Trắc nghiệm yêu văn học: Chí Phèo gặp Thị Nở trong hoàn cảnh nào, sao người rộn rạo?
Chí Phèo gặp Thị Nở trong hoàn cảnh nào, ấn tượng đầu tiên ra sao, khi bị bà cô của Thị ngăn cấm, Chí đã có phản ứng gì....?
Chí Phèo gặp Thị Nở trong hoàn cảnh nào, sao người rộn rạo?
A. Vào buổi sáng ở cái lò gạch cũ
B. Vào buổi trưa ở nhà Bá Kiến
C. Vào đêm trăng sáng
ĐÁP ÁN: C - ĐÊM TRĂNG SÁNG
Chí Phèo là 1 trong những truyện ngắn rất xuất sắc của nhà văn Nam Cao. Truyện xoay quanh nhân vật Chí Phèo - đứa trẻ bị bỏ hoang trong cái lò gạch cũ và được nhặt về nuôi. Lớn lên, Chí đi ở hết nhà này đến nhà khác.
Năm 20 tuổi, hắn làm canh điền cho nhà Bá Kiến, bị Bá Kiến vu oan, bắt bỏ tù. Hắn ở tù 7,8 năm thì trở về với bộ dạng khác hẳn xưa. Hắn lúc nào cũng say và cứ say là hắn lại đến nhà Bá Kiến chửi bới, rạch mặt ăn vạ.
Bá Kiến đã biến Chí Phèo thành kẻ tay sai chuyên đâm thuê chém mướn cho lão. Chí Phèo trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, làm ai cũng khiếp sợ. Tuy nhiên, cuộc đời Chí cũng có lúc bừng sáng, đó là khi gặp Thị Nở.
Chí Phèo và Thị Nở, hai con người dị dạng, hai số phận trớ trêu đã tìm đến nhau và mang đến một mối tình không kém phần cảm động. Tình yêu của Chí Phèo và Thị Nở bắt đầu vào một đêm trăng sáng.
Khi ấy, Chí Phèo vô tình gặp Thị Nở. Thị Nở đi qua vườn nhà Chí và ngủ quên trong đó. Còn Chí thì vừa đi uống rượu về, muốn ra sông tắm, vô tình gặp Thị Nở đang há hốc mồm ngủ dưới trăng.
Điều đáng nói khi nhìn thấy Thị Nở, Chí Phèo lại thấy cái gì rộn rạo ran khắp người và “Bỗng nhiên hắn run run”. Thị Nở cũng vậy, khi Chí Phèo sấn tới “Thị Nở bỗng nhiên bật cười. Thị Nở vừa rủa vừa đập tay lên lưng hắn. Nhưng đó là cái đập yêu, bởi vì đập xong, cái tay ấy lại giúi lưng hắn xuống. Và chúng cười với nhau...”.
Sau khi “yêu” nhau, gần sáng Chí bị cảm và được Thị Nở, người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn cho ăn bát cháo hành.
Gặp Thị Nở, Chí Phèo đã trải qua những cảm xúc chưa hề có trong đời, mang đến niềm vui, niềm hy vọng và mong ước trở về làm người lương thiện. Chí bâng khuâng như tỉnh dậy sau cơn say rất dài và cảm nhận những thanh âm của cuộc sống: âm thanh của tiếng chim hót, tiếng người cười nói...
Chí mong muốn có một gia đình nhỏ với Thị Nở. Thế nhưng, ước mơ ấy cũng chẳng thành. Khi bị ngăn cấm bởi bà cô Thị Nở, bị Thị Nở từ chối, Chí Phèo thất vọng và đau đớn. Chí Phèo ngẩn mặt ra, chạy theo Thị Nở và mượn rượu giải sầu.
Càng uống rượu, Chí Phèo càng tỉnh càng nhớ cái cuộc đời mình. Chí Phèo đi đến nhà Bá Kiến với con dao ở thắt lưng để đòi lương thiện. Chém chết Bá Kiến, Chí tự kết thúc cuộc đời.
Truyện ngắn Chí Phèo nguyên bản có tên là Cái lò gạch cũ, khi in thành sách lần đầu năm 1941, Nhà Xuất bản Đời mới – Hà Nội tự ý đổi tên là Đôi lứa xứng đôi. Tên gọi này hướng người đọc tới mối tình giữa Thị Nở - Chí Phèo. Tên này phù hợp với sở thích người đọc thời đó.
Tuy nhiên, nếu để Đôi lứa xứng đôi sẽ khiến những giá trị khác của tác phẩm sẽ bị lu mờ bởi cuộc tình éo le giữa Thị Nở và Chí Phèo. Chính vì vậy, nhà văn Nam Cao đã quyết định đổi tên truyện thành "Chí Phèo”. Với nhan đề này mọi giá trị của tác phẩm đều hiện hữu một cách sâu sắc.
Xem thêm: Trắc nghiệm yêu văn học: Nam Cao viết Chí Phèo dựa trên mấy nguyên mẫu có thật ở "làng Vũ Đại"?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận