Bữa cơm đẫm nước mắt của người mẹ nghèo và cậu con trai 7 tuổi mắc bệnh ung thư
Bệnh tật ập xuống và dịch bệnh kéo đến khiến gia đình không còn thu nhập, trong khi đó chi phí điều trị bệnh của Thạch Đó tăng lên. Giờ đây sinh mạng mỏng manh của cậu bé chỉ đành phó mặc vào lòng từ bi của cộng đồng.
Đã nhiều ngày nay, bữa cơm của hai mẹ con Thạch Đó chỉ có quả trứng vịt luộc chấm với nước tương mặn chát và canh rau. Cậu bé đã chán ngấy những bữa ăn lặp đi lặp lại này rồi nhưng biết làm sao được, nếu không ăn thì sẽ rất đói.
Bàn tay nhỏ bê bát cơm, cố gắp thêm 1 miếng trứng nhỏ, chấm đẫm trong nước tương rồi đưa lên miệng ăn cùng những hạt cơm rời rạc. Nhìn cảnh ấy ai mà không thương cho được.
Nói về cậu con trai 7 tuổi, chị Loan tâm sự: Vào tháng 7 năm ngoái, chị thấy ở cổ con trai sưng một cục nên đã đưa đến bệnh viện thăm khám nhưng không ra bệnh. Sau đó sức khỏe cậu bé dần yếu đi, vợ chồng vét sạch túi được 2 triệu đồng đưa con lên bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh để thăm khám.
Tại đây bác sĩ tiến hành làm xét nghiệm, chẩn đoán cậu bé bị ung thư hệ tạo huyết. Bác sĩ bảo gia đình về quê xin giấy chuyển viện cho con sang Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Cũng trong ngày đi khám đó, cậu bé đã ngất xỉu khiến bố mẹ vô cùng lo lắng.
Sau khi xin đầy đủ giấy tờ chuyển viện, Thạch Đó chính thức gia nhập đội ngũ "chiến binh nhí" của khoa Nhi, bệnh viện Ung bướu. Kể từ khi con nhập viện đến nay, người mẹ "mù chữ" chẳng thể nhớ nổi con đã “đánh thuốc” bao nhiêu đợt, chỉ áng chừng cứ cách khoảng 1-2 tuần, mẹ con chị lại có mặt tại bệnh viện. Những toa thuốc ngoài danh mục bảo hiểm hết sức tốn kém, tác dụng phụ cũng nặng hơn.
Mỗi lần vô thuốc, con nóng sốt, môi, miệng và họng đều bị lở loét, hễ cứ ăn vào là lại ói ra khiến đứa trẻ sợ hãi, nhưng con chỉ im lặng chịu đựng. Căn bệnh cũng khiến con thường xuyên bị thiếu máu.
"Do truyền máu nhiều quá nên thằng bé đổi tính rồi. Trước đây con vui vẻ, hoạt bát lắm, nhưng giờ con lầm lì hơn, cứ hay lủi thủi một mình, chẳng chịu chơi với các bạn”, chị Loan gạt nước mắt tâm sự.
Người mẹ nghèo còn xót xa hơn khi chứng kiến con trai đau đớn mỗi lần chọc tủy để làm xét nghiệm tủy đồ. Chị dùng hết những lời ngọt ngào để động viên, an ủi con trai. Thế nhưng, nhìn con đau đớn chị không kìm lòng được.
Không những lo bệnh tình của con trai, chị Loan còn lo lắng kinh phí điều trị và hoàn cảnh gia đình. Chị cho biết, quê ở Trà Vinh, tài sản duy nhất của gia đình là căn nhà bằng tôn trên mảnh đất khô cằn được bố mẹ cắt cho từ ngày cưới nhau.
Vợ chồng chị ở quê cũng không có ruộng đất hay công việc ổn định. Chồng chị phải đi làm mướn cho người ta. Khi vét đất, khi lại đi biển, công việc bấp bênh, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu, lo được cho gia đình ăn đủ no là tốt lắm rồi.
Theo báo Vietnamnet, chính chị Loan cũng mang bệnh trong người. Chị bị thoái hóa cột sống, tụt canxi nên không thể đi làm. Hai con trai lớn phải nghỉ học từ sớm để đi làm, phụ đỡ cha mẹ. Nhưng hai đứa trẻ năm nay mới 17 - 18 tuổi, tiền công cũng chẳng đáng bao nhiêu.
Tháng đầu tiên Thạch đó đi chữa bệnh, tiền xét nghiệm, điều trị, chi phí đi lại, ăn uống của hai mẹ con hết ngót nghét 50 triệu. Số tiền đó là vay lãi nóng. Giờ đây, tiền lãi không thể trả nổi nên nợ nần ngày một tăng cao.
Được biết, đợt dịch này bác sĩ kéo dài thời gian hóa trị lên 1 tháng 1 đợt nhưng Thạch Đó thường hay bị nôn ói, thiếu máu nên chị Loan chẳng dám cho con về quê. Hai mẹ con được một người thân quen cho tá túc trong căn phòng trọ, hỗ trợ lương thực nên mới có thể cầm cự được đến hôm nay.
Thế nhưng, tiền điều trị của con đã cạn kiệt, ở quê cũng khó có thể xoay sở được vì nợ quá nhiều. Tiền điều trị đến nay đã cạn sạch.
“Vừa rồi, dưới quê cũng thực hiện Chỉ thị 16, mấy cha con chẳng lo nổi thân mình nên mẹ con tôi trên này tự tìm cách để sống sót qua mùa dịch. Nhìn con trai hiểu chuyện tôi vừa thương vừa đau lòng”, chị Loan khóc nấc lên.
Mùa dịch, chi phí để trang trải cho con được nhập viện điều trị tăng lên nhưng thu nhập chẳng có, gia đình lâm vào đường cùng. Giờ đây, sinh mạng mong manh của Thạch Đó đành phó nhờ vào những tấm lòng nhân ái.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Phòng CTXH Bệnh viện Ung bướu hoặc chị Nguyễn Thị Thúy Loan hoặc anh Thạch Đương; Địa chỉ: Ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, Điện thoại: 0972469954.
Xem thêm: Tâm sự nhói lòng của người đàn ông mất vợ vì COVID-19: Mâm cúng chỉ có đĩa muống xào, chén cơm nguội
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận