Chuyện vị vua Việt trút long bào, xắn quần cày ruộng va phải 1 hũ vàng, 1 hũ bạc

Lê Đại Hành là vị vua đầu tiên của nước Việt thực hiện lễ Tịch điền. Ông trút long bào, xắn quần lội xuống ruộng cày bừa cùng nông dân. 

Đỗ Thu Nga
07:00 19/11/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Lê Đại Hành (941 – 18 tháng 4 năm 1005) tên húy Lê Hoàn, là vị Hoàng đế sáng lập nhà Tiền Lê nước Đại Cồ Việt, trị vì nước Đại Cồ Việt trong 24 năm. Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.

Lê Đại Hành xuất thân trong gia đình thường dân, cha là Lê Mịch làm nghề đơm đó, mẹ là Đặng Thị (không rõ tên), còn dân gian gọi là Đặng Thị Sen. Bà làm công quả quét sân chùa, do đó mới có truyền tụng về vua như sau: "Cha đó cá, mẹ lá chùa”.

Lê Đại Hành đăng cơ vào năm 980, quần thần dâng tôn hiệu là Minh Càn Ứng vận thần vũ thăng bình chí nhân quảng hiếu hoàng đế. Trong thời gian ở trên ngai vàng đã sử dụng 3 niên hiệu là Thiên Phúc, Hưng Thống và Ứng Thiên.

chuyen-vi-vua-viet-cay-tich-dien-va-phai-1-hu-vang-1-hu-bac-9
Tranh vẽ vua Lê Đại Hành

Đánh giá về công tích của Lê Đại Hành, sử sách có lời nhận xét: "Lê Đại Hành cầm quyền tướng quân 10 đạo, giữ chức nhiếp chính, vua bé nước nguy, nhân thời chịu mệnh; giết vua Chiêm Thành để rửa cái nhục sứ thần bị bắt, phá quân Triệu Tống, làm nhụt cái mưu xâm lăng.

Dùng bọn Hồng Hiến, Cự Lạng, Từ Mục, Tử An để làm tả hữu. Cày ruộng tịch điền ở Long Đọi, mời người xử sĩ ở Tượng Sơn, kén dùng hiền tài, lập ra học hiệu, có đại lược của bậc đế vương” (Việt giám thông khảo tổng luận).

Trong Lịch triều hiến chương loạn chí đánh giá Lê Đại Hành như sau: "Vua phá Tống, bình chiêm khiến cả Hoa Hạ và Man Di đều sợ hãi. Trung Quốc đã mấy lần sách phong khen ngợi vua, khiến cho tiếng tăm của vua trở nên lừng lẫy. Nói về việc trị nước thì nhà vua luôn chăm lo đến những điều cần của dân, dốc lòng lo cho chính sự, trọng nông nghiệp, cẩn trọng nơi biên cương, quy định pháp chế, tuyển dân làm lính, lại còn đổi chia các trấn, quả là rất cố gắng, chăm chỉ”.

Là vị vua xuất thân chiến trận, quen việc binh đao nhưng không vì thế mà Lê Đại Hành quên quan tâm tới nghiệp "dĩ nông vi bản" (Coi nông nghiệp là gốc). Để khuyến khích sản xuất, mùa xuân năm Đinh Hợi (987), vua trút bỏ bộ long bào bước xuống cày ruộng tịch điền ở núi Đọi. Hôm ấy, dân quanh Đọi Sơn tụ tập về đông như trẩy hội để xem thiên tử xuống ruộng làm nông.

chuyen-vi-vua-viet-cay-tich-dien-va-phai-1-hu-vang-1-hu-bac
Tái hiện hình ảnh vua Lê cày Tịch điền

Trong Lễ Tịch điền, vua Lê Đại Hành trút bỏ hoàng bào, mặc trang phục quần lá tọa ống thấp ông cao, bắp tay cuồn cuộn nắm chắc cày, giục trâu "tắc tắc", "họ họ" như một lão nông thực thụ, đường cày cứ thế thẳng tắp theo sự điều khiển của vua. Từng mảng đất được lật lên của đường cày sau úp lên đường cày trước trông thật thích mắt.

Đương lúc lưỡi cày liếm đất đi băng băng thì bỗng va vào một vật gì cứng, con trâu đang đi phăm phăm là thế cũng bị vật cản dưới lưỡi cày ách mà đứng lại. Vua liền nhấc cày ra, lật đất lên xem thì hóa ra đó là một cái hũ nhỏ, cả đám đông tham dự ồ lên ngạc nhiên.

Viên quan hầu được gọi đến, mở chiếc hũ sành, vục tay vào, thì ra đó là những thỏi vàng. Vua dựng cày ở Đọi Sơn, chuyển sang cày ở Bàn Hải, việc lặp lại y hệt như trước. Lưỡi cày cũng mắc phải một vật cứng, đến khi lấy được chiếc hũ lên, thì ra đó là một hũ bạc nhỏ. Vui mừng trước sự kiện lạ, vua Đại Hành nhân đó đặt tên ruộng cày tịch điền đó là Kim Ngân.

Theo một số sử liệu, thực chất chẳng có hũ vàng, hũ bạc nào ở mảnh ruộng vua cày cả. Chẳng qua đó chỉ là sự chuẩn bị trước của vua để thiên hạ biết rằng, coi trọng nông nghiệp, siêng lao động sẽ cho ra vàng bạc.

chuyen-vi-vua-viet-cay-tich-dien-va-phai-1-hu-vang-1-hu-bac-7

Sách Đại Việt sử lược, tác phẩm sử học cổ nhất còn giữ được đến ngày nay có đoạn cho biết về sự kiện cày tịch điền như sau: “Năm Đinh Hợi, hiệu Thiên Phúc năm thứ 7 (987) vua bắt đầu cày ruộng tịch điền ở Đội Sơn, được một lọ vàng bạc, cày ở núi Bà Hối được một lọ nữa, vua đặt tên đất đó là ruộng Kim Ngân”.

Về địa danh cày Tịch điền, sử sách chép có khác biệt đôi chút nưng đều nhắc đến chuyện vua Lê cày Tịch điền, hai lần đều được vàng bạc ở ruộng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Đinh Hợi (Thiên Phúc năm thứ 8 [987], Tống Ung Hy năm thứ 4). Mùa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân”.

Các sách khác cũng có ghi chép tương tự, như Việt sử tiêu án chép: “Vua ra cày ruộng tịch điền ở núi Đội Sơn, bắt được một chum vàng, lại bắt được một chum bạc ở Bàn Hải, vì thế đặt tên ruộng ấy là ruộng kim ngân”.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục thời Nguyễn cũng có đoạn: "Mùa xuân. Nhà vua cày ruộng tịch điền. Ban đầu, nhà vua cày ruộng ở Đội Sơn, được một lọ vàng; sau lại cày ở núi Bàn Hải, được một lọ bạc; do đó đặt tên là "ruộng Vàng, ruộng Bạc". 

Đội Sơn hay Đọi Sơn, Long Lĩnh là tên khác của núi Long Đội nay thuộc xã Đội Sơn (huyện Duy Tiên, Hà Nam). Còn núi Bàn Hải (hay núi Bà Hối) thì không rõ ở đâu nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì chỗ đó có thể gần với khu vực núi Đọi Sơn.

Bà Hối là từ Hán Việt, trong đó, Bà là bạc, trắng, còn Hối là của cải, có lẽ có liên quan đến việc tại đây khi cày đã được một hũ bạc. Ý kiến khác thì đặt giả thiết núi Bà Hối có thể là tên khác của núi Điệp Sơn, cũng gọi là núi Kim Ngưu vì hình dáng giống con đang trâu nằm, núi này nằm cách núi Đọi Sơn không xa.

Xem thêm: Vua Lê Đại Hành và màn "dằn mặt" khiến sứ thần nhà Tống sợ mất mật

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận