Vua Quang Trung và 4 chính sách cải cách có giá trị vượt thời gian khiến hậu bối phải thốt lên: 'Giá như vua sống lâu hơn'
Quang Trung Hoàng đế không chỉ là nhà quân sự lỗi lạc, vị tướng bách chiến bách thắng mà còn là một nhà chính trị xuất sắc những chính sách với tâm nhìn vượt thời gian... Thế nhưng tiếc rằng nhà vua ra đi quá sớm, mộng xây dựng quốc gia giàu đẹp bị dang dở.
Quang Trung - Nguyễn Huệ sinh ra và lớn lên giữa thế kỷ XVIII trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, Đàng Trong chúa Trịnh lấn át vua Le,e Đàng Ngoài chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, đời sống nhân dân rơi vào cảnh lầm than. Ba anh em Nguyễn Huệ (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ) đã dựng cờ khởi nghĩa, nhanh chóng trở thành yếu nhân trụ cột, linh hồn của phong trào nông dân Tây Sơn, dẹp phản loạn, chấm dứt cuộc xâu xé quyền lực của các tập đoàn phong kiến.
Sau khi đánh tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược, ổn định phía Nam, Nguyễn Huệ lại cầm quân ra Bắc diệt chúa Trịnh, sắp xếp cơ đồ và giao lại cho nhà Lê. Nguyễn Huệ trở về trấn giữ Phú Xuân chưa được bao lâu thì nhận tin Mãn Thanh âm mưu thôn tính nước ta. Thấy rõ dã tâm của kẻ thù, trước tình thế vận mệnh quốc gia nguy nan, Nguyễn Huệ đã "ứng mệnh trời, thuận lòng người" lên ngôi Hoàng đế để chính danh gánh vác trọng trách với quốc gia xã tắc.
Lời hiệu triệu toàn dân đánh giặc của vị hoàng đế trẻ tuổi chính là tuyên ngôn của dân tộc bất khuất, là niềm tự hào, kiêu hãnh của người dân đất Việt: "Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.
Với ý chí mãnh liệt và thiên tài quân sự bẩm sinh, trước kẻ thù có lực lượng và tiềm năng gấp đôi, Quang Trung đã tỉnh táo phân tích cục diện, biết địch biết ta, biết lựa chọn thời cơ, mở cuộc tiến công quyết chiến đánh vào trung tâm đầu não của địch. Dưới sự chỉ huy của Quang Trung, quân đội Tây Sơn được sự hậu thuẫn của dân tộc đã tiến công quyết liệt và chớp nhoáng vào Tết Nguyên đán, quét sạch quân Mãn Thanh ra khỏi bờ cõi, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Chiến thắng ở trận Ngọc Hồi - Đống Đa đánh dấu mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc. Đó là chiến thắng đỉnh cao của phong trào Tây Sơn được tạo nên bằng sức mạnh quật cường của những người nông dân chân lấm tay bùn và ý chí độc lập tự do của dân tộc. Đồng thời, đó là minh chứng về tài quân sự kiệt xuất, độc đáo của Quang Trung.
Không chỉ là nhà quân sự lỗi lạc, vị tướng bách chiến bách thắng, vua Quang Trung còn là một nhà chính trị xuất sắc. Từ sau chiến thắng huyền thoại vào Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung đã có những chính sách cải cách với tầm nhìn vượt thời gian khiến cho những hậu bối sau này khi nghiên cứu về thời đại của ông phải thốt lên: Giá như vua Quang Trung sống lâu hơn!
Từ những tư tưởng và chính sách vua Quang Trung đã ban bố, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy có 4 cái "đầu tiên" mà có lẽ phải hai trăm năm sau hậu thế mới đạt được sau khi phải trải qua nhiều cuộc trường kỳ với bao hy sinh, đổ máu.
Thứ nhất, vua Quang Trung là người đầu tiên áp dụng một nền giáo dục phổ thông trong nhân dân. Ngài đã mở trường học ở khắp các thôn xã. Những nơi nào không thể mở trường thì mượn đình chùa làm nơi dạy học.
Điều này, như chúng ta đã biết, mãi đến năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời thì mới có những thành tựu "trẻ em ai cũng được đến trường".
Thứ hai, vua Quang Trung là người đầu tiên đã thực hiện 1 cuộc cách mạng dân tộc là dùng chữ Nôm trong tất cả các chiếu biểu, văn thư hành chính, tài liệu học tập. Ngài đã biến chữ Nôm thành văn tự chính thức của quốc gia.
Cũng như trên, chỉ khi chữ viết ngày nay được công nhận là chữ quốc ngữ thì Việt Nam mới thực sự có được bộ văn tự chính thức, thêm một lần nữa sau chữ Nôm như thời đại Tây Sơn, mà không phải sử dụng chữ Hán.
Thứ ba, vua Quang Trung là vị vua đầu tiên có tư tưởng và cho thực thi việc thông quan buôn bán, giao thương tự do với nhà Thanh ở cửa khẩu và thương buôn phương Tây ở các hải cảng. Đó là thời đại thương nghiệp thịnh vượng bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.
Sau khi nhà Nguyễn lên cầm quyền, giao thương bị hạn chế, cho đến khi quân Pháp tràn vào nước ta. Nhưng đó không phải là nền thương nghiệp của một đất nước tự chủ nữa. Và có lẽ cho đến khi cấm vận kinh tế được dỡ bỏ vào năm 1994, chúng ta mới tiếp bước vua Quang Trung.
Thứ tư, thời đại vua Quang Trung là thời đại ngoại giao vàng son. Từ xưa chưa có một vị vua nào tỏ vẻ lấn áp Trung Hoa như vua Quang Trung. Ông kiên định với tư tưởng "các dân tộc bình đẳng" nên đã không thân hành sí đón sắc phong của vua Càn Long. Đồng thời hủy bỏ tục cống người vàng hàng năm cho nhà Thanh để "đền mạng Liễu Thăng" có kể từ thời vua Lê Thái Tổ.
Thêm lần nữa, tư tưởng này của nhà Tây Sơn bị gián đoạn khi nhà Nguyễn lên cầm quyền. Các vua Nguyễn từ thời Gia Long chấp nhận sự không bình đẳng với nhà Thanh. Cũng phải đợi đến khi Chủ tịch Hồ chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, dân tộc ta mới trở lại vị thế quyền bình đẳng với các quốc gia khác.
Tướng Vũ Văn Dũng khi nghe tin Quang Trung băng hà, làm thơ khóc: Năm năm dấy nghiệp tự thôn nông/Thời trước, thời sau khó sánh cùng/Trời để vua ta thêm chục tuổi/Anh hào Ðường, Tống hết khoe hùng.
Quả như vậy, Quang Trung - Nguyễn Huệ là vị vua kiệt xuất, phi thường của dân tộc Việt Nam. Nếu ông sống lâu thêm vài chục tuổi thì đất nước ta đã khác và chắc chắn lịch sử dân tộc sẽ có nhiều trang hào hùng hơn về một nhà Tây Sơn hùng mạnh, sánh ngang với các đất nước lớn trên thế giới thời đó.
Sự ra đi của vua Quang Trung ở tuổi 39 là một mất mát lớn đối với nhà Tây Sơn, nhân dân đất Việt và hậu nhân. Giá như, vua Quang Trung có thể sống lâu!
Xem thêm: Quyết định quan trọng của Quang Trung sau khi lên ngôi giúp đất nước phát triển, thoát li chữ Hán
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận