Quỹ khẩn cấp là gì mà chuyên gia tài chính nào cũng khuyên ta phải có nó?

Hiện nay, trong bất kì bài viết về quản lý tài chính, có thể thấy các chuyên gia đều khuyên rằng ta cần có quỹ khẩn cấp.

Chi Nguyễn
13:45 16/12/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cuộc sống luôn tràn ngập vô số biến cố mà ta không thể lường trước, chẳng hạn như giảm thu nhập, mất việc hay ốm đau, bệnh tật... Trong những trường hợp bất ngờ như vậy, nếu không chuẩn bị sẵn, ta sẽ đào đâu ra tiền để xoay xở? Đó là lí do mà các chuyên gia luôn khuyên rằng ta cần có một quỹ khẩn cấp. Dưới đây là chia sẻ của chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân kiêm founder Amy Advise Kim Liên:

quy-khan-cap-la-gi-va-vi-sao-lai-can-quy-khan-cap
Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân kiêm founder Amy Advise Kim Liên. Ảnh: Afamily

Quỹ khẩn cấp là gì?

Quỹ khẩn cấp là món tiền dự phòng dùng trong lúc cấp bách, là những khi mà ta hay nói là "nhỡ chẳng may có việc gì". Đó là các trường hợp như:

- Ốm đau, bệnh tật.

- Hỏng hóc, mất mát đồ dùng thiết yếu, công cụ lao động.

- Tạm thời mất thu nhập.

- Các trường hợp rủi ro khác như mất ví, đi du lịch/định cư xa nhà cần tiền gấp,...

Để chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ, chị Kim Liên cho biết ta nên liệt kê những tình huống mang tính chất bất ngờ, bắt buộc phải xử lý bằng tiền vào danh mục khẩn cấp. Như vậy ta sẽ biết khi nào được phép rút tiền từ quỹ này ra để chi trả các trường hợp đó.

Cần bao nhiêu tiền cho quỹ khẩn cấp?

quy-khan-cap-la-gi-va-vi-sao-lai-can-quy-khan-cap
Tùy thuộc vào chi phí chi tiêu mà ta quyết định cần để dành bao nhiều tiền. Ảnh:Review Journal

Các chuyên gia vẫn thường khuyên rằng ta nên chuẩn bị ít nhất số tiền đủ chi tiêu trong 3-6 tháng cho quỹ khẩn cấp. Thế nhưng, con số cụ thể cho từng mốc thời gian thế nào thì không phải ai cũng rõ:

Mốc 1: 3-4 tháng chi phí chi tiêu

Nhìn chung, để dành bao nhiều tiền trong quỹ khẩn cấp là tùy thuộc vào mỗi người. Giả sử, chi tiêu hàng tháng là 15 triệu đồng, thì ta chỉ cần khoảng 50 triệu trong quỹ khẩn cấp là đủ dùng nếu ta thuộc 1 trong các trường hợp dưới đây:

- Có sức khỏe, lối sống khỏe mạnh.

- Không có nợ.

- Sống ở nơi có chi phí sinh hoạt chung thấp.

- Chỉ thuê ô tô hay ô tô còn mới.

- Có một công việc khó bị thay thế, hoặc là đang giữ vị trí cao hoặc có thể dễ dàng tìm việc mới đến thất nghiệp.

- Không có người phụ thuộc.

- Có bố mẹ giàu, vợ/chồng giàu hay người thân, bạn bè sẵn sàng giúp đỡ.

- Vẫn đang sống cùng phụ huynh.

Mốc 2: 6 tháng chi phí chi tiêu

Nếu ở mốc 2, ta nên chuẩn bị ít nhất nửa năm chi phí chi tiêu trong quỹ khẩn cấp. Dưới đây là một số ví dụ:

- Sống ở khu vực có chi phí sinh hoạt cao.

- Có nhà riêng, đặc biệt là nhà cũ.

- Đang có nợ cần trả góp hàng tháng.

- Công việc không có thu nhập ổn định.

- Có người phụ thuộc như bố mẹ già, bạn đời đau ốm hay con nhỏ.

- Có thể trạng ốm yếu, mắc bệnh mãn tính hay có sở thích tham gia hoạt động mạo hiểm.

- Thiếu mạng lưới hỗ trợ tài chính:Sống một mình, ít bạn bè, người thân không còn khả năng chu cấp.

Mốc 3: Ít nhất 1 năm chi phí chi tiêu

Nếu thuộc một trong các trường hợp sau, ta nên chuẩn bị ít nhất 1 năm chi phí chi tiêu:

- Có thu nhập cao: Nghe có vẻ hơi ngược đời, nhưng càng có thu nhập cao thì càng cần quỹ khẩn cấp lớn vì ta dễ quen với mức sống cao.

- Có một công việc cần di chuyển, thay đổi chỗ ở nhiều.

- Chu cấp cho nhiều người khác. 

Nếu ta đang nợ nần chồng chất, hay cảm thấy mình không thuộc 1 trong 3 nhóm trên thì hãy bắt đầu với khoản tiền từ 20 - 25 triệu cho quỹ khẩn cấp. 

Nên giữ quỹ khẩn cấp ở đâu?

quy-khan-cap-la-gi-va-vi-sao-lai-can-quy-khan-cap
Giữ tiền mặt không phải là ý tưởng hay. Ảnh: Adobe

Nếu ta đang trong giai đoạn "xây dựng quỹ khẩn cấp", tốt hơn hết hãy đầu tư vào quỹ trái phiếu linh hoạt (thường miễn phí mua bán). Nhờ đó, ta có thể duy trì được thói quen xây quỹ, lại có thể linh hoạt trong trường hợp có biến cố.

Nếu đã tích lũy được một khoản lớn, nơi an toàn nhất là gửi tiết kiệm ngân hàng. Theo chị Kim Liên, ta nên chọn kỳ hạn 6 tháng, tự động tái tục lãi nhập gốc cho món này. Không cần phải quá khắt khe cân đo đông đếm chọn ngân hàng nào, cứ chọn luôn tài khoản mà bạn vẫn hay rút tiền để gửi online. Ngoài ra, hạn chế giữ tiền mặt của quỹ khẩn cấp vì ta có thể dễ dàng tiêu "lẹm" vào chúng. 

Theo Nhịp sống Việt

Xem thêm: 5 bí quyết tiết kiệm hiệu quả cho người trẻ: Đừng để mình "làm cực như trâu" mà không xu dính túi

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận