Hành động ý nghĩa của "biệt đội siêu nhân": Lan tỏa sống xanh, sạch khi bán sản phẩn tái chế từ rác thải

Limart là cửa hàng bán những sản phẩm xanh và sản phẩm tái chế từ rác thải. Đáng nói, đội ngũ nhân viên tại đây chủ yếu là người khuyết tật.

Đỗ Thu Nga
15:00 16/10/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Những con người khác biệt làm điều đặc biệt

"Hằng muốn làm gì đó cho môi trường và cộng đồng người yếu thế", chị Phạm Thị Kim Hằng (27 tuổi) với niềm mong muốn đó nên đã thành lập Limart - Zero waste. Năm 2019, cửa hàng được thành lập ở TP.HCM và kinh doanh những sản phẩm tiêu dùng có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện với môi trường như bàn chải tre, ống hút tre, xà phòng từ bã cà phê,... 

Đến năm 2021, chị Kim Hằng phối hợp cùng chị Trương Thị Hồng Nhung thành lập thêm Limloop và cho ra đời những sản phẩm tái chế từ những chiếc túi ni lông, bao bì thức ăn của thú cưng, băng rôn quảng cáo,... Cửa hàng chính nằm trên đường Võ Văn Kiệt Q.6, TP.HCM.

chuyen-ve-biet-doi-sieu-nhan-ban-san-pham-tai-che-tu-rac-thai-9
Các sản phẩm của Limart đều đảm bảo xanh, sạch

Đặc biệt, đội ngũ nhân viên của cả 4 cửa hàng có 85% là các bạn khuyết tật. "Có bạn khiếm thị như mình thì có thể làm các công việc là bán hàng, quay video (với những bạn thị lực 40-60%), đóng gói hàng,... Các anh khiếm thính thì chủ yếu làm bên khâu sản xuất tái chế túi ni lông. Hay các bạn khuyết tật vận động thì làm bên sản xuất xà bông, nước hoa khô, tinh dầu,...", chị Phương Trang (23 tuổi) hiện đang làm việc tại Limart cho biết.

Chị Kim Hằng chia sẻ ba của chị là một người khiếm thị và chị rất tự hào về ba của mình. "Hằng biết ba mình có thể làm rất nhiều việc nhưng xã hội vẫn chưa hiểu hết về cộng đồng người khiếm thị. Vì vậy, mình muốn tạo ra một nơi để thay đổi góc nhìn của mọi người về người khiếm thị nói riêng và người khuyết tật nói chung", chị Hằng chia sẻ.

Chị Hồng Nhung rất tự hào "Chúng tôi không gọi mọi người là người khuyết tật mà sẽ gọi mọi người là "biệt đội siêu nhân". Mọi người chỉ là đặc biệt, khác biệt hơn người khác và đều có những điểm mạnh riêng. Như bạn Hưng là thợ dệt, bạn không nghe, không nói được nhưng bạn có khả năng nghệ thuật rất tốt".

Ở đây, "biệt đội siêu nhân" không mong muốn khách hàng ủng hộ vì đồng cảm. Họ mong muốn mọi người quý họ vì chính công việc họ đang làm có giá trị cho xã hội, cho môi trường. "Tôi và Hằng chỉ là hậu phương, còn chính các bạn nhân viên mới là linh hồn của Limart và Limloop. Chúng tôi chỉ đơn giản là tạo nên một nơi cho các bạn được bộc lộ tài năng của chính mình và tạo ra những giá trị tốt đẹp cho chính các bạn và xã hội, môi trường", chị Nhung nói.

Lan tỏa giá trị "Xanh, sạch và tử tế"

Chị Hằng chia sẻ vào trước khi chị khởi nghiệp, rất khó để tìm kiếm được những sản phẩm sống xanh. 

"Cho dù mình muốn sống xanh thì cũng rất khó vì trên thị trường Việt Nam lúc đó cực kỳ hiếm sản phẩm xanh vì môi trường. Nên là mình nghĩ tại sao mình lại không tìm một giải pháp?". Vì vậy chị đã gây dựng nên Limart với ba giá trị hướng đến là "Xanh, sạch và tử tế".

chuyen-ve-biet-doi-sieu-nhan-ban-san-pham-tai-che-tu-rac-thai-8
Phiếu giảm giá của Limart cũng làm từ… lá cây

Xanh có nghĩa là các sản phẩm đều phải vì môi trường, không gây tác hại đến môi trường. Sạch là các sản phẩm có nguồn gốc thuần chay từ thiên nhiên. Tử tế là khi tạo nên môi trường làm việc cho các bạn khuyết tật.

Anh Võ Thanh Qui (23 tuổi) hiện đang làm việc tại Limart chia sẻ: "Công việc hiện tại của mình rất có ý nghĩa. Vì mình được bảo vệ môi trường một cách thực tế". Theo anh, mọi người thường chỉ xem các thông tin về bảo vệ môi trường trên mạng xã hội và thả một cái "like". "Có nhiều sản phẩm xanh vì môi trường nhưng giá cả không hợp lý. Nhưng Limart giúp tối ưu hóa giá trị sản phẩm khi mà mọi người chỉ cần chi ra một mức vừa phải để giúp cuộc sống xanh hơn", anh rất hài lòng với công việc hiện tại.

Theo khảo sát của PV, các sản phẩm xanh tại đây có giá dao động từ 10.000 đồng đến 450.000 đồng. Gần đây, những chiếc túi tote, túi đựng đồ trang điểm, túi đựng máy tính,... tái chế từ túi ni lông được mọi người đón nhận rất nồng nhiệt. Nhờ chương trình đổi rác lấy quà "Cùng gom nào - cho trái đất xanh", nhà Lim đã thu được rất nhiều túi ni lông để tái chế thành những chiếc túi siêu đặc biệt.

chuyen-ve-biet-doi-sieu-nhan-ban-san-pham-tai-che-tu-rac-thai-7
Bức thư tay của một người khách quen được các bạn trân trọng treo tại cửa hàng

Cửa hàng thỉnh thoảng còn tổ chức các buổi học trực tiếp như làm nến thơm, xà bông, dệt túi từ bao ni lông,... được hướng dẫn bởi các bạn khuyết tật. Đặc biệt, cửa hàng rất chú trọng tới các chương trình tổ chức cho các bé đang học tiểu học. Theo chị Nhung chia sẻ, các bé học và nhớ rất lâu. Khi các bé được học bảo vệ môi trường từ nhỏ thì sau này chắc chắn sẽ duy trì thành thói quen.

Đến năm 2025, của hàng mong muốn sẽ thu gom và tái chế được 60 tấn rác thải và tạo việc làm cho ít nhất 100 bạn khuyết tật. Chị Nhung cho biết những năm gần đây, trước những gì đang xảy ra với môi trường thì rất may mắn khi cộng động đã bắt đầu quan tâm đến sống xanh, ủng hộ sản phẩm tái chế nhiều hơn.

(Theo Thanh Niên)

Xem thêm: Những chiếc túi đeo đặc biệt do người khuyết tật tái chế từ áo phao cứu hộ cũ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận