Những điều chưa biết về B.1.1529 - biến chủng nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của SARS-COV-2
Biến chủng mới của COVID-19 có tên B.1.1529 đang khiến giới khoa học quan ngại khi có tới 32 đột biến ở protein gai.
Biến chủng B.1.1529 là gì?
Hai năm nay, dịch bệnh COVID-19 khiến toàn cầu lao đao. Nó không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế mà còn cướp đi mạng sống của nhân dân ở rất nhiều quốc gia. Hiện tại, giới nghiên cứu vẫn đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để chặn đứng biến chủng Delta - biến chủng được đánh giá là "hung hãn" nhất ở thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, trong khi Delta vẫn đang hoành hành và không có dấu hiệu "nghỉ chân" thì WHO lại đưa ra thông báo về một loại biến chủng mới, ó có tên là B.1.1529.
Cơ quan an ninh y tế Anh cho biết, biến chủng B.1.1529 có tới 32 đột biến trong protein gai, bộ phận vốn giúp virus SARS-COV-2 xâm nhập vào tế bào con người và chính là mục tiêu mà hầu hết các loại vaccine nhắm đế để tạo ra hệ miễn dịch chống lại COVID-19.
Các đột biến ở protein gai có thể ảnh hưởng đến khả năng truyền bệnh và lây lan của virus, song cũng khiến các tế bào miễn dịch khó tấn công lại mầm bệnh hơn. Cũng theo cơ quan y tế Anh, đây là biến thể quan trọng nhất mà giới chức y tế nước này phải đối mặt cho đến nay và nghiên cứu khẩn cấp để tiến hành tìm hiểu về khả năng lây truyền, mức độ nghiêm trọng và tính nhạy cảm với vaccine.
Liên quan đến biến chủng B.1.1529, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã mở cuộc thảo luận vào ngày 25/11. Tiến sĩ Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm chuyên môn về COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng: "Chúng tôi vẫn chưa biết nhiều về nó. Điều chúng tôi biết là biến chủng này có một lượng lớn đột biến. Mối quan tâm hiện tại là việc có nhiều đột biến sẽ ảnh hưởng tới cách thức hoạt động của virus".
Theo Giáo sư Ravi Gupta đến từ Đại học Cambridge cho biết, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của ông phát hiện 2 đột biến của B.1.1.529 làm tăng khả năng lây nhiễm và lan truyền của virus. Bên cạnh đó, nó làm giảm khả năng nhận biết của kháng thể.
Còn Tiến sĩ om Peacock, nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London đánh giá số lượng đột biến rất cao của biến chủng mới cho thấy nó có thể rất đáng lo ngại.
Bà Kerkhove cho biết nhóm làm việc của WHO sẽ đánh giá xem có nên xếp B.1.1.529 vào nhóm biến chủng đáng quan tâm hay đáng lo ngại hay không trước khi đặt tên cho nó theo chữ cái Hy Lạp. "Các nhà nghiên cứu của chúng tôi đang tìm hiểu về vị trí của những đột biến này trong protein gai. Điều đó có thể có ý nghĩa đối với việc chẩn đoán hoặc điều trị", bà này nói thêm.
Biến chủng B.1.1.529 được phát hiện đầu tiên ở đâu?
Theo thông báo từ cuộc họp của WHO, biến chủng B.1.1.529 được phát hiện đầu tiên ở Botswana với 3 ca bệnh. 6 ca nhiễm khác được ghi nhận ở Nam Phi.
Tại Nam Phi, cho đến nay, các nhà virus học đã phát hiện gần 100 ca nhiễm COVID-19 có liên quan đến biến thể mới, theo giáo sư Anne von Gottberg, nhà vi sinh vật học lâm sàng và là trưởng khoa các bệnh đường hô hấp tại Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm.
Hong Kong mới đây cũng báo cáo về 2 trường hợp nhiễm B.1.1.529. Theo South China Morning Post (SCMP), ít nhất 2 ca nhập cảnh đang cách ly tại một khách sạn được xác nhận mắc biến thể mới B.1.1.529.
Ca đầu tiên là người đàn ông 36 tuổi đến từ Nam Phi và có kết quả dương tính hôm 15/11. Ca thứ hai là một người đàn ông 62 tuổi đến từ Canada và ở phòng đối diện trong khách sạn.
SCMP nghi ngờ có lây nhiễm chéo trong khu cách ly do bệnh nhân 36 tuổi đeo khẩu trang có van, vốn được cho là chỉ lọc không khí vào chứ không lọc không khí ra. Ngay sau sự việc, chính quyền Hong Kong đã yêu cầu tất cả người cách ly cùng tầng phải cách ly thêm 14 ngày.
Bắt đầu từ ngày 25/11, tất cả người cách ly khi ra ngoài đổ rác và lấy thức ăn phải đeo khẩu trang y tế, không được đeo khẩu trang có van để phòng lây nhiễm cho người khác.
Giáo sư Leo Poon Lit-man thuộc Đại học Hong Kong cho biết biến thể B.1.1.529 có một số đột biến làm giảm hiệu quả vaccine, song hiện vẫn chưa rõ biến thể này có lây lan nhanh hơn các biến thể khác hay không.
Biến chủng B.1.1.529 nguy hiểm cỡ nào?
Cũng trong cuộc họp vào ngày 25/11 của WHO, Giáo sư Ewan Birney, phó giám đốc Phòng thí nghiệm sinh học phân tử châu Âu, cho biết với kinh nghiệm và hiểu biết về các biến thể Alpha và Delta, "chúng ta đã có bài học là hành động sớm tốt hơn nhiều so với hành động muộn".
Mặc dù có thể biến thể này không là mối đe dọa lớn như biến thể Alpha và Delta, nhưng hậu quả tiềm ẩn của việc không hành động với giả định nó có nguy cơ gây nguy hiểm là rất nghiêm trọng", giáo sư Birney nói.
Giáo sư Francois Balloux, giám đốc Viện di truyền của Đại học London, cho biết biến thể mới có thể khởi phát ở người bị suy giảm miễn dịch, ví như một bệnh nhân HIV/AIDS chưa được điều trị.
Việc có số lượng ca nhiễm HIV lớn nhất thế giới khiến Nam Phi khó khăn hơn trong việc chống lại đại dịch COVID-19. Và vì virus có thể tồn tại lâu hơn ở những người có hệ miễn dịch bị thương tổn, nó có nhiều cơ hội tạo ra các đột biến hơn.
Các chuyên gia của WHO cũng họp trong ngày 26/11 với Nam Phi. Tuy nhiên, sẽ mất vài tuần để các nhà khoa học hiểu được tác động của biến thể mới với các trường hợp nhập viện và tử vong cũng như nghiên cứu cách nó tương tác với vaccine.
Xem thêm: Biến chủng AY.4.2 - "hậu duệ" của biến thể Delta nguy hiểm thế nào?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận