20 năm gieo chữ cho hơn 700 trẻ khuyết tật, lang thang cơ nhỡ

Tuy đã về hưu nhưng cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga (65 tuổi, ngụ P.8, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) vẫn miệt mài gieo chữ cho trẻ em nghèo khó, bệnh tật, lang thang cơ nhỡ.

Đỗ Thu Nga
15:00 21/09/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Với việc làm ý nghĩa của mình, cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga đã vinh dự nhận Giải thưởng Kova.

Cả đời dạy học

Từ lúc ra trường, cô Nga là giáo viên dạy cấp 2 ở xã vùng sâu của H.Mang Thít, sau đó chuyển về dạy ở TP.Vĩnh Long. Ngoài dạy trên lớp, cô còn mở lớp dạy miễn phí cho trẻ khuyết tật tại nhà. Suốt đời dạy học, thời gian rảnh thì chăm sóc cha mẹ già bệnh nên cô không lập gia đình.

Suốt 20 năm qua, với lòng nhân ái, cô Nga đã dành hết tâm huyết nghề giáo để mở lớp dạy chữ miễn phí cho hàng trăm trẻ em mồ côi, khuyết tật, bệnh hiểm nghèo không có điều kiện đến trường. Lúc nào lớp học cũng có khoảng 20 - 30 em. Lớp học chỉ kéo dài từ 7 giờ 30 - 10 giờ, thời gian còn lại trong ngày là để các em mưu sinh.

“Lúc đầu nhiều phụ huynh chưa tin tưởng, thậm chí có người nói tôi dạy không giống ai, bởi những đứa không bình thường như vậy làm sao mà học hành”, cô Nga kể. Tuy nhiên, cô vẫn quyết tâm, kiên trì làm hết sức mình đối với các học trò kém may mắn này bằng cả tấm lòng. Nhiều đêm cô thức trắng để suy nghĩ và soạn giáo án riêng dạy cho các học trò đặc biệt.

Ngoài dạy chữ, cô Nga còn dạy cho các em biết tự chăm sóc bản thân và nhiều việc có ích khác. Để các học trò của mình đến lớp học, cô tự bỏ tiền lương hưu ra mua bánh, kẹo, sữa, dụng cụ học tập cho các em.

20-nam-gieo-chu-cho-hon-700-tre-khuyet-tat-lang-thang-co-nho
Dạy lớp học đặc biệt nhưng lúc nào cô Nga cũng nở nụ cười rất tươi

Em Trinh (20 tuổi, ngụ P.8, TP.Vĩnh Long) cho biết trước đây em được bà ngoại đưa đến lớp cô Nga để học. Nhưng gần đây bà ngoại già yếu, bệnh liệt giường nằm một chỗ nên em vừa bán vé số nuôi bà, vừa tự một mình đến lớp cô Nga. Mỗi ngày em bán được từ 80 - 90 tờ vé số, tiền lời đưa hết cho bà giữ để dưỡng bệnh thuốc thang và chi tiêu cuộc sống. Do nhà chỉ có hai bà cháu, ngoài việc bán vé số mưu sinh, Trinh phải dành thời gian chăm sóc bà nên em không còn thường xuyên đến lớp học như trước. “Ngày nào không được đến lớp học con rất buồn, nhớ cô Nga, nhớ các bạn. Cô Nga rất thương con và con cũng rất thương cô”, Trinh cười hiền, nói.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Long Toàn (ngụ TP.Vĩnh Long, bán vé số dạo) cũng được người thân đưa đến lớp học của cô Nga từ sáng sớm. Anh Toàn dù đã 34 tuổi nhưng tính tình chẳng khác một đứa trẻ, thích được ăn bánh kẹo với những trò chơi tuổi thơ. Người thân của anh Toàn cho biết anh bị bệnh tâm thần nhẹ từ nhiều năm mà không tiền chữa trị. Do cuộc sống khó khăn nên từ bé anh không có cơ hội đến trường, khi nghe có lớp học miễn phí của cô Nga thì anh cứ nằng nặc đòi đến học.

Là người hằng ngày theo con đến lớp học của cô Nga, phụ huynh Lê Thị Anh Đào (ngụ H.Long Hồ, Vĩnh Long) bày tỏ: “Cô Nga là người rất chân tình, luôn tận tâm giúp đỡ những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Biết được điều này, tôi đã đưa đứa con út mắc bệnh Down đến lớp cô Nga để học suốt nhiều năm qua. Bất kỳ ai đến với lớp học của cô đều được xem như người một nhà”.

Mong được “gõ đầu trẻ” đến hết đời

Trao đổi với chúng tôi bên những chiếc bàn cũ kỹ, xếp thẳng hàng được tận dụng làm lớp học, cô Nga cho biết cô rất bất ngờ khi hay tin tên mình có trong danh sách Giải thưởng Kova lần thứ 16 năm 2018, hạng mục Sống đẹp.

Với cô, niềm vui không phải vì được nhiều người biết đến mà chỉ đơn giản là mỗi ngày được đồng hành cùng các em có mảnh đời bất hạnh. “Tôi mong mình có đủ sức khỏe để mãi đồng hành cùng các trẻ em bất hạnh, nhằm bù đắp cho các em những khiếm khuyết, thiếu may mắn trong cuộc sống”, cô Nga tâm sự.

Nói về khó khăn và cơ duyên đến với lớp học đặc biệt, cô Nga nhớ lại: “Sau khi được điều động giảng dạy tại Trường tiểu học Chu Văn An (TP.Vĩnh Long), công tác được một thời gian, tôi chuyển sang làm công tác phổ cập, đi vận động những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cho con em đến trường. Chính nhờ quá trình công tác này đã đưa tôi đến với những mảnh đời bất hạnh để rồi mỗi đêm về lòng lại trăn trở. Bởi, những đứa trẻ bị mù, câm, điếc còn được đến trường, được biết con chữ. Vậy những em nghèo khổ, những trẻ mắc bệnh Down, những trẻ khiếm khuyết về trí não, trẻ không may nhiễm bệnh hiểm nghèo tại sao không. Các em này cần được đến một nơi mà nơi đó phải có người đồng cảm, chia sẻ”.

20-nam-gieo-chu-cho-hon-700-tre-khuyet-tat-lang-thang-co-nho-8

Từ suy nghĩ ấy, cô Nga kiến nghị lên ban giám hiệu trường, rồi đến Phòng GD-ĐT TP.Vĩnh Long và Sở GD-ĐT Vĩnh Long trình bày nguyện vọng của mình. May mắn thay, đề nghị của cô được các ban ngành, tổ chức, các cá nhân ủng hộ và luôn theo sát.

Không những thế, cô còn được các cơ quan tạo điều kiện thuận lợi giúp cô vượt qua mọi khó khăn để duy trì lớp học. Và cũng từ đó, lớp học tình thương hoàn toàn miễn phí của cô giáo Nga chính thức được khai giảng từ năm học 1999 - 2000. Ban đầu, lớp chỉ có vài em, nhưng tiếng lành đồn xa, tạo được lòng tin nên số lượng các em đến học dần tăng lên. Đến nay, lớp có 40 em, toàn hoàn cảnh đặc biệt: thiểu năng, mồ côi, nhiễm HIV, tâm thần nhẹ...

Theo cô Nga, mỗi em đến với lớp học tình thương là một hoàn cảnh bi đát. Như em M.A (11 tuổi, ngụ TP.Vĩnh Long) mang trong mình căn bệnh HIV do lây nhiễm từ cha mẹ. Cha mẹ mất để lại em cùng bà ngoại (bệnh tiểu đường) nương tựa lẫn nhau. Bà ngoại còn bị mắt mờ nhưng hằng ngày phải đi nhặt phế liệu kiếm tiền sống lây lất qua ngày.

(Theo Thanh Niên)

Xem thêm: Cặp vợ chồng giáo viên tình nguyện xa con hơn 10 năm để cắm bản, gieo chữ cho trò nghèo

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận