Nam sinh gốc Việt - Nguyễn Đức Anh Phú: "Khởi nghiệp" sửa điện thoại để kiếm tiền, giúp đời và bí quyết chinh phục Harvard

Sau khi tốt nghiệp trung học, Anh Phú trúng tuyển nhiều trường đại học, trong đó có Harvard và Stanford. Bài luận đưa Phú đến Harvard kể về câu chuyện "khởi nghiệp" với cửa hàng sửa điện thoại.

Đỗ Thu Nga
10:53 23/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Harvard là giấc mơ ngoài sức mong đợi

Theo VnExpress, Nguyễn Đức Anh Phú sống ở thành phố Papillion (bang Nebraska) hiện đang là sinh viên năm nhất của trường Đại học danh tiếng Harvard. 

5 tháng qua, Anh Phú đã bắt nhịp rất tốt với cuộc sống bận rộn ở trường Đại học này. Bước sang kỳ học mới, cậu phải học nhiều lớp hơn, bài tập khó hơn những cậu rất yêu thích khoảng thời gian được học hỏi, trải nghiệm này. "Em thích Harvard lắm. Các lớp học khó nhưng rất hay", Phú, 19 tuổi, chia sẻ.

Bi-quyet-chinh-phuc-Harvard-cua-nam-sinh-goc-Viet-Nguyen-Duc-Anh-Phu
Sau khi tốt nghiệp trung học, Phú trúng tuyển nhiều trường đại học, trong đó có Harvard và Stanford (Ảnh: NVCC)

Mỗi ngày, Anh Phú có một hoặc hai lớp học nhưng phải viết luận và làm nhiều bài tập, Ban đầu, Phú học ngành Kinh tế và Khoa học Máy tính nhưng giờ muốn tập trung cho ngành máy tính. Ngoài giờ học, nam sinh này còn tham gia các câu lạc bộ, gặp gỡ thêm những người bạn mới.

"Harvard là nơi có nhiều người giỏi và đặc biệt nên em học hỏi được nhiều từ họ", Phú nói, cho biết chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày.

Biết ơn cha mẹ, biết ơn những tháng ngày nghèo khó

Với Anh Phú, trở thành một phần của Harvard là giấc mơ ngoài sức mong đợi. Trong hành trình đến ngôi trường danh giá top đầu thế giới này, nam sinh gốc Việt luôn mang theo lòng biết ơn bố mẹ, biết ơn những tháng ngày nghèo khó giúp mẹ có nhiều động lực và quyết tâm. 

Được biết, Anh Phú sinh ra trong gia đình có 3 chị em ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Năm 2009, em cùng gia đình sang Mỹ định cư (khi đó mới 6 tuổi). 

Sang đất nước xa lạ, gia đình Phú sống cùng với bà ngoại trong căn nhà chật chội. Ký ức thời thơ ấu của Phú là những ngày phải ngủ chung chiếc giường hẹp với 4 người cháu khác. Bố Phú làm lao công trong trường học, mẹ làm nail. Nhìn bố mẹ vất vả, chị em Phú luôn tự nhủ phải chăm chỉ học hành để có tương lai tốt.

"Gia đình em khó khăn trong bước đầu định cư. Mặc dù ở Việt Nam có cuộc sống ổn định, khi qua Mỹ, ba mẹ không biết tiếng Anh, không bằng cấp nên phải làm việc chân tay vất vả. Nhưng ba mẹ vẫn vui vì các con có được môi trường học tập thuận lợi", Phú nói.

Năm 16 tuổi, Phú có chiếc điện thoại nhưng không may bị rơi vỡ. Vì không muốn làm bố mẹ tốn tiền thay cái mới nên em đã lên mạng tìm mua máy cũ, sau đó mua đi bán lại. Em cũng tự mày mò học cách sửa điện thoại rồi bán máy cũ giá rẻ.

"Khởi nghiệp" với cửa hàng sửa điện thoại và những việc làm nhân văn

Theo Anh Phú, nơi em sinh sống có ít tiệm sửa điện thoại nên công việc của em nhanh chóng trở nên "hot", được nhiều người biết tới. Cửa hàng có tên Phu’s Phone Emporium ra đời, có "trụ sở" đặt tại chính phòng ngủ của Phú. Người nọ giới thiệu người kia, cửa hàng của Phú ngày càng đông khác.

Bi-quyet-chinh-phuc-Harvard-cua-nam-sinh-goc-Viet-Nguyen-Duc-Anh-Phu-0
Cửa hàng sửa chữa, mua bán điện thoại cũ của Phú tại nhà ở bang Nebraska (Ảnh:NVCC)

Nhờ biết cả tiếng Việt lẫn tiếng Tây Ban Nha nên Phú dễ dàng hơn trong việc tư vấn cho khách hàng không nói được tiếng Anh. Trong tháng đầu "khởi nghiệp", Phú kiếm được khoảng 500USD, sau đó tăng lên 1.000 USD/tháng.

"Em chưa bao giờ có nhiều tiền như vậy. Em đã rất vui và đãi cả nhà ra ngoài ăn mấy lần. Bố mẹ em rất mừng", Phú nhớ lại.

Nói về con trai, chị Ngô Thị Thùy Anh (48 tuổi) cho hay: Lúc còn nhỏ chưa làm ra tiền, Phú tham gia giúp sức công việc nhà thờ, hội thân hữu và quyên góp tiền cho người nghèo. Khi công việc kinh doanh tốt hơn, Phú dùng tiền kiếm được đóng góp cho nhà thờ, thư viện, giúp các hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam. Phú cũng tặng nhiều điện thoại cho những người không có điều kiện mua máy trong bang.

Kinh doanh nhưng không quên việc học

Dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng Phú không bao giờ quên nhiệm vụ học tập. Nam sinh gốc Việt đạt GPA 3.9/4.0, ACT 34/36.

Anh Phú cho biết, cậu muốn học Đại học trong bang, vừa gần nhà, vừa có điều kiện để duy trì và phát triển công việc. Nhưng sau đó thấy một người bạn cùng lớp ứng tuyển vào Đại học Harvard, Phú cũng muốn thử và nộp tổng cộng tám trường (ba trường trong bang và năm trường thuộc nhóm Ivy League).

Sau cùng, Phú trúng tuyển 3 trường ở Nebraska, được học bổng của cả Harvard và Stanford. Thành công bước đầu này của Phú khiến gia đình vô cùng hạnh phúc và tự hào.

Nhưng Allyssa Gilin, cô giáo cũ của Phú ở Papillion La Vista South High School thì không lấy làm ngạc nhiên. Cô cũng là người viết thư giới thiệu Phú.

"Tôi vô cùng phấn khích và tự hào khi biết tin. Chứng kiến sự thành công trong học tập, kiến thức kinh doanh sâu rộng và sự trưởng thành của Phú, tôi tin em ấy có cơ hội lớn để theo học tại một trường danh tiếng như vậy", cô Gilin nhận xét.

Bi-quyet-chinh-phuc-Harvard-cua-nam-sinh-goc-Viet-Nguyen-Duc-Anh-Phu-7
Bố mẹ tới thăm Phú sau khi cậu tới Harvard học (Ảnh: NVCC)

Từng dạy Anh Phú môn kinh doanh ở trường trung học nên cô Gilin biết năng lực của học trò mình. Cô cũng rất yêu mến Anh Phú sự chăm chỉ, tinh thần tự giác và có chí hướng. Anh Phú cũng là học sinh giỏi nhất của cô Gilin trong suốt 6 năm dạy ở trường.

Còn nhớ, trong thư giới thiệu, cô Gilin đã mô tả Anh Phú là một cậu học trò chăm chỉ. Anh Phú đã nỗ lực rất nhiều để phát triển Phu's Phone Emporium. "Khả năng giải quyết vấn đề và tư duy vượt trội của Phú thật đáng ngưỡng mộ. Tôi ước có thêm nhiều học sinh như vậy", cô Gilin chia sẻ. 

Bí quyết xin học bổng thành công của nam sinh gốc Việt

Theo Anh Phú, bí quyết xin học bổng thành công là câu chuyện xuyên suốt toàn bộ hồ sơ của em. Với những trường top đầu, ngoài điểm số cao, hội đồng tuyển sinh còn đánh giá ứng viên thông qua bài luận cùng những kinh nghiệm hoạt động ngoại khóa.

Anh Phú chọn viết cả 4 bài luận với chủ đề về cửa hàng điện thoại của mình. Ở hai bài luận chính, cậu nói về việc vất vả của cha mẹ, lý do cậu bắt đầu công việc này, giúp bao nhiêu người và sửa bao nhiêu điện thoại...

Phú chia sẻ: "Em muốn đỡ đần bố mẹ và giúp người khác vì trải qua nghèo khó nên thấu hiểu. Câu chuyện em chia sẻ cho thấy cả niềm tin, nỗi buồn. Đó cũng là cách giúp hội đồng tuyển sinh nhớ đến em".

Trong hồ sơ ứng tuyển, Anh Phú cũng tập trung vào các hoạt động có ích cho cộng đồng và cho trường thấy thành quả mà bản thân đã đạt được. Theo Phú, hậu COVID-19, chính sách nộp hồ sơ vào Harvard đã thay đổi, không cần điểm SAT, ACT. Ứng viên có điểm số không thực sự xuất sắc vẫn có cơ hội nộp vào trường.

"Hãy theo đuổi ước mơ chính đáng của mình để tự tin thử sức. Đừng đóng khung rồi không cho mình bước qua", Phú khuyên các ứng viên.

Giờ đã trở thành sinh Harvard nhưng Phú vẫn giữ phong cách giản dị, chịu khó, ham học hỏi như trước. Trường cách nhà vài giờ bay nên Phú ít về thăm nhà để tiết kiệm chi phí. Vài ngày một lần, cậu lại trò chuyện với người thân qua điện thoại.

Còn về cửa hàng điện thoại, vì không thể mang theo nên Phú đang bắt tay vào việc gây dựng công việc này ở Harvard và dự định mở công ty sau khi tốt nghiệp đại học.

(Theo VnExpress)

Xem thêm: Hiệu trưởng người Việt đầu tiên ở Nhật Bản: 7 năm tốt nghiệp 3 Đại học, hết lòng hết dạ với du học sinh

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận