Chân dung người đàn ông dành cả đời để nhặt 90 đứa trẻ từ bãi rác, hè phố: "Con bị bỏ vào bọc, chó tha đi..."

Ông Lâm đã cứu tụi nhỏ từ cõi chết trở về, viết lại một cuộc đời mới đầy tươi sáng cho chúng. Ông là mãi nhà ấm áp của những đứa trẻ thiệt thòi này...

Đỗ Thu Nga
17:00 11/10/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đã từng đọc không ít câu chuyện về những mạnh thường quân nhặt và nuôi các em nhỏ mồ côi, nhưng đây là một trường hợp đặc biệt khiến em xúc động vô cùng. Không chỉ về số lượng trẻ mà ông cưu mang, mà còn bởi những giá trị, thông điệp mà ông đem lại cho đời.

Đó là câu chuyện về ông Nguyễn Văn Lâm (47 tuổi) và hành trình hơn 11 năm “làm cha thiên hạ” theo đúng nghĩa đen của nó. Gần 100 đứa trẻ bị bỏ rơi, bị chính cha mẹ từ chối quyền làm người của chúng, đã được ông Lâm cưu mang, đem về nuôi dưỡng và xem như con của mình.

chan-dung-nguoi-dan-ong-danh-ca-doi-de-nhat-90-dua-tre-tu-bai-rac-he-pho-0

Câu chuyện bắt đầu từ một buổi chiều 11 năm về trước, trên đường đi làm về, ông Lâm phát hiện một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, kiến bu cắn nát cả mặt mày, tay chân. Mọi người vây quanh chẳng ai dám động đến bé, chỉ riêng ông nhào đến và đưa bé vào viện. Đứa con đầu tiên của ông Lâm ra đời như thế.

Thuở mới nhận con về, vốn là một người đàn ông độc thân nên ông Lâm cũng ngại ngùng vì hàng xóm bàn ra tán vào. Ngay cả mẹ cũng hiểu lầm, không tin là ông nhặt được đứa bé mà cứ ngỡ là con của ông. Câu chuyện chỉ mới bắt đầu, khi một tháng sau đó ông lại vô tình phát hiện được một đứa trẻ thứ 2 bên vệ đường. Đúng 1 năm sau, ông tiếp tục nhận cuộc gọi từ một người đàn ông biết chuyện ông nuôi 2 đứa trẻ bị bỏ rơi, nói về việc một phụ nữ sinh kế giường vợ anh ta sẽ bỏ đứa bé vào ngày mai. “Tôi không nhận, vì 2 đứa trẻ ở nhà đã là chuyện tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng anh ta vẫn gọi, 2 cuộc, rồi 5 cuộc. Tôi không đành lòng làm ngơ nữa, chạy vào bệnh viện, nhận đứa trẻ ngay kịp lúc bé bị bỏ đi…”, ông Lâm kể.

Nghĩ mẹ sẽ phản đối, ông Lâm đi tìm phòng trọ bên ngoài, thuê bảo mẫu chăm những đứa trẻ. Mãi 6 tháng sau, ông mới đánh liều tâm sự với mẹ.

“Vì sao cũng là con người, có bé sinh ra giàu sang quá, còn có bé mở mắt đã là gốc cây, bãi rác?”. Cũng kể từ đó, tôi nhận ra còn quá nhiều bất hạnh trong cuộc đời này và quyết từ bỏ tất cả hạnh phúc cá nhân để dang tay mình đón các “con” về”, ông Lâm bộc bạch.

chan-dung-nguoi-dan-ong-danh-ca-doi-de-nhat-90-dua-tre-tu-bai-rac-he-pho-9

Vượt qua những dị nghị ban đầu của hàng xóm, và rất may là ông lại có thêm sự động viên của mẹ khi đã hiểu mọi chuyện, ông Lâm dần bắt đầu viết nên hành trình nối lại tương lai của những sinh linh đáng thương đang bị vứt bỏ ngoài kia. Những đứa “con” cứ lần lượt “tìm đến” ông. Nhiều bé đến từ bãi rác, bị bỏ ngay trước cửa nhà, với hình hài dị tật chẳng ai dám nhìn. Nhiều bé đẻ rớt trong bồn cầu, cha tự tử bỏ lại, mẹ ung thư thời kỳ cuối,… bất kỳ lúc nào, bất kể ở đâu, ông cũng đều chạy đến cưu mang.

Những trở ngại trong việc để gia đình thấu hiểu sứ mệnh của mình đã được giải quyết, nhưng một vấn đề khác lớn hơn đó chính là kinh tế ngày tăng cao khi những đứa trẻ ngày một đông dần. Đồng hành với ông Lâm khi ấy còn có một người em trai. Hai người đàn ông độc thân chẳng biết gì về chăm trẻ nhỏ, ban ngày đi làm, chiều tối lại lần mò trên mạng cách bế bồng, đút trẻ ăn. Gối đầu giường bằng những quyển sách kỹ năng làm cha mẹ. Một ngày có khi làm việc đến 20 tiếng, nhưng ông vẫn chẳng hề than trách nửa lời. Bởi chỉ cần nhìn nụ cười trên môi của các con, mọi khó nhọc của ông đều như được đền bù xứng đáng.

chan-dung-nguoi-dan-ong-danh-ca-doi-de-nhat-90-dua-tre-tu-bai-rac-he-pho-8
chan-dung-nguoi-dan-ong-danh-ca-doi-de-nhat-90-dua-tre-tu-bai-rac-he-pho-7

Một công việc nghe tưởng chừng như đơn giản, nhưng thực chất chứa đựng cả một sự hy sinh lớn lao. Đó không phải là tiền bạc, cũng chẳng phải là công sức lao động, mà chính là đánh đổi cả cuộc sống, hạnh phúc cá nhân. Thay vì như bao người đàn ông khác, gây dựng sự nghiệp, tiền tài danh vọng, cưới vợ đẹp, sinh con khôn, ông Lâm lại lựa chọn con đường chẳng mấy ai đi, đó là cưu mang những đứa trẻ mồ côi. Quyết định ấy đòi hỏi không chỉ có tình yêu thương, nhân ái mà còn là sự can đảm, quyết tâm vững vàng.

Ở cái xã hội mà con người thường chỉ chăm chăm cho lợi ích cá nhân, ai cũng nghĩ về mình trước tiên, thì những người như ông Lâm chính là một ngọn lửa ấm áp sửa ấm thực trạng lạnh lùng này. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Đúng vậy, nếu như ai cũng ích kỷ, nghĩ đến bản thân mình thì những đứa trẻ bất hạnh kia chắc đã không còn tồn tại trên đời. Xã hội cần có những tấm lòng trắc ẩn, những bàn tay nhân ái như ông Lâm. Để mà noi gương, để kính trọng và để biết ơn. Biết ơn vì đã hy sinh hạnh phúc của bản thân để sửa chữa những sai lầm của người khác – những người cha, người mẹ đã bỏ rơi con; biết ơn vì đã cho những đứa trẻ bất hạnh ấy một cơ hội làm người, và biết ơn vì đã giúp cho xã hội này trở nên tươi đẹp hơn bởi những hành động đầy cao cả của ông.

chan-dung-nguoi-dan-ong-danh-ca-doi-de-nhat-90-dua-tre-tu-bai-rac-he-pho-5

Mặc dù không gầy dựng được một sự nghiệp tiền tỷ, nhưng chính mái ấm với đầy ắm tiếng cười và tình thương của ông đã là một “sự nghiệp” vô giá, không thể tính toán bằng tiền. Giá trị vật chất thì hữu hạn, nhưng giá trị về mặt con người, về tinh thần là thứ sẽ còn mãi. Mặc dù không có được một gia đình đúng nghĩa, vợ đẹp con không, nhưng bù lại, gần 100 đứa trẻ kia chính là tổ ấm mà ít ai có được. Thay vì tình yêu thương từ 1, 2 người con như bao người đàn ông bình thường, ông Lâm nhận được sự yêu mến, và tình cảm đến hơn 90 người con.

Hạnh phúc là thế với mái ấm của mình, nhưng ông Lâm cũng không khỏi trầm ngâm mà hy vọng rằng một ngày nào đó, sẽ không còn đứa trẻ nào phải gọi mình là cha nữa. Chẳng phải bởi gánh nặng kinh tế, hay sợ cực khổ mà bởi chẳng ai mong muốn những bi kịch trẻ em bị bỏ rơi cứ liên tục diễn ra. Sau tất cả, người đàn ông ấy chỉ hy vọng rằng mọi đứa trẻ khi được sinh ra dù khác biệt về hoàn cảnh sống, điều kiện gia đình, nhưng cũng sẽ có chung một điểm đó là đủ đầy cha mẹ, được sinh trưởng trong một gia đình đúng nghĩa. Bản thân chúng ta, những con người ngoài xã hội đã không thể giúp được gì nhiều cho các em, không đủ bản lĩnh để trở thành “cha mẹ của thiên hạ” thì cũng đừng góp phần tạo thêm gánh nặng, bất hạnh bằng cách sống có trách nhiệm với những sinh linh mà mình tạo ra.

Xem thêm: Bản thân mất trắng sau bão lũ, người phụ nữ vẫn nhận cưu mang 5 hộ trong xóm

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận