Thầy giáo miền Tây vừa tận tâm với nghề, vừa say mê làm nông

Không chỉ là mọt nhà giáo ưu tú, thầy giáo miền Tây Đỗ Trung Lai này còn là người đi đầu trong làm ruộng, nuôi cá ở địa phương.

Chi Nguyễn
14:57 06/06/2023 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thầy giáo Đỗ Trung Lai (61 tuổi), đang là giáo viên tổ trưởng môn Toán tại trường THPT Tân Châu. Trước kia, thầy tốt nghiệp khoa Sư phạm Toán, trường Đại học Cần Thơ. Sau khi ra trường, từng đi dạy ở trường Cao đẳng Sư phạm - Đào tạo bồi dưỡng tại chức An Giang (nay là trường Đại học An Giang). Đến năm 1990 thì về THPT Tân Châu làm việc và gắn bó tới hiện nay.

Hồi trẻ, thầy say mê nghề cơ khí, thích lắp ráp máy móc. Năm lớp 12, thầy thi HSG quốc gia môn toán, được tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm TP.HCM nhưng từ chối. Thầy đăng ký thi ĐH Cần Thơ để học cơ khí, nhưng duyên phận đưa đẩy, lại được phân vào ngành Sư phạm Toán.

thay-giao-mien-tay-vua-tan-tam-voi-nghe-vua-say-me-lam-nong

Người thầy tận tụy nhớ lại: "Thời đó, thí sinh cứ vào học trước, đến năm thứ hai trường mới phân ngành. Vì một số lý do, tôi không được phân vào ngành Cơ khí mà lại chuyển sang Sư phạm. Coi như số phận sắp đặt". Ban đầu chỉ là chấp nhận số phận, về sau, thầy càng say mê và tâm huyết với nghề giáo.

Gắn bó với nghề 38 năm qua, thầy Lai nói những tình cảm, sự trưởng thành của học trò là động lực giúp thầy giữ lửa với nghề. Học trò đi mọi miền đất nước, làm nhiều công việc khác nhau, nhưng vẫn nhắn tin thăm hỏi. Có những đồng nghiệp trẻ ở trường từng là học trò, đã tâm sự vui rằng "nghiệp nghề giáo của thầy đã truyền sang cho em".

thay-giao-mien-tay-vua-tan-tam-voi-nghe-vua-say-me-lam-nong

"Đó là một học sinh lớp 12 mà tôi chủ nhiệm. Em hỏi tôi trước đây học ở đâu, tôi nói học ở trường Đại học Cần Thơ, không ngờ sau đó em quyết thi vào đây, chọn Sư phạm Toán và bây giờ là đồng nghiệp của tôi", thầy Lai kể.

Cả vợ chồng thầy đều làm giáo viên, kinh tế khó khăn, nhưng thầy quyết không dạy thêm ở nhà. Có thời gian, An Giang nổi lên phong trào nuôi cá tra, cá basa, nhiều giáo viên khó khăn đành nghỉ dạy để chuyển hướng làm nông. Bản thân thây cũng từng định bỏ nghề, nhưng được cha động viên lại thôi. Thầy kể: "Cha rất muốn tôi theo nghề giáo. Ông nói nếu lương thấp thì trồng thêm lúa, nuôi cá nhưng cố gắng giữ nghề dạy học để giúp người".

thay-giao-mien-tay-vua-tan-tam-voi-nghe-vua-say-me-lam-nong

Từ vài công ruộng cha mẹ cho, vợ chồng thầy vừa làm ruộng vừa vay mượn vốn nuôi cá từ năm 1992. Nuôi cá có lời, thầy mở rộng dần dần, lúc đỉnh điểm thầy xuất gần 100 tấn cá mỗi vụ. Tiền có được từ nuôi cá, thầy Lai thuê thêm ruộng để làm, lúc nhiều nhất lên đến 5.000 m2. Năm 1997, thầy được Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen vì sản xuất nông nghiệp giỏi.

Đáng nói, lợi nhuận hàng tháng từ nuôi cá, trồng lúa lúc đó gấp khoảng 20 lần lương dạy học. Kinh tế ngày một khá, nhưng vợ chồng thầy vẫn bám nghề giáo, ngày nghỉ mới ra đồng, chăm cá.

thay-giao-mien-tay-vua-tan-tam-voi-nghe-vua-say-me-lam-nong

Thầy cho hay: "Vốn gốc nông dân nên tôi quen lao động. Tôi mê cơ khí nên tự làm hệ thống cho cá ăn, dàn quạt nước tạo oxy, đèn điện để lúc đi dạy vẫn quản lý từ xa. Công việc đồng áng chỉ cực khi vào vụ gặt, gieo sạ nhưng nay cũng có máy làm thay". 

Năm 2017, do ảnh hưởng dịch bệnh, việc nuôi cá của vợ chồng thầy bị ảnh hưởng. Sau đó, họ chuyển sang làm ruộng, miệt mài đến tận bây giờ. 

Tháng 6 tới, thầy Lai đến tuổi nghỉ hưu. Thầy định cùng một số thầy cô làm web dạy Toán online miễn phí, đăng video bài giảng, bài tập bổ trợ cho học sinh yếu hoặc bồi dưỡng học sinh giỏi.

"Tôi lao động suốt ngày nên quen rồi, nghỉ hưu sẽ có thêm thời gian thăm con, cháu và vẫn làm ruộng. Không dạy ở trường thì tôi dạy miễn phí cho học trò qua online cho đỡ nhớ nghề", thầy tâm sự.

Theo Nhật Lệ/VnExpress

Xem thêm: Gần 20 năm cần mẫn dạy học trên chiếc xe lăn của thầy giáo 8x

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận