Chuyện về "đứa con thông minh của bà mẹ điên": Đỗ 3 trường ĐH, nuôi chí lớn kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ
Sinh ra là con một bà mẹ điên, lúc nhỏ bị bạn bè chọc ghẹo, lớn lên chưa nhận được cái ôm ấm áp từ mẹ nhưng Hiếu rất kiên cường. Cậu chỉ mong những năm tháng Đại học trôi nhanh để sớm ra đời, đi làm, chữa bệnh cho mẹ...
"Đứa con thông minh của bà mẹ điên"
Nhà Lê Đức Hiếu nằm sâu trong thôn Thọ Kỳ (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi). Người dân nơi đây gọi Hiếu là "đứa con thông minh của bà mẹ điên".
Ở vùng này, từ già đến trẻ, ai cũng có thể kể rõ ràng từng chi tiết về cuộc đời của Hiếu, về sự thảo hiền, về ước mơ cháy bỏng của Hiếu. Bà con lối xóm cũng nhớ rõ những lần Hiếu bị bạn bè trêu chọc thuở nhỏ.
Cụ thể là, vào năm 6 tuổi, bạn cùng lớp hỏi Hiếu "mẹ mày đâu", cậu bé rụt rè chỉ vào người đang bị xích dưới hiên bếp. "Bà điên", lũ trẻ ré lên rồi hò nhau chạy. Một mình Hiếu đứng lại với hai hàng nước mắt.
Lên cấp 2, Hiếu không còn khóc mỗi khi bị bạn bè trêu chọc nữa. Cậu lao vào chiến đấu với những đứa thích châm chích mẹ mình và sau mỗi lần như thế, người Hiếu lại đầy thương tích.
Thậm chí có lần Hiếu bỏ học, bà Chế Thị Gái (73 tuổi, bà ngoại Hiếu) vừa lau vết thương, vừa dỗ cháu: "Mẹ vẫn luôn là mẹ. Giờ con phải học giỏi để không ai khinh mình nữa".
Vào tháng 7/2021, Lê Đức Hiếu (18 tuổi) trở thành tân sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Ngày biết tin đậu Đại học, Hiếu khóc, bà khóc, chỉ có người mẹ hềnh hệch cười, hất đổ cả bát cơm con trai mang đến.
Theo VnExpress, cô Lê Thị Thương (47 tuổi, mẹ Hiếu) phát bệnh tâm thần từ 26 năm trước. Dù gia đình đã chạy chữa nhiều nơi, từ bệnh viện tỉnh rồi qua Đồng Nai, Huế... nhưng chẳng hề thuyên giảm. Khi mới mắc bệnh, cô Thương cả ngày ngồi lẩm bẩm trong phòng, sau lại gào thét, đánh người rồi bỏ đi lang thang. Không đủ sức ngày nào cũng đi kiếm con, bà Gái gạt nước mắt xích con gái dưới hiên bếp.
Năm cô Thương 29 tuổi, bị một người quen biết xâm hại. Và cậu bé Hiếu ra đời mà người bố chưa bao giờ nhận con. Tuy nhà nghèo nhưng bà Gái vẫn cố gắng nhặt mớ rau, bán lúa... để lấy tiền mua sữa cho cháu. Chưa một lần bà có đủ tiền mua một lon sữa. Người bán thương tình, cho trả nửa, nợ nửa. Hiếu lớn lên từ những hộp sữa mang nợ đó.
Vì bệnh nặng nên cô Thương chẳng biết ai với ai, kể cả con trai mình. Mỗi lần đói, cô chỉ biết gọi "má ơi, ăn cơm". Mười năm trước, thay vì sống dưới mái hiên bếp, gia đình được mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng thêm một gian nhỏ. Trong căn phòng luôn khóa chặt, cửa sổ quây lưới thép, người mẹ ăn ngủ và vệ sinh tại chỗ. Bà Gái và Hiếu thay nhau dọn dẹp, chăm sóc.
Suốt 18 năm sống cạnh mẹ nhưng chưa một lần nào Hiếu cảm nhận được hơi ấm từ mẹ. Với Hiếu, chẳng có khoảng cách từ mênh mông hơn cảm xúc bị bóp nghẹt. Chắc chỉ ai cùng hoàn cảnh mới có thể cảm nhận được trọn vẹn nỗi niềm của Hiếu.
Mỗi lần đạt điểm cao, mỗi lần nhận thưởng, mỗi lần làm điều gì đó thật tốt, Hiếu chỉ đứng ngoài cửa nói vọng vào phòng khoe với mẹ. Ở bên trong, mẹ Hiếu chẳng nói lời nào. Hiếu tự khoe rồi tự vui mừng.
"Hôm em biết kết quả đậu đại học, em nói với mẹ con đậu đại học rồi. Mẹ em chẳng nói gì, chỉ gào lên, rồi hất đổ chén cơm em mang vào cho mẹ", Hiếu tâm tình.
18 năm lấy hơi ấm từ bàn tay bà
Suốt 18 năm qua, Hiếu chưa từng cảm nhận được hơi ấm từ cái ôm của mẹ. Cuộc đời cậu bé được sưởi ấm từ đôi bàn tay gân guốc của người bà. Bà chăm cho Hiếu từ miếng ăn, cái mặc, xoa vết thương khi Hiếu đánh nhau với bạn bè vì chúng dám châm chích mẹ cậu...
Khi lớn dần, Hiếu nhận thức được bà đã rất vất vả để chăm lo cho hai mẹ con thì cậu học cách phụ giúp bà việc nhà cửa, việc đồng áng. Trước kia nhà có ruộng, Hiếu phụ ông bà cấy cày, lúa thu hoạch còn thừa đem bán mua sách vở, quần áo.
Nhưng từ khi ông bị tai biến liệt nửa người (năm 2018), ruộng cho thuê, mỗi vụ được trả công vài bao thóc. "Chỉ đủ ăn chứ chẳng thừa đồng nào", bà Gái nói. Thuốc men, thức ăn của gia đình chỉ dựa vào 500.000 đồng tiền trợ cấp cho người tâm thần cùng rau cỏ tự trồng trong vườn.
Dù bữa ăn ít khi có thịt cá, chỉ quanh quẩn trứng, đậu, rau... những thứ rẻ nhất ngoài chợ nhưng bà Gái luôn dạy cháu: "Nếu con muốn có một chỗ đứng, một tư cách... phải tự kiếm tiền, tuyệt đối không được ngửa tay xin".
Năm ngoái, chồng mất, bà Gái phát hiện ra mình bị hở van tim, sức khỏe xuống dốc không phanh, đi vài bước là ngồi thở, mọi việc trong nhà Hiếu đều tự xoay sở, từ nấu nướng đến chăm sóc mẹ.
Sáng đi học, chiều về cậu lại phụ bà bóc vỏ hạt điều, tối muộn mới vào bàn học bài. Mỗi ký hạt điều hai bà cháu kiếm được 20.000 đồng, ngày nhiều nhất bóc được 5kg. Tiền kiếm được, phần lớn đổ vào mua thuốc men cho bà và mẹ.
8 năm nay, niềm hy vọng lớn nhất của Hiếu là một ngày nào đó mẹ nhận ra mình. Nhưng hy vọng ấy đến giờ vẫn chưa trở thành hiện thực.
Vào năm lớp 12, dù là học sinh lớp chọn của trường THPT Nghĩa Hành nhưng Hiếu dự tính tốt nghiệp cấp 3 sẽ tìm việc thay vì lên đại học. "Bà quá vất vả rồi, em muốn kiếm tiền chăm lo cho bà và mẹ", cậu nói nguyện vọng với cô giáo chủ nhiệm Võ Thị Thanh Hoàng.
"Muốn thay đổi số phận, không cách nào khác là học tập. Em phải cố gắng, thầy cô và bạn bè sẵn sàng giúp đỡ", cô Hoàng dặn dò. Năm nào trong học bạ của cậu học trò nghèo, giáo viên này cũng phê: "Có nghị lực vươn lên trong học tập". Những đợt học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường cũng ưu tiên dành cho Hiếu.
Vào năm cuối cấp, trong khi bạn bè ra sức ôn thi tốt nghiệp ở trường, Hiếu không dám tham gia vì nhà không có tiền. Cậu tự học ở nhà, bài nào không hiểu nhờ bạn giảng lại hộ. Biết hoàn cảnh của Hiếu, các thầy cô tình nguyện dạy miễn phí cho em.
Hiếu đăng ksy 3 trường Đại học và đỗ tất. Ngày nhận kết quả, bà Gái vui mừng, lật đật chạy khoe khắp xóm. Nhưng tối về bà lại nằm khóc vì không biết lấy tiền đâu cho cháu đi học.
Rồi bà lại nhớ ra hàng cau của nhà sắp đến ngày thu hoạch, bán nhanh cũng được 3 triệu, chỉ phải vay thêm 7 triệu nữa để cho cháu nhập trường. Nghĩ đến đây, bà Gái lại mừng thầm. Nhưng đúng đêm đó, cả xóm bị trộm cau, ba triệu bà Gái hy vọng cũng tan thành mây khói.
Gần đến hạn, biết nhà không có tiền, Hiếu lấy lý do đi học xa không ai chăm bà, chăm mẹ xin nghỉ học. Bà Gái gạt nước mắt chạy đi vay mỗi người một ít. Người làng biết bà vay đóng học cho cháu nên chẳng ai lấy lãi, dặn khi nào có thì trả.
"Còn nhiều người thương mình lắm nên cháu phải cố gắng nhiều hơn", ông Nguyễn Văn An, trưởng thôn Kỳ Thọ Bắc nhắn nhủ Hiếu mỗi lần đại diện địa phương đem quà động viên của tỉnh, của Hội chữ thập đỏ đến cho gia đình. Với vị trưởng thôn này, Hiếu là một nghị lực sống, biết vươn lên số phận.
Vào ngày 20/11 vừa rồi, UBND huyện Nghĩa Hành cũng đã có học bổng 3 triệu đồng khích lệ Hiếu. Hiếu đón nhận và cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm. Đâu đó giữa bất hạnh, yêu thương luôn là điểm tựa để Hiếu vịn vào và tiếp tục.
Đợt này dịch bệnh hoành hành nên Hiếu không thể nhập học tại TP.HCM, hiện vẫn ở nhà học online. Thời gian rảnh, Hiếu cơm nước, chăm lo cho mẹ. Hiếu tính sau này lên thành phố đi làm thêm đẻ tự nuôi bản thân. Bởi em biết mình lớn rồi, không muốn bà ngoại vất vả thêm nữa.
Biết hoàn cảnh, thầy cô đang làm hồ sơ xin miễn học phí, nếu không được chàng trai này dự tính vay ngân hàng cho 4 năm đại học sắp tới.
Bốn năm học Đại học là thời gian bình thường với các sinh viên khác nhưng với Hiếu con số này có thể tăng lên 5,6 năm. Bởi "nếu ngoại ốm hay mẹ bệnh, em sẽ bảo lưu để về nhà chăm sóc, sau đó tiếp tục đi học".
Khi phóng viên báo Tuổi trẻ hỏi về dự tính tương lai, chàng trai trẻ đáp: "Em không tính dài, chỉ tính từng ngày. Như đầu học kỳ 1, không có tiền đóng học phí, bà ngoại ra chợ vay nóng để em tạm đóng tiền học phí bước vào học kỳ đầu tiên. Ít hôm vào TP.HCM nhập học, em sẽ ở cùng anh trai rồi vừa cày vừa học. Nếu ngoại ốm hay bệnh mẹ chuyển biến nặng ngoại không chăm được, em sẽ xin bảo lưu về chăm mẹ rồi vào học tiếp. Nói chung, với em bây giờ có thể mất 4 năm hoặc 5 năm, thậm chí 6 năm để hoàn thành đại học, chỉ có điều em chắc chắn sẽ không rời giảng đường".
Giờ đây Hiếu chỉ mong có thể học xong Đại học, đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ để một lần được nghe mẹ gọi hai tiếng "con ơi".
Xem thêm: Sức mạnh phi thường của người mẹ "cõng gỗ" mưu sinh
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận