Ý nghĩa nhan đề các tác phẩm văn học 12: 2k6 phải nhớ!

Ý nghĩa nhan đề cũng xuất hiện trong các đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia, vì thế, các bạn học sinh 2k6 đừng bỏ qua nhé.

Đỗ Thu Nga
12:00 29/02/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tác phẩm "Người lái đò sông Đà"

- Nhan đề “Người lái đò sông Đà” trước hết gợi cho người đọc về nhân vật trung tâm của tác phẩm đó là ông lái đò – một người lao động tại vùng sông nước Tây Bắc. Ông lái đò vừa có những vẻ đẹp của một người lao động bình thường, vừa có phẩm chất của một người nghệ sĩ tài hoa. Đồng thời, nhan đề cũng nhấn mạnh đến một hình tượng không kém phần quan trọng của tác phẩm là con sông Đà. Vẻ đẹp thiên nhiên của sông Đà hiện lên đầy hùng vĩ, hung bạo nhưng cũng không kém phần thơ mộng, trữ tình.

- Qua nhan đề trên, Nguyễn Tuân muốn khẳng định vẻ đẹp của con người lao động ở vùng núi Tây Bắc trong công cuộc chinh phục thiên nhiên để kiến thiết quê hương đất nước.

Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông"

- Nhan đề “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” lấy từ câu hỏi bâng khuâng của một nhà thơ Hà Nội khi lặng ngắm dòng sông. Bài ký lý giải tên dòng sông bằng một huyền thoại mỹ lệ: “Người làng Thành Chung có nghề trồng rau thơm. Ở đây kể lại rằng vì yêu quý con sông xinh đẹp, nhân dân hai bờ sông đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước thơm tho mãi mãi”. Huyền thoại ấy đã trả lời câu hỏi: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Rất có thể tác giả muốn khẳng định: chính những người dân bình thường – những người sáng tạo ra văn hóa, văn học, lịch sử “đã đặt tên cho dòng sông”. Với nhan đề như vậy, tác giả muốn lưu ý mọi người về một cái tên đẹp của dòng sông và cũng là cái cớ để tác giả ngợi ca vẻ đẹp của quê hương. Gợi lên niềm biết ơn đối với những người đã khai phá miền đất này, niềm tự hào về quê hương.

y-nghia-nhan-de-cac-tac-pham-van-hoc-12-2k6-phai-nho-0

Tác phẩm "Rừng xà nu"

- Ý nghĩa tả thực: Cây xà nu - một loài cây sống thành rừng ở Tây Nguyên. Loài cây này có sức sống mãnh liệt, không chịu khuất phục trước sự thay đổi của thời tiết.Cây xà nu luôn gắn bó mật thiết và quan hệ chiếu ứng với cuộc sống của người dân Tây Nguyên.

- Ý nghĩa biểu tượng:

+ Là hình ảnh gắn bó máu thịt giữa tác giả và những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời chiến đấu và viết văn tại chiến trường Tây Nguyên.

+ Là một biểu tượng cho con người Tây Nguyên anh hùng, mà cụ thể trong tác phẩm là nhân dân làng Xô Man với những con người ưu tú: cụ Mết, Tnú, Dít...

+ Qua sức sống mãnh liệt của rừng xà nu, sinh sôi nảy nở không ngừng, bất chấp đại bác tàn phá mỗi ngày. Nhà văn nói đến nỗi đau và sức sống, phẩm chất kiên cường bất khuất của nhân dân Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa"

- “Chiếc thuyền ngoài xa” là một nhan đề mang tính biểu tượng, hé mở tình huống truyện, thể hiện chủ đề của tác phẩm. Nhan đề bao gồm đối tượng quan sát là “chiếc thuyền", cự li quan sát là “ngoài xa”, người quan sát là nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng.

- “Chiếc thuyền” vừa là nơi cư ngụ của các gia đình làng chài nghèo khổ, vừa là điểm chốt xuất hiện ở trong bức tranh nghệ thuật của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng sau nhiều ngày mai phục.

- “Ngoài xa” là khoảng cách điểm nhìn của người nghệ sĩ tính từ bờ đến chiếc thuyền.

=> Cùng một người quan sát, cùng một đối tượng quan sát, nhưng ở các cự ly khác nhau sẽ cho những kết quả khác nhau, dẫn đến nhận thức khác nhau. Chính sự tàn nhẫn giữa ngoại cảnh và hiện thực cuộc sống được quan sát ở nhiều góc độ khác nhau khiến cho nhan đề tác phẩm gợi rất nhiều ý nghĩa.

- Chiếc thuyền ngoài xa xuất hiện trong truyện ngắn trước hết hướng người đọc về một hình ảnh tuyệt đẹp, nó toàn bích như “một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”. Vẻ đẹp ấy khiến cho người nghệ sĩ bối rối, xúc động, cảm thấy “khám phá thấy chân lý của cái toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng khi con thuyền tới gần, phía sau vẻ đẹp hoàn hảo ấy là bao ngang trái, đau khổ, phũ phàng của người dân làng chài nghèo khổ.

=> Thoạt nhìn sẽ có nhiều hình ảnh rất đẹp nhưng nếu như ta nhìn kĩ vào sâu bên trong bản chất của nó thì hoàn toàn ngược lại. Vì vậy ta cần nhìn nhận đúng đắn và tinh tường: phải có cái nhìn đa diện, nhiều chiều, tránh cái nhìn giản đơn, sơ lược, hời hợt, nhìn hình thức, phát hiện ra bản chất thực sự sau bề ngoài của sự vật, hiện tượng.

- Đồng thời nhan đề còn gửi một thông điệp giản dị tới những người nghệ sĩ về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật: Nghệ thuật đích thực luôn gắn bó khăng khít với hiện thực cuộc sống, người nghệ sĩ phải có bản lĩnh trung thực để khám phá những hiện thực, dẫu là tàn nhẫn của cuộc sống con người. Chỉ khi nào người nghệ sĩ có trách nhiệm trong cái nhìn hiện thực cuộc sống, có “mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh” thì khi ấy tác phẩm nghệ thuật mới đạt được giá trị cao nhất. Ấy là “giá trị nhân đạo”.

Tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"

- Nhan đề “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” gợi ngay cho độc giả về hai hình ảnh của “hồn” và “da”, cũng như đó chính là hai yếu tố quan trọng của một con người. Trong khi da thịt là phần thân xác cụ thể, là những điều có thực thì hồn là điều rất trừu tượng. Chẳng ai nhìn thấy linh hồn bao giờ, nhưng người ta tin rằng thân xác có chứa đựng linh hồn. Hồn nào thân xác đó, nhưng mâu thuẫn trong vở kịch này lại là hồn một nơi người một nẻo.

- Nếu như da hàng thịt là biểu tượng cho vẻ bề ngoài, thì hồn trương ba là đại điện cho thế giới tâm hồn. Người xưa đã hay nói rằng: “Đừng trông mặt mà bắt hình dong” vì chẳng thể nhìn vẻ bề ngoài mà đánh giá được phẩm chất, nhân cách của một người nào đó. Trong khi hồn Trương Ba là biểu tượng cho vẻ đẹp thanh tao, thì trái ngược với nó là bộ mặt bặm trợn, xấu xa của thân xác anh hàng thịt. Hai thứ tưởng chừng như chẳng thể hòa hợp nào với nhau lại đang phải bắt cặp, sánh đôi cùng nhau.

- Nhan đề “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một hình tượng nghệ thuật phản ánh hiện thực cuộc sống con người khi bị rơi vào nghịch cảnh, phải sống giả tạo bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo, không được sống là chính mình. Đặc biệt thông qua ý nghĩa nhan đề và cái chết của nhân vật Trương ba, người ta càng thấy được khao khát được sống với chính mình của con người càng trở nên mãnh liệt dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Chết không hẳn là kết thúc, mà nó là một cách để ta được thoải mái, thảnh thơi tìm thấy đúng linh hồn của mình.

Tác phẩm "Vợ nhặt"

- “Vợ nhặt” là cụm từ được ghép bởi danh từ “vợ” và động từ “nhặt”. Nhưng khi ghép thành một từ thì động từ “nhặt” trở thành tính từ, “vợ nhặt” ở đây dùng để định danh một loại vợ.

- “Nhặt” mang tính chất vô tình ngẫu nhiên, thông thường người ta chỉ nhặt những đồ vật, vật dụng nhỏ bé như nhặt cọng rơm ngọn cỏ…

=> Trong thực tế hai từ này không bao giờ đi liền với nhau và ở trong thế tương lập đối phản. Lấy vợ cưới chồng là một chuyện hệ trọng của cả đời người. Theo quan niệm và phong tục truyền thống của dân tộc ta, việc cưới xin phải được tiến hành với những nghi lễ trang trọng và thiêng liêng. Người ta thường đi hỏi cưới vợ chứ chả ai lại đi “nhặt” vợ bao giờ. Vậy mà đặt trong truyện ngắn của Kim Lân, nhân vật anh cu Tràng lại đi “nhặt” vợ, đưa một người phụ nữ xa lạ về làm vợ mà không cưới hỏi gì giữa lúc cái đói cái chết đang rình rập đe dọa tính mạng. Điều này khiến cho sự nghiêm túc thiêng liêng lại trở thành trò đùa.

- Nhan đề “Vợ nhặt” gắn chặt với bối cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm, phản ánh một tình cảnh đầy bi hài, khốn khổ đó là số phận thê thảm của những người phụ nữ trong nạn đói năm 1945. Ẩn chứa sau nhan đề “Vợ nhặt” là những suy ngẫm của tác giả, đó là sự trăn trở, xót xa trước giá trị thấp kém của con người trong hoàn cảnh éo le, bi kịch. Đồng thời vừa bộ lộ sự cưu mang đùm bọc và thể hiện khát vọng niềm tin mãnh liệt hướng tới tương lai, vừa lên án tố cáo xã hội xã hội phong kiến và bọn thực dân đẩy con người vào tình cảnh khốn cùng.

- Thêm vào đó, không thể phủ nhận rằng khi đọc nhan đề “Vợ nhặt” chung ta bắt gặp một điều gì đó rất lạ lùng, rất hút, cái tên nghe có vẻ lạ lùng này đã giúp cho độc giả tò mò và nhất định phải đọc, tìm hiểu câu chuyện này.

Tác phẩm "Sóng" 

- Sóng không chỉ là yếu tố tự nhiên được cấu thành mà còn là hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng người con gái đang yêu,là sự hóa thân,phân thân của nhân vật trữ tình.

- Xuyên suốt bài thơ là hai hình tượng nổi bật “sóng” và “em”. Sóng là em và em cũng là sóng, tuy hai mà một tuy một nhưng lại là hai. Hai hình tượng ấy có lúc tách đôi ra để soi chiếu cho nhau, có lúc lại hòa nhập vào nhau để tạo ra sự cộng hưởng. Hai hình tượng ấy đan cài, quấn quýt với nhau như hình với bóng.

- Xuân Quỳnh đã khéo léo mượn hình ảnh “sóng” để thể hiện những cảm xúc, cung bậc tình cảm của trái tim khao khát yêu thương. Nổi bật trong bài thơ là vẻ đẹp tâm hồn thiết tha nồng hậu và niềm khao khát của người phụ nữ về một tình yêu thủy chung, bất diệt.

Tác phẩm "Việt Bắc"

- Việt Bắc là địa danh ở phía bắc miền Bắc Việt Nam, là chiến khu cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

- Việt Bắc không chỉ khơi gợi niềm tự hào về vẻ đẹp quê hương đất nước mà còn về Trung ương, Chính phủ, Bác Hồ, về người cách mạng và nhân dân Việt Bắc đã đoàn kết 1 lòng để lập nên những chiến công vang dội.

- Là để gợi nhắc những sự kiện, những kỉ niệm của một thời kì kháng chiến gian khổ mà hào hùng, lạc quan cùng những nghĩa tình sâu nặng giữa nhân dân với cách mạng và kháng chiến ở Việt Bắc.

- Hai chữ "Việt Bắc" như một sự hội tụ khắc sâu tình cảm thuỷ chung son sắc của nhà thơ - người cán bộ kháng chiến đối với quê hương. Đồng thời, đó là lời nhắn nhủ của nhà thơ rằng: Hãy nhớ mãi và phát huy truyền thống quý báu anh hùng bất khuất, ân tình thủy chung của cách mạng, của con người Việt Nam.

Tác phẩm "Tây Tiến"

- Bài thơ này ban đầu có tên là “Nhớ Tây Tiến” nhưng sau khi in lại đã được tác giả đổi tên thành “Tây Tiến”. Vì theo ông, hai chữ Tây Tiến đã đủ để gợi nhớ, tức là tạo một nhan đề cô đọng và không bị lộ mạch cảm xúc ngay từ đầu. Nó cũng tạo cho ta có cảm giác tác giả đang sống thực với đất và người Tây Tiến. Mặt khác hai chữ Tây Tiến còn gợi lên một tư thế hiên ngang, chủ động.

- Tây Tiến là tên một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt – Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân đội Pháp ở Thượng Lào cũng như miền tây Bắc Bộ Việt Nam.

- Chiến sĩ trong đoàn quân này phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có nhiều học sinh, sinh viên (như nhà thơ Quang Dũng). Chiến đấu khắp các địa bàn thuộc tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa, Sầm Nứa (Lào), trong những hoàn cảnh rất gian khổ, vô cùng thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội, nhưng "họ sống rất lạc quan và chiến đấu dũng cảm”. Đoàn quân Tây Tiến, sau một thời gian hoạt động ở Lào, trở về Hòa Bình thành lập trung đoàn 52.

- Nhan đề gợi về một thời chiến đấu gian khổ với hình tượng chân dung người lính Tây Tiến – những người anh hùng với vẻ đẹp hào hùng và rất đỗi hòa hoa.

Xem thêm: Cảm nhận đoạn văn: “Từ đây như tìm đúng đường về, sông Hương vui tươi hẳn lên […] một nỗi lòng”

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận