11 định nghĩa hay xuất hiện trong phần yêu cầu phụ - đề thi THPTQG
Khi nhận đề thi môn Ngữ văn - THPTQG, các bạn thí sinh đừng vội "cắm đầu cắm cổ" viết văn, hãy đọc kỹ yêu cầu để làm bài chính xác, đạt điểm cao.
Dưới đây chúng tôi xin chia sẻ một số định nghĩa thường xuyên xuất hiện trong phần yêu cầu phụ - đề thi THPTQG. Các bạn thí sinh hãy chú ý để tránh làm lạc đề nhé:
1. Cái nhìn hiện thực
Cái nhìn hiện thực của tác phẩm văn học là toàn bộ hiện thực được nhà văn phản ánh trong tác phẩm văn học, tùy vào ý đồ sáng tạo mà hiện tượng đó có thể đồng nhất với thực tại cuộc sống hoặc có sự khúc xạ ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết hiện thực trong các tác phẩm văn chương đều là hiện thực được hư cấu. Nó có ý nghĩa phản ánh hiện thực của một thời kỳ trên nhiều góc diện khác nhau hơn là các hiện thực cụ thể. Cái nhìn hiện thực thường mang sức mạnh tố cáo những thế lực tội ác trong xã hội đẩy con người vào hoàn cảnh đau khổ, bi đát.
2. Chiều sâu nhân đạo
Nhân đạo là một giá trị cơ bản của những tác phẩm văn học chân chính được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc của nhà văn với nỗi đau của những con người, những cảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Đồng thời, nhà văn còn thể hiện sự nâng niu, trân trọng với những nét đẹp trong tâm hồn và niềm tin khả năng vươn dậy của con người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc đời.
3. Nghệ thuật miêu tả tâm lí
Tâm lí là những suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng ở bên trong nội tâm con người, nó vô hình, diễn biến phức tạp và bất ngờ nên không thể nhìn thấy hay nghe thấy bằng các giác quan thông thường. Chính vì thế phải có cái tài thấu hiểu mới có thể miêu tả tâm lí nhân vật một cách cụ thể nhưng thu hút người đọc, để lại cho họ những dấu ấn khó phai mờ. Vì thế, có thể nói rằng “Nghệ thuật miêu tả tâm lí con người là thước đo tài năng người nghệ sĩ”. Nghệ thuật miêu tả tâm lí tức là nhà văn sử dụng các phương tiện, biện pháp nghệ thuật để tái hiện thế giới tâm lí phong phú, phức tạp của con người trong tác phẩm của mình. Các nhà văn thường miêu tả tâm lí nhân vật thông qua hành động, ngôn ngữ và ngoại cảnh.
4. Phong cách tác giả
Phong cách tác giả là những nét độc đáo, riêng biệt trong cách cảm nhận và tái hiện đời sống của một tác giả, được thể hiện qua các yếu tố nội dung và hình thức nghệ thuật của từng tác phẩm cụ thể. Yếu tố cốt lõi của phong cách là cái nhìn mang tính phát hiện, in đậm dấu ấn riêng của người nghệ sĩ: “Thế giới được tạo lập không phải một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì lại một lần thế giới được tạo lập” (M. Pru-xtơ).
5. Cái tôi của tác giả
Cái tôi là trung tâm tinh thần của con người, của cá tính người có quan hệ tích cực với thế giới và đối với chính bản thân mình. Chỉ có con người độc lập kiểm soát những hành vi của mình và có khả năng thể hiện tính chủ động toàn diện mới có cái tôi của mình. Vì vậy, cái tôi tự ý thức, tự điều khiển, tự tái tạo lại thế giới và tái tạo lại chính mình để hướng tới sự hoàn thiện. Cái tôi chính là nền tảng của sáng tạo nghệ thuật.
6. Quan niệm nghệ thuật về con người
Quan niệm nghệ thuật về con người được hiểu là cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, cách cắt nghĩa lí giải về con người của nhà văn. Đó là quan niệm mà nhà văn thể hiện trong từng tác phẩm. Quan niệm ấy bao giờ cũng gắn liền với cách cảm thụ và biểu hiện chủ quan sáng tạo của tác giả, ngay cả khi miêu tả con người giống hay không giống so với đối tượng. Có thể nói, nó giống như là một chiếc chìa khóa vàng góp phần gợi mở cho chúng ta tất cả những gì bí ẩn trong sáng tạo nghệ thuật của mỗi người nghệ sĩ nói chung và từng thời đại nói riêng
7. Nghệ thuật xây dựng hình tượng
Hình tượng nghệ thuật không chỉ là phương thức tái hiện thế giới khách quan, là nhân tố góp phần truyền tải thông điệp của tác giả tới mọi người mà còn là tâm hồn, bản ngã của người nghệ sĩ, nó khẳng định phong cách, cái tôi của người nghệ sĩ trên con đường sự nghiệp của mình. Xây dựng hình tượng là quá trình sáng tạo dựa trên ý tưởng và sự ước lệ. Nghệ thuật xây dựng hình tượng là toàn bộ những phương thức nghệ thuật được tác giả sử dụng trong quá trình sáng tạo ấy.
8. Bút pháp nghệ thuật
Bút pháp vốn là thuật ngữ của thư pháp – nghệ thuật viết chữ Nho, chỉ cách cầm bút lông, cách đưa đẩy nét bút để tạo dáng nét chữ đẹp. Trong văn học, bút pháp là cách thức hành văn, dùng chữ, bố cục, cách sử dụng các phương tiện biểu hiện để tạo thành một hình thức nghệ thuật nào đó. Ở đây bút pháp cũng tức là cách viết, lối viết, là một yếu tố của phong cách văn học.
9. Chất thơ trong văn xuôi (truyện, kí)
Chất thơ hay còn gọi là “thi vị” tức là có tính chất gợi cảm và gây hứng thú trong thơ, là một khía cạnh của cảm hứng thẩm mĩ nhân văn, phải gắn với cái đẹp. Nói một tác phẩm văn xuôi có chất thơ tức là những ý văn, câu văn, đoạn văn tạo nên sự rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người và nó có khả năng truyền những rung cảm ấy đến với người đọc. Ở văn xuôi chất thơ có ở trong nhiều cấp độ: từ ngữ; bức tranh thiên nhiên; hình tượng nhân vật vượt lên trên thực tại của đời sống, của hoàn cảnh để hướng đến vẻ đẹp của nhân cách, tâm hồn
10. Chất nhạc, chất họa trong thơ
Thơ là phương thức trữ tình, là tiếng nói của tình cảm, cảm xúc được thể hiện bằng một cấu tạo ngôn ngữ đặc biệt. Họa có nghĩa là hội họa, đặc trưng ngôn ngữ thơ giàu tính tạo hình, thơ có thể gợi lên trong tâm trí người đọc những hình ảnh, chi tiết sống động, chân thực như bản thân sự sống vốn có, “thi trung hữu hoạ”. Nhạc là âm nhạc, ngôn ngữ thơ giàu nhạc tính. Tính nhạc của thơ thể hiện ở: thể thơ, cách gieo vần, ngắt nhịp, thanh điệu,… “thi trung hữu nhạc”. Nhạc là cỗ xe chở hồn thi phẩm (Hoàng Cầm).
11. Cảm hứng sáng tạo
Cảm hứng ở đây là luồng ý nghĩ, tư tưởng có tính chất sáng tạo, thường đột nhiên nảy sinh trong lòng nhà văn, nhà thơ. Và có thể ví cảm hứng như là chất men của sự sáng tạo, là một sự thôi thúc, tạo đà cho nhà văn cầm bút viết. Nó là động cơ, nguồn gốc khởi đầu cũng như mục đích đã vạch ra trong suy nghĩ của nhà văn. Cảm hứng sáng tạo là yếu tố hết sức quan trọng trong việc hình thành ý đồ cũng như lúc viết văn, nó góp phần tạo ra nhiều yếu tố mới lạ, độc đáo, nhiều tác phẩm đặc sắc mang cá tính sáng tạo riêng của từng nhà văn.
Xem thêm: Một số thuật ngữ sử dụng trong bài văn nghị luận văn học
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận