Bí ẩn về cái chết của Ngô Thời Nhiệm - công thần giúp triều Tây Sơn và Quan Trung đánh lui quân Thanh

Ngô Thời Nhiệm xuất thân trong gia đình danh gia vọng tộc chốn Bắc Hà. Ông cũng là công thần giúp triều Tây Sơn và Quang Trung đánh lui quân Thanh. Thế nhưng cái chết của ông đến giờ vẫn là 1 bí ẩn.

Đỗ Thu Nga
09:00 25/03/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đôi nét về danh sĩ Ngô Thời Nhiệm

Ngô Thời Nhiệm (hay Ngô Thì Nhậm, 25 tháng 10 năm 1746 – 1803), tự là Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên. Ông là người thông minh, học giỏi và có những công trình đồ sộ về lịch sử.

Ngô Thời Nhiệm xuất thân trong gia đình danh gia vọng tộc ở Bắc Hà, là con của Ngô Thì Sĩ, người làng Tả Thanh Oai (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội). Nhờ truyền thống gia đình văn học và tư chất thông minh, ông thành công sớm. 

Năm 16 tuổi, ông đã viết cuốn "Nhị thập tứ sử toát yếu". Mười chín tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương. Hai mươi tuổi viết "Tứ gia thuyết phả". Năm 23 tuổi (1768), ông đỗ giải Nguyên, được bổ Hiến sát phó sứ Hải Dương.

Đến năm 26 tuổi (1771), ông dự khảo thí ở Quốc tử giám, đỗ ưu hạng đồng thời hoàn thành "Hải đông chí lược", một tập địa phương chí của Hải Dương.

Năm 1775, ông đỗ thứ 5 hàng Tiến sĩ tam giáp, cùng khoa với Phan Huy Ích. Đạt học vị cao nhất của thang giá trị học vấn thời đó. Được chúa Trịnh Sâm quý mến và nhận xét là "tài học không ở dưới người". Sau khi đỗ đạt, ông được bổ nhiệm làm quan Họ khoa cấp sự trung ở bộ Hộ triều Lê - Trịnh.

Năm 1776, ông được bổ làm Giám sát Ngự sử đài đạo Sơn Nam, sau đó thăng Ðốc đồng trấn Kinh Bắc. Năm 1778, ông vẫn giữ chức Ðốc đồng Kinh Bắc nhưng kiêm thêm chức Ðốc đồng Thái Nguyên. Khi đó cha ông làm Đốc đồng Lạng Sơn. Cha con đồng triều, nổi tiếng văn chương trong thiên hạ.

Bi-an-cai-chet-cua-danh-si-Ngo-Thoi-Nhiem-9
Ngô Thời Nhiệm xuất thân gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con ông Ngô Thì Sĩ - người làng Tả Thanh Oai (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội)

Không phụ lòng vương thượng, Ngô Thời Nhiệm dâng nhiều kế sách hay trong đạo trị nước. Trong đó có các bài biểu nổi tiếng như Giáo nghị, Pháp nghị và Chính nghị. Tuy nhiên, do triều đại Lê – Trịnh đang ở vào thời suy vi, nên dù rất khen kế sách của ông, Trịnh Sâm cũng không thể áp dụng nó vào thực tế.

Sau Vụ án năm Canh Tý (1780), Ngô Thì Nhậm được thăng làm Công bộ Hữu thị lang. Vụ này khiến cho giới sĩ phu Bắc Hà nghi ngờ Ngô Thì Nhậm là người tố giác Trịnh Khải, nên phải bỏ trốn về quê vợ ở Bách Tính, Nam Định (nay là Bách Tính, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định?) lánh nạn.

Cha ông mất cùng năm sau vụ án Canh Tý (Trịnh Sâm dẹp tan âm mưu đảo chính của phe cánh Trịnh Tông muốn diệt trừ phe cánh Đặng Thị Huệ và Quận Huy), do bạo bệnh sau một chuyến đi Nam quan cho việc quan. Do đó Nhậm mới bị cái tiếng "sát tứ phụ nhi thị lang" (giết bốn cha để được chức Thị lang. Bốn cha ý chỉ Ngô Thì Sĩ và ba người bạn vong niên của ông Sĩ là Nguyễn Khản - anh trai Nguyễn Du, Nguyễn Phương Ðĩnh và Nguyễn Khắc Tuân).

Năm 1788, khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần hai, ra chiếu "cầu hiền", Ngô Thời Nhiệm đã đầu quân cho nhà Tây Sơn. Sử cũ viết khi được danh sỹ Bắc hà này, Nguyễn Huệ rất mừng mà rằng: "Thật là trời để dành ông cho ta vậy" và phong cho ông giữ chức Tả thị lang bộ Lại, sau đó thăng làm thượng thư bộ Lại.

Cuối năm Mậu Thân (1788), khi 29 vạn quân Thanh vào nước ta theo lời cầu cứu của Lê Chiêu Thống với danh nghĩa "phù Lê diệt Tây Sơn", Ngô Thời Nhiệm đã hiến kế lui binh về giữ phòng tuyến Tam Điệp- Biện Sơn (Ninh Bình), góp phần làm nên chiến thắng của nhà Tây Sơn.

Bi-an-cai-chet-cua-danh-si-Ngo-Thoi-Nhiem-6

Năm 1790, vua Quang Trung giao cho Ngô Thời Nhiệm giữ chức Binh bộ Thượng thư. Tuy làm việc ở bộ Binh nhưng Ngô Thời Nhiệm chính là người chủ trì về các chính sách và giao dịch với Trung Hoa. Ông là người đứng đầu, một trong những sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa.

Sau khi vua Quang Trung mất, ông không được tin dùng và quay về nghiên cứu Phật học.

Năm 1803, Ngô Thời Nhiệm và một số quan lại triều Tây Sơn bị đánh bằng roi ở Văn Miếu nhưng do có mâu thuẫn với Đặng Trần Thường nên người này đã tẩm thuốc độc vào roi. Sau trận đòn, về nhà Ngô Thời Nhiệm chết.

Ai đã giết Binh bộ Thượng thư triều Tây Sơn Ngô Thời Nhiệm?

Hiện nay nước ta có nhiều ngôi trường, con đường mang tên danh nhân Ngô Thời Nhiệm. Song về cái chết của ông thì vẫn còn là một ẩn số. Mới đây, cuốn sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn (Khai Tâm và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) đã hé lộ nhiều phát hiện thú vị.

Nhà nghiên cứu, giáo sư Ngô Quốc Trị - tác giả cuốn sách cho biết: "Năm 1811, Binh bộ Thượng thư Đặng Trần Thường bị xử trảm giam hậu vì tội thông đồng với Tham tri bộ Lễ là Nguyễn Gia Cát mạo cấp sắc phong phúc thần cho 560 nhân vật không xứng đáng như “ông cha và bố mẹ vợ” của viên chức phụ trách duyệt và soạn sắc, hay người mà họ Đặng che chở là cố Tướng Trịnh Hoàng Ngũ Phúc - trước kia đã vào đánh chiếm Phú Xuân đuổi Chúa Nguyễn vào Nam. Thay vì hủy bỏ sắc phong Tướng Phúc làm thần của thời Chúa Trịnh, các ông lại tặng cho chức cao hơn nữa là Thanh danh văn võ thánh thần đại vương”.

Đến khi xét danh sách thu thẩm (duyệt lại các trọng án vào mùa thu), vua Gia Long đã tha tội chết cho Đặng Trần Thường và Nguyễn Gia Cát... vì "nghĩ thương bọn Đặng Trần Thường có công tha cho. Xóa tên trong quan tịch, cho ở Kinh". Đây là một sự khoan hồng lớn vì "ăn trộm và làm giả ấn dấu của vua” thuộc vào “tội đại bất kính”, là một trong 10 tội nặng nhất gọi là “thập ác” khi ấy.

Bi-an-cai-chet-cua-danh-si-Ngo-Thoi-Nhiem

Tới năm 1816, họ Đặng lại bị hạ ngục vì tiếp tục phát giác thêm vụ trước kia khi ông làm quan ở Bắc Thành đã làm "nhiều việc trái phép, như ức chiếm đầm ao, ẩn giấu thuế lệ đinh điền”, đến mức phải xử tử.

Về nghi vấn ông Đặng Trần Thường giết chết Ngô Thời Nhiệm, một người bạn cũ mà ông thù ghét muốn tru diệt vì đã khinh miệt mình khi làm quan lớn cho Tây Sơn, được thuật lại chi tiết trong sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của triều Nguyễn. Theo đó, ông Ngô Thời Nhiệm cùng hai ông Phan Huy Ích và Nguyễn Gia Phan là 3 cựu thần nhà Lê làm Thượng thư triều Tây Sơn, đã đầu thú đúng hạn và được vua Gia Long xá tội, cho giải về kinh để dùng lại. Nhưng được sớ của ông Đặng Trần Thường, lúc đó làm Binh bộ Thượng thư ở Bắc Thành, kể tội và đòi phải giết họ, vua cho đóng gông giải 3 ông này ra Thăng Long để nghị tội.

Cơ quan ở đây "bàn cho là tội bọn Nhậm đáng phải giết, nhưng đã có chiếu nói rõ ngụy quan ra thú thì đều miễn tội, vậy xin tha bọn Nhậm tội chết, chỉ đánh để làm nhục. Vua y cho. Hạ lệnh kể tội ở học đường phủ Phụng Thiên (tức Quốc Tử giám nhà Lê cũ) mà đánh đau”. Trong Liệt truyện có nói rõ thêm là ông Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm) bị đánh đến chết chính là do lệnh của Đặng Trần Thường, rằng: “Khi ấy bị phạt đánh roi có 3 người, riêng độc mình Nhậm bị đau quá, chết, đó là Thường giận bảo vậy”.

Tương truyền rằng, Đặng Trần Thường có ra cho Nhậm câu đối là: “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai” (vế đối hiểm hóc vì có 5 chữ ai và có chữ trần là tên đệm của Đặng Trần Thường). Ngay sau đó được ông Ngô Thì Nhậm (Ngô Thời Nhiệm) ứng khẩu đối lại: “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế” (vế đối lại cũng có 5 chữ thế, nói lên được hoàn cảnh và khí phách của người anh hùng và cũng gắn chữ thời là tên đệm của Ngô Thời Nhiệm).

Về sự đấu khẩu này, theo nhà nghiên cứu, giáo sư Nguyễn Quốc Trị thì "tỏ ra rất thích hợp với câu chuyện giữa ông Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhiệm”.

(T/h Wiki, Dân Việt, Thanh Niên)

Xem thêm: Vua Quang Trung và 4 chính sách cải cách có giá trị vượt thời gian khiến hậu bối phải thốt lên: 'Giá như vua sống lâu hơn'

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận