Từng bị cả nhà chê bai vì lười làm chỉ biết vẽ vời, anh nông dân bỗng trở thành đại gia nổi tiếng
Vốn là nông dân, nhưng Tống Thanh Hoa chỉ đam mê vẽ vời, không muốn đi làm khiến cả nhà uất ức. Nào ngờ, tranh của anh được nhiều người yêu thích, tìm mua không ngớt.
Năm 2003, được bố mẹ giới thiệu vào Nhà máy Điện tử Thâm Quyến, Tống Thanh Hoa cũng lật đật đi làm. Được vài ngày, anh nông dân vội vàng bỏ về, nói với vợ: "Công việc này sẽ không kiếm được nhiều tiền, đừng lãng phí thời gian ở đây".
Vợ anh nghe xong thì uất hận, như quả bóng lâu ngày bị vỡ, quát lớn: "Anh là nông dân, trình độ không có, anh có thể làm được gì? Anh muốn về nhà vẽ những bức tranh vô giá trị sao? Hay là anh cứ nằm đó chờ chết? Lấy anh đúng là sai lầm mà". Nghe vợ nói, Thanh Hoa chẳng phản bác, vì anh biết những gì vợ nói là sự thực.
Anh nông dân chỉ mê vẽ chứ không ham làm
Tống Thanh Hoa sinh năm 1976, là con trai của một gia đình nông dân ở ngôi làng miền núi Vĩnh Xương, Tây Đảo, Hồ Bắc, Trung Quốc. Từ nhỏ, anh đã ham mê vẽ, bạn bè và thầy cô cũng hết lời khen ngợi tài năng của anh. Thế nhưng, bố mẹ Thanh Hoa không đồng ý, yêu cầu anh tập trung vào việc học, nếu không sẽ không được đụng vào bút vẽ nữa. Họ mong rằng con trai có thể tiến lên bằng cách học tập và thay đổi hoàn toàn số phận của gia đình.
Nghe lời bố mẹ, Thanh Hoa cố gắng học hành. Thế nhưng, tâm trí của người đàn ông ấy chỉ ngập tràn những hình vẽ, nên anh chẳng thể thấm vào đầu chữ nào. Thậm chí, người đàn ông 7x này còn không thể tốt nghiệp cấp 2. Nhìn thấy những đứa trẻ khác nhận được giấy báo nhập học như mong muốn, bố mẹ Thanh Hoa cúi đầu buồn bã, trong khi con trai của họ lại chẳng hề quan tâm.
Bố mẹ anh nhiều lần yêu cầu anh tìm việc làm, nhưng anh luôn bỏ ngoài tai và trốn trong phòng mình vẽ vời. Một lần, vì lo lắng cho tương lai của con trai, bố Thanh Hoa dạy con cách quản lý ao cá. Thế nhưng, dù bố có dạy dỗ bằng lời nói và việc làm như thế nào, anh vẫn chẳng thể tiếp thu.
Người bố tức giận hét lớn: "Con không có bằng tốt nghiệp, cũng không thể học được nghề nông. Con định sống trong tương lai thế nào?". Thanh Hoa đáp rằng, anh sẽ sống bằng nghề vẽ. Thế nhưng, bố anh không đồng ý, gọi tranh của anh là "đống rác rưởi", bắt con phải chăm sóc bản thân và sống như người bình thường.
Sau trận cãi vã, Thanh Hoa nhìn lại bố mẹ, giật mình nhận ra họ đã già. Anh quyết định kết hôn, sinh con như nguyện vọng của phụ huynh, nhưng bạn gái của anh đã quyết định đi lấy người khác.
Sự già đi của cha mẹ và sự ra đi của bạn gái cũ khiến Thanh Hoa lần đầu tiên nghi ngờ ước mơ của mình. Đúng lúc anh quyết định từ bỏ, bà mối đã dẫn một cô gái tới cửa. Người con gái ấy là Phó Ái Kiều, một cô gái ở làng bên. Ban đầu, cô rất thích xem tranh của Thanh Hoa, mỗi khi anh vẽ, cô đều lặng lẽ ngồi xem, vẻ mặt đầy ngưỡng mộ.
Nhận thấy điểm chung là đam mê nghệ thuật, cả hai bắt đầu hẹn hò, đến năm 1999 thì kết hôn. Tuy nhiên, theo thời gian, cơm áo gạo tiền đã dần mài mòn tình yêu của Ái Kiều khiến cô cảm thấy oán hận người chồng ham mê vẽ tranh. Đặc biệt là sau khi đứa con chào đời, cô liên tục nhắc Thanh Hoa đi làm, kiếm tiền nuôi sống gia đình. Cô thậm chí còn đòi ly hôn nếu Thanh Hoa tiếp tục lười biếng.
Không biết làm thế nào, Thanh Hoa đành tới Thâm Quyến làm việc. Thế nhưng, anh cảm thấy công việc đó thật lãng phí nên đã quyết định nghỉ việc về nhà tiếp tục vẽ tranh. Đến năm 35 tuổi, người đàn ông này đã vẽ tới gần 10.000 bức.
Đổi đời nhanh chóng qua một đêm
Sau lần cãi nhau với vợ, Tống Thanh Hoa bỏ cuộc, nghe lời khuyên của cô và đi giao sữa. Một hôm, trong lúc đang đi giao sữa, anh tình cờ gặp Lôi - người bạn cũ đang làm việc ở thành phố lớn, về thăm quê.
Biết Thanh Hoa vẫn đam mê vẽ, người bạn này đề nghị tới thăm nhà anh xem tranh. Nhìn những bức tranh với chủ đề mới lạ và phong cách độc đáo, Lôi biết ngay đây chính là một thiên tài hội họa. Anh nói: "Trước đây tôi đã từng xem những bức tranh tương tự ở các triển lãm nghệ thuật, giá rất cao nhưng tôi đảm bảo rằng chúng không đẹp bằng tranh của anh".
Ngay sau đó, Lôi lấy máy ảnh ra chụp lại những bức tranh của Thanh Hoa, đăng lên mạng xã hội bán. Ngay sau đó, đã có mấy người liên hệ hỏi mua tranh, ra giá lên tới 5.000 tệ (17 triệu đồng). Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người hỏi mua tranh của Thanh Hoa với những mức giá khác nhau.
Thậm chí, một phòng tranh ở Bắc Kinh còn tìm gặp Tống Thanh Hoa, đề nghị tổ chức triển lãm tranh cá nhân cho anh. Nhận thấy đây là cơ hội trời cho, người đàn ông 7x vội vã đến Bắc Kinh với một túi lớn tranh. Từ anh nông dân nghèo, giờ đây Thanh Hoa liên tục nhận lời mời mở triển lãm nghệ thuật, có người còn hỏi mua bức tranh của Thanh Hoa với giá 1,3 triệu tệ (khoảng 4,5 tỷ đồng).
Năm 2015, anh được mệnh danh là "họa sĩ nông dân", đã nổi tiếng khắp cả nước. Anh được mời đến Bắc Kinh để sáng tạo nhưng anh đã từ chối. Thanh Hoa nói: "Cảm hứng của tôi đến từ quê hương của tôi, rời khỏi mảnh đất thân yêu này, tôi không là gì cả, và tôi không thể vẽ được gì".
Anh nhất quyết ở lại quê hương, tiếp tục đam mê hội họa. Giờ đây, cuộc sống gia đình anh đã thay đổi, khấm khá hơn trước. Anh xây cho gia đình một biệt thự rộng lớn, bố mẹ không còn vất vả, vợ cũng có thể nghỉ ngơi ở nhà chăm con. Còn Tống Thanh Hoa, mỗi ngày trong căn nhà đẹp đẽ ấy, anh có thể thoải mái theo đuổi nghệ thuật mà không còn sợ ai ngăn cản, chỉ trích.
Theo 163
Xem thêm: Thần đồng hội họa Xèo Chu: 14 tuổi mở phòng tranh, đấu giá tranh NFT thu 500 triệu làm từ thiện
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận