Chuyện đời bi tráng của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc - nguyên mẫu nhân vật Thăng trong "Mùi cỏ cháy"

Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc chính là chàng trai giỏi văn nhất miền Bắc một thời. Anh theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ và đã hi sinh đầy oanh liệt.

Đỗ Thu Nga
17:00 09/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc là tác giả cuốn sách "Mãi mãi tuổi 20". Những năm tháng ở chiến trường, đồng đội thường gọi vui anh Thạc là "cứ rảnh là lại viết", vì anh mê viết, cứ mỗi khi dừng hành quân là anh lại viết.

Anh Nguyễn Văn Thạc sinh năm 1952 ở làng Bưởi, Hà Nội trong một gia đình thợ thủ công. Cha mẹ có xưởng dệt nhỏ, nhưng khi Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc đã phải bán rẻ để sơ tán về quê ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm. Không có việc làm, nhà lại đông con (Thạc là con thứ 10 trong 14 anh em), tài sản gia đình nhanh chóng khánh kiệt. Bà mẹ Thạc phải đi cắt cỏ bán lấy tiền ăn.

Nhà nghèo nên anh Thạc vừa đi học, vừa phải đi làm thêm giúp đỡ bố mẹ, nhưng học rất giỏi. Suốt 10 năm học phổ thông, cậu đều đạt loại học sinh A1 (giỏi toàn diện). Năm lớp 7, Thạc đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) học sinh giỏi văn thành phố Hà Nội. Năm lớp 10, (niên học 1969 - 1970), Nguyễn Văn Thạc đã đoạt giải Nhất cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Với thành tích học tập kể trên, Thạc đã được Ban Tuyển sinh Hà Nội xếp vào diện đi đào tạo tại Liên Xô. Nhưng theo chủ trương chung, phần lớn  những nam học sinh xuất sắc năm đó đều phải ở lại để tham gia quân đội.

chuyen-doi-bi-trang-cua-liet-si-nguyen-van-thac

Trong khi chờ gọi nhập ngũ, Thạc đã xin thi và đỗ vào Khoa Toán – Cơ của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Vừa học năm thứ nhất, anh vừa tự học thêm để hoàn thành chương trình năm thứ 2 và được nhà trường đồng ý cho lên học thẳng năm thứ ba... Nhưng đó cũng là thời gian cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn mới. Chiến trường miền Nam ngày càng gay go và ác liệt. Hàng ngàn sinh viên các trường đại học phải tạm ngừng học tập, để bổ sung lực lượng chiến đấu cho quân đội.

Nguyễn Văn Thạc đã nhập ngũ ngày 6/9/1971 và hi sinh chưa đầy 1 năm sau đó, vào ngày 30/07/1972 trong trận Thành cổ Quảng Trị. Hình tượng chàng trai Nguyễn Văn Thạc ngoài đời được dùng để xây dựng nhân vật Thăng do diễn viên Tô Tuấn Dũng thủ vai trong bộ phim "Mùi cỏ cháy".

Ngoài đời, anh Thạc là người lính thông tin bị trúng mảnh đạn cắt nát động mạch đùi, anh được đồng đội cấp cứu nhưng máu cứ chảy, anh yếu dần nhưng vẫn tỉnh. Trước khi hy sinh, anh nói bạn bè: “Mình tỉnh thế này tức là sắp chết rồi... Chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa... bao dự định còn dang dở”. Trong chiến tranh, vị trí thông tin là vị trí thường bị quân thù nhắm vào nhiều nhất. Anh Nguyễn Văn Thạc vừa chiến đấu vị trí bị nhắm nhiều ở trong trận đánh ác liệt nhất.

Còn trong phim, nhân vật Thăng cũng là người lính thông tin, anh Thăng hy sinh khi sửa chữa đường dây tín hiệu bị hỏng, khi sửa xong, điện đài vừa nối được thì anh bị giặc bắn vào ngực, anh ôm ngực và ngã xuống dòng Thạch Hãn… 

Tất cả những gì anh viết trong những chặng đường hành quân được tập hợp thành cuốn sách “Mãi mãi tuổi 20”, được tái bản hơn 10 lần với hơn 200 ngàn bản in.

Một trong những trích dẫn hay nhất trong cuốn sách: “Một bông hoa không cạnh tranh với bông hoa khác, nó chỉ đơn giản là bung nở thôi”. Trích dẫn này là nguồn cảm hứng cho ca sĩ Tạ Quang Thắng sáng tác ra bài hát “Sống như những đóa hoa” nói về tình yêu cuộc đời, sống đẹp tỏa sáng và khát khao cống hiến. 

"Và tôi sống như đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời

Sống với nỗi khát khao rằng được hiến dâng cho cuộc đời...".

Xem thêm: Chuyện kỳ lạ về "lời tiên tri" thống nhất đất nước của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận