Vì sao năm xưa vua Lương Võ Đế cả đời xây chùa, bố thí, cúng dường mà vẫn chẳng có được công đức?
Vua Lương Võ Đế khi gặp Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang đã hỏi, liệu việc mình xây chùa, bố thí,... có được công đức không.
Theo sử sách ghi chép lại, vua Lương Võ Đế của Trung Hoa thời bấy giờ khi còn sống đã rất mạnh tay xây chùa, tạo tượng. Theo đó, ông cất hàng trăm ngôi chùa, độ tăng chúng tu hành rất đông, thiết trai bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách nhiều vô số kể.
Chuyện kể rằng, vua vốn nghĩ làm như vậy đương nhiên mình sẽ được rất nhiều công đức. Một lần nọ, Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma từ Ấn Ðộ sang Trung Hoa hoằng pháp, đã được vua vời đến gặp. Khi cả hai đang luận bàn pháp lý, vua hỏi: "Trẫm một đời cất chùa, độ tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, như vậy có được công đức gì chăng?". Nào ngờ, Tổ Bồ Đề Đạt Ma thẳng thừng đáp lại rằng: "Những việc làm ấy thực không có công đức gì cả!".
Biết chuyện này, không ít người cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Có người giải thích: Vua Lương Võ Ðế không đích thân ra "công" thực hiện những việc làm đó, chỉ sai người khác làm, nên không có "công đức" gì cả! Dù vậy, lời giải này vẫn không hợp lý, nên sau đó, có người mới tới tìm Lục Tổ Huệ Năng và hỏi xem vị Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói có đúng không.
Nghe xong, Lục Tổ dạy rằng: Quả thực là không có công đức gì cả. Vua Lương Võ Ðế vì không biết Chính Pháp, nên lầm lẫn hai chữ "Công Ðức" và "Phúc Ðức"! Thì ra, hai điều này thoạt nghe thì giống nhau, nhưng thực tế lại khác.
Việc xây chùa, bố thí, cúng dường,... chỉ là những việc làm "bên ngoài". Nói cách khác, việc đó chủ yếu có ích lợi cho mọi người, những việc làm cầu phúc, nên gọi là phúc đức. Phúc đức có thể giúp chúng ta giảm thiểu nghiệp chướng, tiêu trừ quả báo, để tai qua nạn khỏi, để bớt chương ngại trên đường đạo.
Phúc đức là "hữu lậu", hay còn gọi "hữu vi", nghĩa là con người dù hưởng phúc nhưng vẫn còn trong lục đạo luân hồi. Khi thụ hưởng hết phúc rồi thì bị đọa lạc để đền trả quả báo.
Trong khi đó, công đức là tu tập ở "bên trong", tức có lợi cho chính mình. Công đức tích tụ nhờ hành trì theo lời Phật dạy trong kinh điển, luôn luôn niệm Phật, giữ gìn giới luật, tu tập thiền định, phát huy trí tuệ bát nhã. Cũng vì thế, công đức có thể giúp chúng ta vượt qua bể khổ sông mê, đến được bến bờ giác ngộ và giải thoát.
Công đức có tính "vô lậu" hay "vô vi", nghĩa là không còn trong lục đạo sinh tử luân hồi nữa. Nó giúp con người chuyển hóa tâm tính từ phàm phu tục tử trở thành bồ tát, thành Phật. Bản thân không biết tu tâm dưỡng tính, không biết trì giới, cũng chẳng thiền định, không phát huy trí tuệ bát nhã, làm sao mà giác ngộ và giải thoát được.
Sâu trong tâm, tham sân si vẫn còn đó, thậm chí còn tăng thêm. Vô minh phiền não chẳng hề tan biến, có khi lại dày đặc hơn. Vì chấp chặt mình đã làm được bao nhiêu việc ích lợi như vậy, dễ có mấy ai làm được như mình, nên tâm cống cao ngã mạn, phách lối ngày một tăng thêm, mục hạ vô nhân, khen mình khinh người.
Tất nhiên, những việc như vua Lương Võ Đế làm rất tốt, nhưng vua đã không hiểu ý nghĩa cao cả của việc đó. Làm việc tốt, nhưng lại sinh tâm cầu mong được "trả công bội hậu" ở cõi thiên đàng sau này, thì chỉ tạo nên phúc đức mà thôi. Bố thí cho người nghèo, cúng dường cho chùa, tâm mong được trúng số độc đắc, buôn may bán đắt,... chẳng phải là lòng tham đã khởi dậy hay sao?
Làm như vậy, chỉ có phúc đức hạn chế theo số tiền đã bỏ ra mà thôi. Gieo nhân nhỏ thì chỉ nhận được quả nhỏ, không thể khác được. Trong khi đó, nếu như bố thí, cúng dường mà tâm chẳng mong cầu gì cả, chỉ mong giúp đời, giúp người, không tính toán, thì tham sân si đã dần biến mất đi rồi. Vừa có lợi có người, vừa có lợi cho mình, làm vô thức, là vừa tích được phúc đức, lại vừa có được công đức.
Chúng ta hãy tinh tấn làm tất cả những việc thiện, rồi quên hết đi, không chấp chặt vào đó, để kể lể công lao, hay mong cầu phúc báo về sau, tâm cầu danh của chúng ta sẽ bớt đi, tâm chấp ngã cũng nhẹ hơn trước, thì những việc làm đó vừa ích lợi cho người và cho mình, tạo nên phúc đức và công đức vậy.
Tổng hợp nhiều nguồn
Xem thêm: Lưu tâm 10 lời Phật dạy để thấy đời an vui: Sống trên đời phải làm sao cho tâm tự do, tự tại
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận