Bài văn 9+ cảm nhận về hình ảnh "người đàn bà hàng chài"
Khép lại trang sách cuộc đời về người đàn bà làng biển vô danh nhưng những dư âm của nó để lại vẫn còn day dứt, ám ảnh người đọc biết bao thế hệ...
Như nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học”, mỗi tác phẩm văn học chân chính đều vì cuộc đời mà sinh ra, và cũng sẽ vì cuộc đời mà tiếp tục xây dựng nên những thành lũy vững chắc cho tâm hồn mỗi con người. Để làm được điều đó, mỗi người nghệ sĩ của văn học cần phải biết đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những rung động của cuộc đời, và nhà văn Nguyễn Minh Châu thật sự đã đón lấy tất cả những thanh âm của cuộc đời thông qua tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa. Là một cây bút tinh anh, người mở đường cho văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện thành công quan niệm văn chương của mình thông qua một điểm sáng của tác phẩm là người đàn bà làng chài. Vẻ đẹp của tác phẩm hiện lên từ nhiều yếu tố nhưng có lẽ, nhân vật người đàn bà đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người đọc.
Được sáng tác vào năm 1983 và lần đầu xuất hiện trong tập ‘Bến quê’, Chiếc thuyền ngoài xa kể về việc nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng đi tới một vùng biển nọ mong tìm được một bức ảnh cho bộ lịch. Sau gần một tuần tìm kiếm, cuối cùng anh cũng tìm thấy một cảnh đắt trời cho "Trước mắt tôi là một bức tranh mực tàu của danh họa thời cổ". Nhưng vừa như phát hiện một chân lý của sự hoàn thiện, khám phá thấy khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn thì bất ngờ anh phát hiện ra cảnh bạo lực gia đình mà trung tâm chính là sự xuất hiện của một người đàn bà.
Thoạt tiên ta có thể thấy, tác giả chỉ dùng một cụm từ phiếm định ‘người đàn bà’ để gọi tên nhân vật chính. Có chăng đây chính là một dụng ý của nhà văn, vì chưng số phận này cũng chính là một số phận đại diện, hoàn cảnh ấy chỉ là một trong vô vàn hoàn cảnh tương tự đang diễn ra ở ngoài kia mà thôi. Người phụ nữ ấy hiện lên qua góc nhìn của nhân vật Phùng là ‘một người đàn bà trạc ngoài 40 tuổi, cao lớn với những đường nét thô kệch, khuôn mặt rỗ ‘mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ’; tấm lưng áo của chị bạc phếch, rách rưới và ướt sũng. Những hình ảnh đó cho người đọc phần nào hình dung được nỗi bất hạnh đầu tiên trong cuộc đời người phụ nữ, một bông hoa nhưng không hề có sắc hương, một người lao động nghèo khổ nhọc nhằn đến mức nhếch nhác phi thẩm mỹ. Ngoại hình của người đàn bà như có một sợi dây tương đồng với đứa con của Kim Lân- anh cu Tràng xấu xí. Nhưng cái đáng nói ở đây, sự khác nhau giữa hai người họ cũng chính là cái danh xưng đấy. Đối với một người phụ nữ, thiên chức lớn lao nhất đó chính là làm mẹ, và món quà lớn lao nhất chính là nhan sắc, là ngoại hình, là hương sắc để làm nên một nụ hoa. Mà món quà ấy, chị lại chẳng hề có được dù chỉ là một chút.
Tiếp đến, cái bất hạnh thê lương vẫn chưa thôi ngừng lại, chưa thôi buông lơi cho thân phận ấy, vì chị còn là một nạn nhân của cái đói, của cái nghèo rẻ rúng. Nếu như sự tăm tối trong Vợ nhặt là cái thiếu miếng ăn của một thời kì biến động đầy gian lao của đất nước, thì ở Chiếc thuyền ngoài xa, ở nơi có dòng suối Cách Mạng đã chảy vào bên cuộc sống của người nông dân, cái đói nghèo vẫn chưa tan biến đi mà vẫn hiện hữu đó, vẫn tồn tại trong căn bếp nhỏ nơi gia đình người đàn bà đó. Mười một lần vượt quỷ môn quan, không chỉ phải đối diện với vấn đề về sức khỏe, về cơ thể, việc nuôi hơn chục cái miệng ăn đã khiến cái khổ cái khó của chị ngày càng thêm chồng chất hơn. Trên chiếc thuyền nhỏ lênh đênh, người ta chen chúc nhau mà sống trong một không gian chật hẹp như không thể thiếu thốn chật hẹp hơn. Cái khoảng không gian ngột ngạt ít ỏi không khí ấy, nay lại càng đi vào bế tắc hơn với tiếng la khóc, tiếng í ới của trẻ con. Rồi thì những ngày biển động, vợ chồng cùng trên dưới chục đứa con phải ăn xương rồng chấm muối leo lắt qua ngày, một loại thức ăn vốn chẳng bao giờ được coi là dành cho con người. Tất cả những thứ đấy, tất cả những tăm tối bất hạnh đấy đã được dồn nén để đưa chị đến tận cùng cực của thống khổ, của đớn đau chính là nỗi đau bạo lực gia đình đầy chua chát. Đúng thế, áp lực đã khiến chồng chị, từ một anh chàng hiền lành biến thành một tên đàn ông hung hăng và nóng nảy cùng biết bao trận đòn roi trút lên đôi vai nhỏ của người vợ, người mẹ, người phụ nữ nơi làng chài nhỏ này. Chi tiết ‘... đưa tay lên có ý định gãi hay sửa lại tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống, đưa cặp mắt nhìn xuống chân’ và tiếng quát của người đàn ông: “Cứ ngồi nguyên đấy, động đậy tao giết cả mày đi bây giờ”, “Mày chết đi cho ông nhờ..” như dự báo về một số phận, một phận đời đầy truân chuyên sóng gió. Qua lăng kính của Phùng, giữa một khung cảnh được cho rằng ‘không còn nơi nào có thể đẹp hơn ấy’, người đàn bà bị chồng mình ‘dùng cái thắt lưng quật tới tấp’, nhưng bà lại thầm lặng chịu đau đớn với một vẻ ‘cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, không tìm cách trốn chạy’. Mà đâu phải cảnh đánh đập ấy diễn ra chỉ là lần đầu tiên, nó xảy ra đều như cơm bữa khi ‘ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng’. Ấy vậy mà khi được chánh án Đẩu khuyên nên bỏ người chồng vũ phu ấy, chị lại ‘chắp tay vái lia lịa’, cầu xin “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó”. Mà lý do lý giải cho điều đó, lại vô cùng bất ngờ: Đám đàn bà hàng chài ở thuyền cần phải có một người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng đi làm ăn nuôi nấng một sấp con trên dưới chục đứa. Chi tiết ấy, đã bộc lộ cho chúng ta thấy những điểm sáng le lói nơi người đàn bà ấy. Tuy phải gánh chịu trên đôi vai gầy bao nỗi vất vả cơ cực, bị cái nghèo cái đói bám riết với một ngoại hình không được trọn vẹn, là nạn nhân của vấn nạn bạo lực gia đình ngày qua ngày, nhưng ở bụi gai xương rồng ấy cũng có những nguồn nhựa sống đang cuộn trào, là vẻ đẹp ẩn sâu cái xù xí xấu xí, là vẻ đẹp mà chúng ta phải thật tinh tế, phải thật sự yêu thương bằng cả tấm lòng với một phận đời mới có thể cảm nhận được hương vị trong trẻo tựa sương mai ấy.
Hiện lên đầu tiên nơi gương mặt đầy rỗ sẹo ấy chính là một vẻ đẹp cao quý và thiêng liêng nhất trên cuộc đời này: Tình mẫu tử, yêu thương con cái tha thiết. Bằng thủ pháp đối lập giữa ngoại hình và nội tâm, giữa một số phận bất hạnh và một tấm lòng nhân hậu, bao dung, thương con hơn tất cả mọi thứ trên đời. Vì thương con, người đàn bà ấy chấp nhận bị đánh đập, chấp nhận sự đói khát, chấp nhận cái nhục nhã, và cũng xuất phát từ tình thương con, người đàn bà ấy cho rằng: “Phải sống cho con chứ không phải sống cho chính mình như ở trên đất được”. Triết lí ấy giản dị mà sâu sắc. Đó là một sự cam chịu nhẫn nhục nhưng cũng thật đáng để chia sẻ, cảm thông. Ta thấy thấp thoáng đâu đó trong bóng người đàn bà ấy là dáng hình của biết bao người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha, đức hi sinh cho gia đình và con cái. Cũng vì sợ con tổn thương trước cảnh bạo lực gia đình, chị đã xin chồng đưa mình lên bờ mà đánh, sợ đứa con làm điều gì dại dột với bố nó, người đàn bà hàng chài đã phải cắn răng gửi đứa con chị yêu thương nhất lên bờ sống với ông ngoại. Cả cuộc đời chị, vui vẻ hạnh phúc nhất chính là lúc ‘nhìn đàn con chúng nó được ăn no’, không phải nheo nhóc ăn xương rồng luộc chấm muối qua ngày. Chính vì thế, chị dùng hết tâm can để bảo vệ gia đình nhỏ này, bao bọc yêu thương đàn con nhỏ bằng những giọt nước mắt sớm đã khô cằn của mình. Dẫu chị có bị đánh, bị biết bao roi đòn chị cũng chấp nhận, tủi nhục bao nhiêu chị cũng sẵn sàng oằn mình đón lấy, chỉ để đổi lấy một điều, rằng con chị vẫn sẽ có cha, có mẹ, có cái ăn, có nụ cười nở trên những cánh môi đong đầy vị mặn của gió biển. Chị cũng như bao người phụ nữ trong ngôi làng chài này, cũng như bao lớp người phụ nữ Việt Nam muôn đời nay, luôn hi sinh hết mình để gìn giữ một giá trị trọn vẹn của gia đình, dùng cả linh hồn mình để bảo vệ một mái nhà vẹn nguyên cho con cái. Đó chính là giá trị thiêng liêng mà hơn bốn ngàn năm nay, những người phụ nữ với chiếc nón lá Việt Nam đã luôn trân trọng, gìn giữ suốt muôn đời.
Là một cây bút có tình yêu thương sâu nặng đối với cuộc sống con người, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã khai thác trọn vẹn mọi khía cạnh trong tâm hồn của người phụ nữ làng chài. Nào đâu phải chỉ nhẫn nhịn chịu đựng hay yêu thương con cái vô điều kiện, chị còn là một người phụ nữ đầy vị tha và bao dung. Chắt chiu từng trái đắng để giữ quả ngọt cho con, bị người chồng đầu ấp tay ối ấy hằng ngày cho mình ‘ăn đòn đều hơn ăn cơm’ ấy vậy mà chưa một lần Phùng, Đẩu hay bất kì ai trong mỗi chúng ta nhìn thấy sự oán trách, căm giận hay hận thù nơi chị. Thậm chí, người phụ nữ ấy còn luôn biết ơn người đàn ông đã trở thành trụ cột cùng chị chèo lái con thuyền của cuộc sống cũng như của cuộc đời này. Cho rằng mọi lỗi lầm đều từ mình mà ra, chị vẫn luôn nhìn thấy hình ảnh một ‘anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm’ đâu đó trong bóng dáng dữ tợn của người chồng trước mắt. Hai lần cầu xin “Quý tòa bắt tội con cũng được, bỏ tù con cũng được, nhưng đừng bắt con bỏ nó” cho thấy tấm lòng bao dung vô bờ bến của một người phụ nữ đã trải qua mọi hỉ nộ ái ố trên trần gian này. Người đàn ông ấy có gì mà khiến chị sẵn sàng hi sinh cả chính cuộc sống của mình như vậy chứ? Câu hỏi vô định hình trong mỗi chúng ta rất nhanh đã được chị giải đáp. Hơn ai hết, chị là người hiểu rõ ‘anh con trai cục tính mà hiền lành’ này nhất. Một người đàn ông đã từ chối ‘vinh hoa phú quý’, từ chối đi lính ngụy, từ chối chĩa mũi súng ngược vào tổ quốc, vào trái tim của những người đồng bào máu đỏ da vàng này; người đàn ông đã sẵn sàng cưu mang, đã chấp nhận cưới chị về làm vợ, cho chị có một danh phận thiêng liêng, một thiên chức quý giá không gì sánh bằng là được làm mẹ, làm người phụ nữ của gia đình. Có lẽ chị chẳng thể hiểu biết được về luật pháp được rõ ràng như chánh án Đẩu, cũng chẳng biết cách làm ra được một tác phẩm nghệ thuật như nhiếp ảnh Phùng, nhưng chị có thể thấy, có thể hiểu, có thể biết chắc chắn được một điều rằng người đàn ông ở bên cạnh chị chưa bao giờ là người xấu, chỉ là cái nghèo đói như con đỉa bám riết lấy bắp chân ta mà hút máu mới khiến con người trở nên cộc cằn thô lỗ đầy áp lực như thế mà thôi. Chẳng trường trường lớp lớp như bao người, nhưng người phụ nữ hơn bốn mươi tuổi ấy lại nắm chắc cái ‘luật đời’ hơn bất kì một kẻ tri thức nào; chẳng bằng này cấp kia, nhưng người mẹ của hơn chục đứa con ấy lại thấu tình đạt lý như nhìn thấu suốt một chặng đường dài của cuộc đời.
Sự thay đổi ngôi xưng đột ngột từ ‘con’ thành ‘chị’: “Chị cám ơn các chú!... Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc...” đã tiếp tục mở ra một góc nhìn mới về người đàn bà này cho cả Đẩu lẫn Phùng: Chị có một sự thấu hiểu lẽ đời sâu sắc mà không có bất kì sách vở nào có thể kể cho chúng ta nghe, vì chưng, nó chỉ có thể được đúng kết từ những đêm thức kéo lưới không ngủ, được đúc kết từ những vết dây lưng hằn nơi bắp tay, nơi từng làn da thớ thịt, được đúc kết từ biết bao nước mắt hi sinh cho đàn con nhỏ mà những người trẻ như Phùng, như Đẩu, như cả bạn và tôi chẳng thể nào hiểu được. Xưng ‘chị’ không phải là để lên mặt, để dạy đời, nhưng người phụ nữ ấy chỉ đang muốn giải thích cho Phùng và Đẩu hiểu được thế nào là cái khó khăn của một con thuyền thiếu bóng đàn ông. Lời giãi bày thật tình, giản dị mà sâu xa ấy đã giúp chị giải quyết bi kịch của cuộc đời mình một cách ngắn gọn, sâu sắc. Triết lý cuộc đời của chị “Phải sống cho con chứ không phải sống cho mình” và sự thấu hiểu lẽ đời ấy đã khiến cho câu chuyện và vị thể nhân vật thay đổi hoàn toàn. Từ một người với tư cách thẩm phán huyện, người làm chứng đã trở thành người được nghe, được hiểu, được biết những lẽ đời mà trước đây, các anh chỉ nhìn thấy bằng cái nhìn một chiều đầy dễ dãi. Từ vị thế của một bị can, người phụ nữ trở thành một quan tòa, quan tòa cho chính cuộc đời mình, một vị quan tòa giấu trái tim nhân hậu và vẻ đẹp tâm hồn đằng sau vẻ ngoài thô kệch, một vị quan tòa luôn coi tình yêu thương con và sự hi sinh, giàu lòng vị tha là lẽ sống cho cuộc đời mình.
Có thể thấy rằng, ngoài những biện pháp nghệ thuật đầy khéo léo như: ngôn ngữ truyện khách quan, tình huống truyện đặc sắc, diễn biến tâm lý nhân vật cùng cách triển khai cốt truyện đặc biệt, nhà văn Nguyễn Minh Châu còn vận dụng khéo léo thủ pháp đối lập: một bên là ngoại hình xấu xí, một bên là phẩm chất đáng trân trọng để bao quát lên vẻ đẹp của biết bao người phụ nữ Việt Nam từ xưa tới nay: có cốt cách bên trong, biết nhìn xa, thương đàn con nhỏ, giàu đức hi sinh, lòng vị tha, thương chồng, thương con, am hiểu lẽ đời, sẵn sàng hi sinh bản thân để đổi lấy hạnh phúc, no ấm cho chồng, cho con. Nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay, những người phụ nữ Việt Nam dù vẫn giữ được những vẻ đẹp truyền thống nhưng đã trở nên năng động hơn, làm chủ được cuộc sống của mình. Luôn yêu thương và cần một người chồng chèo lái con thuyền gia đình, nhưng họ vẫn sẽ sẵn sàng tố cáo lên cơ quan chức năng nếu bị chồng hành hạ, đánh đập. Dù là trong thời chiến hay thời bình, phụ nữ vẫn luôn là những bông hoa cần được yêu thương, chăm sóc và luôn có quyền mưu cầu hạnh phúc cho chính bản thân mình.
Từ câu chuyện về cuộc đời của người đàn bà làng chài ấy, Nguyễn Minh Châu đã âm thầm gửi gắm vào đó bao triết lý nhân sinh, bao bài học về cuộc đời đầy sâu sắc. Có những hình ảnh thoạt mới nhìn thì đẹp, như những chiếc thuyền ở ngoài khơi xa vậy, nhưng nếu nhìn kĩ bên trong, đi sâu vào bản chất của nó thì hoàn toàn ngược lại. Cuộc sống nhiều khi thường "đánh lừa" ta như thế. Phải có con mắt tinh tường nhìn thấu gan ruột cuộc sống để khám phá, phát hiện thì mới mong tìm ra đúng bản chất của nó. Thông qua góc nhìn của nhiếp ảnh Phùng và chánh án Đẩu, mỗi độc giả chúng ta cần rút ra được một bài học, rằng không bao giờ có thể nhìn nhận bất kỳ một sự vật, sự việc, câu chuyện hay con người nào trong cuộc sống bằng cái nhìn một chiều mà phải đứng ở góc nhìn khách quan để nhìn nhận bao quát mọi điều đa đoan trong cuộc sống, phải đi sâu vào nó, nhìn nhận mọi khía cạnh vì chưng mọi thứ trên đời đều có hai mặt, và con người cũng thế. Ngoài ra, tác phẩm còn đặt ra được một chân lý về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời. Như chính nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nói: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Mỗi tác phẩm văn học chỉ là một lát cắt, một tờ biên bản của một chặng đời sống con người ta, trên con đường dài dằng dặc đi đến cõi hoàn thiện”, mỗi tác phẩm nghệ thuật thật sự đều phải bắt nguồn từ cuộc sống, không được tách rời cuộc sống, không phải là ánh trăng lừa dối. ‘Nghệ thuật chỉ có thể là những tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than’ (Nam Cao) và những người nghệ sĩ cần phải dũng cảm nhìn thẳng vào hiện thực, biết đứng trong cuộc đời đầy lao khổ kia mà đón nhận mọi vang động của cuộc đời. Chỉ có thế, văn chương và nghệ thuật mới chính là cuộc đời, đẹp như cuộc đời và thậm chí đẹp hơn cả cuộc đời.
Từ chính những trăn trở về con người trong thời kỳ đổi mới và bằng chính trái tim ấm nóng đầy yêu thương của mình, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm đi tình cảm yêu thương, trân quý, cảm thông của mình tới những mảnh đời lam lũ, nhọc nhằn. Qua đó, tác giả khám phá được và trân trọng những vẻ đẹp tâm hồn tiềm ẩn của họ, cũng như lên án những điều xấu xa, tàn ác đang hủy hoại hạnh phúc cá nhân của những mảnh đời bé nhỏ trong cuộc sống. Từ đó, mỗi chúng ta nhìn thấy được sự nguy hiểm của vấn nạn bạo lực gia đình, cùng với toàn xã hội chung tay hành động, với những giải pháp cũng như biện pháp răn đe phù hợp để góp phần đẩy lùi, xóa bỏ vấn đề xã hội nhức nhối này, đẩy lùi đói nghèo để hướng đến một cuộc sống yên bình, ấm no, cho hạnh phúc gõ cửa mọi nhà, cho tiếng cười nở trên môi những người phụ nữ nói riêng, cũng như tất cả chúng ta nói chung.
Khép lại trang sách cuộc đời về người đàn bà làng biển vô danh nhưng những dư âm của nó để lại vẫn còn day dứt, ám ảnh người đọc biết bao thế hệ. Ngoài kia vẫn còn hàng trăm, hàng nghìn số phận đau thương như câu chuyện của người đàn bà ấy. Phải chăng, dù trong thời đại nào, con người chúng ta đều cần có tình yêu thương, sự thông cảm và niềm tin vào tương lai để tiếp tục duy trì sự sống. Và có lẽ, đó cũng chính là thông điệp cuối cùng, mà nhà văn thông qua nhân vật người đàn bà ấy đã gửi gắm đến thế hệ chúng ta của hôm qua, hôm nay và mai sau.
(Theo Khánh Phương)
Xem thêm: So sánh chi tiết "A Sử trói Mị" (Vợ chồng A Phủ) và "gã đàn ông đánh vợ" (Chiếc thuyền ngoài xa)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận