Cờ ngũ sắc trong đạo Phật: Lá cờ được tôn vinh chỉ sau quốc kỳ ở 50 quốc gia

Bên cạnh quốc kỳ, không ít quốc gia còn treo thêm một lá cờ khác, như một cách để thể hiện lòng kính trọng - đó chính là cờ ngũ sắc của Phật giáo.

Chi Nguyễn
11:15 30/08/2022 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cờ ngũ sắc là gì?

Nếu bạn từng có dịp thăm thú các nước khác, hẳn bạn sẽ thấy tò mò khi thấy không ít quốc gia bên cạnh quốc kỳ còn treo thêm một lá cờ khác. Lá cờ này có tới 5 màu rực rỡ, tạo hình những đường kẻ thẳng dọc thân cờ. Lá cờ đó được gọi là cờ ngũ sắc, hay còn gọi là cờ Phật giáo.

y-nghia-la-co-ngu-sac-trong-dao-phat-y-nghia-co-phat-giao
Không ít người thấy tò mò khi thấy không ít quốc gia bên cạnh quốc kỳ còn treo thêm một lá cờ khác

Lá cờ này được đưa vào sử dụng lần đầu tiên năm 1885, tung bay trên bầu trời thủ đô Colombo, Sri Lanka đúng ngày lễ Phật Đản. Tuy nhiên, theo Buddhistcouncilofqueensland, phải đến ngày 25/5/1950, trong hội nghị Phật giáo quốc tế ở Colombo với sự tham gia của 26 quốc gia, cờ ngũ sắc mới chính thức được chấp nhận, trở thành biểu tượng chung của giáo hội Phật giáo thế giới.

Vào ngày 25/5/1950, Đại hội Phật giáo Thế giới đã công nhận lá cờ này là lá cờ chính thức của Phật giáo thế giới. Tại Việt Nam, đến ngày 6/5/1951, tại chùa Từ Ðàm (TP Huế) Ðại Hội Phật giáo ba miền, lá cờ này lần đầu tiên xuất hiện. Trong dịp Đại hội, Thượng tọa Tố Liên (nguyên Trụ trì chùa Quán Sứ - Hà Nội) đã tặng Ðại Hội lá cờ Phật giáo thế giới và đại hội đã chấp nhận lá cờ này cũng là cờ Phật giáo Việt Nam.

y-nghia-la-co-ngu-sac-trong-dao-phat-y-nghia-co-phat-giao
Cờ Phật giáo trở thành lá cờ đại diện một cách thống nhất cho Phật giáo, được Phật tử ở khắp nơi trên thế giới sử dụng

Từ đó, cờ Phật giáo trở thành lá cờ đại diện một cách thống nhất cho Phật giáo, được Phật tử ở khắp nơi trên thế giới sử dụng. Mỗi người đệ tử của đức Phật phải luôn tôn trọng và bảo vệ lá cờ Phật giáo vì nó tượng trưng cho Phật giáo, cho tinh thần đoàn kết và bất phân biệt của tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới.

Ai là người thiết kế ra cờ ngũ sắc?

Người thiết kế ra cờ ngũ sắc là ông Henry Steel Olcoott, một đại tá quân đội người Mỹ đã về hưu. Ông được người đời gọi là "người Phật giáo da trắng", và cũng là người Mỹ đầu tiên quy y cửa Phật.

Năm 1879, ông có dịp tới Sri Lanka du lịch và nhanh chóng bị thu hút bởi đạo Phật, dành nhiều thời gian tìm hiểu. 1 năm sau, ông quay trở lại nơi này, rồi bắt đầu đề nghị với Ủy ban Phật giáo Colombo về việc thiết kế một lá riêng.

y-nghia-la-co-ngu-sac-trong-dao-phat-y-nghia-co-phat-giao
Henry Steel Olcoott được người đời gọi là "người Phật giáo da trắng", và cũng là người Mỹ đầu tiên quy y cửa Phật

Cuối cùng, Olcoott đã sáng tạo ra cờ Phật giáo dựa trên 6 vòng hào quang của đức Phật, kết hợp với màu sắc của cầu vồng. Khác với cầu vồng thông thường, cờ Phật giáo chỉ có 5 màu là lam (xanh), vàng, đỏ, trắng, cam, mỗi màu là một sọc dọc trên cờ. Sọc thứ 6 là gồm 5 màu trên gộp lại. Cả 6 cột này tượng trưng cho lục đạo luân hồi, tức 6 đường tái sinh, 6 thể dạng của chúng sinh trong cõi luân hồi.

Các màu sắc trong cờ Phật giáo

5 màu sắc của lá cờ Phật giáo lần lượt có ý nghĩa như sau:

- Xanh lam: Tượng trưng cho tình yêu thương, hòa bình và lòng bác ái.

- Vàng: Trung đạo, tránh cực đoan, sống khổ hạnh.

- Đỏ: Thực hành, thành tựu, trí tuệ, đức hạnh, vận mệnh và phẩm giá.

- Trắng - Phật Pháp, sự giải thoát khỏi không gian và thời gian.

- Cam: Giáo huấn của Đức Phật, trí tuệ. 

y-nghia-la-co-ngu-sac-trong-dao-phat-y-nghia-co-phat-giao
5 màu của lá cờ là biểu trưng cho ý nghĩa ngũ căn ngũ lực, cột thứ 6 đại diện cho sự kết hợp của các màu trong quang phổ của vầng hào quang

5 màu của lá cờ là biểu trưng cho ý nghĩa ngũ căn ngũ lực. Ngoài ra, nó còn biểu trưng cho ý nghĩa tinh thần hòa hợp của Phật giáo. Cột thứ 6 đại diện cho sự kết hợp của các màu trong quang phổ của vầng hào quang. Đây là lá cờ biểu tượng cho sự hòa bình, từ bi, trí tuệ, không phân biệt màu da, chủng tộc, không phân biệt giữa con người và những sự sống khác.

Theo Hiến chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tu chỉnh lần V ngày 24/11/2012, chương I, điều 3 có ghi: "Đạo kỳ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam có 5 màu, được chia thành 6 ô dọc, 05 ô đầu có các màu theo thứ tự: Xanh, vàng, đỏ, trắng, vàng cam, ô thứ 6 chia thành 05 ô ngang, có 05 màu theo thứ tự: Xanh, vàng, đỏ, trắng, vàng cam, biểu trưng cho 05 pháp: Tín, tấn, niệm, định, tuệ".

Ngày nay trong các ngày đại lễ Phật Đản, tại các tự viện cũng được treo cờ Phật giáo, cờ tổ quốc trong chùa, treo trước và ngoài cổng chùa, trên các đường phố lớn. Trong các ngày lễ trọng đại của Phật giáo: Lễ Phật Thích Ca thành đạo, Tết Nguyên Đán, lễ Vu Lan, lễ kỵ Tổ Sư khai sơn cũng được treo cờ Phật giáo. Ngoài ra, cờ Phật giáo sẽ được treo tình từ cổng các lễ đài chính bên phải nhìn vào, cờ tổ quốc Việt Nam treo bên trái từ ngoài nhìn vào, lớn hơn 2 phân theo quy định của TƯ GHPGVN.

Đến nay, lá cờ này đã phất lên ở hơn 50 quốc gia trên thế giới. Hầu hết các nước đều sử dụng cờ ngũ sắc với 5 màu lam, vàng, đỏ, trắng, cam, nhưng cũng có một số biến thể để thể hiện giáo lý riêng của người sử dụng. Chẳng hạn:

y-nghia-la-co-ngu-sac-trong-dao-phat-y-nghia-co-phat-giao
Một số biến thể cờ Phật giáo

- Nhật Bản: 

  • Cờ Phật giáo truyền thống goshikimaku (五色幕) sử dụng năm màu sắc khác đại diện cho Ngũ trí Như Lai. 
  • Tông phái Nhật Bản Tịnh độ chân tông thay màu cam bằng màu hồng.
  • Soka Gakkai (giáo hội Phật giáo đông tín đồ nhất xứ Phù Tang) sử dụng một lá cờ ba màu bao gồm lam, vàng và đỏ.

- Lào: Phật tử Thượng toạ bộ tại nước nà thay màu cam thành màu xanh lá cây nhạt.

- Nepal: Thay màu cam bằng màu mận.

- Tây Tạng: Thường thay màu cam bằng màu nâu sẫm.

- Myanmar: Thay màu cam bằng màu hồng.

- Thái Lan: Phật tử Thượng tọa bộ sử dụng một lá cờ màu vàng với hình ảnh Pháp luân.

Ý nghĩa cờ ngũ sắc

y-nghia-la-co-ngu-sac-trong-dao-phat-y-nghia-co-phat-giao
Cờ Phật giáo trước hết là biểu trưng tinh thần thống nhất của Phật tử trên toàn thế giới

Theo thư viện Hoa Sen, cờ Phật giáo, trước hết là biểu trưng tinh thần thống nhất của Phật tử trên toàn thế giới. Cờ Phật giáo còn tượng trưng cho niềm Chính tín và sự yêu chuộng hòa bình của mọi người con Phật. Ngoài ra, cờ Phật giáo còn có ý nghĩa cắt bỏ quan niệm cố chấp các ranh giới địa phương, gia tăng niềm hăng hái đoàn kết để phụng sự cho Ðạo Pháp và dân tộc.

Phật giáo theo chủ trương hòa bình, nên nhân loại khắp năm châu tuy khác màu da, chủng tộc, luôn được xem như huynh đệ một nhà. Phật giáo cũng không có phân chia giai cấp, thể hiện tinh thần từ bi, bình đẳng, lục hòa, tất cả đều có chung một nguồn tuệ giác (Phật tính) như nhau.

Với không ít Phật tử, lá cờ ngũ sắc chỉ là một biểu tượng. Dù vậy, với một số người, khi họ nhìn lá cờ ấy, dường như trong tâm thức họ bỗng bừng lên ánh hào quang của Phật, rạng rỡ và muôn màu. Với người khác, cờ ngũ sắc lại khiến tâm thức họ bị kích động bởi lòng từ bi vô biên, hi vọng được gieo tình thương trên khắp sáu nẻo của luân hồi. Nhiều người tin rằng, chỉ khi nào cảm nhận được như thế, chúng ta mới mong có đủ sức mạnh để hiểu được hết ý nghĩa thực sự của lá cờ Phật giáo là gì.

Theo VnExpress, Kiến thức, Thư viện Hoa Sen

Xem thêm: Phật A Di Đà có thật không và những điều ít biết về Phật A Di Đà?

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận