Ly kỳ truyện về Cảm Thánh Hoàng Thái hậu: Người đàn bà làm nghiêng ngả triều Lý

Sau khi trở thành Thái hậu, Cảm Thánh đã vận dụng mưu trí, tính kế khiến các đối thủ phải ôm hận bất lực, còn bảo toàn được ngôi báu cho con trai là vua Lý Anh Tông.

Chi Nguyễn
09:00 04/10/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cảm Thánh phu nhân (感聖夫人) vốn là phi tần của vua Lý Thần Tông, mẹ đẻ Lý Anh Tông. Bà là con gái trưởng của Phụ Thiên đại vương, mẹ là Thụy Thánh công chúa, là chị của Phụng Thánh phu nhân. Xét theo gia phả, dòng họ bà là hậu duệ xa của vua Lê Đại Hành. Bà vào cung năm 1134, nhận tước hiệu Cảm Thánh phu nhân từ đây. 

Chưa từng làm Hoàng hậu vẫn trở thành Thái hậu

Bà chưa từng được làm Hoàng hậu khi còn sống, nhưng được tôn làm Linh Chiếu hoàng thái hậu khi Lý Anh Tông (tức Lý Thiên Tộ) lên ngôi vua. Sử sách triều Lý thường nhắc tới Cảm Thánh với vai trò nhiếp chính thời vua Anh Tông, là người đóng vai trò quan trọng giúp con trai lên kế vị ngai vàng.

thai-hau-cam-thanh-nguoi-dan-ba-lam-nghieng-nga-trieu-ly
Cảm Thánh chưa từng được làm Hoàng hậu khi còn sống, nhưng được tôn làm Linh Chiếu hoàng thái hậu khi Lý Anh Tông lên ngôi

Trước kia, vua Lý Thần Tông đã lập Lý Thiên Lộc là Hoàng thái tử, nhưng vốn Thiên Lộc chỉ là con người hầu, địa vị thấp hèn. Cảm Thánh thấy con mình chỉ sinh sau 4 năm, địa vị bản thân cũng là chánh cung, nên đã tìm cách xin phế ngôi Thái Tử. Cuối cùng, trước khi qua đời, Thần Tông hoàng đế đã xuống chiếu rằng: "Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn Thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương". 

Việc Lý Thiên Tộ - con trai thứ của Thần Tông hoàng đế bất ngờ lên ngôi khiến mẹ con Lý Thiên Lộc cũng như triều thần vô cùng ngỡ ngàng. Dù vậy, những người theo phe cánh này không chịu nhìn thế sự xoay vần, mà hi vọng có thể chuyển bại thành thắng.

Khi đó, Lý Anh Tông chưa được nhà Tống công nhận, mà theo lệ định trong ngoại giao Đại Việt và Đại Tống có quy định đặc biệt như sau: Các Hoàng đế nhà Lý mỗi khi lên ngôi đều sai sứ sang nhà Tống báo tin người tiền nhiệm vừa mất, xin Hoàng đế Tống chấp thuận cũng như ban chức tước cho người kế nhiệm. Vì thế, phe cánh Thiên Lộc đã cử người sang nhà Tống, nói rằng Anh Tông cướp ngôi của Thiên Lộc và xin nhà Tống giành lại ngôi vị.

Nào ngờ, Cảm Thánh vô cùng mưu trí, ngay sau khi con mình lên ngôi bà đã phái một đoàn sứ bộ sang nhà Tống vào tháng 10/1137. Đến tháng 3/1138, sứ đoàn nhà Tống sang Đại Việt, mang theo chiếu thư phong Lý Anh Tông làm Giao Chỉ Quận Vương. Khi sứ bộ của Cảm Thánh đang ở kinh đô nhà Tống Lâm An thì sứ giả bên phe Thiên Lộc cũng đến, tiếc rằng đã đến chậm một bước. Trong cuốn "Quế Hải ngu hành chí" có chép: "Dư đảng của anh trai Lý Anh Tông chạy sang Trung Hoa tâu bày chuyện Lý Anh Tông cướp ngôi nhưng Tống Cao Tông không nghe và đã bắt giam những người ấy".

Mượn tay người bảo vệ ngôi vị cho con

Mẹ con Thiên Lộc tuy chậm chân, nhưng không có nghĩa là lực lượng chống đối đã hoàn toàn bị loại trừ. Một số triều thần đã ngấm ngầm bàn bạc, ho vọng có thể đảo chính, phế bỏ Lý Anh Tông. Họ dự định đưa Kiến Hải Vương Lý Dương Côn lên ngôi - vốn là con nuôi của vua Lý Nhân Tông, là hoàng thúc của Lý Thiên Tộ. 

thai-hau-cam-thanh-nguoi-dan-ba-lam-nghieng-nga-trieu-ly
Cảm Thánh quyết định dùng kế "biến bị động thành chủ động", bí mật chuẩn bị lực lượng để đối phó

Tất nhiên, Cảm Thánh không phải là người đơn giản, đã bố trí tay chân quanh triều từ lâu. Biết toan tính của những người này, bà cảm thấy lo sợ vì không thể bắt giữ hay loại trừ họ công khai. Nhưng nếu đợi đến khi họ ra tay, e rằng trở tay không kịp. Vì thế, bà đã quyết định dùng kế "biến bị động thành chủ động", bí mật chuẩn bị lực lượng để đối phó.

Theo tương truyền, Đỗ Anh Vũ (杜英武) có quan hệ với Linh Chiếu hoàng thái hậu. Ông là một vị đại thần nổi tiếng, lớn hơn Lý Thần Tông 1 tuổi, là người vô cùng tài giỏi, mưu lược. Sử sách chép, những món như viết chữ, tính toán, bắn cung, cưỡi ngựa, thuốc men, kinh mạch, không nghề nào là Đỗ Anh Vũ không tinh thông; đến như việc bói toán, binh pháp, chơi bài, đánh cờ, không việc nào là ông không nghiên cứu. Về thân thế, ông là họ hàng với Việt quốc công Lý Thường Kiệt, chị gái của ông là Đỗ Thái Hậu, mẹ chồng Cảm Thánh. Chưa kể, ông còn là con nuôi Thái sư Lê Bá Ngọc, bản thân cũng đang giữ chức Thái Úy.

thai-hau-cam-thanh-nguoi-dan-ba-lam-nghieng-nga-trieu-ly
Tương truyền, Đỗ Anh Vũ có quan hệ với Linh Chiếu hoàng thái hậu, là làm phụ chính dưới triều Lý Anh Tông

Biết rằng đây là đồng minh đáng tin cậy, Cảm Thánh đã thăng Đỗ Anh Vũ làm Kiểm Hiệu Thái Phó (cao hơn Thái Úy và thấp hơn Thái Sư một bậc). Đến năm 1138, bà tiếp tục phong cho ông chức Phụ Quốc Thái Úy, trở thành một vị đại thần rất có quyền thế. Từ đó, Đỗ Anh Vũ nắm giữ quyền lực cả mặt quân sự và dân sự, hết lòng phò tá Cảm Thánh và vua Anh Tông. 

Ngay khi đám người ủng hộ Kiến Hải Vương dẫn binh vào Hoàng Thành, đòi lật đổ Lý Anh Tông, Hoàng thái hậu cùng Đỗ Anh Vũ liền cho quân ra đàn áp. Những người chủ mưu bị bắt giữ, hành hình hoặc lưu đày, từ đó âm mưu đảo chính bị dập tắt. Sử sách gọi đây là Canh Ngọ cung biến (庚午宮變).

Tiêu diệt kẻ ngoài biên ải lăm le ngôi báu

Chưa kịp vui mừng sau khi dẹp họa ở kinh thành, Cảm Thánh lo lắng khi biết tên biên ải có kẻ đang dòm ngó ngôi báu. Đó là Thân Lợi, một kẻ thầy bói giỏi dùng lời mê hoặc người. Nghe tin nội bộ triều Lý bất ổn, ông đem bộ thuộc chiếm cứ châu Thượng Nguyên (nay là tỉnh Thái Nguyên) và tự xưng là Bình Hoàng Đế. 

thai-hau-cam-thanh-nguoi-dan-ba-lam-nghieng-nga-trieu-ly
Đứng ngồi không yên, Cảm Thánh lại nhờ đến Đỗ Anh Vũ đích thân cầm quân ra trận.

Chưa kể, hắn còn tự nhận mình là con trai của Lý Nhân Tông (bác của Lý Thần Tông). Thân Lợi còn cử người sang tận nhà Tống, kể chuyện mẹ con mình bị vua Nhân Tông ruồng bỏ, nay thấy nước có loạn nên muốn nhà Tống giúp đỡ lên ngôi. Rất may Tống Cao Tông không nghe theo lời lừa phỉnh này và từ chối. Dù vậy, Thân Lợi vẫn chiếm được lòng dân vùng biên giới, tiến tới Thăng Long định cướp ngôi. Đứng ngồi không yên, Cảm Thánh lại nhờ đến Đỗ Anh Vũ đích thân cầm quân ra trận.

Thân Lợi cho quân đóng ở Quảng Dịch, gặp quân của Đỗ Anh Vũ tại đây và giao chiến một trận lớn. Thân Lợi thua trận, quân bị giết rất nhiều, Anh Vũ sai người chém đầu bên cạnh đường từ quan Bình Lỗ tới sông Nam Hán. Sau đó, Thân Lợi liên tiếp bại trận, hai thủ lĩnh là Dương Mục và Chu Ái bị bắt sống, giải về Thăng Long.

Thân Lợi chạy thoát về châu Lục Lệnh, lẩn trốn đến tháng 10/1411 thì bị Đỗ Anh Vũ cho quân tới đánh. Ông tiếp tục bại trận, thuộc hạ hơn 2.000 bị bắt, ông định trốn sang châu Lạng thì bị Thái phó Tô Hiến Thành bắt được, giao cho Anh Vũ đóng cũi và giải về Thăng Long. Vua Lý Anh Tông ngự điện Thiên Khánh xử tội Thân Lợi và những người đồng mưu, 20 người đều bị xử chém.

Xem thêm: Thành Ung Châu kiên cố bị Lý Thường Kiệt hạ gục sau 42 ngày cố thủ: 58.000 người xác chất thành núi

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận