Từ chối công việc lương trăm triệu, chàng trai trẻ quyết về quê làm việc tử tế: Báo hiếu ông bà, dạy học cho trẻ nghèo
Dù nhận được vô số lời mời công việc với mức lương "khủng", chàng trai trẻ này vẫn quyết tâm về quê chăm sóc ông bà và làm việc tử tế.
Tuổi thơ cơ cực thiếu tình thương của bố mẹ
Lại Giai Di sinh năm 1998 tại một ngôi làng nghèo ở Bắc Hải, Quảng Tây, Trung Quốc. Bố mẹ cậu ly hôn rồi tái hôn ngay sau đó, bỏ lại Giai Di và em gái 3 tuổi ở nhà ông bà ngoại. Để nuôi các cháu, hai ông bà của Giai Di phải làm việc quần quật tối ngày, đi leo núi hái rau, hái nấm đem bán.
Tuổi thơ của Giai Di là chuỗi ngày khốn khó, mặc cảm với chúng bạn. Mỗi khi đến trường, cậu ngồi thu mình ở chiếc bàn cạnh thùng rác ở cuối lớp, không giao lưu, trò chuyện với bất cứ ai. Cũng vì thế, thành tích học tập của cậu ngày một kém đi, thường xuyên "đội sổ". Một người họ hàng thấy số phận cậu bé quá đỗi đáng thương, đã xin cho cậu chuyển sang trường học mới ở thành phố.
Giai Di tâm sự, cậu không bao giờ quên điều mà cô hiệu trưởng trường mới đã làm ở ngày đầu tiên cậu đi học. Khi đó, cô dẫn cậu vào lớp mới, nhẹ nhàng giới thiệu: "Giai Di là người cùng quê với cô. Các bạn không được bắt nạt cậu ấy". Câu nói nhẹ nhàng nhưng đã mở ra một cánh cửa cho cậu bé tự ti.
Ở môi trường mới, nhờ tình yêu thương, sự quan tâm của thầy cô mà cuộc đời Giai Di thay đổi. Tính cách cậu trở nên vui vẻ hơn, điểm số cũng dần cải thiện. Học hết cấp 3, cậu thi đỗ Đại học Sư phạm Ngọc Lâm. Đến khi tốt nghiệp ra trường, nhờ thành tích học tập tốt, Giai Di có cơ hội được giảng dạy ở các trường học trong thành phố.
Quyết định bất ngờ của chàng trai trẻ
Thế nhưng, khác với lựa chọn của nhiều bạn bè đồng trang lứa, Giai Di lại quyết định về quê làm việc. Cậu xin vào làm tại trường tiểu học ở xã nghèo của huyện Bắc Hải - nơi cậu sống những năm tháng tuổi thơ bên ông bà.
9x tâm sự, cậu lựa chọn như vậy vì muốn được ở bên ông bà, họ đã tuổi cao sức yếu, cần được chăm sóc nhiều hơn. Chưa kể, trông thấy những hoàn cảnh tương tự của mình năm xưa, Giai Di muốn làm gì đó để bù đắp cho các em. Vốn là ở vùng quê hẻo lánh, trường chỉ có chưa tới 10 giáo viên, mỗi ngày cậu phải dạy ở 6-7 lớp khác nhau.
Tất nhiên, Giai Di chẳng nề hà khổ cực gì. Từ những trải nghiệm của tuổi thơ, cậu hiểu rằng, sự yêu thương của giáo viên có thể thay đổi cuộc đời của một đứa trẻ. Không chỉ tập trung giảng dạy trên lớp, cậu còn rất quan tâm tới tinh thần và cuộc sống của học trò.
Giai Di thường dành thời gian chơi game, ăn uống và trò chuyện với lũ trẻ sau giờ học. Thậm chí, cậu còn chủ động bắt chuyện với bọn trẻ và tự bỏ tiền túi mua bánh sinh nhật cho chúng. Một số học sinh nhờ có Giai Di mà lần đầu tiên được nếm thử bánh sinh nhật. Ngoài ra, cậu còn thường chở học sinh về nhà bằng xe đạp và cùng bọn trẻ tận hưởng không khí trong lành trên những cánh đồng. Thời gian trôi qua, nhìn lũ trẻ ngày nào nhút nhát nay đã sôi nổi, hạnh phúc Giai Di cảm thấy mọi thứ mình làm đều xứng đáng.
Báo hiếu ông bà, làm rạng danh quê hương
Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, việc giảng dạy của Giai Di bị gián đoạn. Ở nhà, vì rảnh rỗi, lại thấy ông bà ngày một già đi, cậu chợt nghĩ mình nên làm gì đó để lưu giữ kỉ niệm. Giai Di nảy ra ý định chụp ảnh cưới cho ông bà, một điều mà trước đó họ không làm được vì cảnh nghèo. Hôm đó là lần đầu tiên bà ngoại mặc váy cưới, đội khăn che mặt, tay cầm hoa, ông ngoại cũng mặc sơ mi trắng lịch sự. Cả hai ngồi bên nhau, nở nụ cười ngượng ngùng khiến nhiều người xúc động rơi nước mắt.
Giai Di ghi lại những thước hình đó rồi đăng tải video lên mạng xã hội. Nào ngờ, video của cậu bỗng viral, được hàng triệu người yêu thích. CCTV Newsweek và các phương tiện truyền thông trung ương Trung Quốc cũng quan tâm đến cậu, bắt đầu tìm hiểu và đưa tin về chàng trai trẻ này.
Đến lúc đó, người ta mới phát hiện ra, Giai Di đã có hơn 100 video ghi lại cuộc sống của cậu với ông bà và học trò ở vùng quê hẻo lánh. Đó là video ghi lại cảnh cậu tận tâm chăm sóc cho ông bà, rửa chân cho ông bà, tổ chức sinh nhật tuổi 87 cho ông bà... Chưa kể, cậu còn dùng mạng xã hội để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của người dân địa phương, giúp nhiều người dân trong làng thoát nghèo.
Nhờ những đoạn clip do Giai Di làm, không ít mạnh thường quân đã biết đến và hào phóng giúp đỡ làng quê nghèo. Nhiều người không ngại lặn lội đường xa, tới giúp đỡ, tặng cặp sách, văn phòng phẩm cho lũ trẻ. Hình ảnh những đứa trẻ hồn nhiên tươi cười khi nhận được quà khiến ai nấy đều cảm thấy ấm áp.
Với vẻ ngoài điển trai và những việc tử tế, Lại Giai Di ngày càng trở nên nổi tiếng trên nền tảng Internet. Rất nhiều công ty lớn sau khi biết chuyện đã mời cậu về làm việc, có nơi còn đề nghị mức lương tới 40.000 tệ/tháng (khoảng 140 triệu đồng).
Thế nhưng, chàng trai trẻ luôn lắc đầu từ chối, chọn gắn bó với cuộc sống thôn quê. Nhiều người nói, 9x đã cho những đứa trẻ nông thôn nhìn thấy hy vọng cho tương lai; cho ông bà thấy lòng hiếu thảo của mình; và cho nhiều cư dân mạng thấy sức mạnh của những việc làm tốt. Nhờ những việc làm tử tế, Giai Di đã giành được Giải thưởng Phát thanh trực tiếp của Mặt trận Thống nhất Xóa đói giảm nghèo và Giải thưởng Tài năng xuất sắc ở Quảng Tây.
Theo Sohu
Xem thêm: Ước mong của "hiệp sĩ giao thông" Phan Chiến: Khắp đất nước không có tai nạn nữa
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận