Quán thân bất tịnh: Soi tỏ con người một cách tỉ mỉ, bài trừ tâm ái dục
Bất tịnh có nghĩa là không sạch sẽ, trong sáng, quán thân bất tịnh là quan sát bản thân một cách tỉ mỉ để biết rằng nó không trong sạch.
Quán thân bất tịnh là gì?
Đức Phật từng dạy đệ tử tu tập thường xuyên quán xét, tư duy về thân bất tịnh. Đó là quán thân bất tịnh, phương pháp giúp chúng ta thoát khỏi sự ham muốn dục vọng. Trong Kinh Thân Hành Niệm, trạng kinh Nikaya có đoạn:
"Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu.
Này các tỳ-khưu, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt, đổ các hột ấy ra và quán sát: 'Ðây là hột gạo, đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi'.
Cũng vậy, vị tỳ-khưu quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: 'Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu'.
Trong khi vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm và tinh cần, các niệm và tư duy thuộc về thế tục được đoạn trừ. Nhờ đoạn trừ các pháp ấy, nội tâm được an trú, an tọa, chuyên nhất, định tĩnh. Như vậy, là cách vị tỳ-khưu tu tập thân hành niệm".
Sống ở đời, con người ai cũng có tham sân si, nếu không tu tâm dưỡng tính thì khó mà hết được. Sắc dục là thứ như thế, càng ân ái thì lòng dục càng tăng, càng thèm khát tìm kiếm, đã có một lại đòi thêm hai. Đến khi không làm chủ được mình, chỉ có sa đà vào tù tội, gia đình tan nát, bản thân khổ sở.
Lại nói đến tham sống sợ chết, vốn là thứ vô cùng mãnh liệt, tiếp nối từ vô thỉ kiếp. Tham sống nên ta tìm mọi cách để được sống, càng tham sống bao nhiêu lại càng sợ chết bấy nhiêu. Cũng vì sợ mà không dám dùng từ chết, cho nên dùng từ mất, qua đời hoặc vãng sinh.
Làm sao để quán thân bất tịnh?
Quán chủng tử bất tịnh
Chủng tử là hạt giống, yếu tố hay nguyên nhân phát sinh ra thân này. Hạt giống có hai phần là phần tinh thần và phần vật chất.
Phần tinh thần - tức thần thức, là chủ nhân của bao điều họa - phúc trong quá khứ, hiện tại và mai sau. Thần thức này hòa hợp cùng tinh cha huyết mẹ để có đời sống kế tiếp sau khi chết. Khi quán thân, hành giả phải vận dụng, tập trung ý lực mạnh mẽ để tượng tượng rõ ràng, như thấy tất cả hạt giống bất tịnh, nhàm chán thân người, dẹp lòng tham đắm.
Quán bào thai bất tịnh
Bào thai nếu không kể đến thai nhi, thì là một chiếc bọc chứa máu nhớt. Thai nhi phải nằm co rút lại, đầm mình trong đó, không được hưởng không khí hay ánh sáng mặt trời. Quán bào thai bất tịnh là vận dụng toàn lực ý niệm, nhận chân một cách rõ ràng thứ bao quanh bào thai không trong sạch, hôi tanh.
Quán hình tướng bất tịnh
Một đứa trẻ sau khi được sinh ra, trừ những trường hợp không may dị tật, sẽ có đầy đủ các bộ phận cơ thể. Chúng ta hãy thực tâm nhìn một cách chân thật về cái thân ngũ uẩn được kết hợp bao bọc bởi những lớp da - thịt - xương... lại với nhau tạo thành cơ thể này.
Thân này vốn thế thôi không có nhục thân, kim thẫn, linh hồn, thần thức, ma, quỷ, thần, thánh gì sau khi chết cả. Cơ thể sau khi chết trong vài ngày chỉ là một đống thịt bốc mùi hôi thối còn hơn cả thịt động vật. Hãy nhìn kỹ thân này mà học cách buông thả, nhẹ nhàng, thảnh thơi trong mọi cảnh. Dẫu cho thuận nghịch ra sao, lợi hại thế nào, cũng tùy thuận, bằng lòng, giữ tâm thanh thản, bất động.
Quán tự thể bất tịnh
Quán tự thể bất tịnh là quan sát thể chất thân người, thấy rõ sự bất tịnh của nó. Chất cứng là xương, tóc, lông, móng tay, chất lỏng là máu, nước mắt, nước miếng, chất sệt là mỡ, là tủy,... Các chất ấy dù có là dạng nào, cũng đều chẳng có thứ nào là sạch sẽ cả.
Thử nghĩ, tóc của chúng ta ở trên đầu, gần như ngày nào cũng gội rửa. Thế nhưng, chỉ bẵng đi vài hôm không chăm sóc thường xuyên, mái tóc sẽ trở nên hôi dơ, bẩn thỉu, không ai dám gần. Tóc mọc ở trên đầu - nơi cao quý của con người mà còn bất tịnh như vậy, thì những thứ khác như ruột, gan, phèo phổi lại còn bất tịnh biết chừng nào?
Quán bất tịnh sau khi chết
Đức Phật dạy, thân người do bốn chất đất, nước, gió, lửa giả hợp lại mà thành, đến khi chết, xác con người phải trả về cho tứ đại. Trước hết, là hơi thở về với phong đại. Kế là hơi ấm trở về với hỏa đại. Tiếp theo là chất lỏng trong người trả về với thủy đại và cuối cùng chất cứng như thịt xương cũng trở về địa đại.
Dù là già trẻ gái trai, kẻ sang đến người hèn, đại gia đến ăn xin, ai ai cũng phải trải qua cái chết. Tóm lại, hành giả phải quán sát 5 giai đoạn bất tịnh này, như vậy mới thấy rõ bản chất thân này là bất tịnh, không tham lam dính mắc thân này là ta và của ta, từ đó biết rằng thân vô nghĩa.
Sau khi thành tựu pháp quán bất tịnh, nhiều người sẽ không còn muốn tồn tại ở thân xác này nữa... Những người tu hành đạo Phật, muốn giác ngộ giải thoát, chấm dứt phiền não khổ đau, nhưng lại không chịu từ bỏ tình cảm luyến ái dục vọng. Đó là điều hết sức mâu thuẫn, bởi một mặt thì ta cầu vọng luyến ái, mặt kia lại muốn chấm dứt khổ đau.
Tại sao chúng ta cần phải từ bỏ ái dục? Vì ái dục là nguyên nhân dẫn chúng ta mắc kẹt mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Muốn từ bỏ ái dục, chỉ cần giữ giới chung thủy một vợ một chồng với nhau và biết tiết chế trong sinh hoạt tình dục là tốt lắm rồi. Từ đó, cả hai vợ chồng cùng học đạo, hiểu đạo và trở thành bạn đạo, khuyến khích nhau tu hành để được giải thoát sinh tử, khổ đau, giống như hai vợ chồng ngài Ma Ha Ca Diếp khi xưa, lấy nhau mà không ân ái cuối cùng hai người cùng phát tâm xuất gia tu hành và chứng quả A-la-hán.
Theo phatgiao.org.vn
Xem thêm: Cờ ngũ sắc trong đạo Phật: Lá cờ được tôn vinh chỉ sau quốc kỳ ở 50 quốc gia
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận