Nam Cao và những câu văn "càng đọc càng thấm"
Nam Cao là nhà văn hiện thực lớn, có tư tưởng và tâm hồn lớn, có tầm nhìn xa rộng và tài năng lớn, có đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.
Nam Cao đã để lại cho nền văn xuôi Việt Nam nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó có những kiệt tác với những tìm tòi độc đáo, những sáng tạo mới mẻ về tư tưởng và nghệ thuật. Những truyện viết về cuộc sống tối tăm thê thảm của người nông dân như Chí Phèo, Trẻ con không được ăn thịt chó, Mua danh, Tư cách mõ, Điếu văn, Một bữa no, Lão Hạc, Một đám cưới, Lang Rận, Dì Hảo, Nửa đêm, v.v…; những truyện ngắn viết về tình trạng “chết mòn” của người trí thức nghèo như Giăng sáng, Mua nhà, Những truyện không muốn viết, Truyện tình, Quên điều độ, Cười, Nước mắt, Đời thừa và tiểu thuyết Sống mòn sẽ còn có sức sống lâu dài trong lòng bạn đọc thuộc nhiều thế hệ. Độc giả của những thế kỉ sau vẫn tìm đến Nam Cao, vẫn cứ đọc Nam Cao cho dù cuộc sống khi ấy có thể khác những điều ông miêu tả.
Người ta cứ đọc Nam Cao để hiểu, để cảm thông, chia sẻ với những buồn đau của những kiếp lầm than, những kiếp sống mòn của thời đại cũ với niềm mong ước không bao giờ rơi vào tình trạng quẩn quanh, bế tắc đó cùng với niềm khao khát mãnh liệt vươn tới một cuộc sống có ích, có ý nghĩa, xứng đáng với con người...
Và dưới đây là những câu văn đầy chiêm nghiệm, càng đọc càng thấm của nhà văn Nam Cao:
01
"Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than".
(Trăng sáng - Nam Cao)
02
"Một tác phẩm giá thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn".
(Đời thừa - Nam Cao)
03
"Thật ra thì dù không bằng lòng với hiện cảnh của mình, cũng không mấy người dám mạnh bạo tìm những cuộc đổi thay. Cái chưa biết bao giờ cũng làm cho người ta sợ".
(Sống mòn - Nam Cao)
04
"Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất...".
05
"Sống đã, rồi hãy viết..."
(Đường vô Nam - Nam Cao)
06
"Sự đời không thể mù mịt mãi thế này đâu. Tương lai phải sáng sủa hơn. Một rạng đông đã báo rồi. Một mặt trời mới sẽ mọc lên bên trên nấm mồ anh và bên trên đầu hai đứa con côi anh để lại. Một bàn tay bạn bè sẽ nắm lấy bàn tay chúng và giắt chúng cùng đi tới một cuộc đời đẹp hơn...".
(Điếu văn - Nam Cao)
07
"Trên những bãi sông kia, có biết bao người sống như y, nhưng không bao giờ cưỡng lại đời mình. Đời họ là một đời tù đày. Nhưng cũng như một con trâu, họ vẫn cắm cúi kéo cày, ăn cỏ, chịu roi. Ở bên kia những cánh đồng bùn lày, là rừng xanh, cuộc sống tự do, cỏ ngập sừng. Con trâu có lẽ cũng biết vậy, nhưng chẳng bao giờ dám đi, chẳng bao giờ nó dám dứt đứt sợi dây thừng. Cái gì giữ con traia lại đồng bằng và ngăn người ta đến một cuộc đời rộng rãi hơn, đẹp đẽ hơn? Ấy là thói quen, lòng sợ hãi sự đổi thay, sợ hãi những cái gì chưa tới. Ấy thế mà trên đời này lại chẳng có cái gì tới hai lần. Sống tức là thay đổi...".
(Sống mòn - Nam Cao)
08
"Người ta chỉ xấu xa, hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ. Và nước mắt là tấm kính làm biến hình vũ trụ".
09
“Sống tức là cảm giác và tư tưởng. Sống cũng là hành động nữa, nhưng hành động chỉ là phần phụ: có cảm giác, có tư tưởng mới sinh ra hành động. Bản tính cốt yếu của sự sống chính là cảm giác và tư tưởng. Cảm giác càng mạnh, càng linh diệu, tư tưởng càng dồi dào càng sâu sắc thì sự sống càng cao”.
(Sống mòn - Nam Cao)
Xem thêm: Chí Phèo trong truyện ngắn của Nam Cao có thân thế ra sao?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận