… Người ngồi, người chết la liệt các vỉa hè. Suốt ngày đêm xe kéo xác chết lầm lũi qua”.

Ánh mắt của những nạn nhân cơn đói được Tô Hoài khắc đi khắc lại trong bài Chết đói. Ở mấy làng ven nội thành và trong thành phố thì “chỉ bị khiếp đảm xanh mắt về nạn đói, chưa đến nỗi phải chết”.

Hay nhà văn viết về anh Bùng - người bị suy kiệt vì đói: “Tôi vẫn nhớ cái cổ cò lộ hầu, đôi mắt tinh nhanh khi anh nói trước đây, khác hai con mắt anh lờ đờ những ngày đói”.

Vinh - con nhà dì của Tô Hoài - cũng đói xanh mắt: “Có gì mà ăn lúc này! Chân tay nó khẳng khiu, xám ngắt. Tôi có thể đoán cái đói bằng con mắt Vinh. Mắt Vinh cứ xanh dần lên. Có hôm mắt nó xanh lét như mắt mèo. Đói xanh mắt - có thế thật. Các cụ ngày trước đã ví chẳng sai".

Những dáng người ban đầu còn khỏe, sau suy kiệt dần được Tô Hoài miêu tả: "Mới hôm nào anh Bủng khỏe mạnh hẳn hoi mà bây giờ xanh rớt. Người vốn gầy cao lêu đêu, cứ rạc đi như que. Vào nhà tôi, hai bàn chân anh đễ nề to ra, không bước lên nổi thềm đá bậc cửa”.

Hay một người tên Hiền - cùng tuổi, cùng xóm với Tô Hoài: “Hiền phải lê la kiếm miếng trên chợ, trông đã tã lắm, ngụp đến nơi rồi. Hiền ngồi một chỗ, đầu rũ xuống, thở khù khừ như con mèo ốm”.

Trong Chuyện cũ Hà Nội, Tô Hoài cũng trích lại những thông tin về nạn đói của phóng viên tờ Tin Mới. Những thông tin này bị kiểm duyệt của phát xít Nhật cắt bỏ, nhưng thợ in đã đem cho Tô Hoài chuyển cho báo Cứu Quốc.

Đoạn trích này cho thấy trong cơn đói, người ta chôn cả những những người còn thoi thóp: “Khi đi nhặt xác, gặp ai ngắc ngoải, bọn này cũng lôi đi chôn, vì nếu có để lại thì rồi cũng đến chết nốt. Lúc bị vùi xuống hố, những người ấy còn chắp tay van lạy nhưng bọn người đi chôn cũng cứ lấp đất đi vì không chôn được người thì không được trả công”.

Ở bài Chết đói, Tô Hoài cũng kể việc ông và những người thân trong gia đình, bạn bè lao đao vì nạn đói: “Năm ấy, Nam Cao lên ở với tôi. Viết truyện kiếm thêm, năm thoảng ba thì mới được cầm đồng tiền. Nam Cao dạy mấy đứa cháu anh Khôi tôi ở làng trên. Anh Khôi đã ý tứ trả công thầy giáo bằng gạo. Phỏng thử chẳng có những xó gạo ấy, không biết chúng tôi có mắt xanh lè giống thằng Vinh, hay còn thế nào nữa”.

Bài Ô Cầu Dền trong tập tản văn Bát phố, nhà văn Bảo Sinh nhắc về nạn đói: “Năm 1945, đây là mả chôn chung của nạn nhân chết đói. Hàng ngày, xe bò chở đầy xác chất trên phủ mảnh chiếu, chân tay thò ra ngoài, lọc cọc, rập rình, xe đu đưa những cánh tay, cẳng chân cũng đu đưa theo. Xác chết được đổ đầy vào một cái hố chôn chung, sau đó lấp đất phẳng, không có dấu hiệu mồ mả gì cả”.

Cái đói, cái chết đi vào những dòng thơ đầy nhân văn của nhạc sĩ, nhà văn Văn Cao. Trong bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Văn Cao viết: “Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác/ Đi vào ngõ khói công yên/ Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền/ Hương nha phiến chập chờn mộng ảo/ Bánh nghiến nhựa đường nghe sào sạo/ - Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe/ Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề/ Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực..."

nan-doi-trong-van-hoc-chu-nghia-toi-run-ray-khi-viet-ve-nan-doi-7

Bi kịch của phận người trong cơn đói

Nhà văn Nam Cao - người được Tô Hoài cho biết sống sót qua nạn đói nhờ ít gạo trả công dạy học - dường như ám ảnh lớn với cái đói. Các truyện ngắn của ông, mỗi truyện khắc họa một bi kịch khác nhau của phận người trong cái đói, cái nghèo.

Truyện Trẻ con không biết đói mở đầu: “Người mẹ bê rổ chuối luộc lên. Ba đứa con nhỏ sà ngay đến y như những con gà con trông thấy một đoạn giun trên mỏ mẹ”.

Hoặc nhân vật bà lão trong Một bữa no được miêu tả với hoàn cảnh đói triền miên: “Hơn ba tháng, bà lão chỉ ăn toàn bánh đúc. Mới đầu, còn được ngày ba tấm. Sau cùng thì một tấm cũng không có nữa. Tiền hết cả. Mỗi sáng, bà ra chợ xin người này một miếng, người kia một miếng. Ai lấy đâu mà ngày nào cũng cho như vậy?”

Văn chương không chỉ khắc họa sự thảm khốc của nạn đói, mà còn kể những câu chuyện mang hơi ấm tình người trong hoạn nạn.

Bà đói, khóc, cho đến lúc không còn sức mà khóc nữa, thì chợt “sáng trí”, nghĩ ra đứa cháu đang đi ở cho nhà bà phó Thụ. Bằng tất cả sức lực còn lại, bà lão đi thăm cháu.

Đoạn hội thoại đầy nước mắt khi bà lão gặp “cái đĩ” cháu bà đã cho thấy tất cả tình cảnh đói cùng quẫn: “Bà đến xin bà phó một bữa cơm ăn đây! Bà đói lắm”, “Chỉ nhịn thôi chứ lấy gì mà ăn”.

Một người đói quá lâu, cho tới khi có được một bữa no thì cơ thể không thể chịu được bữa no bất thường ấy, rồi bà lão lăn ra chết. Ở đây, khi có được một miếng ăn rồi, người đói cũng chẳng thể thoát khỏi bi kịch.

Truyện Vợ nhặt in trong tập Con chó xấu xí của Kim Lân trở nên quen thuộc với bao độc giả vì trích đoạn tác phẩm này được đưa vào chương trình giảng dạy văn học trong trường phổ thông. Truyện lấy bối cảnh nạn đói năm 1945 tràn lan khiến người chết như ngả rạ, người sống dật dờ như những bóng ma.

Tràng là người xấu xí thô kệch, làm nghề kéo xe bò thuê và sống trong xóm ngụ cư cùng mẹ già. Trớ trêu thay, chỉ bởi nạn đói mà người như Tràng “nhặt” được vợ. Với một bữa ăn bốn bát bánh đúc, lời chọc ghẹo bâng quơ: “Muốn ăn cơm trắng với giò/ Thì lên mà đẩy xe bò với anh”, mà có cô gái theo Tràng về làm vợ.

Trước cái đói, phải đối diện tử thần, nhiều người mất nhân tính, cốt có cái đưa vào miệng. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, vẫn có những câu chuyện xúc động.

Truyện ngắn Tình người trong tập Hai chậu lan tố tâm của Phan Du, kể về Thuận - 15 tuổi mồ cô cha mẹ, đi theo chuyến xe xác của ông Cẩm - 65 tuổi, người chuyên kéo xe chở xác chết tới bãi tha ma.

Trong cái nghèo, cái đói, và sự cô độc ấy, hai mảnh đời tìm thấy hơi hơi ấm tình người qua một cái siết tay, một nén nhang cho người chết không ai đưa tiễn.

Xem thêm: Cái nhìn văn hóa của Kim Lân trong tác phẩm "Vợ nhặt"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận