Cách chú tâm khi ăn uống theo chỉ dẫn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, chú tâm trong anh uống giúp tận hưởng từng miếng nhai, cảm nhận sự kết nối với thế giới xung quanh qua các giác quan...
Thiền sư Thích Nhất Hạnh là bậc chân tu có nhiều đóng góp nhưng lại luôn giữ lối sống giản dị. Phật tử và những người mộ đạo khi tiếp xúc với ông đều cảm nhận được sự gần gũi của một bậc chân tu.
Được biết, vài tháng 10/2018, Thiền sư đã trở về Tổ đình Từ Hiếu - Thừa Thiên Huế sau hơn 50 năm đi khắp thế giới truyền bá Thiền Chánh niệm trong Phật giáo đến hàng triệu người.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Nguyễn Đắc Xuân, mọi Phật tử khi tiếp xúc với ông đều như buông bỏ được mọi âu lo buồn phiền, trong lòng thấy mình thanh thản, nhẹ nhàng an lạc.
Và trong những điều Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng chia sẻ thì có một điều rất đáng chú ý đó là: Cách chú tâm trong ăn uống.
Thiền sư từng chia sẻ, ông thích được ngồi ăn trong thinh lặng và tận hưởng từng miếng nhai, ý thức về sự hiện hữu của những người xung quanh, các tăng thân, ý thức về tất cả những công sức và tình thương đã có mặt trong chén cơm của mình.
Cái lợi của sự chú tâm khi ăn uống bắt nguồn từ việc bạn tận hưởng bữa ăn, cảm nhận sự kết nối với thế giới xung quanh qua những giác quan. Khi ấy, bạn càng ý thức được rõ khi nào vừa đủ no để tránh ăn nhiều và cơ thể có thời gian để tiêu hóa tốt hơn.
Cùng với lời khuyên, Thiền sư cũng chia sẻ những điều chúng ta có thể chú tâm trong bữa ăn: Sắp đặt bàn ăn tinh tươm, bày biện bữa ăn đơn giản mà dễ nhìn giúp bạn ăn ngon hơn; Khi ngắm nhìn thực phẩm, thấy biết ơn vì mùi vị tươi ngon của món ăn sẽ nuôi dưỡng cơ thể và tâm trí bạn.
Các tu sĩ thường nghe một tiếng chuông trước khi bắt đầu bữa ăn trong chánh niệm. Tiếng chuông nhắc nhở họ đưa toàn bộ tâm trí về hiện tại. Bạn có thể không cần tiếng chuông, chỉ cần nhắc nhở mình về giờ ăn, rời chiếc điện thoại với kết nối internet sang một bên, gạt bỏ mọi suy nghĩ lo toan, tập trung tận hưởng bữa ăn.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng khuyên nên mỉm cười với người cùng ăn và thức ăn trước khi bạn cầm đũa. Khi ăn nên nhai kỹ, nhai chậm khoảng 30 lần để cảm nhận vị ngọt thức ăn tan trong khoang miệng.
Kết thúc bữa ăn, hãy dừng vài phút cảm nhận cơn đói đã được xoa dịu và biết ơn vì đã được nuôi dưỡng từ nguồn thực phẩm tốt lành.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (sinh năm 1926 tại Thừa Thiên Huế). Ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi. Đến nay ông là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế. Năm 40 tuổi, ông rời Việt Nam, sáng lập dòng tu Tiếp Hiện và thiết lập các trung tâm thực hành, thiền viện khắp thế giới.
Ông đã viết hơn 100 cuốn sách, trong đó hơn 40 cuốn bằng tiếng Anh. Với những hoạt động không ngừng nghỉ của mình, thầy Thích Nhất Hạnh trở thành nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây, chỉ sau Đạt Lai Lạt Ma, theo đánh giá của các hãng tin nước ngoài.
Xem thêm: Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Phật nằm chính trong nghệ thuật sống chánh niệm từng giây của cuộc đời"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận