Giải đề: "Cái đẹp mà văn học đem lại không phải cái gì khác hơn cái đẹp của sự thật đời sống..."

"Cái đẹp mà văn học đem lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật", (GS Hà Minh Đức).

Đỗ Thu Nga
12:00 13/03/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

"Cái đẹp mà văn học đem lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật" (GS Hà Minh Đức)

Anh/chị hiểu thế nào về nhận định trên? Hãy làm sáng tỏ bằng cách phân tích sơ đồ không gian trong truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao): Cái lò gạch bỏ không – Nhà tù – Túp lều – Chí Phèo – Cái lò gạch bỏ không.

GỢI Ý GIẢI ĐỀ:

Giải thích

- Cái đẹp: Các yếu tố thẩm mỹ trong tác phẩm văn học. Đó có thể là cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của phong tục, cái đẹp của con người…

- Sự thật đời sống: Các vấn đề hiện thực đời sống trở thành nguồn chất liệu cho tác phẩm văn học.

- Khám phá một cách nghệ thuật: Các yếu tố về hình thức nghệ thuật.

→ Tóm lại, nhận định của giáo sư Hà Minh Đức đã bàn luận đến đặc trưng của tác phẩm văn học:

+ Về mặt nội dung, mỗi tác phẩm văn học phải truyền tải cái đẹp từ chính hiện thực cuộc sống.

+ Vẻ đẹp ấy cần gắn với một hình thức nghệ thuật độc đáo, sáng tạo, phù hợp với nội dung.

Bàn luận

Nhận định của Giáo sư Hà Minh Đức là hoàn toàn xác đáng.

1.Tại sao văn học cần phải gắn với cái đẹp?

- Trong nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ góp phần định hướng tư duy theo tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ. Những nghệ sĩ chân chính, qua hoạt động nghệ thuật của mình, đã khẳng định những tư tưởng tiến bộ, nhằm phục vụ điều thiện và chính nghĩa.

- Thiếu khát khao vươn tới cái đẹp, nghệ thuật sẽ mất đi sức mạnh cơ bản của nó, sẽ không thể thanh lọc tâm hồn con người và cải tạo xã hội. Cho nên, nghệ thuật không những phản ánh quy luật của đời sống mà còn phản ánh cách đánh giá thẩm mỹ về đời sống.

giai-de-cai-dep-ma-van--9

2. Tại sao “cái đẹp mà văn học đem lại không phải cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống”?

- Hiện thực là nguồn gốc của nhận thức, của ý thức, là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng nghệ thuật và đồng thời là chìa khóa giải thích các hiện tượng phức tạp của nghệ thuật. Chỉ khi hướng về với hiện thực cuộc sống, với đời sống nhân dân, nhà văn mới có thể tìm được cho mình nguồn cảm hứng dồi dào, chất liệu sáng tạo đặc sắc, đáng giá cũng như cho tài năng và vốn sống của mình cơ hội trả qua “lửa thử vàng” để từ đó càng phát triển mạnh mẽ hơn, đặc sắc hơn…

→ Những vẻ đẹp muôn màu muôn sắc của cuộc sống sẽ trở thành nguồn chất liệu đi vào văn học một cách tự nhiên.

3. Tại sao cái đẹp ấy cần được “khám phá một cách nghệ thuật”?

- Do mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức nghệ thuật. Trong tác phẩm văn học, cái đẹp về nội dung không tồn tại một cách riêng lẻ, nó luôn đòi hỏi gắn với một hình thức nghệ thuật phù hợp. Chính hình thức nghệ thuật làm nên hình hài sắc vóc để cái đẹp đó có thể đến được với bạn đọc.

- Trong nhận định của mình, giáo sư Hà Minh Đức nhân mạnh vào từ “khám phá” → Hình thức nghệ thuật trong tác phẩm văn học cần phải mới mẻ, độc đáo, sáng tạo, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình. Bởi yêu cầu về sự sáng tạo là yếu tố sống-còn đối với tác phẩm nghệ thuật.

Chứng minh

1. Phân tích sơ đồ không gian trong truyện ngắn “Chí Phèo”:

- Cái lò gạch bỏ không: Nơi khởi đầu cho số phận đau khổ của Chí Phèo, gợi tới bi kịch số phận của một sinh linh bị chối bỏ, như một số không tròn trĩnh bị ném vào giữa cuộc đời, hoàn toàn không người thân, không gia đình, không tài sản, không nơi nương tựa.

- Nhà tù: Cột mốc làm nên bi kịch tha hóa của Chí Phèo.

- Túp lều Chí Phèo: Không gian diễn ra sự thức tỉnh của Chí sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, và cũng là không gian nơi Chí Phèo bị cự tuyệt, đau đớn và phẫn uất.

- Cái lò gạch bỏ không: Kết thúc tác phẩm làm nên kết cấu vòng tròn đầy ám ảnh, gợi tới số phận quẩn quanh, bế tắc của người nông dân trong xã hội cũ.

2. Bàn luận bám đề

a. Qua hệ thống sơ đồ không gian, Nam Cao đã khái quát lên những “sự thật đời sống” đầy đau đớn:

Xã hội thực dân nửa phong kiến đã dồn đẩy người nông dân vào con đường tha hóa để rồi rơi vào bi kịch bị tước đoạt quyền làm người. Đây là bi kịch có tính chất phổ biến trong xã hội nông thôn Việt Nam trước CMT8.

b. Từ đó, ông đã khám phá ra những vẻ đẹp ở chỗ không ai ngờ tới:

+ Vẻ đẹp nhân tính không thể bị hủy diệt trong tâm hồn Chí Phèo.

+ Vẻ đẹp tình người nơi Thị Nở.

c. Những vẻ đẹp ấy được “khám phá một cách nghệ thuật”:

+Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật

+ Kết cấu đặc sắc

+ Ngôn ngữ sống động, giàu tính khẩu ngữ

+ Nghệ thuật trần thuật đa giọng điệu

+ Tính triết lý…

Tổng kết

- Khẳng định lại vấn đề.

- Đánh giá về sức sống của tác phẩm Chí Phèo và vị trí của Nam Cao trong văn học.

- Bài học rút ra cho nhà văn và bạn đọc

(Thầy Trần Lê Duy)

Xem thêm: Muốn có bài văn hay, trước hết phải biết mở bằng lý luận văn học

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận