Mong cộng đồng chung tay chắp cánh ước mơ trở thành bác sĩ cho cậu học trò sống một mình

Cậu học trò Đinh Nhật Phong (13 tuổi, học lớp 8A Trường THCS thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã quen với cuộc sống một mình tự lo tất cả mọi thứ.

Đỗ Thu Nga
08:51 28/12/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mỗi sáng thức dậy, Phong tự nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa rồi tới trường. Tan học về nhà em lại tự nấu ăn, học bài và nghỉ ngơi. Ngày lại ngày, Phong lầm lũi trong căn nhà cũ, tự học, tự chăm sóc bản thân, không gục ngã trước hoàn cảnh éo le.

Gia cảnh éo le

14 năm trước, chị T.T.T. (42 tuổi, ngụ thôn Yên Thọ, thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên) quen biết một người đàn ông rồi sinh ra Phong mà không kết hôn. Năm 2017, chị T. lấy chồng và hai năm sau chuyển tới địa phương khác sinh sống.

Kể từ đó đến nay, một mình Phong sống trong ngôi nhà bà ngoại để lại. Mỗi tuần chị T. chỉ có thể gói ghém chút thời gian ngắn về thăm con, sắm sửa vội nhu yếu phẩm cho con rồi đi. Trong 4 năm Phong sống xa mẹ, cứ vài ngày các dì và cậu lại mua thức ăn và gạo đem đến để Phong tự nấu nướng, ăn uống và sinh hoạt.

Cũng có vài thời điểm Phong chuyển đến sống tại nhà các dì và cậu, song thời gian không dài bởi quãng đường đi lại quá xa, bất tiện cho việc học hành nên buộc lòng Phong phải chuyển về chỗ cũ sinh sống.

Căn nhà cấp bốn nơi Phong sinh sống lọt thỏm giữa một khu vườn đầy cỏ dại. Trong căn nhà tuềnh toàng chẳng có vật dụng gì giá trị ngoài chiếc xe đạp điện được nhà hảo tâm tặng cho em cách đây vài ngày. Căn nhà chừng 20m2 được xây dựng hàng chục năm về trước, tường vách bong tróc, mái ngói hư hỏng nên phải dùng bạt che lại phòng khi mưa bị thấm dột.

chap-canh-uoc-mo-cho-cau-hoc-tro-song-mot-minh-9
Căn nhà cấp 4 nơi em Phong sinh sống xuống cấp và hư hỏng nhiều

Mong có đủ tiền để học thành bác sĩ

Phong kể vì hoàn cảnh nên bản thân em phải tự lập từ sớm. Ngoài nấu cơm, em có thể chiên trứng, nấu canh, kho cá thịt… Thực đơn mỗi bữa ăn của em tùy thuộc vào thực phẩm mà những người cậu, dì hoặc hàng xóm mang đến cho. Phong nói khi sống xa mẹ em buồn chứ không lo sợ bởi trong nhà không có tài sản gì giá trị để trộm ghé vào.

Bạn bè cũng ít khi ghé đến chơi với Phong, những lúc buồn em mới đi tìm nhóm bạn trong làng. Nói về ước mơ, Phong nói chỉ muốn sống gần mẹ, mong có đủ tiền để tiếp tục học hành sau này trở thành bác sĩ. Em cũng muốn có một ngôi nhà mới, kiên cố hơn để được đón bạn bè đến chơi như những bạn học khác.

Là giáo viên chủ nhiệm của em Phong từ đầu năm nay, thầy Lê Hữu Thi cho biết rất bất ngờ trước hoàn cảnh của cậu học trò. Thầy Thi kể khi được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 8A, thầy có biết qua hoàn cảnh của em Phong song không nghĩ rằng thời gian qua em sống một mình trong ngôi nhà cấp bốn đã cũ.

"Có lần Phong nghỉ học hai ngày liền không phép, khi tôi đến nhà em để tìm hiểu sự tình thì mới biết được hoàn cảnh của em. Em chỉ trả lời vì ngủ quên giờ không kịp tới trường, nhưng nhìn vào gia cảnh và khuôn mặt đượm buồn của em, tôi cũng phần nào hiểu được tâm lý của em và càng quan tâm, động viên em nhiều hơn" - thầy Thi tâm sự.

Thầy Thi đánh giá Phong dù thiếu sự chăm sóc của cha mẹ, sống tự lập từ nhỏ và trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng những năm qua vẫn vươn lên trong học tập và đặc biệt là em ngoan ngoãn, không bị lôi kéo chơi bời, lêu lổng.

"Ở lứa tuổi của Phong, nhiều em học sinh đang phải nhờ vào sự bao bọc của gia đình, thậm chí đưa đón mỗi khi tới trường. Nhưng với Phong suốt 4 năm nay em tự học hành, tự cắp sách đến trường và tự chăm sóc bản thân. Phong có một nghị lực lớn để vươn lên trong cuộc sống. Tấm gương về nghị lực của Phong là bài học để các em có hoàn cảnh khó khăn cũng như những học sinh có điều kiện khá giả cần soi chiếu để vươn lên học tập tốt hơn" - thầy Thi nhìn nhận.

Cần sự chung tay

Ông Nguyễn Thanh Bằng, phó hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thiên Cầm, cho biết em Phong cùng với một số học sinh khác của trường có hoàn cảnh hết sức éo le. Những năm qua nhà trường và chính quyền địa phương luôn quan tâm động viên, tạo điều kiện hết sức để các em học tập.

"Tuy vậy, chúng tôi cũng muốn có thêm nguồn xã hội hóa để các em có thêm nguồn kinh phí sinh sống, học tập hoàn thành chương trình THCS. Về lâu dài, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương có những định hướng cho em tiếp tục học cao hơn để em có một tương lai tốt đẹp", ông Bằng nói.

(Theo Tuổi trẻ)

Xem thêm: Mẹ mất, bố sống thực vật sau tai nạn, 3 đứa trẻ thơ chênh vênh giữa đời

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận