Trọn bộ văn khấn nhập trạch về nhà mới chính xác nhất

Với người Việt, việc chuyển về nơi ở mới rất quan trọng, do đó ai nấy đều đặc biệt chú ý đọc văn khấn nhập trạch sao cho chính xác nhất.

Chi Nguyễn
09:48 26/08/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Hiện nay, việc chuyển nhà, sửa nhà hay mua nhà mới không còn là điều xa lạ nữa. Nhưng người Việt từ xưa đã tâm niệm rằng, riêng việc chuyển về nơi ở mới thì cần đặc biệt chú ý, không được thiếu lễ cúng nhập trạch. Vậy lễ nhập trạch là gì và văn khấn nhập trạch ra sao mới chính xác?

Lễ nhập trạch là gì?

Nhập trạch là một từ Hán Việt, dịch nôm na là "vào nhà". Hiểu một cách đơn giản, nhập trạch là dọn vào nhà ở mới. Như vậy, lễ nhập trạch là lễ cúng báo cáo thần linh thổ địa, báo cáo ông bà tổ tiên, tiền chủ hậu chủ,... tương tự như việc... đăng ký hộ khẩu vậy.

Người xưa có câu: "Đất có Thổ Công, sống có Hà Bà", mỗi vùng đất hay mỗi ngôi nhà đều có một vị thần cai quản. Khi dọn về nơi ở mới, gia chủ thực hiện các nghi lễ xin phép là điều tất yếu. Đây là một nghi lễ cổ truyền, được người Việt vô cùng coi trọng, do đó khi làm lễ phải vô cùng thành tâm, phải chuẩn bị lễ vật thật chu đáo.

tron-bo-van-khan-nhap-trach-ve-nha-moi-chinh-xac-nhat
Lễ nhập trạch là một nghi lễ cổ truyền, được người Việt vô cùng coi trọng, do đó khi làm lễ phải vô cùng thành tâm, phải chuẩn bị lễ vật thật chu đáo

Lễ nhập trạch không chỉ là một phong tục quan trọng được lưu truyền từ đời này sang đời khác, mà nó còn là bước đánh dấu cho sự khởi đầu mới với niềm tin thuận lợi ở mọi bề. Gia chủ sẽ cầu mong các vị thần che chở và phù hộ để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, công việc làm ăn suôn sẻ khi chuyển đến một ngôi nhà mới này.

Làm gì trước khi cúng nhập trạch?

Để lễ nhập trạch diễn ra suôn sẻ, bạn cần chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi thực hiện. Cần lưu ý:

Hoàn thiện không gian sống

Gia chủ phải đảm bảo căn nhà mới đã hoàn thiện việc xây sửa bếp, đặt bàn thờ, bài vị và có một số đồ dùng cơ bản. Bạn nên tự tay mua mới, hoặc mang những vật dụng này của mình đến nơi ở mới, tránh dùng đồ cũ của chủ nhà hoặc người chủ trước đó.

Xem ngày cúng

Từ xa xưa, người Việt đã có thói quen xem ngày, xme giờ trước khi làm một việc gì đó quan trọng. Với lễ nhập trạch cũng vậy, xem ngày tốt để thực hiện nghi lễ là điều cần thiết. Cần lưu ý tránh nhập trạch vào tháng 7 âm lịch lẫn dương lịch. Dân gian tâm niệm đây là tháng cô hồn, lại có nhiều lễ tiết thanh minh cũng như lễ vu lan báo hiếu cha mẹ. Ngoài ra, cần tránh những ngày xấu như:

- Ngày Dương Công Kỵ: 13 tháng giêng, 11 tháng 2, mùng 9 tháng 3, mùng 7 tháng 4, mùng 5 tháng 5, mùng 3 tháng 6, 27 tháng 8, 25 tháng 9,...

- Ngày Thọ Tử: Những ngày 5, 14, 23 âm lịch hàng tháng.

- Ngày Tam Nương là những ngày 3,7,13,18,22,27 âm lịch hàng tháng.

Hãy lựa chọn những ngày thuộc về hành Thuỷ, Kim. Vì theo quan điểm ngày xưa, những ngày hành thuỷ, hành kim rất tốt, giúp mang tới tài lộc.

Văn khấn nhập trạch chính xác nhất

Để lễ cúng diễn ra suôn sẻ, việc đọc đúng văn khấn là rất quan trọng. Văn khấn có 3 phần như sau:

- Văn khấn thần linh.

- Văn khấn báo cáo gia tiên.

- Văn khấn khi lễ tạ sau khi nhập trạch.

Văn khấn thần linh ngày nhập trạch

tron-bo-van-khan-nhap-trach-ve-nha-moi-chinh-xac-nhat
Văn khấn thần linh ngày nhập trạch

Con niệm Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật

Con lạy ngài đương niên Thái Tuế chí đức tôn thần

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị tôn thần

Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh táo phủ Thần quân

Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch tôn thần

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức tôn thần

Con kính lạy các ngài tiền hậu địa chủ tài thần

Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực

Hôm nay là ngày... tháng ... năm ...

Tín chủ con là: ... cùng các thành viên trong gia đình

Ngụ tại: ...

Thành tâm sửa biện hương hoa lễ vật và các thứ cúng dâng bày lên trên án, trước bản toạ chư vị tôn thần kính cẩn tâu trình:

Các ngài Thần Linh chính trực giữ ngôi tam thai, nắm quyền tạo hoá, thể đức hiếu sinh của trời đất, phù hộ dân lành bảo vệ sinh linh, nêu cao chính đạo.

Nay gia đình chúng con hoàn tất công trình, chọn được ngày lành dọn đến cư ngụ, phần sài nhóm lửa, kính lễ khánh hạ, cầu xin chư vị minh thần cho chúng con được đến nhập vào nhà mới tại ... và lập bát nhang thờ chư vị Tôn thần (nếu dọn đến nhà mới thì thêm: cho phép tín chủ con rước vong linh Gia Tiên chúng con về nơi ở mới này để gia đình thờ phụng).

Chúng con cầu xin chư vị minh thần gia ân tác phúc, độ cho gia quyến chúng con an ninh, khang thái, làm ăn tiến tới, tài lộc dồi dào như ý, vạn điều tốt lành. Người người được chữ bình an, xuất nhập hưởng phần lợi lạc. Cúi mong ơn đức cao dầy, thương xót phù trì bảo hộ.

Tín chủ lại mời các vong linh Tiền chủ, Hậu chủ ở trong nhà này, đất này xin cùng về đây chiêm ngưỡng tôn thần, thụ hưởng lễ vật, phù trì cho tín chủ con sức khoẻ dồi dào, thịnh vượng an khang. Bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điều lành tiếp ứng.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Văn khấn cáo yết gia tiên

Con niệm Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật

Con lạy ngài đương niên Thái Tuế chí đức tôn thần

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị tôn thần

Con kính lạy ngài Bản cảnh thành hoàng, ngài Bản xứ thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, cùng các chư vị tôn thần.

Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ (nếu bố mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ), chư vị hương linh nội ngoại họ:...

Chúng con là: ... (đọc tên lần lượt tất cả mọi người từ trên xuống dưới)

Hôm nay là ngày ... tháng ... năm ... âm lịch

Chúng con thiết lập linh sàng, sửa biện lễ vật, dâng lên bàn thờ, trước linh tọa kính trình các cụ nội ngoại Gia Tiên. Nhờ hồng phúc Tổ Tiên, ông bà cha mẹ, chúng con đã tạo lập được ngôi nhà mới (nhập trạch về nơi ở mới). Nhân chọn được ngày lành tháng tốt, thiết lập án thờ, kê giường nhóm lửa, kính lễ khánh hạ. Tại địa chỉ: ...

Cúi xin các cụ, ông bà Tổ tiên cùng chư vị hương linh nội ngoại họ ... thương xót con cháu, chứng giám lòng thành, giáng phó linh sàng thụ hưởng lễ vật, phù hộ độ trì cho chúng con, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, cháu con được bình an, mạnh khoẻ xuất nhập hưởng phần lợi lạc. Anh linh chiếu giám, cảm niệm ơn dày. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Văn khấn lễ tạ sau khi nhập trạch

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật

Con lạy ngài đương niên Thái Tuế chí đức tôn thần

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị tôn thần

Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh táo phủ Thần quân

Con kính lạy ngài Bản gia thổ địa Long Mạch tôn thần

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngủ thổ, Phúc đức tôn thần

Con kính lạy các ngài tiền hậu địa chủ tài thần

Con kính lạy các Tôn thần cai quản trong khu vực này.

Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ (nếu bố mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ), chư vị hương linh nội ngoại họ:...

Tín chủ chúng con là:...

Ngụ tại:...

Hôm nay là ngày .... tháng .... năm .... âm lịch

Hương đăng chúng con đã bắc, lễ vật đã dâng trình, tâm niệm đã trình báo. Trước bản tọa chư vị tôn thần cúi xin hoan hỷ hải hà thụ nhận chứng giám.Tín chủ chúng con xin cúi đầu thành tâm tạ ơn các Ngài, xin các Ngài chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì cho tín chủ chúng con toàn gia an lạc, mọi việc được hanh thông, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lại xin tạ ơn Hiển khảo, Hiển tỷ (nếu bố mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ tỷ), chư vị hương linh, gia tiên nội - ngoại họ ... cúi xin thương xót con cháu, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật. Gia đình chúng con xin cảm tạ!

Tín chủ con lại xin tạ ơn các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đã đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Tạ ơn các vị đã phù trợ, giúp đỡ, che chở cho chúng con ở đây.

Chúng con lễ bạc tâm thành, xin được hóa vàng tiến mã kính biếu các Ngài, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Lưu ý khi đọc văn khấn nhập trạch

tron-bo-van-khan-nhap-trach-ve-nha-moi-chinh-xac-nhat
Không nhất thiết phải học thuộc, gia chủ có thể in ra giấy và cầm đọc, đọc to hay nhỏ tùy ý

Không nhất thiết phải học thuộc, gia chủ có thể in ra giấy và cầm đọc, đọc to hay nhỏ tùy ý. Dù vậy, trong suốt quá trình đọc phải thành tâm và tập trung.

Người đọc văn khấn và làm lễ nhập trạch nên là người đàn ông trụ cột trong gia đình, như cha, con trai trưởng,... Nếu nhà vắng nam nhân thì người mẹ/hoặc vợ sẽ là người làm thay. Nếu làm lễ nhập trạch ở nhà chung cư, nên bổ sung chính xác số phòng, tần lầu, khu  nhà ở,...

Sau khi dọn tới nhà mới, gia chủ cầm theo bát hương bước qua lò than đặt trước cửa, các thành viên theo sau cầm theo các đồ may mắn. Tiếp theo bày lễ theo hướng hợp với chủ nhà, người này sẽ đốt nhang rồi đọc văn khấn. Sau đó, nấu nước, pha trà dâng lên mâm thờ. Đợi đến khi nhang tàn thì hóa vàng, phải đốt cả mảnh giấy ghi bài văn khấn (nếu có).

*Bài viết chỉ mang tính tham khảo.

Tổng hợp nhiều nguồn

Xem thêm: Văn khấn cúng chúng sinh rằm tháng 7 tại cửa hàng, công ty

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận