Bài viết tham khảo đề thi chọn HSGQG Lâm đồng 2023 - 2024

"Đối với người nghệ sĩ, câu chữ, màu sắc, âm thanh không chỉ là chướng ngại cần chinh phục, vượt qua mà chúng còn là những sinh thể, những sự vật có hồn".

Đỗ Thu Nga
12:00 31/10/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

ĐỀ BÀI:

"Đối với người nghệ sĩ, câu chữ, màu sắc, âm thanh không chỉ là chướng ngại cần chinh phục, vượt qua mà chúng còn là những sinh thể, những sự vật có hồn."

(Trích nhà văn và sáng tạo nghệ thuật, Lê Ngọc Trà, NXB Trẻ 2018, tr.49)

Bằng trải nghiệm văn học, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.

BÀI VIẾT THAM KHẢO:

Văn chương đã đồng hành cùng với con người ngay từ khi chúng ta còn chưa có chữ viết và rồi tồn tại, phát triển đến tận ngày hôm nay. Điều gì đã làm cho văn chương có thể vượt qua sự băng hoại của thời gian để trường tồn như vậy? Phải chăng, đó chính là khát khao mãnh liệt muốn cảm nhận tất cả “vẻ đẹp man mác của vũ trụ”, là mong muốn được thể hiện bức tranh hiện thực rộng lớn và sâu thẳm hơn là khám phá tâm hồn của con người? Quả thực là như vậy, văn chương bao giờ cũng muốn vẽ lên, nói lên những hiện thực ở bề sâu của cuộc đời. Để có thể hoàn thành được sứ mệnh ấy, văn chương cần đến các phương tiện nghệ thuật. Có lẽ vậy mà đã có quan niệm cho rằng: "Đối với người nghệ sĩ, câu chữ, màu sắc, âm thanh không chỉ là chướng ngại cần chinh phục, vượt qua mà chúng còn là những sinh thể, những sự vật có hồn."

Bằng cách nói hết sức tinh tế và hàm súc, nhận định trên đã mở ra trong lòng người đọc những suy ngẫm về văn chương nghệ thuật. “Đối với người nghệ sĩ, câu chữ, màu sắc, âm thanh không chỉ là chướng ngại cần chinh phục” ý muốn nói rằng một người nghệ sĩ thực thụ phải là người có thể chinh phục, làm chủ và sử dụng thật điêu luyện ngôn từ, màu sắc, âm thanh trong tác phẩm nghệ thuật của mình, để từ đó nhận ra được rằng chúng không chỉ là những sự vật vô tri vô giác mà còn là “những sinh thể, những sự vật có hồn." Phải, chúng đâu chỉ là những từ ngữ nằm thẳng đơ trên trang giấy, chúng còn mang những ý nghĩa sâu sắc, mang trong mình linh hồn của cả một tác phẩm nghệ thuật. Hai vế câu súc tích của nhận định trên không chỉ nói lên nhiệm vụ cao cả của nhà văn mà còn là sự khẳng định cho giá trị của câu từ, màu sắc, âm thanh trong sáng tác văn học. 

Macxim Gorki từng quan niệm rằng: “Ngôn ngữ là công cụ chủ yếu của văn học”. Văn chương từ xưa tới nay luôn là nghệ thuật của ngôn từ. Ngôn ngữ là chất liệu đặc trưng của văn học. Khác với chất liệu của những loại hình nghệ thuật khác như hội họa là màu sắc và đường nét, âm nhạc gắn liền với tiết tấu và âm thanh, điêu khắc là hình khối, văn chương đến với cuộc đời này bằng hệ thống ngôn ngữ phản ánh tư duy thuần túy nhất của con người. Nhưng ngôn từ trong văn chương đâu chỉ là thứ ngôn ngữ chính xác của khoa học, cũng không trừu tượng như triết học mà là thứ ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh và chan chứa tình cảm của con người. Đó là ngôn ngữ xuất phát từ trái tim, từ trong sâu thẳm tiềm thức của người nghệ sĩ. Không dễ để có thể gạn lọc được thứ ngôn ngữ ấy. Nhà văn bao giờ cũng là người thợ rèn miệt mài, khổ công để làm ra ngôn từ nghệ thuật. Maiacopxki đã từng nhận định rằng: "Làm thơ là cân một phần nghìn miligam quặng chữ." Phải, ngôn từ trong đời sống hàng ngày thì bao la rộng lớn, nhưng đâu phải từ nào cũng được người nghệ sĩ lựa chọn đưa vào tác phẩm của mình? Nhà văn đã phải trăn trở, suy nghĩ để tìm ra một từ duy nhất để biểu hiện được nỗi lòng của mình. Tâm hồn con người vốn đa dạng và phức tạp, tìm ra được thứ bộc lộ được điều đó lại càng khó khăn và gian nan muôn phần. Bởi vậy, cuộc hành trình đi tìm kiếm câu chữ, ngôn từ của nhà văn quả thực là một cuộc chinh phục, thám hiểm đầy trắc trở. Nhưng sứ mệnh của người nghệ sĩ là như vậy, là một nhà thám hiểm tài ba đi tìm ra con chữ. Chỉ có chữ ấy, câu ấy mới nói lên được hết cái thần, cái tình, cái ý mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm đến với bạn đọc. Cũng chỉ có chữ ấy, câu ấy mới chạm được đến nơi sâu thẳm nhất của độc giả, neo lại trong tâm hồn họ những hạt giống của những xúc cảm đặc biệt nhất. Bởi vậy mới thấy, để chinh phục được kho tàng của ngôn ngữ đâu phải là chuyện dễ dàng? 

Cùng là những bộ môn nghệ thuật, văn chương có mối liên hệ sâu xa với hội họa và âm nhạc. Văn chương ra đời với khát khao phản ánh hiện thực cuộc sống, thành công của một sáng tác nghệ thuật là vẽ ra bức tranh đời thường bằng con chữ, ngay cả ở trong những sáng tác cổ tích phi lý, như Andersen từng quan niệm rằng: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”. Nhưng hiện thực ấy được khắc họa thông qua những hình ảnh biểu tượng giàu sức gợi hơn bao giờ hết được nảy nở từ trong tâm trí nhà thơ. Hình ảnh cô đọng xuất hiện trong tác phẩm là sự phối hợp tinh tế giữa màu sắc, đường nét, hình khối để bộc lộ những xúc cảm, những quan niệm được gửi gắm. Từ thời cổ kim người ta đã có câu “Thi trung hữu họa” - trong thơ mà có họa. Ngay từ đời nhà Đường của Trung Quốc, ta đã bắt gặp những bức tranh bên dưới có đề mấy câu thơ, hay sang đến đời nhà Tống, đề khảo thí cho các họa sĩ tương lai lại chính là những bài thơ. Và rồi sau này, không ít những nhà thơ kiệt xuất như Đỗ Phủ, Nguyễn Du đã đưa vào trong thơ mình những bức tranh, những hình ảnh mang tính biểu tượng sâu sắc. Chưa dừng lại ở đó, văn chương còn là âm thanh, là nơi ngân lên những khúc nhạc. Từ thời cổ đại, khi còn chưa xuất hiện chữ viết, con người ta với mong muốn bộc lộ cảm xúc, thể hiện thế giới tinh thần của mình đã sáng tạo ra lời hát. Nhiều sáng tác dân gian, những thần thoại, sử thi đều được con người ta lưu giữ và truyền lại cho đời sau bằng tiếng hát. Và sau này, ngôn từ phát triển khiến thơ văn và âm nhạc tách riêng ra, nhưng những người nghệ sĩ vẫn say mê âm nhạc. Nguyễn Du say mê đi hát phường vải, Nguyễn Công Trứ từng là kép đàn của một gánh hát cô đầu,... Có lẽ vì vậy mà trong văn chương vẫn xuất hiện sự hòa phối nhịp nhàng giữa thanh, điệu, vần, nhịp khiến tác phẩm trở nên du dương như một bản nhạc. Để từ đó, tiếng lòng của người nghệ sĩ được hòa cùng cảm xúc trong tâm hồn của độc giả, là sợi dây gắn kết hai tâm hồn cô đơn đến với nhau. 

bai-viet-tham-khao-de-thi-chon-hsgqg-lam-dong-2023--2024

Bởi lẽ ấy mà câu từ, âm thanh, hình ảnh trong sáng tác nghệ thuật đâu chỉ là những sự vật vô tri vô giác, mà còn là những sinh thể có hồn. Ngôn ngữ trong thơ ca đâu chỉ là một công cụ vô tri mà nhà văn sử dụng, nó còn mang trong mình tính hàm súc, cô đọng, sự chính xác để bộc lộ được triết lý, cảm xúc mà nhà văn muốn gửi gắm. Chỉ có một từ duy nhất để thể hiện được cái mà người nghệ sĩ muốn nói đến, như nhà văn Pháp Maupassant từng nhận định rằng: “Đối tượng mà anh muốn nói đến dù là cái gì cũng chỉ có một từ để biểu hiện nó”, và cũng chỉ có từ đó mới mang những ý nghĩa bên ngoài và sâu xa hơn cả. Nhà văn Hemingway đưa ra nguyên lý “tảng băng trôi”- ba phần nổi, bảy phần chìm. Người nghệ sĩ không phải là cái loa phát thanh cho những ý tưởng của mình, mà phải là người giấu đi nó dưới lớp vỏ ngôn từ. Lời chật mà ý rộng, lời đã hết mà ý khôn cùng, ấy là cái mà nhà văn nào cũng phải hướng đến. Lời lẽ vượt qua sự băng hoại của không gian và thời gian để có thể miêu tả những được hiện thực phức tạp, để có thể khắc họa những xúc cảm tinh vi nhất. Hoàn thành sứ mệnh ấy rồi, anh lại phải đi làm một người họa sĩ, một nhà soạn nhạc đầy cá tính và sáng tạo. Anh phải đưa được một bức tranh hiện thực với những hình khối, màu sắc, đường nét hòa quyện vào với nhau, làm nên một cái hồn riêng cho sáng tác của mình. Anh phải sáng tác nên một bản nhạc thấm đẫm cảm xúc, không phải là thứ tình cảm riêng tư, mà là cảm xúc chung của tất cả mọi người, để ta cùng vui trước niềm hân hoan của nhân loại, xót thương trước sự mất mát, khốn cùng của hiện thực. Ấy mới là một nhà văn thực thụ, một sáng tác tiêu biểu để có thể sống mãi trong dòng chảy miên man của văn chương. 

Lịch sử nhân loại đã đi qua hàng nghìn năm, nhưng văn chương vẫn luôn vẹn nguyên giá trị và sức sống. Có lẽ, đó còn là sức sống ngôn từ, của hình ảnh hội họa, và của cả âm thanh nữa. Trong nền văn học của các quốc gia trên thế giới có những nhà văn, nhà thơ mà sự xuất hiện của họ đã mở ra một trang sử vàng của cả nền văn học dân tộc. Đó là “nhà thơ trung đại cuối cùng và là nhà thơ đầu tiên của thời kỳ cận đại” Dante đến từ Ý, là “mặt trời vĩ đại của nước Nga” A.X Puskin. Và đến với nền văn học Việt Nam, có lẽ Nguyễn Du chính là một “cây đuốc sáng” mở đường như vậy. Những sáng tác của ông đã đi vào bất hủ, đi vào vĩnh hằng. Đại thi hào Nguyễn Du viết Truyện Kiều cách chúng ta hàng trăm năm, vậy mà giờ đây, tác phẩm vẫn còn vẹn nguyên giá trị của nó, 3254 câu thơ lục bát vẫn sống mãi trong lòng độc giả. Từng cặp thơ lục bát truyền thống với những cụm từ “đắt giá” cùng những hình ảnh thơ đầy sức gợi đã bộc lộ thật tinh tế những xúc cảm, những tâm tư, triết lý mà Nguyễn Du gửi gắm. Bi kịch của nàng Kiều bắt đầu từ lúc “gả” cho Mã Giám Sinh: 

“Nỗi mình thêm tức nỗi nhà

Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng” 

“Nỗi mình” là mối tình đầu còn đang dang dở, còn đang bỏ ngỏ của nàng và Kim Trọng. “Nỗi nhà” là nỗi lo cho cha, cho em, cho cả gia đình đang lâm vào cảnh khốn cùng, bị dồn đến bước đường buộc phải bán mình để đổi lại sự bình yên cho cha mẹ già, cho đứa em thơ. Hai nỗi đau ấy chất chứa, chồng chéo lên tấm lòng của người con gái vẫn còn đang ở độ tuổi xuân thì, khiến từng bước chân trở nên nặng trĩu hơn bao giờ hết. Bao nhiêu bước chân thì bấy nhiêu giọt lệ đã rơi xuống. Nàng khóc cho chính số phận mình, khóc cho tình yêu, khóc cho cha và em. Một người con gái vốn là tiểu thư đài các, nay lại phải hạ mình xuống ra tiếp khách, sao lại có thể không uất ức, không tủi phận? Từng hạt lệ tuôn rơi khiến lòng nàng dậy sóng. Nàng khóc cho thân phận nhỏ bé, mong manh, cho một kiếp người với vô vàn những bi kịch của chính mình trong tương lai phía trước. Nàng khóc cho tình yêu chưa kịp chớm nở mà đã sớm úa tàn, chưa ly mà biệt. Nàng khóc cho hoàn cảnh gia đình với những sóng gió bủa vây. Cách dùng từ “nỗi mình" và “nỗi nhà" của Nguyễn Du thật tinh tế, chỉ dùng bốn chữ mà như đã gợi ra cả một tấn bi kịch đau thương của gia đình Kiều. Đặc biệt nhất trong hai câu thơ chính là từ “hoa”. Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Du sử dụng từ “hoa” mang đầy giá trị biểu cảm với hàm ý “từ một giọt nước mà nhìn ra biển cả” như vậy. Đó là cánh hoa lê trong ngày xuân: 

“Cỏ non xanh tận chân trời

Chỉ một bông “hoa" lê đã khiến bức tranh xuân sinh động hơn bao giờ hết. Nhưng đến với Nguyễn Du, hoa lê sẽ không chỉ đơn thuần là hoa lê nữa: 

“Cớ sao trằn trọc canh khuya

Màu hoa lê đã đầm đìa giọt mưa” 

Hoa lê ở đây lại mang ý chỉ người đẹp, chỉ người con gái đang rơi lệ khiến người ta phải nao lòng. Mỗi từ “hoa” được Nguyễn Du sử dụng lại mang những ý nghĩa khác nhau, nhưng cũng thật chính xác và hàm xúc trong từng khung cảnh của bài thơ. Tại sao nhà thơ lại lựa chọn hoa lê mà không phải là những loài hoa khác? Có lẽ chỉ có hoa lê mới có thể vẽ nên khung cảnh thiên nhiên mùa xuân lúc bấy giờ, cũng chỉ có hoa lê mới có thể khắc họa được hết vẻ đẹp của người con gái lúc bấy giờ, hình ảnh người con gái đang rơi lệ khiến người ta phải xao động, như thành ngữ “lê hóa đái vũ” đã từng được sử dụng để miêu tả dáng vẻ của Dương quý phi. Sự chính xác và tỉ mỉ ấy chính là yếu tố then chốt để tạo nên những tầng lớp ý nghĩa cho từng câu thơ và cho cá tác phẩm. Nói như M. Gorki: “Ngôn ngữ của tác phẩm phải gãy gọn, chính xác, từ ngữ phải được lựa chọn kỹ càng. Chính các tác giả cổ điển viết bằng ngôn ngữ như vậy đã kế tục nhau trau dồi nó qua thế kỉ này sang thế kỉ khác.” Nhắc đến đây, ta không thể nào quên câu chuyện mà  u Dương Tu (Trung Quốc) kể lại rằng Trần Tông Dị khi xưa nhận được tập thơ của Đỗ Phủ, trong bài “Tống Sai Lễ đô úy” có câu: “Thân khinh nhất điểu…” Ngay sau chữ “điểu” lại bị mất một chữ khiến bạn bè của Trần Tông Dị tranh luận với nhau. Có người thêm vào đó chữ “tật” (nhanh chóng”, có người lại thêm vào đó chữ “lạc” (rơi xuống), có người lại cho rằng phải là chữ “khơi” bay lên. Nhưng sau khi xem nguyên tác, chữ bị mất đó lại chính là “quá” (vút qua), và câu thơ đầy đủ chính là “Thân khinh nhất điểu quá” mang ý nghĩa là xem nhẹ tính mạng như con chim vút qua. Bấy giờ, mọi người mới chầm chồ và vỡ lẽ rằng chỉ có chữ “quá” mới có thể thể hiện được tinh thần dũng cảm, dám xông pha lên giữa biển đạn và tên bắn của Sái Hi Công. Vậy mới thấy rằng việc lựa chọn từ ngữ sao cho hay, sao cho đẹp, sao cho biểu lộ được hết cái ý của mình mà vẫn còn gợi được thêm trong lòng bạn đọc mới khó khăn làm sao. 

Bởi lẽ ấy mà mỗi câu từ, mỗi hình ảnh, âm thanh trong tác phẩm đều phải mang trong mình một “linh hồn riêng”, cái chất đặc biệt nhất. Đến với thời kì thơ Mới nở rộ trong lòng xã hội thực dân nửa phong kiến, ta bắt gặp một Huy Cận với một phong cách rạo rực, băn khoăn khác với cái “rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên” (Hoài Thanh). Đến với thơ Xuân Diệu, ta không còn bắt gặp sự chuẩn mực trong thiên nhiên nữa mà là một con người rất Tây: 

“Hơn một loài hoa đã rụng cành 

Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh” 

Trong buổi đầu nhà thơ Huy Cận đến với hàng thơ Việt Nam, Hoài Thanh có viết rằng: “Xuân Diệu đã tới giữa chúng ta với một y phục tối tân và lúc đầu chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người có hình thức phương xa ấy”. Chính cái “y phục tối tân” ấy cùng sự uyển chuyển, phong nhã đã làm nên một cái rất riêng của Xuân Diệu. Ông say đắm với thiên nhiên đất trời, chú tâm quan sát tới từng khung cảnh của tự nhiên, để rồi bắt gặp hình ảnh khu vườn đã trút bỏ lớp áo cũ. Cách nói “hơn một loài hoa” rất đặc biệt và phá cách. “Hơn một loài hoa” chứ không phải là “nhiều những loài hoa”. Một là sự duy nhất, hơn một đã làm thay đổi vị trí độc nhất ấy. Mùa thu vừa sang với đất trời khiến cảnh vật đang chuyển giao từ cái nóng oi bức của mùa hạ sang sự dịu dàng, êm ái của mùa thu. Bởi mới là sự khởi đầu nên không phải mọi loài hoa đều phai tàn mà mới chỉ “hơn một loài hoa”. Cách diễn đạt mới lạ, độc đáo và hết sức chính xác đã làm nên một hồn thơ rất “Xuân Diệu”. Thu đến, những chiếc lá trên cây bắt đầu đổi màu, vốn là hình ảnh quen thuộc trong thơ ca. Nhưng khi đến với Xuân Diệu, sự chuyển màu ấy đã được miêu tả hết sức tinh tế trong một từ rất “đắt”: “rũa”. Màu đỏ như đang rũa ra, rã ra trong một không gian đang dịch chuyển của mùa thu, sự vận động của thời gian và không gian khiến cho cảnh vật biến đổi. Màu đỏ chuyển dần sang màu xanh, bước chân của mùa thu ngày càng nhanh hơn. Màu đỏ từ xưa đến nay xuất hiện trong thơ ca khi nói về mùa thu vốn không phải hiếm. Chế Lan Viên từng viết: 

“Mùa thu rớm máu từng đôi chút

Với lá bàng thu đỏ rợp trời” 

Nhưng chưa ai chạm được đến một màu đỏ đang “rũa” đi như trong thơ của Xuân Diệu cả. Khung cảnh thiên nhiên như bừng lên qua một từ “rũa”, qua hình ảnh “hơn một loài hoa”, qua màu sắc được phối hợp hài hòa trong một buổi chớm thu. Chỉ hai câu thơ, Xuân Diệu đã khiến ta cảm phục trước tài năng “chinh phục” ngôn từ và sự phối màu hài hòa khi khắc họa bức tranh thiên nhiên giao mùa. 

Đâu chỉ trong thơ ca, đến với văn xuôi, những nhà văn tài ba cũng đã là những nhà thám hiểm tài ba đi tìm kiếm câu từ, hình ảnh và màu sắc. Nam Cao, một cây bút hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam đã viết nên những sáng tác bất hủ với giọng văn sắc sảo, lạnh lùng với những từ ngữ sắc sảo hơn bao giờ hết. Và “Chí Phèo” là một sáng tác như vậy. Tác phẩm đâu chỉ là câu chuyện của một kẻ say, một kẻ điên hay một con quỷ dữ làng Vũ Đại. Là một nhà tư tưởng, Nam Cao đi sâu vào một con người tưởng như đã mất hết nhân tính, mất cả quyền làm con người để chứng minh rằng ở đâu đó, thiên lương vẫn còn tồn tại. Mở đầu tác phẩm là câu văn khiến người đọc phải giật mình: “Hắn vừa đi vừa chửi”. Phải, thứ ấn tượng đầu tiên của độc giả về Chí Phèo là tiếng chửi, tiếng chửi của một kẻ say rượu. Tuy say, nhưng lời của Chí chửi lại được sắp xếp một cách logic, chặt chẽ, đi từ cái khái quát nhất đến cái cụ thể nhất. “Bắt đầu hắn chửi trời” bởi trời đã an bài cho hắn một số phận khắc nghiệt hơn cả. Nếu như mẹ hắn không đẻ ra hắn rồi vứt bỏ hắn lại cái lò gạch cũ ấy, nếu như anh đi thả ống lươn không bắt gặp được trẻ trần truồng mặt xám xịt ấy thì liệu rằng, số phận của hắn có đỡ bất hạnh hơn bây giờ hay không? Và rồi, “hắn chửi đời”, đời là tất cả những gì xảy ra, nhưng cũng chẳng là điều gì. Lần lượt, lời chửi của Chí Phèo thu hẹp dần, hắn chửi “cả làng Vũ Đại”, rồi lại chửi đứa nào không chửi nhau với hắn, và cuối cùng là chửi “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn” đẻ ra con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Trời thì có ai chạm được đến, nên nó là vô hình. Cuộc đời hắn thì đâu có gì, không cha không mẹ không nhà cửa, là một con số không tròn trĩnh, nên đời hắn lại càng vô nghĩa. Làng Vũ Đại đã nuôi hắn khôn lớn trưởng thành, cho hắn cơm ăn áo mặc, rồi lại vứt bỏ, xa lánh, kì thị hắn chẳng khác nào một con vật, nên làng lại càng vô tình. Câu hỏi “đứa nào đẻ ra thằng Chí Phèo” thì lại càng là một vấn đề nan giải, bởi cả làng Vũ Đại chẳng ai biết cha mẹ hắn là ai, không một ai biết người nào đã đẻ ra tên lưu manh Chí Phèo. Vậy là trong tầng tầng lớp lớp tiếng chửi của Chí Phèo, trời vô hình, đời vô nghĩa, làng vô tình, và câu hỏi cuối cùng thì lại vô tri. Theo phong tục tập quán xưa của người Việt, chửi cha mẹ chính là chửi đứa con của người đó. Nếu vậy thì ở đây, Chí đang chửi chính bản thân mình. Hay nói cách khác, Chí đang tự đi mổ xẻ, tìm kiếm nguyên nhân sự bất hạnh, lý do nỗi khổ của hắn. Vậy mới thấy, hắn say mà như chẳng hề say, bởi đó đâu phải là tiếng nói của một người say, đó là thứ ngôn ngữ “tỉnh lạnh” (Đỗ Lai Thúy) của kẻ đang tự chửi chính bản thân mình, đang tự nguyền rủa chính bản thân mình. Hắn đang hỏi trời, hỏi đời, hỏi làng Vũ Đại, hỏi cả chính bản thân mình rằng vì sao đời hắn khổ thế. Cái bất hạnh lớn nhất của hắn có lẽ là việc hắn đã bị gạt ra khỏi xã hội loài người. Tiếng chửi là niềm khao khát được giao tiếp, được hòa nhập với mọi người, được sống như một con người. Bởi nếu như có người chửi lại, thì ít ra, người đó còn xem Chí là người. Nhưng cả cái làng Vũ Đại ấy, có còn ai coi hắn là người nữa? Chẳng một ai thèm đáp lại hắn, chỉ có tiếng sủa của mấy con chó đáp lại một kẻ say rượu. Có lẽ không phải vì sợ, mà vì bởi họ chẳng xem Chí là một con người nữa nên không một ai lại phí sức để đáp lại tiếng của một con vật. Còn gì đau đớn hơn là bị tước đi quyền sống của một con người, bị xã hội ruồng rẫy, đẩy đến vách núi cuối cùng của sự sống? Hắn đang đau xót cho chính cái số phận ấy, hắn đang tuyệt vọng cho đời hắn. Chỉ qua tiếng chửi, ta nhận ra trong ấy là sự hận thù, tuyệt vọng của người chửi, là sự dửng dưng, vô cảm của người nghe, là sự đau đớn. Lạnh lùng, sắc sảo là vậy, nhưng qua những tiếng chửi ấy, ta vẫn nhận ra trong Nam Cao sự đau đớn, xót thương sâu sắc cho số phận của con quỷ làng Vũ Đại ngày ấy. Bởi sứ mệnh của nhà văn vốn là như vậy, là “nâng bước cho những người cùng đường tuyệt lộ, bênh vực kẻ không có ai để bênh vực”. Nguyễn Huy Thiệp cũng đã từng cho rằng nhà văn phải người “rắc muối vào tác phẩm”, nếu như lòng nhân vật đau một thì tác giả đau mười.  m thanh tiếng chửi ấy cũng đã xát muối vào lòng độc giả, khiến người người đau xót, thương thay cho số phận của một kẻ đã mất đi nhân tính, mất cả quyền làm người. Ấy là linh hồn của âm thanh khi đến với văn chương nghệ thuật. Tiếng chửi ấy của Chí Phèo đã làm vang vọng và xáo trộn văn đàn Việt Nam thời kì ấy, khiến ai ai khi đọc được tiếng chửi ấy, nghe được tiếng chửi ấy đều phải thốt lên hai chữ thán phục với người nghệ sĩ. 

Quả thực, quan niệm trên đã mở ra trong ta thật nhiều những suy ngẫm về một sáng tác văn học thực thụ. Càng đi sâu vào tìm hiểu, bóc tách từng lớp chữ của câu nhận định trên đã khiến ta nhận ra rằng văn học phải là một sự kết hợp giữa những chất liệu của các hình thức nghệ thuật: đó là sự chỉnh chu, sâu sắc trong ngôn từ, là sự hài hòa trong màu sắc, là sự thầm kín cảm xúc trong âm thanh. Nhưng, liệu rằng tất cả những yếu tố ấy đã thật sự đủ để làm nên một tác phẩm thành công chưa? Có lẽ là chưa. Bởi một nhà văn thực thụ sẽ là người không chỉ đi chinh phục những phương tiện hình thức của văn học, mà anh phải là người đi chinh phục hiện thực, chinh phục những tâm tư, tình cảm của chính bản thân mình cũng như của nhân loại. Anh phải biết thổi những điều đó vào trong ngôn từ, vào trong màu sắc, âm thanh để tạo nên một không gian không chỉ thấm đẫm hơi thở cuộc sống, mà còn là một không gian của những xúc cảm. Ấy mới là thứ câu từ, thứ hình ảnh, âm thanh có linh hồn, có đủ sức sống để tồn tại qua thời gian. Và không chỉ nhà văn, mà ngay cả bạn đọc cũng chính là những nhà thám hiểm đi chinh phục những phương tiện ấy. Bởi từ xưa đến nay, giữa nhà văn, bạn đọc và tác phẩm luôn có sợi dây liên kết sâu sắc. Như M. Gorki đã từng nói: “Nhà văn là người sáng tạo ra tác phẩm nhưng chính người đọc tạo nên số phận cho nó”, độc giả chính là người đi tìm ra cái hồn, cái đẹp của ngôn từ, của màu sắc, hình ảnh trong văn chương. Nếu như không có sự xuất hiện của bạn đọc, có lẽ những dòng chữ kia, những màu sắc kia, và cả những âm thanh kia nữa, sẽ mãi mãi nằm thẳng đơ trên trang giấy trắng, sẽ chẳng thể nào mang trong mình cái hồn kia được nữa. Bởi vậy mới thấy rằng, đối với cả người nghệ sĩ và độc giả, “câu chữ, màu sắc, âm thanh không chỉ là chướng ngại cần chinh phục, vượt qua mà chúng còn là những sinh thể, những sự vật có hồn." Vì chính nó là cầu nối giữa tác giả và độc giả. Người nghệ sĩ mất đi, nhưng tác phẩm của anh ta vẫn sẽ mang còn vang vọng, ấy là nhờ vào sự thấu hiểu cái hồn trong ngôn từ của bạn đọc. 

Văn chương như một người hát rong trong suốt những năm tháng của lịch sử. Văn chương đã hát những gì? Phải chăng đã có một bài ca nào đó về khoảng cách giữa bạn đọc và nhà văn, về linh hồn của câu từ, của âm thanh, màu sắc đã gắn kết hai con người ở hai thời đại khác nhau về chung một dòng suy nghĩ? Có lẽ vậy mà tác phẩm ấy “thâm nhập vào tâm hồn và ý thức bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng sống nội tâm, như sự dằn vặt ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thơ ca của sự thật” (Aitmatov). 

(Nguồn: Thích văn học)

Xem thêm: Hội ngộ Tấm Cám dưới âm phủ - Bài văn của học sinh chuyên Anh

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận