Biến chủng AY.4.2 - "hậu duệ" của biến thể Delta nguy hiểm thế nào?

AY.4.2 là một biến chủng phụ được phát hiện ở ít nhất 27 quốc gia. Theo cơ quan y tế các nước, biến chủng AY.4.2 nguy hiểm hơn và lây nhanh hơn biến thể Delta.

Đỗ Thu Nga
08:03 23/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Biến chủng AY.4.2 là gì, lây lan nhanh đến mức nào?

Biến chủng AY.4.2 là dòng biến chủng phụ của biến thể Delta. Nó sở hữu các đột biến A222V và Y145H, vốn được mô tả là tăng khả năng sống sót cho virus. Theo CNBC, AY.4.2 có khả năng lây lan cao hơn 10-15% so với biến chủng Delta thông thường.

Dữ liệu y tế cho thấy, người mang AY.4.2 có các triệu chứng tương tự các biến chủng cũ như sốt, thân nhiệt cao, ho liên tục trong hơn một giờ hoặc cả ngày, mất hoặc rối loạn vị giác, khứu giác.

bien-chung-ay42-la-gi-va-bien-chung-ay42-lay-lan-nhanh-the-nao-0

Ngày 19/10, Bộ Y tế Israel cũng xác nhận có ca nhiễm biến chủng AY.4.2 đầu tiên. Đó là một bé trai 11 tuổi đến từ châu Âu. Bộ Y tế nước này cho biết, ca bệnh được xác định tại sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv. 

Tiến sĩ Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ xác nhận vào ngày 20/10, biến chủng AY.4.2 đã được phát hiện ở Mỹ. Biến chủng phụ này đã "thu hút một số sự chú ý trong những ngày qua". Song vị chuyên gia này không đề cập cụ thể cụm lây nhiễm.

Tiến sĩ Rochelle Walensky cũng cho rằng, ở thời điểm này, không có bằng chứng nào cho thấy biến chủng phụ này ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine hoặc phương pháp điều trị. Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu. 

Ngày 21/10, cơ quan thông tấn Nga TASS dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao của Cơ quan giám sát tiêu dùng quốc gia Nga, ông Kamil Khafizov, xác nhận nước này đã ghi nhận một số ca nhiễm biến chủng AY.4.2.

"Biến chủng Delta đã khiến tỉ lệ mắc bệnh gia tăng nghiêm trọng. Giờ đây biến chủng AY.4.2 có khả năng là động lực gia tăng thêm ca bệnh COVID-19", ông Khafizov cảnh báo.

bien-chung-ay42-la-gi-va-bien-chung-ay42-lay-lan-nhanh-the-nao-8
AY.4.2 được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn chủng Delta

Nga đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất từ năm ngoái đến nay. Số liệu được giới chức y tế Nga cập nhật hôm 21/10 cho thấy, nước này ghi nhận đến hơn 36.300 ca nhiễm mới và 1.036 ca tử vong vì COVID-19, cao nhất từ trước tới nay. Phần đa ca bệnh đều mang biến thể Delta. 

Còn tại anh, vào ngày 22/10, cơ quan y tế nước này thông báo, họ chỉ định biến chủng phụ của Delta - AY.4.2 là biến chủng đang điều tra (Variant Under Investigation - VUI). Đại diện cơ quan này cũng nhấn mạnh có một số bằng chứng cho thấy AY.4.2 có thể lây truyền nhiều hơn Delta.

“Quyết định này được đưa ra trên cơ sở dòng phụ của Delta ngày càng trở nên phổ biến ở Anh những tháng gần đây. Một số bằng chứng ban đầu cho thấy nó có thể khiến tốc độ lây nhiễm ở Anh tăng nhanh so với Delta”, Cơ quan An ninh Y tế Anh cho biết thêm.

Dẫu vậy, trong báo cáo mới nhất, cơ quan y tế Anh vẫn khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng AY.4.2 gây bệnh nặng hơn hoặc khiến vaccine COVID-19 kém hiệu quả.

Biến chủng AY.4.2 hoạt động thế nào?

Theo BBC News, vào tuần đầu của tháng 10, Viện Wellcome Sanger thống kê số ca nhiễm biến chủng AY.4.2 chiếm tỷ lệ 9,4% trên tổng F0, tăng gấp đôi so với con số của tháng trước (4,4%). Ít nhất 16 khu vực tại Anh có tỷ lệ lây nhiễm biến chủng mới >25%. Hiện tại có ít nhất 27 quốc gia ghi nhận ca mắc bệnh có biến chủng này. 

Theo các nghiên cứu mới nhất YA.4.2 chứa hai đột biến trong protein gai, được gọi là A222V và Y145H. Protein gai nằm bên ngoài virus corona và giúp virus xâm nhập vào tế bào. GS Ravi Gupta cho hay những đột biến này của AY.4.2 chưa đáng quan ngại.

“A222V từng được tìm thấy trong các dòng khác của biến chủng Delta. Nó không có tác động thực sự lớn đối với virus", Guardian dẫn lời vị chuyên gia. Trong khi đó, các đột biến tương tự Y145H cũng đã được phát hiện ở Alpha và những biến chủng khác. Mặc dù những đột biến này có khả năng ảnh hưởng đến sự liên kết giữa các kháng thể và virus, ông Gupta nói rằng ảnh hưởng này khá nhỏ.

bien-chung-ay42-la-gi-va-bien-chung-ay42-lay-lan-nhanh-the-nao-6
AY.4.2 là biến chủng đang được điều tra

Ở thời điểm hiện tại, số lây nhiễm cơ bản (R) của biến chủng Delta nằm trong khoảng 5 - 8. Điều đó có nghĩa là trong một đợt bùng phát không kiểm soát 1 F0 có thể truyền virus cho 5-8 người khác. Nếu con số này tăng 10% ở AY.4.2, các chuyên gia đánh giá cũng không làm thay đổi đáng kể quỹ đạo của đại dịch.

Cựu Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, Scott Gottlieb, cho hay giới nghiên cứu chưa có nhiều thông tin về biến chủng mới AY.4.2. Tất cả biến chủng phụ của Delta đều được gọi chung là "Delta Plus".

Trước đó, một biến chủng Delta Plus khác được biết đến với đột biến bổ sung K417N. Dòng phụ này lần đầu được báo cáo bởi Cơ quan Y tế công cộng của Anh hôm 11/6. Ấn Độ cũng là nơi đầu tiên trên thế giới ghi nhận ca nhiễm dòng phụ Delta Plus này.

Đột biến K417N cũng được tìm thấy trong các biến chủng Beta, gây lo ngại vì liên quan việc làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Các nhà nghiên cứu Anh cho biết, cuối tháng 6 vẫn chưa có bằng chứng cho thấy đột biến bổ sung là mối lo ngại chính. 

Ở Đức cũng có một số bài báo vào đầu tháng 10 cho biết, cả Delta và Delta Plus đều cho thấy khả năng lây nhiễm tăng và bám chặt hơn vào các thụ thể của tế bào phổi so với chủng virus ban đầu. Nhưng Delta Plus dường như không nguy hiểm hơn đáng kể so với biến chủng Delta.

Làm sao để Việt Nam giảm bớt nguy cơ xuất hiện biến chủng mới?

Biến chủng Delta xuất hiện ở Việt Nam từ đợt dịch thứ 4, bắt đầu từ ngày 27/4/2021 đến nay, khi đoàn chuyên gia Trung Quốc lây nhiễm Covid-19 từ khu cách ly ở Yên Bái có chuyên gia Ấn Độ, sau đó lây cho một số trường hợp ở Vĩnh Phúc và nhiều tỉnh, thành khác. Qua giải trình tự gene từ mẫu bệnh phẩm của các ca bệnh liên quan đến nhóm chuyên gia Trung Quốc, phát hiện mang biến chủng Delta lần đầu xuất hiện ở Ấn Độ.

Kể từ ca nhiễm đầu tiên ở Mỹ vào đầu tháng 5/2020, sau gần 1 năm Việt Nam mới xuất hiện biến chủng Delta. Đây là biến thể khiến dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM, và 1 số tỉnh khác tại Việt Nam.

Bà Bette Korber, nhà sinh học lý thuyết tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos xác định, không ai nghi ngờ rằng virus SARS-CoV-2 có khả năng phát triển nhanh chóng, và nguy hiểm khi lây lan trong cộng đồng.

Virus SARS-CoV-2 có thể thay đổi theo 2 cách cơ bản:

- Thứ nhất, virus trở nên dễ lây lan bằng cách liên kết tốt hơn với các thụ thể trong mũi, tái tạo nhanh hơn khi xâm nhập vào cơ thể hoặc trở nên hiệu quả trong việc truyền qua khí dung,

- Thứ hai, virus có thể làm mất khả năng miễn dịch của cơ thể. Nhiều đột biến làm thay đổi protein gai trên bề mặt của virus khiến kháng thể khó nhận biết.

bien-chung-ay42-la-gi-va-bien-chung-ay42-lay-lan-nhanh-the-nao-5

Hầu hết các đột biến đều có hại cho virus hoặc không có tác dụng. Nhưng một phần rất nhỏ giúp xuất hiện một biến thể mới.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, nghiên cứu của họ củng cố nhu cầu tiêm chủng rộng rãi và nhanh chóng. Có quá nhiều virus đang lưu hành và độ biến là một trò chơi số. Virus càng có nhiều cơ hội đột biến, càng có nhiều khả năng tạo ra một thể thích nghi tốt hơn.

Virus có nguy cơ gây chết người nhiều hơn khi tiến hóa, có một số bằng chứng cho thấy Delta có nhiều khả năng gây bệnh nặng. Nhưng điều ngược lại cũng đúng: virus có thể suy yếu dần theo thời gian.

Mối nguy lớn nhất của các biến thể mới là ảnh hưởng như thế nào đến vaccine Covid-19. Các nhà khoa học đánh giá, đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy biến thể Delta đang phát triển thành một dạng né tránh vaccine.

Bởi vậy, để giảm lo ngại về sự tiến hóa của virus, các nước nên đẩy nhanh việc tiêm chủng. Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất vaccine đang chuẩn bị các công thức tùy chỉnh, dành riêng cho từng biến thể.

Xem thêm: Biến chủng AY.3 (Delta Plus) xuất hiện ở Israel nguy hiểm đến mức nào?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận