A Phủ là người như thế nào trong cái nhìn của nhà văn Tô Hoài?

Tô Hoài đã xây dựng nhân vật A Phủ bằng bút pháp điển hình hóa, vừa cụ thể vừa khái quát...

Đỗ Thu Nga
15:00 13/05/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

"Tây Bắc ư, có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hóa những con tàu"

Những câu thơ của Chế Lan Viên gợi nhắc cho bạn đọc về một vùng đất Tây Bắc với nhiều hoang sơ, bí ẩn. Khám phá Tây Bắc đâu chỉ có những hồn thơ của Chế Lan Viên. Ta còn từng bắt gặp Tô Hoài với riêng một tập truyện viết về phong tục về thiên nhiên và con người Tây Bắc. Trong đó truyện ngắn Vợ chồng A Phủ là một trong ba truyện ngắn tiêu biểu nhất của tập truyện Tây Bắc. Truyện ngắn thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật và A Phủ là nhân vật tiêu biểu trong toàn bộ câu chuyện.

Tô Hoài là một nhà văn lớn trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam với số lượng tác phẩm đạt đến kỷ lục. Hầu hết sáng tác của Tô Hoài thiên về diễn tả sự thật của đời thường với trần thuật hóm hỉnh, sinh động hấp dẫn. Sáng tác của ông thể hiện sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống con người phong tục cũng như sinh hoạt của người dân Tây Bắc.

Vợ chồng A Phủ được trích từ tập truyện Tây Bắc sau chuyến đi thực tế của Tô Hoài năm 1952 trong một lần lên Tây Bắc. Truyện hướng tới phản ánh số phận của những người lao động miền núi Tây Bắc, đi từ số phận khổ đau đến cuộc đời mới tự do.

a-phu-la-nguoi-nhu-the-nao-trong-cai-nhin-cua-to-hoai

A Phủ là chàng trai người H’mông nghèo khổ bất hạnh. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, bị người làng đem bắt bán cho người Thái ở dưới thấp, sau đó A Phủ trốn ngược về vùng cao và sống lưu lạc khắp vùng Hồng Ngài, đi ở cho hết nhà này đến nhà kia. Đến tuổi trưởng thành, A Phủ vẫn nghèo, chỉ có hai bàn tay trắng nên không lấy nổi vợ.

Nhưng A Phủ là một chàng trai khỏe mạnh, cường tráng, cần cù, dũng cảm và tài ba: đốt rừng, làm nương, cuốc nương, chăn bò, bẫy hổ, chăn bò, chăn ngựa, quanh năm một thân một mình tăng và biết đục cuốc. Đặc biệt, A Phủ luôn khao khát cuộc sống tự do phóng khoáng. Ngay từ khi mới lên mười, cậu bé A Phủ đã không chịu sống cùng người Thái dưới chân núi mà muốn trở lại vùng cao, chấp nhận cuộc sống nơi nay đây mai đó nhưng được là con chim của núi rừng tự do.

Từ một chàng trai tràn đầy sinh lực, bản tính mạnh mẽ, kiên cường luôn khao khát cuộc sống tự do, phóng khoáng. A Phủ bị giai cấp thống trị tàn bạo cột chặt vào kiếp đời nô lệ đau đớn tủi nhục. Nhưng nếu như nỗi khổ của Mị triền miên, dai dẳng, thầm lặng thì nỗi khổ của A Phủ được miêu tả tập trung qua hai cảnh đó là cảnh sự kiện phạt và và cảnh A Phủ bị trói đứng vì làm mất bò.

Cảnh sự kiện phạt vạ diễn ra chỉ vì A Phủ đã dám đánh lại con quan chính là A Sử rồi khiến cho A Phủ bị bắt về nhà thống lý chịu kiện. Một phiên tòa đặc biệt lạ lùng và tàn bạo đến mức chưa từng có. Công đường là nhà thống lí, quan tòa lại chính là thống lí Pá Tra. Thành phần tham gia xét xử đông đảo với đầy đủ chức sắc trong vùng, trịnh trọng trang nghiêm, chỉ có nằm hút thuốc phiện và ăn cỗ.

Nhân trứng lại là đám trai làng- những công cụ của thống lý. Còn bị cáo A Phủ thì không được trình bày, không được nghe luận tội mà chỉ luôn quỳ im mà chịu đòn. không khí phiên tòa diễn ra đầy nhốn nháo, náo loạn của tiếng kể, chửi bới, đấm đá và tiếng rít thuốc phiện, khói thuốc phiện ngào ngạt tuồn qua các ô cửa. Kết thúc xử kiện, A Phủ phải chịu một số tiền phạt và khổng lồ và phi lý.

Ngoài tiền cho người bị đánh, cũng phải trả toàn bộ tiền cho các quan, cho người đi gọi các quan về, toàn bộ số tiền hút thuốc phiện từ hôm qua đến hôm sau và cả một con lợn cho làng ăn cỗ. Tất cả lên tới một trăm đồng bạc trắng và Pá Tra thừa biết A Phủ không thể nào có tiền trả cho nên hắn đã cho A Phủ vay nợ, suốt đời làm trâu làm ngựa trả nợ cho hắn: đời mày, đời con, đời cháu mày bao giờ hết nợ tao mới thôi”.

Để sợi dây trói buộc thêm chắc chắn khi thì Pá Tra gọi con ma về nhận mặt người vay nợ rồi toàn bộ số bạc cho A Phủ vay lại hoàn nguyên vào túi của thống lý. Cuộc sống nô lệ tủi nhục của A Phủ bắt đầu từ giây phút ấy. Đau đớn, chân bước đi tập tễnh, A Phủ phải cầm dao đi giết lợn làm cỗ cho những kẻ vừa đánh đập chửi bới phạt vạ mình.

Và từ một chàng trai khỏe mạnh, dũng cảm, khao khát cuộc sống tự do, A Phủ đã phải sống một kiếp đời như trâu ngựa cùng với đàn trâu đàn ngựa nhà thống lý. Qua cách sự kiện phạt vạ, nhà văn Tô Hoài đã tố cáo bản chất tham lam, độc ác của giai cấp thống trị miền núi. Chúng đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc để áp mức cột chặt những con người lao động tự do vào kiếp đời nô lệ để bóc lột họ đến kiệt cùng.

Chỉ vì sơ ý làm mất một con bò nhà thống lý mà A Phủ phải chịu một hình phạt thật thảm khốc. Nỗi khổ nhục của A Phủ trước hết là tự tay đào lỗ chôn cột, lấy dây mây để cho người khác trói mình. A Sử đã trói A Phủ một cách tàn nhẫn: trói đứng A Phủ bằng một cuộn dây mây đến khi thống lý vào lại thòng thêm hai thòng lọng vào cổ làm cho A Phủ không cựa quậy được rồi bỏ mặc A Phủ trong đau đớn, đói rét cho tới chết để đền mạng cho con bò của gia đình thống lý.

Qua đó, ta thêm hiểu về tội ác dã man tàn bạo của giai cấp thống trị miền núi Chúng coi sinh mạng của con người không bằng con vật và càng hiểu thêm nỗi thống khổ con người lao động khi bị đẩy vào kiếp đời nô lệ. Họ đã bị tước đoạt hoàn toàn quyền sống, quyền làm người.

Khi còn là một cậu bé lên mười, A Phủ chấp nhận sống nghèo khổ đi ở cho hết nhà này đến nhà khác để sống tự do và khi chứng kiến A Sử quấy rối phá đám cuộc chơi, A Phủ đã đánh hắn dù biết rằng đó là con quan. Trong cảnh xử kiện tàn bạo của thống lí Pá Tra, A Phủ không khóc, không kêu rên mà chỉ quỳ yên như cái tượng đá để chịu đòn.

Trước thế lực cường quyền ghê gớm, A Phủ đã bất lực phải chịu đựng nhưng ẩn trong thái độ đó là sự thách thức sự phản kháng ngầm. Trong đêm A Phủ bị trói đứng, chàng trai ấy đã nhay đứt mấy vòng dây mây để tự giải thoát cho mình. Chỉ khi bị cho thêm hai thòng lọng vào cổ, A Phủ mới bất lực.

Sức mạnh của tinh thần phản kháng và lòng khao khát rõ nhất khi A Phủ được Mị cởi trói. A Phủ đã ngã quỵ xuống vì kiệt sức nhưng sau đó A Phủ đã quật tức vùng lên chạy khỏi nhà thống lí. Có lẽ lòng khao khát được sống, được tự do và tinh thần phản kháng ở chàng trai nô lệ ấy đã tạo nên nguồn sức mạnh vô biên khiến cho A Phủ không chỉ được cứu mình mà còn cứu được Mị chạy trốn khỏi nhà thống lí Pá Tra, để được sống tự do chấm dứt kiếp đời nô lệ.

Tô Hoài đã xây dựng nhân vật A Phủ bằng bút pháp điển hình hóa, vừa cụ thể vừa khái quát. Cả A Phủ và Mị đều có những phẩm chất số phận tương đồng nhưng cách khắc họa nhân vật của nhà văn đã có những thay đổi và sáng tạo để phù hợp với con người hiện thực. A Phủ là được khắc họa qua ngôn ngữ và hành động. Những biểu hiện, lời nói và hành động của A Phủ thường ngắn gọn, dứt khoát quyết liệt rất phù hợp với tính cách và góp phần thể hiện giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo.

Khép lại trang viết về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ với hình ảnh của A Phủ và Mị đã để lại trong người đọc nhiều suy nghĩ. Nhà văn đã rất thành công khi tái hiện được hình ảnh của A Phủ và Mị với những sức sống với sức mạnh phản kháng vươn lên mạnh mẽ bất chấp hoàn cảnh. Tác phẩm sẽ sống mãi cùng với thời gian và đồng hành cùng bạn đọc các thế hệ.

Xem thêm: Dẫn chứng "ăn điểm" từ những câu chuyện cảm động trong SEA Games 32

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận