Mẩu chuyện thú vị về việc nhà văn Nam Cao đặt tên con
Một trong những câu chuyện thú vị về nhà văn Nam Cao được em ruột của ông tiết lộ là việc ông đặt tên con.

Câu chuyện được ông Trần Hữu Đạt, em ruột nhà văn Nam Cao ở làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam kể.
Nhà văn và vợ là bà Trần Thị Sen sinh hạ được 5 người con: Trần Thị Hồng, Trần Mai Thiên, Trần Hữu Thành, Trần Hữu Thực và Bình Yên ( Bình Yên đã mất năm đói kém 1945).
Trong 5 người con đó, trừ Mai Thiên do chính nhà văn Nam Cao đặt tên cho, còn những người khác đều do ông cụ thân sinh ra nhà văn (cụ Trần Hữu Huệ) đặt. Cụ Huệ là người thông hiểu nho học.
Nam Cao có người bạn thân cùng học hành từ nhỏ, nguyên mẫu nhân vật Đích trong tiểu thuyết “Sống mòn”. Ông có vợ là Phượng – nguyên mẫu nhân vật Oanh trong “Sống mòn”.

Hai vợ chồng sinh được người con rất quý, đặt tên Trần Đức Hoàng. Biết thế, Nam Cao hóm hỉnh vừa đùa vừa thật nói với vợ chồng bạn:
– Hoàng nghĩa là vua, vậy thì tôi sẽ đặt tên con là Thiên (nghĩa là trời) cho cao hơn…
Quả nhiên, sau này, người con ấy của anh – Trần Mai Thiên – đã rất thành đạt. Anh trở thành Tiến sỹ – Giáo sư – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thủy sản I, được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 năm 2000. (Nhà văn Nam Cao được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996).
Các con khác của Nam Cao cũng đều trưởng thành. Chị Hồng là giáo viên trường Công nhân kỹ thuật Dệt Nam Định; anh Thành – cán bộ tổ chức xí nghiệp Sơn Nam (Nam Định); anh Thực là Bí thư đoàn thanh niên nhà máy Dệt Nam Định.
Xem thêm: Trắc nghiệm yêu văn học: Nam Cao viết Chí Phèo dựa trên mấy nguyên mẫu có thật ở "làng Vũ Đại"?
Đọc thêm
Thuộc trong số người viết văn sớm hy sinh cho Tổ quốc, và nếu chỉ tính thế hệ thành danh trước 1945 thì Nam Cao là người duy nhất, hy sinh ở tuổi đời 36, và tuổi nghề chỉ trên 10 năm. 10 năm – một sự nghiệp gắn nối hai giai đoạn trước và sau 1945; cả hai kết thành một phù điêu bất hủ trong lịch sử văn chương Việt hiện đại.
Dưới ngòi bút của nhà văn Nam Cao, nhân vật Thị Nở xấu đến mức "ma chê quỷ hơn". Thế nhưng tình yêu của Thị Nở đã thức tỉnh lương tri của Chí Phèo.
Chí Phèo là một con người bị xã hội chối bỏ, hắn càng phản kháng thì càng bị đẩy sâu xuống bùn lầy. Trước khi trở thành kẻ "trời đánh", Chí Phèo có xuất thân thế nào?