Nắm quyền sinh quyền sát trong tay nhưng Chúa Trịnh không thích làm vua, vì sao vậy?

Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài nắm quyền sinh quyền sát trong tay. Chúa phải là phải, trái là trái, vua không dám cãi lời. Ấy vậy mà chúa không thích làm vua. Chúa cho dựng lên nhà vua chỉ đứng trên danh nghĩa.

Đỗ Thu Nga
07:00 25/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ai là người mở đầu cơ nghiệp họ Trịnh?

Chúa Trịnh (Trịnh vương; 1545 – 1787) là một vương tộc phong kiến kiểm soát quyền lực lãnh thổ Đàng Ngoài suốt thời Lê Trung hưng, khi hoàng đế tuy không có thực quyền vẫn được duy trì hoàng vị. Bộ máy triều đình lúc này hoạt động theo thể chế lưỡng đầu. Tổng cộng có 11 đời chúa Trịnh chính thức (nếu tính luôn cả Trịnh Kiểm là 12 đời chúa) cai quản xứ Đàng Ngoài trong hơn 2 thế kỷ.

Sau khi hoàng đế Lê Hiến Tông băng hà năm 1504, các hoàng đế kế vị đều yểu mạng, hoặc tàn bạo, hoặc kém tài kém đức. Đến năm 1527, quyền thần Mạc Đăng Dung cướp hoàng vị của Lê Cung Hoàng rồi sáng lập ra nhà Mạc.

Năm 1533, ở Thanh Hóa, võ tướng nhà Lê là Nguyễn Kim nổi dậy chống lại nhà Mạc, lập nhà Lê. Ông vào trong dân gian tìm được hậu duệ của vua Lê là Lê Ninh lập làm hoàng đế, tức là Lê Trang Tông. Trong vòng 5 năm, các vùng phía nam nằm dưới quyền kiểm soát của nhà Lê trung hưng nhưng họ không thể chiếm Thăng Long. Trong thời gian này, nhà Lê cũng phát triển thế lực về phía Nam, chiếm quyền kiểm soát cực Nam lãnh thổ từng là vùng đất đai của Chăm Pa.

Người mở đầu sự nghiệp của họ Trịnh là Trịnh Kiểm, người huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Tương truyền thuở nhỏ nhà Trịnh Kiểm nghèo,......Hàng xóm rất ghét, nhân khi Trịnh Kiểm đi vắng bèn bắt mẹ ông ném xuống vực. Trịnh Kiểm về không thấy mẹ đâu bèn đi tìm, đến vực tìm ra xác mẹ thì mối đã xông đầy lên rồi. Sau có ông thầy tướng đi qua chỉ vào ngôi mộ mẹ Trịnh Kiểm đọc rằng:

Phi đế phi bá

Quyền khuynh thiên hạ

Truyền tộ bát đại

Tiêu tường khởi vạ

Nghĩa là:

Chẳng đế chẳng bá

Quyền nghiêng thiên hạ

Truyền được tám đời

Trong nhà dấy vạ

Mẹ mất, nghe tin Nguyễn Kim nổi dậy dựng lại nhà Lê, Trịnh Kiểm bèn đến xin gia nhập. Nhờ tài năng, ông được Nguyễn Kim tin cậy và gả con gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo cho. Nǎm 1539 ông được phong làm Đại tướng quân, tước Dực quận công. Năm 1545, Nguyễn Kim mất, Trịnh Kiểm lên thay cầm quyền, được phong làm thái sư nắm toàn thể quân đội.

2-ly-do-khien-chua-trinh-o-dang-ngoai-khong-thich-lam-vua-8
Trịnh Tùng (1550-1623) là con trai thứ của Trịnh Kiểm - người mở đầu sự nghiệp kiểm soát quyền lực thời Lê trung hưng (thế kỷ 16-18) cho gia tộc họ Trịnh

Nắm quyền trong triều đình Nam triều nhà Lê, trước hết Trịnh Kiểm lo đối phó với các con của Nguyễn Kim để củng cố quyền lực. Ông sai thuộc hạ xông vào nhà giết con cả của Kim là Nguyễn Uông. Người con thứ là Nguyễn Hoàng sợ hãi xin xuống trấn giữ vùng Thuận Hóa - Quảng Nam ở phía Nam. Trịnh Kiểm cho rằng giết cả hai anh em Hoàng sẽ mang tiếng, mà Thuận - Quảng là nơi xa xôi, "ô châu ác địa" nên bằng lòng cho Hoàng vào đó để mượn tay nhà Mạc giết Hoàng. Từ đó Trịnh Kiểm nắm toàn bộ quyền hành của nhà Lê, xây dựng sự nghiệp cho họ Trịnh.

Vào năm 1556, vua Lê Trung Tông mất sớm không có con nối, Trịnh Kiểm định giành ngôi nhà Lê, nhưng còn do dự sợ dư luận, bèn sai người tìm đến Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bấy giờ đang ẩn dật. Nghe theo lời khuyên của Trạng Trình ("giữ chùa thờ Phật thì ăn oản"), Trịnh Kiểm bèn đi tìm được người trong tôn thất nhà Lê là Lê Duy Bang, cháu 6 đời của Lê Trừ (anh Lê Thái Tổ), lập làm vua, tức là Lê Anh Tông. 

Từ đó họ Trịnh nối đời cầm quyền nhưng danh nghĩa vẫn tôn phò, làm bề tôi cho nhà Lê, hai họ sống chung trong cơ chế lưỡng đầu phụ thuộc nhau: nhà Lê cần có họ Trịnh để bảo vệ và chống Mạc, còn họ Trịnh cần có nhà Lê để việc nắm quyền được danh chính ngôn thuận. Bởi vậy người đời truyền lại câu: "Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong".

Khi Trịnh Kiểm nắm quyền, nhà Trịnh cai quản vùng đất phía Nam. Nhưng Trịnh Kiểm mất, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh quyền.

Sau này, Trịnh Tùng tiến đánh Thăng Long và rước vua Lê Thế Tông trở lại Thăng Long năm 1593. Họ Trịnh đánh dấu quyền lực bằng cách tiến hành xây Phủ chúa Trịnh ở Thăng Long.

Vì sao chúa Trịnh không thích làm vua?

Tại phủ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài chỉ nghe sơ kể qua thôi hẳn mọi người đều kinh hoàng trước quyền sinh quyền sát của ông nhưng vì sao Chúa không thích làm vua? Thắc mắc này được tác giả Samuel Baron giải thích khá rõ trong cuốn Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài (do Omega và NXB Khoa học Xã hội ấn hành): “Không phải Chúa không ham quyền lực hay ông ta tôn trọng pháp luật gì đâu, mà bởi ông ta đã nghĩ nát óc về hai lý do sau để không lên làm Vua: Thứ nhất, nếu lên ngôi ông sẽ bị coi là tiếm quyền, bị cả nước ghét và thù oán, nhất là sự chống lại của họ Nguyễn – người sẽ có danh nghĩa chính đáng để tiến đánh dòng họ Chúa Trịnh. Thứ hai, Chúa nhận thức được triều đình Trung Hoa sẽ chống lại ông ta một khi biết tin có kẻ không thuộc dòng dõi vua Lê cướp lấy ngai vàng. Như thế chẳng khác nào tự rước họa lớn vào thân và tự hủy diệt bản thân”.

2-ly-do-khien-chua-trinh-o-dang-ngoai-khong-thich-lam-vua
Phủ Chúa Trịnh

Để đảm bảo an toàn, Chúa Trịnh đã dựng lên một hoàng tử thuộc dòng dõi vua Lê làm vua. Nhưng thực quyền đều nằm trong tay Chúa, từ việc quyết định chiến tranh hay hòa bình, tự ra luật và hủy luật, có quyền lên án hoặc ân xá phạm nhân, phong tước hoặc bãi nhiễm các chức quan trong triều, tướng lĩnh quân đội, thu thuế, ra lệnh phạt... Cũng bởi thế mà người châu Âu gọi Chúa là vua hay vương, còn vua được gọi bằng danh xưng khác là "Hoàng đế" nhưng vô thực.

Tác giả Samuel Baron kể lại: ‘Vua Lê chỉ buông rèm trong cung cấm và chẳng ai bén mảng đến ngoài mấy mật thám mà phủ Chúa phái sang. Vua cũng chẳng được ra ngoài cung cấm nhiều hơn một lần trong năm, thường vào dịp lễ, tết. Toàn bộ công việc còn lại chỉ chuẩn y những gì Chúa muốn và thực hiện điều đó thông qua những lệnh chỉ cho đúng tính chất lễ nghi. Đối đầu với Chúa, dù là việc nhỏ nhất cũng dễ mang họa vào thân. Vì vậy, mặc dù dân rất kính trọng Vua nhưng họ lại sợ Chúa – người luôn được xu nịnh vì ông có quyền lực tối thượng trong tay”.

Trong thời gian cầm quyền, Chúa Trịnh luôn được ca tụng là nhân vật giữ gìn ngôi báu của hoàng gia cũng như luật pháp và thể chế của vương quốc Đàng Ngoài. Nhưng thực ra, Chúa Trịnh "một tay che trời", nắm mọi quyền hành, vua Lê chỉ là "bù nhìn".

2-ly-do-khien-chua-trinh-o-dang-ngoai-khong-thich-lam-vua-7
Vua Lê thiết triều

Samuel Baron viết: “Tôi nghĩ chuyện này chẳng có ở xứ nào khác, cũng chẳng xảy ra trong lịch sử của bất kỳ một dân tộc nào. Chính trị gia ở nước khác nghe chuyện kỳ lạ này chắc khó có thể tin được”.

Còn điều nghịch lý khác, dù mang danh nghĩa là vua của Đàng Ngoài nhưng người kế vị và chính bản thân nhà vua cũng không hề hay biết người con nào sẽ kế vị mình nếu như nhà vua có nhiều con trai. Tác giả Samuel Baron tiết lộ: "Thậm chí nếu nhà vua chỉ có một con trai, chưa chắc người con đó sẽ được kế vị, bởi Chúa mới là người quyết định chọn người nào ông ưa, miễn là thuộc dòng dõi hoàng tộc.Tuy nhiên Chúa cũng hiếm khi gạt bỏ Thái tử khỏi ngai vàng, trừ khi vì lý do trọng đại hoặc do những động cơ cấp bách về chính trị”.

Ở xứ Đàng Ngoài chỉ có Vua và Chúa mới được truyền lại tước hiệu cho con cháu đến đời thứ ba, còn những quan lại khác phải mưu cầu quyền tước qua chinh chiến, qua học hành hoặc mua bằng tiền nhưng chỉ có giá trị trong mỗi đời họ. Lọt qua "cửa ải" thì mới mong có được dịp trung thành với Chúa Trịnh, để nhận được sự ban phát bổng lộc của ông và đặc biệt là địa vị nào đó trong xã hội.

(Theo Wiki, Thanh Niên)

Xem thêm: Mưu lược cứu vãn cơ đồ gia tộc chúa Trịnh của "bà chúa không ngai" Vũ Thị Ngọc Nguyên

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận