Cuộc đời bể dâu của thi sĩ Đoàn Thị Điểm: Gánh cả gia đình, đoán trước số mệnh của mình

"Hồng Hà nữ sĩ" Đoàn Thị Điểm là danh nhân văn hóa thời Lê nổi tiếng về văn thơ. Dù mang phận nữ nhi nhưng bà rất cứng rắn, cương quyết, có tinh thần tự lập cao. Thế nhưng ít ai biết được dù tăng năng, xinh đẹp nhưng cuộc đời bà cũng gặp không ít "phong ba bão táp".

Đỗ Thu Nga
10:00 22/08/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phận nữ nhi nhưng gánh vác cả gia đình

Đoàn Thị Điểm (1705 - 1749), hiệu là Hồng Hà nữ sĩ. Bà là nữ sĩ thời Lê Trung Hưng, tác giả tập Truyền kỳ tân phả (chữ Hán) và truyện thơ Chinh phụ ngâm (bản chữ Nôm - 412 câu thơ) - dược bà dịch từ nguyên bản Chinh phụ ngâm khúc (viết bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn). Ngoài ra bà còn viết Nữ trung tùng phận gồm 1401 câu thơ và bài Bộ bộ thiềm-Thu từ.

Bà là người được đánh giá là bậc nhất về sắc đẹp lẫn tài văn trong những nữ sĩ danh tiếng nhất, bên cạnh là Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Sương Nguyệt Anh. Thế nhưng dù tài năng, xinh đẹp nhưng cuộc đời bà vẫn gặp phải nhiều "bão táp phong ba".

Trong thư liệu của Ths.Nguyễn Hồng Chiến (là di duệ của tiến sĩ Nguyễn Kiều), Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm có biệt hiệu Ban Tang, quê làng Hiến Phạm, xã Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Bà là con gái ông hương cống Đoàn Doãn Nghi, mẹ họ Vũ và là vợ hai của ông Nghi ở phường Hà Khẩu, Thăng Long (phố Hàng Bạc ngày nay).

Ông Nghi sinh được 1 người con trai là Đoàn Doãn Luân (1703), tức là anh trai và hơn Đoàn Thị Điểm 2 tuổi. Từ nhỏ, anh em bà đã theo mẹ về ở với ông bà ngoại là quan Thái lĩnh bá và được dạy dỗ chu đáo, thông Tứ thư, Ngũ kinh... Năm 6 tuổi, Đoàn Thị Điểm nổi tiếng gần xa về tài học giỏi, thông minh.

Năm 16 tuổi, Đoàn Thị Điểm được quan Thượng thư lê Anh Tuấn mến mộ muốn xin làm con nuôi, để tiến cử vào cung chúa Trịnh. Nhưng bà nhất định từ chối.

cuoc-doi-phong-ba-bao-tap-cua-thi-si-doan-thi-diem-8

Về sau cha mất, gia đình phải chuyển về quê, được ít lâu thì dời về làng  Võ Ngài (Vô Ngại), huyện Đường Hào (nay là Mỹ Hào, Hưng Yên), tại đây Đoàn Thị Điểm cùng anh trai hành nghề dạy học.

Anh trai mất sớm, chị dâu lại tàn tật nên thời gian đó bà kiêm luôn nghề bốc thuốc, gần như 1 tay nuôi cả gia đình gồm 2 cháu nhỏ, mẹ và chị dâu. Bà được nhiều người mến mộ cầu hôn nhưng đều từ chối.

Theo nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh, tại Vô Ngại, cuộc sống gia đình bà cũng không ở được. Khoảng giữa thế kỷ XVIII, những cuộc nổi dậy của nông dân xảy ra khiến vùng Hải Đông không còn cảnh yên bình, nhiều làng xóm bị binh lửa tàn phá.  Bà đưa gia đình tới nhà một học trò ở xã Chương Dương (huyện Thược Phúc, nay là Thường Tín, Hà Nội) lánh nạn và sinh sống. Theo Hoàng Xuân Hãn, lúc này bà mới chính thức mở trường dạy học.

Nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh cho rằng, Đoàn Thị Điểm không những nổi tiếng về tài văn thơ, mà còn giỏi đối đáp.  Xung quanh bà có nhiều giai thoại khẳng định tài năng áp đảo các bậc anh tài trong giới nho sĩ lúc bấy giờ. Cũng có nhiều câu đối được ghi là của bà trong các cuộc đối đáp với Trạng Quỳnh, sứ Tàu, Nhữ Đình Toản... Những chuyện ấy dù có bao nhiêu phần trăm sự thật thì cũng chứng tỏ lòng ngưỡng mộ của thế nhân đối với bà.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Băng Thanh đánh giá, Đoàn Thị Điểm là người con gái có bản lĩnh, một "gia trưởng" hoàn hảo, một nữ sĩ tài hoa, gồm đủ công dung ngôn hạnh nhưng cũng ngầm mang ít nhiều tính cách trượng phu có tầm cỡ về tư tưởng và dám "phá cách". 

Song chính sự hoàn hảo đó đã khiến tình duyên của nữ sĩ này đến muộn màng. Không phải bà thiếu các bậc anh tài ngập nghé mà dường như cảnh nhà cũng làm bà lỡ làng nhiều năm. 

Vào tuổi thanh xuân, tuy ở trong cửa nhà quyền quý nhưng con đường gia thất lại chỉ có thể hướng tới cung nhà chúa, với cái cảnh "chiếc én ba nghìn" biết chen cành nào trên cây cù mộc? Bản lĩnh và tâm hồn nữ sĩ khiến bà không thể chấp nhận được sự sắp đặt ấy

Sau này, về gần kinh thành, với hoàn cảnh đơn hàn, bà càng được để ý. Nhưng nữ sĩ đã liệu lời từ chối tất cả và lẩn tránh, chấp nhận cuộc sống cô đơn để toàn tâm toàn ý phụng dưỡng mẹ già, nuôi dạy các cháu.

Đoán đường quan lộ cho chồng, biết mình sắp từ giã cõi đời

Nhiều cứ liệu cho biết, sau nhiều lần "khất" lấy chồng cuối cùng bà Đoàn Thị Điểm cũng nên duyên với tiến sĩ Nguyễn Kiều (1695 – 1752, sinh tại làng Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội). Theo tài liệu từ nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh, Nguyễn Kiều nổi tiếng đương thời là người giỏi văn thơ, năm 1715, đỗ tiến sĩ, sau đó được bổ dụng và đến năm 1740 được trao chức Quyền thự thiêm đô Ngự sử, một chức quan cần có bản lĩnh vững vàng và chính trực liêm khiết.

Trước khi đến với Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Kiều đã có 2 vợ trước nhưng đều mất sớm. Mối tình giữa hai người được coi là chuyện tình đẹp, nức tiếng thành Thăng Long xưa. Chuyện tình diễn ra vào năm thi sĩ 37 tuổi.

Nguyễn Kiều đã phải viết mấy bức thư với lời lẽ khẩn thiết, thê lương, rồi những lời khuyên bàn từ người thân, Đoàn Thị Điểm mới nhận lời. Nguyễn Kiều đã có thơ sau khi lấy được Đoàn Thị Điểm: "Nhân duyên gặp gỡ nhất trần gian/ Cả cuộc đời ta được phúc ban/Ai bảo khát khao tiên nữ nữa/ Nàng tiên đã xuống cõi nhân hoàn".

cuoc-doi-phong-ba-bao-tap-cua-thi-si-doan-thi-diem-0

Trong tư liệu về di huệ của Nguyễn Kiều cho biết, cưới nhau được nửa tháng, Nguyễn Kiều phải lên đường đi sứ phương Bắc, bà Điểm ở nhà coi sóc gia trang, xem con chồng như con đẻ, dạy dỗ thay cha, làm thầy. 

Nào ngờ cuộc đi sứ kéo dài đến 3 năm. Nguyễn Kiều về đến Nam Ninh nhưng không qua biên giới được vì Lạng Sơn có loạn phải chờ đợi dẹp xong loạn mới về. Trong ba năm chờ chồng, Đoàn Thị Điểm sống chẳng khác nào người "chinh phụ". Có lẽ chính trong thời gian này (1742 – 1745), bà đã dịch ra quốc âm tác phẩm Chinh phụ ngâm nổi tiếng của Đặng Trần Côn.

Năm 1746, 3 năm chờ chồng dài đằng đẵng vừa kết thúc, bài lại phải khăn gói, từ biệt mẹ già cháu nhỏ để sang Nghệ An - nơi Nguyễn Kiều được bổ nhiệm. 

Sách Đoàn Thị Thực lục còn chép lời đoán của bà về vận mệnh chồng, cũng đoán trước về việc sắp rời bỏ dương thế của mình: "Mùa hè năm Mậu Thìn (1748), một ngày kia xong việc công, ông vào tư thất, nói chuyện cùng bà và phê bình thơ, tra từ điển văn cũ định xếp thành thi văn tập của đôi vợ chồng. Thình lình, rèm tung lên, gió cuốn, bui bay. Bà ngồi lặng, ngẫm nghĩ, bấm đốt tay mà suy tính. Rồi bà bảo ông rằng: "Bắc khuyết vân bình chiêu thiếp thụy, Nam thù xuân vũ trước quân ân", được dịch, "Cửa Bắc xe mây điềm thiếp rõ, Bờ Nam mưa ấm tỏ ơn vua".

Đoàn Thị Điểm muốn nói rằng, luồng gió vừa qua là điềm bà sắp mất và Nguyễn Kiều sắp được thăng chức và dời vào miền Nam. Nguyễn Kiều hỏi Đoàn Thị Điểm, hỏi đi hỏi lại nhưng bà không giảng thêm gì nữa. Chưa qua dăm ba ngày sau, quả nhiên ông được lệnh vào coi việc trấn an Nghệ An.

Ông bảo bà cùng đi, bà bận cớ việc nhà, xin ở lại, nói rằng sẽ đi sau. Nhưng ông cố nài, bất đắc dĩ, bà phải nghe. Hai người xuống thuyền trẩy vào xứ Nghệ.

Chắc là đêm lạnh, bà ngủ quên không đắp chăn, nên cảm hàn. Bà liền đau, cố gắng gượng ăn uống, nhưng bệnh tình càng ngày càng nặng. Năm sáu ngày sau, thuyền đến trấn Nghệ An, ấy là vào ngày 4/8. Bệnh đã nguy kịch, chồng chạy khắp nơi, cầu cúng hết đền chùa, nhưng không công hiệu, đến ngày 9/11/1748 (âm lịch), Đoàn Thị Điểm qua đời, hưởng dương 44 tuổi.

Ths.Nguyễn Hồng Chiến đánh giá: Sự kính yêu của người đời sau với Đoàn Thị Điểm không chỉ vì văn tài thi văn điêu luyện, đặc sắc, còn vì bà có những phẩm chất cao quý, đức hạnh tốt đẹp xứng đáng là mẫu phụ nữ tiêu biểu của xã hội Việt Nam ở mọi thời đại.

Xem thêm: Ân phi Hồ Thị Chỉ: Tiểu thư "cành vàng lá ngọc" yêu vua đời trước, ngậm ngùi cưới vua đời sau

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận