Thương bố là thợ điện bị "ném đá", cô bé lớp 5 làm thơ thanh minh nghẹn lòng
Mới đây, bài thơ "bênh" bố làm thợ điện của cô bé lớp 5 Đoàn Thị Hiền Mai khiến dân tình không khỏi xúc động.
Bài thơ của Đoàn Thị Hiền Mai không có tựa đề. Khi được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã dùng câu thơ mở đầu để đặt tựa cho bài thơ là "Các bác ơi đừng mắng".
Bài thơ giản dị, mộc mạc nhưng gây xúc động bởi suy nghĩ hồn hậu, ngây thơ và tình yêu dành cho người bố làm công nhân ngành điện của cô bé mới 10 tuổi. Cô bé trong bài thơ dùng những lí lẽ thật thà để bênh vực bố của mình, xin mọi người không "ném đá" thợ điện vì "Mất điện do sự cố/ Không phải bố cắt đâu".
Cô bé cũng kể về những vất vả, cực nhọc của nghề thợ điện khi bố không có được bữa cơm trọn vẹn với gia đình, đi làm bất kể nắng mưa hay ngày nghỉ, cuối tuần, không có thời gian để chăm lo con cái. Những câu thơ chất chứa yêu thương mà cô bé viết về bố khiến người đọc thêm thấu hiểu và đồng cảm.
Được biết, bài thơ ban đầu được anh Đoàn Văn Trang - bố của Hiền Mai đăng lên trang cá nhân. Anh Trang hiện là công nhân thuộc Đội quản lý điện số 2, Công ty Điện lực Ba Vì, Hà Nội. Chị Hiền - mẹ của Hiền Mai cho biết, gia đình rất bất ngờ khi bài thơ của con được nhiều người quan tâm, yêu thích.
Bài thơ được Hiền Mai viết sau sự cố mất điện ở xã trong một buổi tối nóng nực cuối tháng 5 vừa qua. Khi ba mẹ con nằm trên giường xem điện thoại, vô tình chị và con đọc được trên mạng những dòng bình luận ác ý, "mắng" thợ điện khá nặng nề.
"Lúc đó tôi không nghĩ con lại suy nghĩ, trăn trở về những bình luận tiêu cực đó. Chiều hôm sau, con đưa cho tôi bài thơ và bảo là viết tặng bố. Bố Mai đọc được rất xúc động và tự hào, đã chụp ảnh đăng lên mạng để bạn bè, đồng nghiệp được đọc cùng. Hôm sau, bác giám đốc của cơ quan bố con cũng đọc được, đến tận nhà thăm và tặng quà động viên con", chị Hiền chia sẻ.
Chị Hiền cũng cho hay, Hiền Mai chưa ý thức gì về việc con "nổi tiếng" với bài thơ nhỏ. Nhưng khi nghe mẹ kể về những bình luận động viên, bày tỏ sự trân quý công sức lao động của người thợ điện, con rất vui.
Đoàn Thị Hiền Mai vừa tốt nghiệp cấp 1 tại Trường tiểu học Ba Trại A. Trong 5 năm tiểu học, nữ sinh luôn đạt danh hiệu "Học sinh hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập và rèn luyện". Con cũng đạt nhiều giải thưởng văn hóa khác như giải Nhất Trạng Nguyên tiếng Việt cấp trường, giải Nhì Trạng Nguyên tiếng Việt cấp huyện, giải Ba Trạng Nguyên tiếng Việt cấp thành phố…
Ở nhà, Hiền Mai là chị cả đảm đang của một em gái. Cô bé có những quan sát rất nhạy cảm, tinh ý, hiểu chuyện và thương bố mẹ vất vả dù anh Trang chị Hiền ít khi nói chuyện công việc với con.
Về sở thích văn chương, chị Hiền chia sẻ, Hiền Mai thích đọc sách, viết văn và làm thơ. Các bài văn trên lớp của Hiền Mai luôn rất dài. Tuy vậy, chị Hiền không quá chú ý đến thơ của con vì cho rằng con viết chơi. Sau bài thơ "không đề" viết tặng bố, chị Hiền cho biết sẽ khuyến khích con làm thơ và giữ lại các sáng tác của con.
Do hoàn cảnh gia đình không dư dả, chị Hiền mong muốn Hiền Mai sẽ được vào học lớp 6 tại trường Phổ thông dân tộc nội trú của huyện Ba Vì.
Dưới đây là bài thơ "bênh" bố là thợ điện của Đoàn Thị Hiền Mai:
"Các bác ơi đừng mắng
Bố con lại đi rồi
Mất điện do sự cố
Không phải bố cắt đâu
Cơm bố vừa ăn một bát
Rồi mặc quần áo ngay
Chỉ kịp báo với mẹ
Lại mất đường dây rồi
Thời tiết nóng quá trời
Lưới điện không chống được
Con nghe các bác mắng
Thợ điện lại cắt rồi
Không phải đâu bác ơi
Bố con cũng mệt lắm
Nước da bố rám nắng
Đen như bác Bao Công
Quần áo bố ướt sũng
Mồ hôi chảy khắp người
Cháu thương bố nhiều lắm.
Các bác ơi đừng mắng
Bố cũng mệt lắm mà
Cuối tuần tất mọi nhà
Cho con cái đi chơi
Bố con thì đi suốt
Chẳng đưa đi bao giờ
Nhưng con hiểu mà bố
Cố lên nhé bố yêu
Con muốn nói rất nhiều
Con yêu bố nhiều lắm
Bố ơi, bố cố gắng
Xong việc về với con
Con vẫn luôn tự hào
Là có bố thợ điện".
Theo Dân trí
Xem thêm: Bài văn NLXH siêu hay về "bạo lực gia đình": Cô giáo khen nức nở, hạ bút đỏ chấm 10 điểm
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận