Từ câu đùa vui đến dự án thiện nguyện "bánh mì 0 đồng" ấm bụng trò nghèo ở "hốc Pờ Tó"

Thương cảnh học trò nghèo ở "hốc Pờ Tó" đói ăn, khốn khó, thầy giáo Vũ Văn Tùng đã nảy ra ý tưởng lập "Tủ bánh mì 0 đồng" cho các em.

Chi Nguyễn
15:01 26/11/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai là vùng đất nắng gió, khô hạn cách TP. Pleiku hơn 130 cây số. Không biết từ bao giờ, bà con đã gọi nơi này là "hốc Pờ Tó", ý nói cánh cám cảnh nghèo khó, chật vật không sao thoát được. Trong tâm trí của nhiều người, chẳng  ai muốn lui tới nếu không có việc gì quan trọng.

Ấy vậy mà có những thầy cô giáo đã gắn bó, cống hiến cho Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó) mấy chục năm. Để tới trường, người đi gần nhất cũng phải dậy sớm, mò mẫm trên quãng đường hơn 30 cây số đường đất lồi lõm đầy nguy hiểm. Nhưng điều mà các thầy cô lo lắng, tâm tư nhất là học sinh vùng này đa phần là người dân tộc Ba Na nhiều thiệt thòi, thiếu thốn nên học cái chữ còn bị thờ ơ. Với thầy cô giáo nơi đây, chuyện lên rẫy tìm học sinh, vận động đến trường là việc hiển nhiên, chẳng ca thán nửa lời. Bởi với họ, buồn nhất là khi học trò thấy giáo viên đến nhà lại bỏ chạy, vì sợ tới trường.

tu-cau-dua-vui-den-o-banh-mi-0-dong-cho-tro-ngheo-o-hoc-po-to
Các thầy chăm lo từng bữa ăn cho học trò

Trong đó có thầy giáo Vũ Văn Tùng, dạy môn Lịch sử, đã có hơn 10 năm công tác ở đây. Thầy kể, bản thân đã nhiều lần chứng kiến học sinh cứ giờ ra chơi là trốn về nhà vì đói ăn. Khi thầy hỏi, các em nói sáng phải nhịn đói nên trưa về nhà mò thức ăn. Tội nhất là thời điểm thu hoạch nông sản, bố mẹ đi làm từ sáng sớm, có nhiều em phải nghỉ học theo bố mẹ.

Thương cảnh các em khốn khó, thiếu thốn cái ăn, thầy Tùng nghĩ ra ý tưởng lập "Tủ bánh mì 0 đồng". Thầy giáo tâm sự: "Với các em nhỏ Ba Na vùng này, những chiếc bánh mì quý lắm bởi cuộc sống của cha mẹ các em còn gặp rất nhiều vất vả. Tôi luôn đồng cảm với họ, bởi người dân nơi đây thiệt thòi về môi trường sống, suy nghĩ, đặc biệt là thời tiết nắng hạn gây mất mùa thường xuyên. Giờ đây cứ định kỳ 3 buổi/tuần, tôi dậy sớm đi lấy bánh mì, bánh bao, có hôm thì xôi chở đến trường để kịp phát cho học sinh ăn trước giờ học. Dù chỉ góp một phần nhỏ thôi nhưng tôi thấy vô cùng hạnh phúc".

tu-cau-dua-vui-den-o-banh-mi-0-dong-cho-tro-ngheo-o-hoc-po-to-4
Thầy Tùng dậy sớm đi lấy bánh mì, bánh bao,... mỗi sáng để phát cho học trò nghèo

Đến nay, Tủ bánh mì 0 đồng đã hoạt động được 1 năm. Thời gian đầu chỉ kêu gọi một tiệm bánh mì hỗ trợ 60 ổ/tuần, phát ở điểm trường làng Bi Dông. Thấy việc ý nghĩa, người thân, bạn bè đã tin tưởng ủng hộ thêm kinh phí. Nhờ vậy, gần 200 học sinh học buổi sáng của trường đều được ăn bánh mì, có hôm thì xôi vào các ngày thứ Hai - Tư - Sáu. Riêng thứ Năm, thầy phát thêm cho các em điểm trường làng Bi Da. Cứ có nhà hảo tâm nào ủng hộ, để công khai số tiền thầy Tùng đều đăng lên trang facebook cá nhân của mình.

Nhà cách xa trường 40 km, thầy vẫn cố gắng dậy sớm từ 4h30 để lấy bánh. Phát bánh phải xong trước 6h40 để các em kịp vào học.Thầy nói: "Để đúng giờ, tại điểm trường làng Bi Da, tôi thường nhờ giáo viên chủ nhiệm phát cho các em".

Câu chuyện khiến thầy Tùng không thể nào quên là khi ghé vào một lớp học ở điểm trường làng Bi Da. Khi mới sáng sớm đẩy cửa vào lớp, thầy Tùng hỏi các em thấy bánh mì có ngon không, cả lớp đồng thanh “Có ạ”. Rồi thầy hỏi vui, thế có bạn nào giấu bánh trong cặp mang về không thì một số em chỉ tay về phía cuối lớp. Không khí vui vẻ bỗng ngậm ngùi, thầy học trò ngại ngùng ấp úng: “Bố mẹ em đi làm rẫy tối mới về, em xin thêm cô 1 ổ để dành trưa ăn cho đỡ đói ạ”.

tu-cau-dua-vui-den-o-banh-mi-0-dong-cho-tro-ngheo-o-hoc-po-to
Các thầy xây dựng mô hình tạo sinh kế cho gia đình học trò khó khăn

Thầy Nguy Duy Ry (1982, Tổng phụ trách Liên Đội trường TH và THCS Đinh Núp) đã gắn bó với trường 6 năm. Nhà thầy Ry cách trường 25 cây số, vợ làm cán bộ huyện Ia Pa nên việc chăm con cái còn bộn bề. Dẫu vậy, thầy Ry và vợ luôn tâm niệm bản thân may mắn hơn người khác nên đồng lòng, tìm cách giúp đỡ các em nhỏ. 

Từ suy nghĩ ấy, thầy Ry đã làm mô hình kinh tế vật nuôi sinh sản cho trẻ mồ côi, nguồn lực từ bạn bè và các nhà hảo tâm. “Ban đầu tôi tâm sự với bạn bè về hoàn cảnh mồ côi của các em. Tôi cũng rất bất ngờ khi được mọi người động viên, chung tay giúp đỡ cho các em. Người đầu tiên là anh Trần Ngọc Sơn ở thành phố Pleiku đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm, nguồn vốn để làm”, thầy giáo bộc bạch.

Là người thấu hiểu những khó khăn ở Ia Pa, năm 2018, nhà báo Hoàng Thiên Nga (nguyên Trưởng Văn phòng đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên khi đó) đã kết nối, đưa chương trình “Cơm có thịt” triển khai tại Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Tul) nhờ sự đồng hành của Quỹ “Trò nghèo vùng cao”. Sau đó 1 năm, chương trình “Cơm có thịt” đến với các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó) và duy trì cho đến nay.

Thầy Lê Công Tấn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp cho biết, trường có 358 học sinh, tất cả đều là dân tộc Ba Na. “Tủ bánh mì 0 đồng” không chỉ giúp các em có bữa sáng ấm bụng mà còn góp phần duy trì sĩ số học sinh, nhất là mùa thu hoạch nông sản. Không chỉ phát bánh mì, thầy Tùng còn giúp đỡ 3 học sinh điều trị bệnh nan y. Mọi chi phí đều do thầy Tùng nhờ bạn bè, người thân ủng hộ, giúp đỡ.

Theo Tiền Lê/Tiền Phong

Xem thêm: Nữ sinh 9x nguyện cống hiến tuổi thanh xuân cho trẻ em nghèo vùng cao

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận