"Người cha" chia cơ ngơi 100 tỷ cho trẻ cơ nhỡ: Chỉ mong các con có chốn để về!
Khu đất rộng 2.500m2 và ngôi nhà 3 tầng trị giá trên dưới 100 tỷ đã được người đàn ông 64 tuổi ở TP.HCM chuyển nhượng cho những đứa trẻ không phải ruột thịt. Mong ước duy nhất của ông là bọn trẻ có chốn để về!
Người đàn ông thiện tâm đó là Bùi Công Hiệp (64 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM). Ông được 88 đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn gọi là "cha". Nhưng điều khiến người ta cảm phục khi nhắc về ông là việc sẵn sàng sang tên cho 88 đứa bé một khu đất rộng 2.500m2 và ngôi nhà 3 tầng trị giá trên dưới 100 tỷ đồng đề chúng có một nơi thực sự được gọi là nhà.
Theo thông tin của VTV, ông Hiệp là lính xuất ngũ, có gia đình yên ấm. Hai người con của ông đều đã khôn lớn, thành đạt. Với ông Hiệp, sau khi xuất ngũ làm ăn rất thuận lợi, từ đó mà gia đình có cuộc sống ổn định, không phải lo nghĩ về kinh tế.
Thế nhưng, người lính ấy vẫn đau đáu ước nguyện: "Nếu sau này làm ăn dư giả sẽ xây một ngôi nhà để nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt". Nguyên nhân xuất phát từ việc ông Hiệp từng chứng kiến rất nhiều cảnh đời bơ vơ không cha mẹ trong thời kỳ loạn lạc. Đối với người đàn ông này, những đứa trẻ bị bỏ rơi là những mảnh đời thiệt thòi nhất.
Với suy nghĩ ấy, ông Hiệp nỗ lực làm ăn để tích cóp tiền bạc. Mới đầu, ông nhận nuôi khoảng 5 - 10 em bé vào năm 2010, phần vì thương các em phần để gia đình có thêm thành viên bởi các con ông đều đã lớn.
Tiếng thơm về tấm lòng nhân hậu của ông Hiệp đồn xa, nhiều bà mẹ có hoàn cảnh khó khăn, mẹ đơn thân đã đem con đến gửi nhờ tại mái ấm này. Dần dần từ 5 - 10 trẻ ban đầu, ngôi nhà của ông trở thành trung tâm cưu mang gần 90 trẻ em.
Ngày nào cũng thế, cứ 4h sáng, ông Hiệp lại lật đật dạy nấu nướng 3 bữa cho các con. Sau đó ông cũng là tài xế chở tụi nhỏ đến trường.
Suốt 13 năm ròng, ngày nào ông Hiệp cũng làm công việc như thế. Ông dành toàn bộ thời gian, tình yêu cho những đứa trẻ kém may mắn.
Không chỉ yêu thương các con như con đẻ trong nhà, ông Hiệp còn quyết định chuyển giao số tài sản 100 tỷ cho các con trong trung tâm. Chia sẻ về việc này, ông Hiệp nói: "Các bé 18 hoặc 20, chúng nó trưởng thành rồi, nó tự lập nghiệp là lúc đó coi như mình hết trách nhiệm. Nhưng sau này mình cũng nằm suy nghĩ lại là nếu sau này các con ra ngoài đi làm ăn, thành đạt thì không nói, nhưng thất bại thì nó về đâu, chẳng nhẽ lại phải trở về kiếp không nơi nương tựa, lại lang thang không nhà”.
Thế nên, ông Hiệp đã chia số tài sản lớn cho các con để khi chúng sa cơ thất thế còn có nơi có chốn để về. Đặc biệt, toàn bộ những việc làm của ông nhằm chăm lo cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn đều nhận được sự đồng thuận của vợ và hai người con.
Vợ của ông Hiệp là bà Phạm Hoàng Lan luôn ủng hộ những việc chồng làm. Hơn ai hết, bà biết, chồng mình yêu thương những đứa trẻ khó khăn, cơ nhỡ này chẳng kém cạnh gì con đẻ của mình. Mặc dù ban đần xuất phát từ tâm lý của một người làm mẹ, nuôi 1 đứa trẻ thành người đã khó chứ đừng nói là 90 đứa trẻ. Bà đã khóc rồi còn dọa bỏ đi nếu chồng vẫn tiếp tục nhận nuôi trẻ cơ nhỡ.
Giận nhưng mà cũng thương vô cùng, bà Lan lại xắn tay áo phụ chồng. Có lúc công việc làm ăn của gia đình đi xuống, các đơn vị, đối tác hủy hợp tác chẳng báo trước, nguồn thu nhập để nuôi trung tâm bị gián đoạn, ông Hiệp xin vợ bán nhà để cho các con được tiếp tục ăn học đầy đủ. Bà Lan cũng định khuyên chồng gửi các con lại cho nhà nước nuôi nhưng ông Hiệp không đồng ý. Ông nói, nếu đã là con thì phải làm tròn trách nhiệm.
Và trời chẳng chịu đất thì đất phải chịu trời, bà Lan đồng ý bán nhà. Bà từng chia sẻ rằng: "Của cải vật chất mình đâu thể giữ mãi bên mình, nhưng nếu cho đi thì còn mãi. Cô tin điều đó và ủng hộ chú trên con đường này".
Niềm hạnh phúc đối với người cha đông con này đơn giản lắm, ông Hiệp kể: “Tôi cũng phải cảm ơn các con vì chúng trân trọng mình. Tối các bé nó chơi đùa, mình mệt rồi nằm luôn trên sàn đất này thì chúng lật đật chạy ra lấy cái gối rồi kê đầu cho tôi năm. Thì những cái đó thôi cũng đủ để tôi cảm thấy ấm lòng rồi”.
Đổ bao mồ hôi công sức và tiền bạc để nuôi gần 90 đứa trẻ mà ông Hiệp mong ước giản dị lắm: Chỉ mong các con trưởng thành, trở thành người có ích cho xã hội. Chưa bao giờ ông đòi hỏi hay có suy nghĩ, sau này các con trưởng thành phải quay về báo đáp mình. Với ông, chỉ cần các con sống tốt, cố gắng tránh các vết xe đổ của cha mẹ là cách báo đáp ân nghĩa tốt nhất.
Xem thêm: Lớp học vùng cao gieo tri thức cho học trò nghèo của cô giáo người Thái
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận