Phật Di Lặc là ai? Ý nghĩa hình tượng Phật Di Lặc

Di Lặc được coi là vị Bồ Tát thứ 5, vị Phật cuối cùng xuất hiện trên Trái Đất đạt được giác ngộ hoàn toàn, giảng dạy Phật Pháp, kế thừa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Chi Nguyễn
14:03 13/01/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phật Di Lặc là ai?

Theo truyền thuyết cũng như kinh điển Phật giáo, Di Lặc là vị Bồ Tát sẽ xuất hiện trên Trái Đất, đạt được giác ngộ hoàn toàn, sẽ giảng dạy Phật Pháp và giáo hóa chúng sinh, chứng ngộ thành Phật. Phật Di Lặc sẽ là vị Phật xuất hiện thứ 5 và là sau cùng, kế thừa Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bồ tát Di Lặc được tiên tri rằng sẽ giáng sinh trong kiếp giảm của tiểu kiếp kế tiếp, tức là khoảng 9 triệu năm nữa theo năm Trái Đất, khi mà Phật pháp đã bị lãng quên trên cõi Diêm phù đề.

phat-di-lac-la-ai-y-nghia-hinh-tuong-phat-di-lac
Tượng Di Lặc Bồ tát, ở Kōryū-ji.

Sự tích về Phật Di Lặc được ghi lại trong rất nhiều tài liệu kinh điển thuộc tất cả các tông phái Phật giáo từ Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa,... Điều này được chấp nhận bởi hầu hết các Phật tử như là một sự kiện sẽ diễn ra, khi Phật pháp đã bị lãng quên trên Trái đất, và Phật Di Lặc sẽ là bậc giác ngộ Phật pháp, thuyết lại cho chúng sinh như các vị Phật khác đã làm trong quá khứ. 

Theo sử sách, tên tiếng Phạn của Ngài là Maitreya (tức Di-lặc), dịch là Từ Thị. Trong Đại Nhật Kinh Sớ, Từ Thị có nghĩa là chủng tính từ bi, bao gồm hai từ là "Từ" và "Thị". "Từ" bắt nguồn tại Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) của Phật; còn Thị mang nghĩa là chủng, họ, tộc. Trong Kinh Pháp Hoa và Kinh Bình Đẳng Giác, Di Lặc là A Dật Đa, là một đệ tử của Phật Thích Ca. 

phat-di-lac-la-ai-y-nghia-hinh-tuong-phat-di-lac
Tượng Di Lặc ở Tây Tạng thế kỷ thứ 10.

Trong Kinh Thuyết Bản tại Trung A hàm 13, Kinh Xuất Diệu 6 và Luận Đại Tỳ-bà-sa 178, Di Lặc và A Dật Đa lại là hai nhân vật khác nhau. Trong bài kệ Bỉ Ngạn Đạo (Pàràyana) của Kinh Tập (Sutta - nipàta) thuộc Đại Tạng Kinh Pàli thì hai vị A Dật Đa (Ajita) và Đế Tu Di Lặc (Tisametteyya) là hai người hoàn toàn khác nhau.

Ngài là vị Phật tương lai, nắm giữ vị trí quan trọng trong tín ngưỡng và văn hóa Phật giáo, là vị Bồ Tát duy nhất được các tông phái Phật giáo thừa nhận và tôn kính. Trong tranh ảnh hoặc tượng tại Ấn Độ, Di Lặc được mô tả là một vị hoàng tử tuấn tú, thanh mảnh, mặc trang phục hoàng gia Ấn Độ, ngồi trên mặt đất, sẵn sàng đứng dậy để đi giáo hóa cho chúng sinh. 

Có một số học thuyết cho rằng, Phật Di Lặc là người khởi xướng hệ phái Duy thức của Phật giáo Đại thừa tên Maitreyanatha (sa.maitreyanâtha), thầy truyền giáo lý Duy thức cho Vô Trước (sa.asaga). Phật giáo Tây Tạng cho rằng, Ngài là tác giả của ngũ luận:

1. Đại thừa tối thượng luận hoặc Cứu cánh nhất thừa bảo tính luận (sa.mahâyânottaratantra).

2. Pháp pháp tính phân biệt luận (sa.dharmadharmatâvibanga).

3. Trung biên phân biệt luận (sa.madhyântavibhâga-úâstra).

4. Hiện quán trang nghiêm luận (sa.abhisamayâlankâra).

5. Đại thừa kinh trang nghiêm luận (sa.mahâyânasutralankâra).

phat-di-lac-la-ai-y-nghia-hinh-tuong-phat-di-lac
Tượng Di Lặc Nghệ thuật Gandhara thế kỷ thứ 2.

Trong Kinh Di Lặc Hạ Sinh, Ngài là một vị Bà-la-môn, xuất gia tu tập theo Phật và viên tịch trước Phật. Kinh chép: "Đức Di Lặc là một trong bốn vị Bổn Xứ Bồ Tát đang ở nội viên cung trời Đâu Suất, đợi đến khi thế giới này hết kiếp giảm thứ chín, đến kiếp tăng thứ mười, lúc ấy Ngài sẽ hóa thân xuống cõi trần này trong nhà của một vị Bà La Môn tên là Tu Phạm Na. Thân mẫu của Ngài tên là Phạm Na Bạt đề". Ngài được mô tả là một vị có nhiều tướng tốt, đức hạnh vẹn toàn, thông minh xuất chúng, khi lớn lên thì xuất gia tu hành, tới núi Kê Túc nhận lãnh Y Bát của Đức Phật Thánh Ca, do Tổ Ma Ha Ca Diếp trao lại". Tương truyền, sau khoảng 4000 năm, Ngài sẽ sinh trở lại thế giới Ta-bà của con người, thành đạo ở vườn Hoa Lâm, dưới gốc cây Long Hoa, với tên hiệu là Di Lặc. Ngài thuyết pháp suốt 6 vạn năm, hóa độ vô số chúng sinh tu hành thoát khổ.

Còn theo truyền thuyết Trung Quốc, vào khoảng thế kỷ X, vào Thời Ngũ Đại (907-960), tại đất Minh Châu, huyện Phụng Hóa, Bồ tát Di Lặc được cho là đã hóa thân dưới dạng một vị sư mập, mặc áo hở bụng, gương mặt luôn vui tươi, trên vai có đeo túi vải.  Ngài đi giảng kinh cho người nghèo, làm nhiều điều kì diệu, lạ thường. Ngài mang túi vải đi khắp nơi, ai cho gì thì bỏ vào túi vải; đến khi Ngài gặp trẻ con thì đưa cho hết, bởi vậy nên con nít rất thích Ngài, thường lại gần chơi với ngài. Thiên hạ không ai rõ Ngài là ai, chỉ biết gọi là "Bố Đại Hòa Thượng", tức là vị Hòa thượng đeo túi vải. Vì chỉ chơi với trẻ con nên có một số người lớn không ưa Ngài, thậm chí còn tỏ rõ thái độ, mắng chửi, nhổ nước miếng lên mặt Ngài. Dù vậy, Ngài vẫn luôn bình thản, nở nụ cười tươi, luôn tự tại, vui cười. Ngài có làm một bài kệ như sau:

phat-di-lac-la-ai-y-nghia-hinh-tuong-phat-di-lac
Phật Di Lặc là vị Bồ tát sẽ xuất hiện trên Trái Đất, đạt được giác ngộ hoàn toàn.

"Lão hèn mặc áo vá,

Cơm hẩm đủ no lòng.

Áo vá qua cơn lạnh,

Vạn sự chỉ tùy duyên.

Có người mắng lão hèn,

Lão hèn cho là hay.

Có người đánh lão hèn,

Lão hèn ngủ quên mất.

Phun nước miếng lên mặt,

Cứ để cho nó khô.

Ta cũng đỡ sức lực,

Anh cũng khỏi giận hờn.

Kiểu ba-la-mật ấy,

Như là báu thêm màu.

Nếu biết được như thế,

Lo gì đạo chẳng thành."

Đến đời Lương, niên hiệu Trình Minh năm thứ 3, Ngài mới nhóm chúng sinh tại chùa Nhạc Lâm, ngồi ngay thẳng rồi đọc bài kệ như sau:

"Di Lặc Chơn Di Lặc,

Hóa thân thiên bách ức,

Thời thời thị thời nhơn,

Thời nhơn giai bất thức ".

Có nghĩa là:

"Di Lặc thật Di Lặc,

Biến trăm ngàn ức thân,

Thường hiện trong cõi đời,

Người đời chẳng ai hay".

Nói xong bài kê, ngài an yên thị tịch. Đến lúc này, người đời mới biết Ngài là Phật Di Lặc hóa sinh. Cũng từ đó, hình tượng Phật Di Lặc gắn liền với hình ảnh Bố Đại Hòa Thượng bụng phệ, tai to, khuôn miệng luôn tươi cười, thần thái an vui, tự tại.

Ngay cả trong Phật giáo Việt Nam, Phật Di Lặc cũng là một vị Bồ Tát giữ vị trí khá quan trọng. Người Việt đã tôn thờ Ngài cả ngàn năm nay, kể từ thời nhà Lý cho đến hiện nay.

Ý nghĩa hình tượng Phật Di Lặc

Trong nhà Phật, nụ cười của Đức Phật Di Lặc là nụ cười hoan hỷ bất diệt, được khắc họa rõ nét ở những bức tượng Phật. Đó là nụ cười cho người nhìn cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng, vô lượng từ tâm, là nụ cười của tấm lòng bao dung độ lượng. Tướng lỗ tai dài tượng trưng cho lòng từ ái, luôn lắng nghe, dù ai chê cũng cười, ai khen cũng cười, chẳng phật lòng ai. Tướng bụng tròn biểu thị cho tấm lòng từ bi rộng lớn, chan chứa hết tất thảy chuyện buồn trên thế gian.

phat-di-lac-la-ai-y-nghia-hinh-tuong-phat-di-lac
Nụ cười hỷ xả của đức Di Lặc là nụ cười không bao giờ biến đổi, là biểu tượng của sự hài hòa, tự tại.

Người Phật tử học theo gương Bồ Tát Di Lặc, xả tất cả những gì chấp ngã, chấp pháp, một khi đã xả thì lục tặc có quấy nhiễu, phá phách tới đâu cũng không thể làm loạn tâm ta. Khi chúng ta giác ngộ, sáu cơ quan ấy sẽ trở thành sáu thần thông, bao gồm thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, thần túc thông, tha tâm thông, túc mạng thông, lậu tận thông.

Có như vậy thì ta mới có thể tập sống hỷ xả, không cố chấp, không giữ trong lòng, như vậy lòng ta mới nhẹ nhàng như quả bóng bay vào hư không. Tất cả chúng sinh đều hỷ xả thì trí tuệ vô nhiễm mới phát sanh, tâm luôn an lạc, vui vẻ, tươi sáng như một đồng tử tâm trong sạch, không hề bị vướng bẩn bụi trần. Một khi đã giữ cho tâm thanh tịnh, an yên, ta không còn bị đau khổ, phiền não làm phiền, không còn bực bội, ganh ghét hiềm khích, tâm linh được rỗng rang, tỏ ngộ.

Nụ cười hỷ xả của đức Di Lặc là nụ cười không bao giờ biến đổi, là biểu tượng của sự hài hòa, tự tại. Là đệ tử Phật, ta phải nhớ hạnh hỷ xả là pháp tu chánh yếu, là điều giải thoát mọi khổ đau, tu hành để thoát khỏi cõi sinh tử luân hồi. Có hạnh hỷ xả là có thể được giải thoát, có an vui tư lự, là thần dược chữa lạnh mọi thứ bệnh chấp trước của chúng sanh.

Những lưu ý khi thờ tượng Phật Di Lặc

Phật tử cần lưu ý, khi thờ tượng Phật Di Lặc trong nhà chủ yếu yếu dựa vào tâm của mình. Nên lựa chỗ nào tôn quý nhất, lựa chọn thời điểm phù hợp nhất và đặt tượng thờ Phật Di Lặc với cái tâm thành kính nhất. Trong quan điểm Phật giáo, Phật, Bồ Tát có mặt ở khắp mọi nơi, không nơi nào là không ứng hiện. 

Cần lưu ý rằng Phật Di Lặc là một vị Phật, không phải là một vị thần tài, do đó khi thờ cúng cần lưu ý. Trước mặt Phật không nên cầu xin danh vọng, của cải vật chất, khi bày lễ cúng thì nên là cúng chay. Một số người không hiểu biết, đã "thần tài hóa" Đức Phật Di Lặc, làm tượng

Ngài trên tay cầm tiền vài, cười cầu tài. Người Phật tử khi bày kính, tôn thờ Phật Di Lặc thì nên kính trọng, hiểu đúng ngài là ai, tuyệt đối không trưng bày tượng Ngài như một hình nộm tiếp thị ở phòng khách, tốt hơn hết là thờ cúng nghiêm túc, trang trọng. Nên đặt tượng của Ngài ở nơi dễ thấy trong nhà, như vậy khi bước vào nhà có thể trông thấy nụ cười hỷ xả của Phật Di Lặc, từ đó những mệt mỏi, u buồn sẽ giảm bớt đi nhiều, mang lại niềm vui trong cuộc sống bộn bề.

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận