Họa đến nhà, đàn bà đứng lên làm trụ cột: Chăm chồng tai nạn, nuôi con vào ĐH bằng cái làn ốc
Kể từ ngày chồng mất khả năng lao động, bà Nhĩ trở thành người "gánh cả giang sơn". 5h sáng trên cánh đồng còn mờ sương, người phụ nữ ấy đã đi sâu vào đường ruộng, chân ngập dưới bùn lạnh để nhặt ốc mưu sinh.
1 buổi bắt ốc của người phụ nữ "gánh cả giang sơn"
Cứ đúng 4h sáng, tiếng chuông báo thức vang khắp căn nhà nhỏ ở xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định). Và chưa đầy 1 phút sau, thay thế tiếng chuông báo thức là tiếng dép lạch cạch phát ra từ buồng bà Nguyễn Thị Nhĩ (49 tuổi).
"Mẹ dậy đi làm rồi à?" - đó là câu hỏi quen thuộc của cô con gái út ở phòng bên vọng ra. Bà Nhĩ chỉ nói khe khẽ "ừ" để tránh đánh thức những người khác. Bà lặng lẽ đi xuống bếp chuẩn bị thức ăn, đồ đạc để đi làm.
Chỉ khoảng hơn 30 phút là xong tất cả, bả Nhĩ bắt đầu dắt xe máy ra cổng, tay buộc bao, tay xách làn. Thế nhưng, vừa ngồi lên xe chuẩn bị nổ máy thì trời đổ mưa, bà Nhĩ đành ngồi lại bên hiên chờ mưa ngớt mới tiếp tục đi.
Những ngày này trời đất "dở hơi", mưa bất chợt đến rồi lại bất chợt đi. Sự ẩm ương của thời tiết khiến bà Nhĩ sốt ruột vô cùng. Bởi nó làm gián đoạn công việc và ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình.
Tiếng mưa rào cùng tiếng gà gáy canh năm càng làm tâm trạng của bà Nhĩ thêm thấp thỏm. Và khoảng 10 phút sau, mưa ngớt, bà Nhĩ vội vã "lên đồ", dắt xe ra ngõ để đi làm.
Thoạt nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ bà Nhĩ làm nghề buôn bán, dậy sớm ra chợ đầu mối cất hàng về bán cho được giá rẻ. Thế nhưng, nghề mà người phụ nữ này theo đuổi được xếp vàng hàng đặc biệt, đó là nghề bắt ốc.
Bà Nhĩ từng tâm sự: "Tôi làm nghề này đã 10 năm nay rồi. Lúc tôi bắt đầu làm thì ít người đi bắt ốc lắm, còn vài năm gần đây, ốc bươu vàng nhiều, có người thu mua nên người trong xã đi bắt cũng nhiều hơn".
"Những cánh đồng gần hết ốc, giờ muốn bắt nhiều phải đi rất xa. Có ngày tôi còn đi phải đi gần 100 cây từ huyện này sang huyện khác mới có đủ ốc mang về để bán. Mùa hè, tôi bắt đầu đi từ 4 giờ sáng, còn tầm này, đêm dài hơn ngày nên tôi đi muộn hơn 30 phút, đến khi trời vừa sáng thì tới nơi", bà Nhĩ chia sẻ.
Nghề nào cũng có cái vất vả riêng và nghề bắt ốc cũng vật. Cái khó khăn nhất của bắt ốc chính là bê vác nặng, đi xa, thậm chí có lúc đi bộ vài km để tìm ra địa điểm nhiều ốc.
"Có những hôm, tôi đi vài cánh đồng mà chỉ bắt được 1 làn ốc, hoặc có ốc nhưng chỉ có loại bé, loại này thương lái họ không mua, thế là lại phải di chuyển. Khổ nhất là khi trời mưa, đường đồng trơn trượt mà mình lại chở nặng nên khó khăn lắm", bà Nhĩ nhớ lại.
Khi bà Nhĩ đến được nơi bắt ốc cũng là lúc trời tạnh hẳn. Liếc đồng hồ, bà Nhĩ thoáng giật mình vì đã 6h rồi. Bà vội vàng buộc bao vào hông, tay cầm làn nhanh chân lội xuống con sông cạn trước mặt.
Bà Nhĩ cúi xuống rồi lại ngẩng lên, cứ mỗi lần như thế, chắc chắn là đã mò được ốc. Với kinh nghiệm 10 năm hành nghề của mình, bà Nhĩ bắt ốc chẳng sai chút nào. Một tiếng, hai tiếng, bà đi hết một con sông, bắt mãi cũng đầy làn, đầy bao. Và lúc này trời cũng sáng trưng. Bà Nhĩ nhanh chóng dọn "đồ nghề". Một tay giữ bao ốc nặng đội trên đầu, tay còn lại xách làn đầy ốc.
Ngồi bên bờ, bà Nguyễn Thị Nhĩ tháo găng tay, lấy khăn che mặt lau mồ hôi. Ngồi nghỉ một lát, bà mở túi bóng lấy ra chai nước, uống 1 hơi là cạn. "Mùa hè mỗi buổi bắt ốc tôi phải mang đi 5 chai nhỏ, còn hiện tại trời mát hơn nên mỗi ngày tôi mang 3 chai là đủ", bà chia sẻ.
Càng lúc nắng càng gắt, nhịp bắt ốc buộc phải chậm lại. Lúc này chiếc áo bà Nhĩ mặc đã ướt sũng. Bà vẫn cố bắt làm sao để đủ 2 bao tải mang về nhà. Rồi đến khi hai bao tải đầy, bà vác chúng đặt lên xe rồi tăng ga về nhà. Lúc này trời đã gần trưa.
Trên đường về trời lại đổ mưa như trút, bà Nhĩ nhỏ bé căng mình giữ thăng bằng cho chiếc xe. Lâu lâu tay lại với ra sau xốc lại bao ốc để chúng không bị nghiêng ngả. Một buổi bắt ốc của người phụ nữ "gánh cả giang sơn" trên vai là như thế đấy...
Họa ập đến, đàn bà đứng lên làm trụ cột
Đằng sau những bao ốc của bà Nguyễn Thị Nhĩ là cả một câu chuyện dài về mưu sinh về sự gồng gánh cả gia đình trong những năm tháng dài đằng đẵng. Trong những câu chuyện của mình, bà Nhĩ luôn tỏ ra vô cùng tự hào về các con nhưng lại có đôi chút buồn khi nhắc đến chồng.
Bà Nhĩ tâm sự: "Tôi lấy chồng từ năm 1990, đến nay đã được 30 năm. Hai vợ chồng sinh được 3 người con gái, đứa lớn học xong đại học đang làm ăn ở TP.HCM, đưa thứ 2 cũng vừa học xong đại học thì lấy chồng, đang làm ngoài Quảng Ninh, còn đưa út năm nay mới lên lớp 10".
Ông Trân (chồng bà Nhĩ) ngày trước làm nghề đánh đi đánh cá, đấu ao, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhưng vài năm gần đây, ông gần như mất khả năng lao động sau khi trải qua một vụ tai nạn. Công việc, tiền bạc từ đó bắt đầu đổ dồn lên vai bà Nhĩ.
"Chồng tôi bị ngã xe cách nhà khoảng 5 km, lúc đấy đầu có va chạm xuống đường và được chuyển vào trung tâm y tế huyện. Bên ngoài thì nhìn không xây xước gì, mặt chỉ bị bầm lại một chút thôi. Mọi người bảo không sao nhưng tôi nghĩ, đã liên quan đến đầu thì phải đi chụp chiếu cẩn thận.
Được một ngày nằm viện, trong người chồng tôi lại bị co giật, lúc thì nói mê…Có lúc còn đòi nhảy từ trên tầng 4 xuống. Sau đó bệnh viện chuyển chồng tôi lên tuyến Hà Nội, ở đây, các bác sĩ phải trói chồng tôi lại ngay ở phòng cấp cứu luôn. Sau khi chụp chiếu, được xác định tiểu cầu thấp, chồng tôi được truyền máu. Truyền hết 4 bình máu, nằm ở phòng cấp cứu 5 ngày, ăn qua đường xông mới đỡ hẳn", bà Nhĩ nhớ lại.
Không chỉ dừng lại ở việc bắt ốc, bà Nhĩ còn làm chiếu, làm đay, nuôi gà... Chỉ cần làm ra tiền để lo cho gia đình, chồng con là bà sẽ làm.
Mặc dù cuộc sống những năm gần đây vất vả hơn nhiều nhưng bù lại bà luôn nhận được tình yêu thương từ chồng con. Mỗi lần bà chở đầy 2 bao ốc về đến nhà thì ông Trân lại chạy ra đón, phụ vợ đỡ ốc xuống, lặng lẽ mang "đồ nghề" vào trong nhà cất. Chẳng ai nói với ai một câu nào cả nhưng họ hiểu nhau, phối hợp rất ăn ý.
Nuôi con vào Đại học bằng cái làn ốc
Trước khi chồng gặp biến cố, hai vợ chồng bà Nhĩ vẫn luôn làm việc hết mình để nuôi các con ăn học. Và kể cả bây giờ, sau khi chồng không còn lao động được nữa, bà Nhĩ lại một mình gánh vác.
"Khi hai người con lớn đi học đại học thì tốn tiền lắm, chỉ những người có con đi học đại học mới hiểu. Đây nhà tôi còn dính phải cả hai đứa trùng đại học mất 1 năm. Tiền trong nhà cứ đi đâu hết, làm mãi không đủ.
Đứa con gái cả học đại học kinh tế trong TP.HCM cũng may ở nhà dì nên đỡ được phần nào. Còn đứa thứ 2 học hoá dược, mỗi tháng gia đình tôi phải cho cháu 2,5 triệu tiền ăn. Nhất là thời điểm năm cuối, mỗi ngày lên phòng thí nghiệm là mất hàng trăm nghìn rồi, rồi tiền nọ tiền kia… Dù vậy nhưng hai vợ chồng vẫn cố gắng cho cháu ăn học để ra trường".
"Tôi phải ở nhà đi làm để lo kinh tế, trả nợ cho gia đình, hơn nữa, còn đứa con gái út mới lên lớp 10. Thương con, thương cháu lắm nhưng cũng đành chịu. Bây giờ, một ngày mà không làm được ra tiền thì chết", bà Nhĩ chia sẻ.
Khi được hỏi vất vả thế thì cuộc sống có vui không? Người phụ nữ chân chất chỉ đáp đơn giản: "Gia đình là cuộc sống của tôi". Cả ngày vất vả là thế nhưng đến tối được ngồi ăn cơm cùng gia đình, vợ chồng nói chuyện, con cái quây quần, bà Nhĩ hạnh phúc lắm.
Bà Nhĩ chẳng mong cầu gì nhiều, chỉ ước từ nay đến lúc về già không còn biến cố gì ập đến bên gia đình. Bà mong ngày ngày được đi bắt ốc, làm việc kiếm tiền nuôi con, vun vén cho gia đình. Cực khổ mấy cũng được, chỉ cần gia đình bình an.
"Khi di chuyển từ khu vực gần hội Phủ Giầy (huyện Vụ Bản) về qua đường 10, tôi không biết bị làm sao, mà vừa dừng đèn đỏ, người tự nhiên rù hết đi, tim đập loạn lên, mắt mũi tối sầm lại. Tôi cố gắng đứng nốt đến lúc đèn xanh để đi nhưng không thể đi được nữa. Trong lòng tôi nghĩ lúc đó phải gọi điện cho người nhà đến mang ốc về chứ mình không về được nữa rồi. Ngồi được 20 phút thấy người lại tỉnh dần mới dám đi về. Hôm đó đi đường mất hơn 1 tiếng, 12 giờ trưa mới về tới nhà".
Bà Nhĩ nghĩ mình không sao lên chưa đi khám bệnh, vài hôm sau bà vẫn đi bắt ốc nhưng chỉ bắt ở gần nhà. Đến khi khó chịu không đi làm được nữa, bà mới vào viện thăm khám.
"Mất 2 hôm người khó chịu không đi làm được, tôi mới vào viện thăm khám thì bác sĩ kết luận bị hở van tim 3 lá. Bệnh này uống thuốc không khỏi nhưng tôi cũng không có tiền để chữa dứt điểm, đành vừa phải uống thuốc, vừa đi làm.
"Bệnh của tôi giờ tôi cũng chỉ để vậy uống thuốc rồi mai kia đi khám xem sao. Nếu cường độ gây khó chịu của nó giảm thì không sao còn không giảm bớt thì cũng phải đi viện thôi", bà Nhĩ thở dài.
Và cứ thế, vừa chiến đấu với bệnh tật vừa bắt ốc mưu sinh. Cuộc sống của người phụ nữ "gánh cả giang sang" cũng vậy lặng lẽ trôi qua và luôn tin vào một ngày mai tươi sáng.
Xem thêm: Người đàn bà "gánh cả giang sơn": 10 năm ăn cám lợn chăm chồng tàn tật, nuôi 4 con học Đại học
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận