Ôn thi tốt nghiệp: Diễn biến tâm lý của Mị khi biết mình trở thành con dâu gạt nợ

Sống trong gia đình nhà thống lí, Mị bị chà đạp cả về thể chất và tinh thần, trên danh nghĩa Mị là con dâu nhưng thực chất lại là người ở không hơn không kém.

Đỗ Thu Nga
15:00 08/05/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Trong chuyến công tác tại Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài đã có dịp sống, cùng ăn, cùng ở với đồng bào dân tộc, cũng chính hoàn cảnh đó đã tạo điều kiện để Tô Hoài thêm am hiểu về con người, văn hóa, phong tục miền núi. Đây cũng là nguồn cảm hứng chính để nhà văn sáng tác “Truyện Tây Bắc” mà đặc sắc nhất trong số đó có thể kể đến truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Trong tác phẩm này, nhà văn không chỉ thành công khi tái hiện không khí ngột ngạt của chế độ phong kiến miền núi và số phận bất hạnh của con người nghèo khổ mà còn thành công bởi chính nghệ thuật xây dựng và miêu tả tâm lí nhân vật Mị từ lúc làm dâu nhà Thống lí cho đến khi cứu và chạy theo A Phủ.

Trước khi về làm dâu nhà thống lí, Mị là cô gái xinh đẹp, yêu đời và có tài thổi sáo được nhiều chàng trai trong miền mến mộ và đi theo. Tuy nhiên, khi trở thành con dâu gạt nợ cho gia đình thống lí, cái mà người đọc thấy ở cô gái này lại là sự lầm lũi, cam chịu đến đáng thương. Sống trong gia đình nhà thống lí, Mị bị chà đạp cả về thể chất và tinh thần, trên danh nghĩa Mị là con dâu nhưng thực chất lại là người ở không hơn không kém.

Mị phải làm việc quần quật cả ngày cả đêm như con trâu, con ngựa, sống lâu trong cái khổ Mị đã dần trở nên cam chịu, sức sống bị bào mòn đến mức mất đi khả năng phản kháng bình thường mà sống như một người mất đi linh hồn, sự sống. Thế mới thấy tội ác khủng khiếp của gia đình thống lí, nó không chỉ chà đạp về thể xác mà còn giết dần giết mòn đi sự sống bên trong của con người.

Trong đêm tình mùa xuân, khi nghe tiếng sáo gọi bạn tình, sức sống bên trong Mị đã bắt đầu trỗi dậy sau bao ngày bị bao phủ bởi tro tàn của đau khổ đọa đầy. Chi tiết này cũng thể hiện được tài năng bậc thầy của nhà văn Tô Hoài trong việc miêu tả diễn biến tâm trạng đầy phức tạp của nhân vật Mị. Tiếng sáo đã đánh thức phần sự sống đang le lói cháy bên trong Mị, giúp Mị thức tỉnh và nhận thức được những nhu cầu chính đáng của mình.

dien-bien-tam-ly-cua-mi-khi-biet-minh-tro-thanh-con-dau-gat-no-0

Mị nhận ra mình còn trẻ, Mị muốn đi chơi như bao người phụ nữ khác “Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi, bao nhiêu người có chồng như Mị vẫn đi chơi mùa xuân”. Như vậy sau bao nhiêu ngày sống trong đọa đầy, khi tâm hồn bị tê liệt bởi sự chà đạp của cường quyền, thần quyền thì Mị đã trở lại là chính mình, khao khát thực hiện những nhu cầu thành thực nhất của bản thân. Mị đã uống rượu và nhớ lại những kỉ niệm của ngày xưa.

Khi bị A Sử dùng dây trói đứng vào cột, sự ràng buộc đau đớn của sợi dây cũng không thể ngăn được sứ sống đang cháy trở lại bên trong Mị. Sợi dây có thể trói buộc thân xác của Mị nhưng tâm hồn của Mị đã đi theo tiếng sáo, theo những khát khao tự do của mình.

Sau đêm tình mùa xuân, Mị trở lại với thân phận con dâu gạt nợ và tiếp tục sống với vẻ lầm lũi cam chịu nhưng ta có thể nhận rõ sự thay đổi bên trong của con người Mị, đã không còn sự cam chịu đến tê liệt như trước mà đã phần nào thức tỉnh, thể hiện trực tiếp qua chi tiết “đêm nào Mị cũng ra bên ngoài bếp lửa thổi lửa hơ tay”, chỉ cần có chất “xúc tác” là sẽ bùng cháy dữ dội để giải phóng Mị khỏi cuộc sống khổ đau, nô lệ.

Trong một đêm hơ tay bên bếp lửa, Mị đã nhìn thấy giọt nước mắt của A Phủ, và cũng chính giọt nước mắt này đã đánh thức sự đồng cảm bên trong Mị, tạo sức mạnh giúp MỊ vượt qua nỗi sợ hãi cường quyền, thần quyền để giải cứu A Phủ và giải cứu cho chính mình.

Nhìn hình ảnh đáng thương của A Phủ, Mị nhớ lại mình cũng từng bị A Sử trói đứng trước kia đến nỗi nước mắt rơi cũng không lau đi được. Mị cũng nhận thức được nếu vẫn như thế A Phủ sẽ chết “chỉ đêm nay là người kia chết, chết đau, chết rét, chết đói, phải chết”. Sự đồng cảm với A Phủ khiến Mị phẫn nộ trước tội ác kinh khủng của cha con thống lí “chúng trói người ta đến chết”.

Mị dùng dao cắt dây cởi trói giải cứu A Phủ, khi A Phủ vụt chạy đi Mị đã chạy theo để tự giải cứu cho mình.

Thông qua diễn biến tâm lí của nhân vật Mị từ khi làm con dâu gạt nợ nhà thống lí cho đến khi cắt dây cởi trói cho A Phủ là hành trình thức tỉnh của sự sống tiềm tàng. Giá trị nhân đạo của Vợ chồng A Phủ thể hiện ở sự trân trọng giá trị, sức sống tiềm tàng bên trong con người.

Xem thêm: Học cách phân tích "Vợ chồng A Phủ" từ học sinh giỏi

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận