Bàn về những cái chết trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao

Nhà văn Nam Cao nổi tiếng là cây bút hiện thực tài giỏi, đặc trưng bởi giọng văn sắc lạnh. Do đó, những trang văn của ông phần nhiều đều đề cập đến cái chết. Không chết vì đói, vì nghèo thì chết về tinh thần...

Đỗ Thu Nga
15:00 21/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

BÀ LÃO TRONG "MỘT BỮA NO"

- Bà lão hiện lên trong một bức phông nền khốn cùng, đứa con trai thì chết, con dâu vừa mới xong tang chồng đã đem đứa con gái vừa lên năm cho bà nuôi và “vội vàng đi lấy chồng ngay”. Bà lão tuyệt vọng làm đủ mọi việc để kiếm miếng ăn, từ việc bán đi người cháu duy nhất để kiếm mười đồng, đến việc ăn xin nhưng vẫn không đủ sống. Cái đói dày vò bà lão khiến bà ăn một bữa ăn đầy tủi hờn rồi chết một cách nhục nhã.

- Chính cái đói đã biến dạng nhân cách của một người vốn hiền lành. Như thị, ăn một chặp hết bốn bát bánh đúc, bà lão trong câu truyện trên đã ăn, ăn cho no nê, hả hê, thỏa mãn tiếng bụng sục sôi vì đói của bản thân, mặc kệ đi lời đàm tiếu, khinh rẻ từ người khác. Người ta chết được ở bên con cháu, láng giềng còn bà lão chết trong sự hèn hạ, cô đơn, không một ai rộng lượng phân phát chút lòng thương hại.

ban-ve-nhung-cai-chet-trong-truyen-ngan-cua-nha-van-nam-cao-9

- Người nghệ sĩ nào đâu thoát khỏi vòng tròn hiện thực của thời đại mà anh ta đang sống. Có lẽ vì thế Nam Cao đã mượn cái chết thương tâm của bà lão để nhắc chúng ta nhớ về quá khứ đau thương mà những người nông dân đã từng nếm trải. Bà lão chính là điển hình nhân vật tiêu biểu cho một lớp người trong bối cảnh ấy. “Hết xương hết thịt vì con, vì cháu” để rồi bất chấp, vứt bỏ, coi thường danh dự để giành lấy cái ăn. Ăn để mà còn sống!

LÃO HẠC TRONG TRUYỆN NGẮN "LÃO HẠC"

- Lão Hạc góa vợ, con đi làm đồn điền cao su, chỉ còn có Cậu Vàng - kỉ vật duy nhất người con trai để lại làm bạn. Ốm một trận thập tử nhất sinh, lão sợ rằng mình sẽ ăn mất phần của con nên ông đã chọn bán đi cậu Vàng để rồi “mặt lão co rúm lại, cố ép cho nước mắt chảy ra” trước sự quyết định của bản thân. Đến tận cùng, lão quyết định ăn bả chó để mà chết, chết trong sự đau đớn quằn quại.

- Khác với bà lão trong một bữa no, lão đến lúc chết vẫn giữ được nhân phẩm của bản thân. Lão theo đúng đạo lý người xưa “đói cho sạch, rách cho thơm”. Trong xã hội vẫn tồn tại những lão Hạc như vậy, thân già một mình đợi tin con cái trở về, một mình vật lộn ở đời để kiếm ăn qua ngày. Rồi vì con mà hi sinh tấm thân già, nhất quyết chết chứ không ăn lấy phần của con.

ban-ve-nhung-cai-chet-trong-truyen-ngan-cua-nha-van-nam-cao-8

- Phải đau đến tận cùng nỗi đau của nhân vật thì Nam Cao có thế viết nên những dòng văn, câu chữ như cứa lòng người đọc như vậy. Cái chết của lão Hạc được khắc họa, biết đâu giống nhiều phận đời ngoài kia xã hội, đến chết vẫn giữ được phẩm chất của một con người. Sống đúng với chữ người để không thẹn với đời.

CHÍ PHÈO TRONG TRUYỆN NGẮN "CHÍ PHÈO"

- Chí trước kia là một anh nông dân hiền lành nhưng cuộc sống biến tướng từ khi bị Bá Kiến cho vào tù. Pháp luật thời đấy sao có thể sánh ngang bằng quyền lực và đồng tiền của giai cấp thống trị? Sau khi ra tù, Chí trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Hắn ta suốt ngày rạch mặt ăn vạ nhưng rồi thị Nở xuất hiện như một ánh sáng cứu rỗi đời hắn. Tréo ngoe thay, đến cuối cùng, thị Nở cũng ruồng bỏ hắn, chửi mắng hắn khiến hắn dường như sụp đổ. Hắn tìm đến Bá Kiến, giết Bá Kiến rồi tự kết liễu mình.

- Có thể nói, Chí không chết vì bị cự tuyệt quyền làm người, Chí chết vì bản thân không thể trở lại làm người lương thiện. Những vết sẹo in hằn trên mặt đã luôn thường trực nhắc Chí về điều đó. Dường như, Nam Cao đã phơi bày chân thực nhất nỗi đau sâu cay của mỗi con người khi không còn một đường lui, một đường rửa sạch tội lỗi. Cái chết của Chí như một lời tố cáo đầy đanh thép của Nam Cao đối với những người có quyền uy như Bá Kiến. Đồng thời lật tẩy xã hội tăm tối đã đẩy con người vào đường cùng.

ban-ve-nhung-cai-chet-trong-truyen-ngan-cua-nha-van-nam-cao-7

- Nam Cao đã mở đường, đã soi rọi ánh sáng để dẫn lối cho nhân vật của mình tìm đến sự lương thiện. Nhưng vì bối cảnh xã hội quá khắc nghiệt, ông dường như phải chọn cho nhân vật mình tìm cái chết. Chết không để giải thoát. Chết để mà còn là một con người. Một con người đúng nghĩa dám đứng lên đòi hỏi mưu cầu được làm Người.

NHÀ VĂN HỘ TRONG "ĐỜI THỪA"

- Không giống như bà lão trong “Một bữa no”, Lão Hạc hay Chí Phèo, Hộ phải chết dần chết mòn từng ngày. Hộ là một nhà văn ôm trong mình nhiều tham vọng to lớn với tư tưởng viết trong sạch, vĩ đại. Tuy vậy vì cuộc sống mưu sinh, anh ngậm ngùi gật đầu trước những thứ bản thân ghét cay ghét đắng: viết cho có. Vì thế cuộc đời anh quả thật là thừa! Cuộc sống của Hộ chỉ là một vòng tuần hoàn, uống say, chửi đánh vợ con, tỉnh rượu, hối lỗi, lại ước mơ, khao khát rồi khi tỉnh cơn mộng lại tiếp tục uống cho say. Cứ vậy không thoát được…..

- Chết về tinh thần là cái chết đau đớn, ăn dần ăn mòn tâm hồn của một con người khiến những người có tư tưởng lớn lao như Hộ phải biến tướng về thể xác và cả về tính tình, suy nghĩ để rồi đánh mất bản thân mình. Hộ cũng như Thứ (trong “Sống mòn”) , “sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống”; Hộ cũng như Điền (trong “Giăng sáng”) níu giữ mãi giấc mộng văn chương. Họ - những con người thuộc tầng lớp tri thức nghèo mãi chẳng bao giờ với tới thứ văn chương mà họ hằng ao ước vì cái nghèo, cái đói nhấn chìm họ mất rồi. Nhấn chìm những người như Hộ, Thứ và Điền xuống đáy sâu của sự tuyệt vọng và bất lực.

ban-ve-nhung-cai-chet-trong-truyen-ngan-cua-nha-van-nam-cao-6

- Dường như Nam Cao đã hiểu thấu cho những phận đời như Hộ, Thứ và Điền - những người tri thức nhưng bị cái vùi lấp mất tài năng của bản thân. Thông qua hình tượng nhân vật nghệ thuật, Nam Cao đã thành công xây dựng nên những ước muốn, tư tưởng, nhận định của bản thân về thiên chức cao quý của người nghệ sĩ và giá trị chân chính của nhà văn. Chỉ khi nhận thức được sai lầm của bản thân anh ta mới có thể cầm bút mà viết tiếp. Viết một cách chân thực.

KẾT LUẬN

Chỉ có người nghệ sĩ là lắng nghe những thanh âm bé nhỏ ấy. Và nhà văn Nam Cao đã làm được điều đó, ông đã không bỏ rơi những người “cùng đường tuyệt lộ” (theo chữ dùng của Nguyễn Minh Châu). Có thể Nam Cao không nói lời đao to búa lớn, ông không kêu lên “Cứu lấy người nông dân! Cứu lấy tầng lớp tri thức nghèo!”, ông chỉ lặng thầm cất lên tiếng nói giúp những kẻ ấy, những phận đời cần lắm chiếc ô chở che. Dù cái kết cho nhân vật là cái chết về thể chất hoặc tinh thần thì mục đích chung mà nhà văn muốn hướng bao giờ cũng là “khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp” (theo chữ dùng của Ai-ma-tốp). Như Shiratori Haruhiko đã từng nói: “Dù là sách viết về cái chết, dù là sách có nội dung như đi ngược lại cuộc đời, nhưng nếu là cuốn sách hay, nó sẽ trở thành dưỡng chất và kích thích cho việc sống của chúng ta".

Xem thêm: Nam Cao và những câu văn "càng đọc càng thấm"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận