Chuyên gia tâm lý tài chính Shari Greco Reiches: "Nếu tôi có thể đưa ra một lời khuyên thì đó chính là mẹo kiếm tiền này"
Chuyên gia tâm lý tài chính Shari Greco Reiches cho rằng, bất kì quyết định tài chính quan trọng nào cũng đều nên đáp ứng danh sách kiểm tra nhất định gồm 2 đầu mục một cách lý tưởng.
Hãy dành một vài tiếng đồng hồ trên mạng, và bạn sẽ tìm thấy một lượng tài liệu dồi dào cung cấp cho bạn những đáp án được nghiên cứu kỹ lưỡng cho rất nhiều câu hỏi về tài chính. Nhưng đối với tất cả các biến động và hiệu quả về thuế và khai thác dữ liệu, phần lớn những lời khuyên dành cho tài chính cá nhân điển hình chỉ tóm gọn lại trong một số nguyên tắc cơ bản: Kiếm càng nhiều tiền càng tốt, chi tiêu ít nhất có thể và đầu tư vào những thứ có giá trị có thể tăng dần theo thời gian.
Đó là một công thức hoàn hảo để thành công, nhưng nói thì luôn dễ hơn làm. Đó là bởi vì tình hình tài chính của bạn không được sắp xếp trên bảng tính của một blogger nào đó, mà là trong cuộc sống thực - nơi các thế lực vô hình dường như đang cố gắng xâu xé ngân sách của bạn theo hàng triệu hướng khác nhau cùng một lúc.
Shari Greco Reiches, một chuyên gia tâm lý tài chính và là tác giả của cuốn sách “Maximize Your Return On Life” chia sẻ: Để loại bỏ những yếu tố nhiễu loạn, hãy cố gắng phân bổ tiền của bạn cho những việc sẽ mang lại cho bạn sự thỏa mãn nhiều nhất. Cô nói: "Bạn có thể có bất cứ thứ gì bạn muốn - chứ không phải tất cả mọi thứ. Nếu tôi có thể đưa ra một lời khuyên, đó là hãy sống trong khả năng của bạn và chi tiêu theo giá trị của bạn, không phải giá trị của xã hội".
Dưới đây là cách các chuyên gia tài chính hành vi cho biết bạn có thể chi tiêu cho những thứ khiến bạn hạnh phúc trong khi vẫn giữ được nguồn tài chính ổn định cho tương lai của mình.
Xác định điều mà bạn cho là giá trị nhất
Theo "Reiches, bất kỳ quyết định tài chính lớn nào cũng đều nên đáp ứng một cách lý tưởng một danh sách kiểm tra gồm hai mục: ”‘Quyết định tài chính này có phù hợp với các giá trị của tôi không? Nó có phù hợp với ngân sách của tôi không?’ Nếu bạn trả lời là có với cả hai, bạn có thể tiếp tục với quyết định đó".
Việc xác định các mục ưu tiên của bạn đòi hỏi bạn cần phải cân nhắc một cách nghiêm túc. Reiches giới thiệu cho độc giả danh sách 100 giá trị và yêu cầu họ thu hẹp nó thành 5 giá trị quan trọng nhất.
Preston Cherry, một chuyên gia hoạch định tài chính và là người sáng lập Concurrent Financial Planning ở Green Bay, Wisconsin, nói với những khách hàng mới bắt đầu nên dành thời gian để vạch ra lối sống cho bản thân. Ông nói: "Hãy hít thở và ghi lại lối sống theo thứ tự ưu tiên hàng đầu của bạn hiện tại. Bạn sẽ muốn làm điều này trước khi mơ về một phong cách sống, bởi vì nếu không, thì khi đó, bạn sẽ sống theo phong cách mà bạn đã hằng mơ ước nhưng lại không thể gánh vác nổi về mặt tài chính".
Điều chỉnh kế hoạch chi tiêu của bản thân dựa trên các giá trị của bạn
"Lối sống trong mơ" của bạn có thể bao gồm những thứ mà bạn không đủ khả năng chi trả, và có lẽ còn không liên quan đến những vấn đề tài chính thông thường, chẳng hạn như thanh toán các khoản vay dành cho sinh viên hoặc xây dựng quỹ khẩn cấp. Bằng cách thiết lập các ưu tiên của mình, bạn có thể chi tiêu một cách an toàn cho những thứ mang lại cho bạn sự thỏa mãn mà không cảm thấy rằng chúng là phù phiếm. Nếu bạn sống trong một khuôn khổ tài chính lành mạnh, bạn sẽ hoàn toàn có thể cắt bỏ được những thứ không quan trọng đối với mình.
Reiches khuyên bạn nên xây dựng kế hoạch chi tiêu của mình theo phương pháp cổ điển 50-30-20, trong đó 50% thu nhập của bạn dành cho nhu cầu cần thiết, 30% cho những mong muốn cá nhân và phần còn lại hướng tới các mục tiêu tài chính trong tương lai như xây dựng khoản tiết kiệm, đầu tư cho hưu trí và trả bớt nợ. Từ đó, bạn có thể dễ dàng tính toán dựa trên mức độ ưu tiên của mình.
"Bạn sẽ phải điều chỉnh. Nếu bạn thích nấu ăn, việc sử dụng dịch vụ giao hàng cho những nguyên liệu làm bếp có thể rất tốn kém, vì vậy, bạn nên tiếp tục lái chiếc xe ô tô cũ của mình thêm một năm nữa thay vì mua một chiếc mới," cô nói. "Có thể bạn đang sống ở một thành phố và thực sự coi trọng sự an toàn, vì vậy bạn muốn ở trong một tòa nhà có bảo vệ. Điều đó có thể làm tăng thêm chi phí sinh hoạt của bạn, vì vậy, bạn sẽ phải giảm chi tiêu cho những thứ mình muốn".
Điều quan trọng là điều chỉnh trong khuôn khổ thay vì cố gắng có mọi thứ cùng một lúc. Reiches cho biết: "Khi bạn bắt đầu phá vỡ các quy tắc và đạt mức 110%, thì 10% tăng thêm mà bạn đang chi tiêu sẽ trở thành nợ. Xã hội ngày nay đang tạo ra những cơ hội rất dễ dàng để bạn có thể mua trước và trả sau".
Tự thưởng cho mình những phần thưởng ngắn hạn
Để tránh rơi vào cái bẫy đó, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là phải khuyến khích bản thân đi đúng hướng. Đó là lý do tại sao tiết kiệm và chi tiêu cho những thứ bạn thực sự coi trọng có thể là một công cụ mạnh mẽ, Cherry nói. Ông cho rằng: "Tiết kiệm và chi tiêu không nên loại trừ lẫn nhau để thành công. Có nghĩa là, sau khi tiết kiệm rất nhiều khoản chi, bạn có thể chi tiêu. Bạn muốn mua những thứ đẹp đẽ cũng được, miễn sao chúng không định nghĩa bạn là một người như thế nào".
Ông nói, thay vì chỉ đơn thuần coi chúng là các sản phẩm hoặc các dịch vụ khiến bạn hạnh phúc nhất, hãy nghĩ về chúng như phần thưởng cho sự chăm chỉ và sức chịu đựng đối với những việc nhàm chán của bạn. "Nếu bạn đang tích cực đóng góp và lập kế hoạch cho các mục tiêu của mình, phần thưởng của bạn là bạn sẽ được trả tiền cho việc tự chăm sóc bản thân", ông nói. “Ví dụ: dành một khoản tiền sang một bên để chi trả cho một kỳ nghỉ, là một phần thưởng ngắn hạn sẽ giúp người đó gắn bó lâu dài".
Bằng cách xây dựng phần thưởng vào kế hoạch của mình, bạn sẽ ít có khả năng bị khuất phục trước nhu cầu theo kịp các đồng nghiệp, hay việc thực hiện một giao dịch mua hàng mà bạn sẽ hối tiếc, Cherry cho biết thêm. Ông nói: “Nếu bạn có các ưu tiên của mình theo đúng hướng, và bạn đang cần phương tiện đi lại, bạn sẽ có động lực mua thứ gì đó phù hợp với nguồn vốn hiện có của bạn hơn. Bạn sẽ bớt nghĩ về việc phải theo kịp được người này người kia, và giờ đây, bạn sẽ không còn phản ứng kiểu ‘Ugh, tôi chẳng mua được một chiếc Mercedes’ nữa".
Xem thêm: Chuyên gia bật mí 4 bước để cân bằng lại tài chính nếu COVID-19 làm gián đoạn thu nhập của bạn
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận