Bài nghị luận văn học đạt giải Ba kỳ thi HSG quốc gia 2023
Nghị luận văn học là câu số 2 trong đề thi HSG văn quốc gia 2023. Dưới đây là bài viết đạt giải Ba.
ĐỀ BÀI:
Có ý kiến cho rằng: "Viết văn, cũng chừng ấy ký tự, chừng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình".
Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.
BÀI VIẾT ĐẠT GIẢI BA:
Marcel Proust tuyên bố: Mỗi lần một nghệ sĩ lớn xuất hiện sẽ là một lần thế giới được tạo lập lại. Dường như sáng tạo nghệ thuật đã đem cho nhà văn quyền năng của một Đấng sáng tạo - quyền năng để tạo ra một thế giới của riêng mình. Nhưng với vị thế của một “Đấng sáng tạo” như vậy, liệu người nghệ sĩ có tham vọng tự tách mình khỏi loài người ? Hay thực chất, thế giới riêng ấy đến cuối cùng vẫn sẽ quay trở lại với cuộc đời: “Viết văn, cũng chừng ấy kí tự, từng ấy con chữ, mỗi nhà văn sáng tạo ra một thế giới của riêng mình. Thế giới của riêng mình nhưng lại không chỉ cho riêng mình”.
Nhà văn - đó là người nghệ sĩ trong lĩnh vực văn chương. Công việc và phương thức lao động của người nghệ sĩ ấy chính là “sáng tạo” - khai sinh, đem lại một điều gì mới mẻ, nó không trùng lặp với những gì đã có, nó mang đậm dấu ấn cá nhân của người đã tạo nên nó. Năng lực sáng tạo trong nghệ thuật giúp cho nhà văn tạo ra cả một “thế giới của riêng mình” - một thế giới nghệ thuật mới không còn trùng khít với hiện thực và cũng không trùng khít với những thế giới nghệ thuật khác. Và mỗi nhà văn đều có khả năng tạo ra một thế giới riêng như vậy, chỉ từ “chừng ấy kí tự, từng ấy con chữ” - từ những vật liệu có giới hạn - điều đó cho thấy năng lực sáng tạo ở mỗi nhà văn là vô cùng to lớn, đến mức ngay cả khi chỉ sáng tạo từ những chất liệu mà ai cũng sử dụng, chỉ xuất phát từ hiện thực quanh mình, một nhà văn tài năng vẫn đủ sức tạo ra cho mình cả một thế giới riêng. Nhưng thế giới riêng ấy không phải chỉ ra đời cho riêng nhà văn - nó không phải là thế giới chỉ dành riêng cho nhà văn, không phải chỉ có ý nghĩa với một mình nhà văn, mà còn có thể có giá trị cho cả cuộc đời, cho tất cả mọi người, cho toàn nhân loại. Bằng khả năng sáng tạo, nhà văn xây dựng nên cho mình cả một thế giới riêng. Một thế giới của riêng nhà văn, nhưng tuyệt nhiên không làm cho nhà văn xa rời loài người…
Quyền năng sáng tạo của nhà văn là vô cùng to lớn. Ngay cả khi chỉ viết với “từng ấy kí tự, từng ấy con chữ”, “từng ấy” hiện thực, “từng ấy” đề tài, mỗi nhà văn tài năng vẫn đủ sức tạo ra cho mình cả một thế giới riêng không trùng lặp. Cá tính sáng tạo đòi được nói tiếng nói riêng của nó, biểu đạt cách cảm, cách nhìn, cách nghĩ riêng của nó - tiếng nói riêng, cái nhìn riêng ấy làm biến đổi hoàn toàn hiện thực theo mong muốn riêng của nhà văn. Vì vậy, ngay cả khi chỉ viết về cùng một hiện thực, khai thác một đề tài, mỗi cá tính lớn vẫn có khả năng tạo ra một thế giới của riêng mình, nói tiếng nói của mình, bộc lộ xúc cảm và cách nhìn của mình. Vầng trăng có của riêng ai, cả trong thơ lẫn trong đời, thế nhưng vầng trăng “nằm sóng soãi trên cành liễu đợi gió đông về để lả lơi” đã trở thành của riêng Hàn Mặc Tử. Thi sĩ còn chẳng ngần ngại khẳng định “chủ quyền” cá nhân đối với vầng trăng: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”. Buổi chiều trong thơ đã được mặc định quy ước là thời gian của nỗi buồn, nỗi nhớ, của những tâm tình. Nhưng tâm tình của cô gái đi lấy chồng xa trong buổi chiều “trông về quê mẹ” của ca dao nào giống nỗi nhớ quê của Thôi Hiệu nơi lầu Hoàng Hạc. Buổi chiều “dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương” êm ả, tươi vui của Nguyễn Trãi khác hẳn buổi chiều “chim hôm thoi thót về rừng” đầy bồn chồn, bất an của Nguyễn Du. Buổi “chiều mộng” “hòa thơ trên nhánh duyên” đầm ấm, tình tứ của Xuân Diệu không giống buổi chiều “nắng chia nửa bãi” lạnh lẽo, cô quạnh của Huy Cận. Buổi “chiều Âu Lâu” náo động kí ức, chập chờn dư vang, dư ảnh “bóng chữ” của Lê Đạt không giống “buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường” khủng hoảng, đổ vỡ của Thanh Tâm Tuyền. Hiện thực trong đó ta đang sống, thế giới thực mà ta đã quá quen thuộc không ngừng được tái sinh để trở thành những thế giới mới riêng biệt, nhờ năng lực của những cái Tôi nghệ sĩ độc đáo. Trong thế giới riêng ấy, nhà văn làm mới chính hiện thực bình thường, đôi khi nhàm chán, tưởng như không còn có thể khiến ta bất ngờ, không còn có thể đem lại một cảm xúc mới lạ nào nữa. Sông Đà có gì lạ lẫm nếu chúng ta chỉ coi nó như một đối tượng địa lí? Với cái nhìn ấy, tất cả những tri thức khách quan về con sông: Lưu lượng, dòng chảy, tiềm năng phát triển thủy điện… sẽ được đem ra ánh sáng, và không còn gì là bí ẩn với con người. Thế nhưng Nguyễn Tuân đã tạo ra một con sông Đà của riêng mình, một con sông Đà người ta chưa từng thấy, nó là một vật sống, nó vừa là loài thủy quái - kẻ thù số một của con người lại vừa là cố nhân ăn đời ở kiếp với con người - nó có một tính cách phức tạp, một tâm hồn có chiều sâu bí ẩn chưa một chuyên gia địa chất nào phát hiện. Chính vì thế nó mời gọi sự tái khám phá của chúng ta. Vì thế nó còn đủ sức khơi gợi trong ta niềm hứng thú và say mê ngay cả với những sự vật quen thuộc nhất trong cuộc đời. Mùa thu đã nuôi thi hứng cho muôn đời thi sĩ, nói về mùa thu, chúng ta có cả một hệ thống các hình ảnh ước lệ nhiều khi đã thành cũ mòn. Thế nhưng mùa thu đi vào trong thơ Lê Đạt và ngay lập tức nó trở thành của riêng Lê Đạt : “thu nhà em”. Đó là cả một thế giới mới. “Nắng” và “cúc” có gì lạ lẫm, nhưng “nắng cúc lăm răm vũng nhỏ” thì đích thực là một ấn tượng chưa từng có. Trong cùng một câu thơ, ta thấy nắng thu vàng như hoa cúc, thấy những đốm nắng lăm răm xuyên qua kẽ lá như những chiếc cúc nhỏ đơm trên mặt nước, thấy cả đôi mắt “lá răm” vũng nhỏ trong veo lóng lánh như nắng chiếu vào. Heo may trở thành “nông nổi heo may”, hương cốm mùa thu đi vào “đồi cốm đường thôn ngõ cỏ”, và mùa thu “rất em”. Trong chính những thế giới mới mà nghệ thuật đem lại, những trải nghiệm của chúng ta được làm mới, ta thoát khỏi đời thường chật hẹp để sống trong những cảm xúc đã ngủ quên từ lâu trong một hiện thực đôi khi quá cũ mòn, tẻ nhạt.
Nhưng liệu thế giới nghệ thuật có phải một “tháp ngà” đóng khép với cuộc đời đang diễn ra trên mặt đất này? Liệu nhà văn có thể rút lui vào cõi riêng ấy để chẳng còn biết đến nỗi khổ đau của con người?
Trong khi sáng tạo thế giới riêng của mình, một nhà văn có tài năng và nhân cách tìm đường quay trở về với cuộc đời thực, với số phận và nỗi đau của loài người. Nhà văn có thể viết chỉ vì nhu cầu cá nhân, nhưng một tác phẩm vĩ đại không bao giờ chỉ có ý nghĩa với riêng người tạo ra nó. Nhà văn không viết cho mình, thậm chí cũng không viết chỉ cho con người thời đại mình, mà viết cho con người ở mọi thời đại, mọi thế hệ, xuyên qua mọi cách biệt văn hóa, sắc tộc, tín ngưỡng, đẳng cấp. Trong thế giới của tác phẩm, có thể có những thực trạng vẫn đi theo cuộc đời chúng ta hôm nay, những sự thật vẫn còn ý nghĩa với con người ngày hôm nay. Đó là sức mạnh của tư tưởng lớn, tầm nhìn rộng, cái nhìn sâu sắc bao trùm cả thế giới, để làm cho thế giới ấy tái sinh trong nghệ thuật - thế giới của loài người, không phải của riêng nhà văn. Khi ấy, tác phẩm có khả năng sống lâu hơn người khai sinh ra nó. Khi Engels nói: tiểu thuyết Balzac cho ông hiểu về thời đại Balzac rõ hơn mọi tài liệu chính trị - xã hội học đương thời, điều đó có nghĩa Balzac đã “sống” lâu hơn cả thời đại mình, để cảnh báo chúng ta về nguy cơ tha hóa vẫn còn ở lại với con người ngày hôm nay. Khi Chế Lan Viên nói “Không có Du thế kỉ này đành tay không”, điều đó chứng tỏ Nguyễn Du đã làm cho thời đại mình cùng “sống” lại với thời đại của chúng ta ngày hôm nay. Kiều sống lâu hơn cả xã hội phong kiến, sống lâu hơn cả những chuẩn mực “trung” “hiếu”, “tiết”, “trinh”, “lễ”, “nghĩa” mà người ta từng dùng để đánh giá nàng. Vì trước khi Kiều là người “tài sắc” hay “hiếu nghĩa”, nàng đã là một con người. Nàng mang trong mình căn tính nhân loại, nàng đại diện cho con người nói chung trong tư thế đối diện với định mệnh. Nàng là một con người có đầy đủ ý thức về sự sống người, về sứ mệnh LÀM NGƯỜI của mình. Gặp Kim Trọng bên mồ Đạm Tiên, Kiều của Thanh Tâm tài nhân cho là sự ngẫu nhiên, nhưng Kiều của Nguyễn Du đã phát hiện ở đó hai con đường cho số phận mình:
“Người mà đến thế thì thôi
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi
Người đâu gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay không ?”
Con đường của Đạm Tiên, của những kiếp tài hoa bạc mệnh, đưa tới nỗi đau và cái chết. Nhưng con đường tình yêu được gợi mở bởi Kim Trọng thì mở ra cả một chân trời chưa từng biết đến, nó không hứa hẹn điều gì, nhưng đầy mời gọi: “biết có duyên gì hay không ?”. Chính vì thế mà có bước chân “xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình”. Chính vì thế mà có nỗi lo âu: “Bây giờ rõ mặt đôi ta/Biết đây rồi nữa chẳng là chiêm bao?”. Vì thế, Kiều là kẻ dấn thân vào cõi vô định, nàng sẽ phải đau khổ, nàng sai lầm, nàng thường xuyên thất bại, nàng có lúc trở nên thật thảm hại: “Thân lươn bao quản lấm đầu”… Nhưng chính vì thế nàng là con người. Là con người, chúng ta dấn bước tiến vào con đường định mệnh khi còn chưa biết nó sẽ đưa mình đến kết cục nào. Có thể ta sẽ thất bại. Nhưng chính vì vậy mà chúng ta là con người. Hamlet là vậy. Lão Santiago của Hemingway là vậy. Họ đại diện cho cả loài người trong những cuộc đối đầu với định mệnh. Điều đó khiến cho họ bước ra từ thế giới riêng của nhà văn để đứng cùng nhân loại, xuyên qua những rào cản thời đại, văn hóa, tư tưởng. Nguyễn Trãi - con người sống cách chúng ta năm thế kỉ cũng trở nên thật gần gũi:
“Trăm năm trong cuộc nhân sinh
Người như cây cỏ thân hình nát tan
Hết ưu lạc đến bi hoan
Tốt tươi khô héo, tuần hoàn đổi thay”
(“Côn Sơn ca”)
Nhận thức ấy đâu chỉ đúng với riêng Nguyễn Trãi, nó là tình thế chung của cả nhân loại. Trong hoàn cảnh ấy, những người rất khác nhau về văn hóa, đẳng cấp đều có thể có chung nhau một ý thức: “Hiền ngu khó sánh hai đàng/ Đều làm cho thỏa được như ý mình”. Trong nhận thức ấy, Nguyễn Trãi đã trở nên rất gần gũi với Xuân Diệu - con người nhận thức được sự hữu hạn của đời người và cảm thấy sự cần thiết phải sống cho thỏa lòng yêu với cuộc đời, phải hưởng thụ mọi giá trị của cuộc đời. Thế giới mà nhà văn đem lại đã xóa nhòa mọi rào cản, định kiến, cả những quy ước xã hội, để đem con người lại gần con người, để phá tan những mối bất hòa sắc tộc hay đẳng cấp, để ta có thể nhìn vào kẻ khác và nhận ra ở đó một con người giống như mình. Như điều Victor Hugo đã làm cho tên tử tù ấy (“Ngày cuối cùng của một tử tù”). Tên tử tù mà tất cả mọi người đều khinh ghét, cả xã hội đều ghê tởm y như một thứ ung nhọt cần loại bỏ, thực chất y cũng là con người như tất cả chúng ta. Y có một bà mẹ, một người vợ, một đứa con gái đã quên mặt cha, y có trí tuệ và tâm hồn, y có một cuộc đời, như tất cả chúng ta, và giờ đây, bị tước đoạt, bởi chúng ta. Hiểu được điều này, có lẽ ta có thể hiểu được sự bất bình của Hugo nhìn thấy từng đám đông lũ lượt kéo nhau đi xem hành quyết tử tù, háo hức như đi dự hội. Văn chương đã đập tan những bức tường ngăn cách con người với con người, nó làm cho chúng ta có cơ hội thấu hiểu nhau, đồng cảm với nhau, thương xót cho nhau…
Đối với những nhà văn chân chính, thế giới riêng trong văn chương không bao giờ là một lối thoát để con người chạy trốn khỏi thực tại phũ phàng. Ngay cả khi trong văn chương ta chỉ thấy một thế giới lí tưởng chẳng có trong thực tại, đó cũng chỉ là một hiện thực như mong muốn của nhà văn về cái nên có, cần có trong cuộc sống. Nếu không có nó, cuộc đời sẽ trở nên quá đỗi tàn bạo và buồn khổ. Nhà văn suốt đời làm thư kí trung thành cho thời đại như Balzac cũng là một người lãng mạn. Trong “Miếng da lừa”, giữa một thế giới tối tăm làm tha hóa những tâm hồn trong sạch nhất, ta vẫn thấy hình bóng nàng Pauline như một hình nahr hoàn hảo về cái đẹp, cái thiện, một thiên thần. Trong căn nhà thiếu sáng của lão Grandet bủn xỉn, nàng Eugenie Grandet vẫn lớn lên với một trái tim cao thượng, nàng “hào phóng” đến độ sẵn sàng trao cả tính mạng mình cho tình yêu. Tình yêu của nàng là một tình yêu lí tưởng mà nhân loại nghìn đời khao khát. Nhân loại vẫn khao khát cái Đẹp…
Bước ra khỏi thế giới riêng của mình để nhập thân vào nhân loại là công việc của một tư tưởng lớn lao - đủ lớn để bước ra khỏi những giới hạn của thời đại, vượt qua mọi ranh giới tín ngưỡng, sắc tộc, đẳng cấp, ý thức hệ để đến được với con người:
“xác ngụy nằm ruồi muỗi bu đầy
những đôi mắt bệch màu hoa dại
những gương mặt trẻ măng xanh tái
những bàn tay đen đủi chai dầy
các anh ơi, đừng trách chúng tôi
các bà mẹ, tha thứ cho chúng tôi”
(“Những đứa trẻ buồn” - Lưu Quang Vũ)
Ở đó, không còn địch - ta, chỉ còn con người với con người. Tư tưởng lớn như vậy cần một xã hội có khả năng dung chứa nó, chấp nhận nó, cho phép nó lên tiếng. Tư tưởng lớn thường khó được thấu hiểu, và sự thật thường khó chấp nhận…
Nhờ đó, những tác phẩm vĩ đại còn ra đời, vượt qua mọi giới hạn ngăn trở, để dẫn lối cho con người đi tới tương lai…
(Bài viết của Mai Tuấn An, giải Ba HSGQG 2023/Nguồn dẫn: Cô Phan Tình gửi)
Xem thêm: Học sinh cần biết: Bài viết luận khác đoạn văn nghị luận xã hội như thế nào?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận