Học cách phân tích "Vợ chồng A Phủ" từ học sinh giỏi

Trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" có rất nhiều chi tiết quan trọng mà các bạn học sinh cần chú ý khi phân tích. Hãy cùng chúng tôi xem học sinh giỏi đã giải quyết vấn đề này như thế nào nhé!

Đỗ Thu Nga
11:00 30/04/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Tiếng sáo trong đêm mùa xuân

Tiếng sáo không phải đến tận đêm tình mùa xuân mới xuất hiện. Nó trở đi trở lại trong những trang đời của Mị, từ khi Mị còn là một cô gái tự do, cho đến khi trở thành con dâu gạt nợ. Tiếng sáo, trước hết là biểu tượng cho nét đẹp văn hóa, phong tục của người dân miền núi. Tiếng sáo còn là tiếng gọi của mùa xuân, đã đánh thức cảm xúc thẳm sâu trong tâm hồn Mị đang sống kiếp con dâu gạt nợ. Đồng thời, tiếng sáo cũng là tiếng gọi của tình yêu, của giai điệu bản tình ca mùa xuân, đưa Mị trở lại là chính mình. Tết đến khi những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ, khi những tiếng trẻ con chơi đùa, tiếng sáo gọi bạn tình đã bắt đầu vang lên Mị nhẩm thầm theo lời bài hát của người đang thổi. Mị uống rượu, trong lòng Mị “thiết tha bồi hồi”, Mị “nhớ về ngày trước”, Mị thấy mình còn trẻ và Mị muốn đi chơi. Khi Mị thắp sáng căn buồng, sửa soạn đi chơi, bị A Sử phát hiện và trói đứng vào cột nhà, Mị như vẫn không biết mình bị trói, vẫn thả hồn theo tiếng sáo. Qua đó cho thấy niềm khát khao hạnh phúc vẫn tồn tại trong sâu thẳm tâm hồn Mị. Nó giống như hòn than vẫn đang âm ỉ cháy dưới lớp tro tàn nguội lạnh và chỉ cần một trận gió thổi tới nó có thể bùng cháy một cách mãnh liệt. Nhờ chi tiết tiếng sáo mà trang văn của Tô Hoài đậm chất thơ. Tiếng sáo đã trở thành điểm tựa nâng đỡ tâm hồn Mị, giải thoát sức sống mãnh liệt đã bị kìm hãm bấy lâu nay trong Mị, để rồi đến đêm đông cởi trói cho A Phủ, sức sống ấy bùng lên thật mạnh mẽ.

Giọt nước mắt của A Phủ

Chi tiết nghệ thuật không chỉ là yếu tố cấu thành tác phẩm mà còn là nơi gửi gắm những quan niệm nghệ thuật về con người, về cuộc đời… của nhà văn, nơi kí thác niềm ưu tư, trăn trở của nhà văn trước cuộc đời. Nếu như giọt nước mắt của bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân là giọt nước mắt của nỗi lòng người mẹ thì giọt nước mắt của A Phủ là sự bất lực của chàng trai đang cận kề cái chết. Chi tiết giọt nước mắt của A Phủ không chỉ thể hiện tâm trạng khi đối mặt với tử thần mà còn đánh thức sức sống tiềm ẩn và khả năng phản kháng bị ngủ quên bên trong con người của Mị. Dù bị vùi dập một cách tàn nhẫn nhưng không vì thế lòng ham sống và khát khao hạnh phúc trong Mị bị triệt tiêu. Trong những ngày A Phủ bị trói ở sân, Mị đêm nào cũng thổi lửa hơ tay. Ban đầu Mị dửng dưng vì đã quen với cảnh tượng này, A Phủ có là cái xác chết đứng đấy thì cũng thế thôi. Nhưng khi nhìn thấy dòng nước mắt bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ, Mị nhớ lại mình đêm năm trước cũng bị trói đứng như thế. Mị nghĩ đến đời mình, nghĩ tới sự độc ác của cha con nhà thống lí với cái chết đang cận kề với A Phủ, Mị đã cắt dây trói cho A Phủ và hốt hoảng chạy theo. Giọt nước mắt của A Phủ là giọt nước mắt bất lực, xót xa, cay đắng cho chính bản thân mình. A Phủ khóc nhưng không hề cam chịu. Đó là giọt nước mắt thể hiện cho khát vọng sống và sự tự do. Hơn nữa đây cũng là lời tố cáo đầy sức nặng đối với bọn thống lí tàn ác, phi nhân. Qua chi tiết giọt nước mắt của A Phủ, ta thấy được tinh thần nhân đạo sâu sắc mà nhà văn Tô Hoài muốn gửi gắm. Tác giả đã cho thấy vẻ đẹp tâm hồn, sức sống mãnh liệt và khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của con người. Dù ở trong hoàn cảnh tăm tối, con người cũng không mất đi khát vọng sống tự do và hạnh phúc. Đồng thời phê phán quyết liệt những thế lực đã chà đạp con người, tự giải thoát khỏi những bất công chính là con đường làm chủ vận mệnh của mình.

hoc-cach-phan-tich-vo-chong-a-phu-tu-hoc-sinh-gioi

Nắm lá ngón

Chi tiết nắm lá ngón trong truyện được tác giả nhắc lại ba lần và chỉ gắn liền với Mị. Điều này cho thấy phần nào số phận gian khổ, bất hạnh của cô gái Mông tài hoa, xinh đẹp. Hình ảnh nắm lá ngón xuất hiện lần thứ nhất khi Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra, Mị đã giấu nắm lá ngón về quỳ lạy bố, cho thấy tình trạng đau khổ đến tuyệt vọng của Mị. Đồng thời hé mở những vẻ đẹp trong tính cách của nhân vật. Mị ý thức được về nhân phẩm, bi kịch “muốn chết mà không thể chết” bởi một sợi dây ràng buộc của lòng hiếu thảo. Và rồi mấy năm sau bố Mị chết. Lí do ràng buộc duy nhất để Mị không thể ăn lá ngón đã không còn. Nhưng Mị cũng không liên tưởng đến việc ăn lá ngón nữa vì “ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Tâm hồn Mị giờ đây đã chai sạn. Lần thứ ba, trong đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài: “nếu có nắm lá ngón trong tay, Mị sẽ ăn cho chết ngay chứ không buồn nhớ lại nữa”. Như một lẽ tự nhiên khi ý thức sống đã trỗi dậy thì cũng là lúc Mị cảm thấy rõ hơn bao giờ hết cái vô nghĩa của cuộc sống thực tại. Đây chính là biểu hiện của sự phản kháng với hoàn cảnh, của sự xung đột gay gắt giữa một bên là khát vọng sống chân chính đã thức tỉnh với một bên là thực tại đáng chán vẫn đang hiện hữu, là biểu hiện cao nhất của lòng ham sống và khát vọng sống. Tô Hoài đã đưa hình ảnh “lá ngón" từ chất độc ngàn đời của núi rừng, cái chết của thiên nhiên, nay bỗng nhiên trở thành sự giải thoát cho thân phận bi kịch của con người. Cái độc của lá ngón dường như còn thua xa cái độc của lòng người. Lá ngón trở thành lời kêu cứu, sự khẩn thiết của đồng bào miền cao tới Cách mạng, nhất là khi ánh sáng Cách mạng chưa thể rọi đến Hồng Ngài xa xăm. Qua những lần đề cập đến câu chuyện Mị ăn lá ngón để tìm đến cái chết, nhà văn đã cho thấy phần nào sự cùng cực, tuyệt vọng của con người. Nhưng cũng nắm lá ngón ấy đã cho thấy vẻ đẹp của tâm hồn Mị - đó là lòng ham sống, niềm khát khao cuộc sống tự do, hạnh phúc, đặc biệt là sức sống tiềm tàng, mạnh mẽ vẫn luôn ẩn chứa trong con người Mị.

(Theo Học Văn Chị Hiên)

Xem thêm: Không gian nghệ thuật trong "Vợ chồng A Phủ"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận