Văn hóa 'ppalli-ppalli' ở Hàn Quốc: Mặt trái của việc sống vội khiến con người suy kiệt
Từng tạo nên "kỳ tích sông Hàn", văn hóa 'ppalli-ppalli' ở Hàn Quốc đang bị lạm dụng, khiến nhiều người trở nên suy kiệt, mệt mỏi vì áp lực cuộc sống.
Văn hóa 'ppalli-ppalli' là gì?
Bất kì ai đã từng sống ở Hàn Quốc hay chỉ cần tiếp xúc với người Hàn Quốc cũng dễ nhận thấy đa phần người đến từ xứ sở kim chi khá nóng nảy, vội vàng. Thực ra, tính cách này bắt nguồn từ một văn hóa có tên là 'ppalli-ppalli' (빨리 빨리), có nghĩa là "nhanh lên", "khẩn trương" hoặc "vội vã".
"Nhanh lên" có lẽ là từ mà ta sẽ nghe thấy nhiều nhất trong sinh hoạt hàng ngày của Hàn Quốc, đó có thể là từ lớp học, căng-tin cho đến chợ cóc, siêu thị,... Cựu HLV trưởng đội tuyển bóng đá quốc gia Hàn Quốc, Guus Hiddink từng chia sẻ: "Những từ tiếng Hàn tôi được học đầu tiên là ppalli-ppalli". Không phải ngẫu nhiên mà người dân nước này thường xuyên nói câu này, bởi nó không chỉ là sự vội vàng, tiết kiệm thời gian mà còn là định hướng mục tiêu, tìm ra cách nhanh nhất và hiệu quả nhất để đi tới đích.
Với người Hàn Quốc, văn hóa 'ppalli-ppalli' đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, là chìa khóa từng tạo nên "kỳ tích sông Hàn" ngày nào, nhưng cũng chính là cái "bẫy" tiềm ẩn đang dần trở nên... ám ảnh.
Từng tạo nên "kỳ tích sông Hàn"
Quả thực, văn hóa 'ppalli-ppalli' của người Hàn Quốc đã tạo ra kỳ tích, biến một nước chủ yếu làm nông nghiệp, chưa đến 30% người dân sống ở đô thị trở thành nước có nền kinh tế thuộc top 15 thế giới.
Vào đầu những năm 1950, Hàn Quốc vẫn là một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, người dân không đủ ăn, đủ mặc, GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 67 USD/năm. Mãi đến tận năm 1961, con số này cũng chỉ nhích tới 80 USD/năm. Khi ấy, Hàn Quốc vẫn đang giữ lối sống "chậm" bởi tình cảnh đói nghèo, luôn phải đối mặt với thiên tai, nền kinh tế chủ yếu làm nông nghiệp.
Mọi chuyện đã thay đổi khi quốc gia này bắt tay vào thực hiện các kế hoạch kinh tế 4 năm do Tổng thống Park Chung-hee đưa ra, khiến Hàn Quốc chuyển mình một cách kỳ diệu thành cường quốc kinh tế. Ông yêu cầu người dân phải thi hành chính sách "thắt lưng buộc bụng", và mọi người phải "làm việc nếu muốn sống còn", huy động toàn bộ người dân phát triển đất nước. Đây chính là "kỳ tích sông Hàn" khiến xứ sở kim chi bứt phá thành nền kinh tế lớn chỉ sau 3 thập kỷ, với sự xuất hiện của hàng loạt tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung, LG,...
Nhà nhân chủng học Kim Choong-soon từng viết trong quyển "Way Back into Korea" như sau: "Tính khẩn trương, không lề mề được khắc sâu vào tâm trí người dân như một giá trị cơ bản. Nhờ văn hóa này, Hàn Quốc có thể đạt được tiến bộ kinh tế to lớn và hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa trong thời gian ngắn". Cũng chính vì vậy, ngay cả khi đã đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, người dân Hàn Quốc vẫn không dừng "vội vã".
Khi dùng Internet, họ sẽ rất khó chịu với tốc động nhà mạng thấp, lập tức phàn nàn với các công ty về sự chậm chạp, hoặc mua hẳn một đường dây mới tốt hơn. Khi họ đi bộ, chỉ trong 1 phút, số lần bước đi của họ nhiều hơn người châu Âu khoảng 15 bước.
Thời gian thực hiện thủ tục nhập cảnh của người nước ngoài ở sân bay Incheon chỉ tốn khoảng 17 phút, nhanh gấp 2,5 lần so với tiêu chuẩn quốc tế. Đường cao tốc Gyeongbu dài khoảng 428km nối từ Seoul đến Busan, dự kiến sẽ hoàn thành trong 3,5 năm nhưng trên thực tế đã hoàn thành xong vòng chưa đầy 2,5 năm.
Đến nay, tác phong nhanh nhẹn, vội vã đã trở thành một lối sống quen thuộc với người dân Hàn Quốc, đặc biệt là những người sinh sống ở Seoul. Bất kể là ai dù già hay trẻ, là nam hay nữ đều có chung một nhịp độ khi làm bất cứ việc gì, đó là khẩn trương, gấp gáp. Dù vậy, hiện nay, người ta ngày càng nhận ra mặt trái của văn hóa "vội vàng, gấp gáp" này.
Sống quá vội đến mức bất cẩn
Tháng 1/2021, người dân Hàn Quốc chấn động trước vụ tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của một cô gái 21 tuổi. Kim Jung Eun, một hành khách xe buýt vừa bước xuống xe thì không may kẹt tay ở cửa, khiến cô bị kéo lê hơn 10m. Kim mất thăng bằng, ngã nhào xuống đường, và ngay sau đó, bị một chiếc xe khác cán qua người. Luật sư Jung Kyung-il cho hay, hình phạt với các tài xế xe buýt chạy ẩu dẫn đến tai nạn tử vong thường chỉ là một án tù vài năm, thậm chí đôi khi chỉ là phạt hành chính.
Cái chết của Kim đã tạo ra một cuộc tranh cãi nảy lửa về văn hóa 'ppalli-ppalli', rằng động lực từng thúc đẩy Hàn Quốc phát triển thần kỳ nền kinh tế cũng có mặt trái nguy hiểm. Được biết, vào năm 2017, một vụ tai nạn tương tự đã xảy ra, một người phụ nữ khác bị kẹt áo khoác giữa cửa xe khi vừa bước xuống. Cô bị kéo lê trên đường khi xe tăng tốc, rất may chỉ thương nhẹ.
Theo thống kê của Cơ quan tiêu dùng Hàn Quốc, hơn một nửa vụ tai nạn xảy ra do phanh gấp, trong đó có hơn 10% do cửa xe đóng sớm, 9% do xe buýt chạy quá nhanh. Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc cũng cho hay, có tới 60% vụ tai nạn xe buýt xảy ra trong năm 2019 là do "tài xế xe buýt lái xe không an toàn".
Chỉ trong vòng 4 năm kể từ 2010, đã có hơn 1000 vụ tai nạn xảy ra liên quan đến cửa của hệ thống tàu điện ngầm, do hành khách bị kẹt tay, chân,... hoặc quần áo khi cửa đóng quá nhanh. Còn có hơn 500 vụ tai nạn khác do thang cuốn, 339 vụ ngã cầu thang ở ga tàu điện ngầm,... Dường như, văn hóa 'ppalli-ppalli' đã khiến người Hàn sống quá vội vã, gấp gáp đến mức bất cẩn.
Những thế hệ làm việc đến kiệt sức
Không chỉ vậy, một mặt trái khác của văn hóa 'ppalli-ppalli' chính là tạo ra những thế hệ làm việc miệt mài đến kiệt sức. Người ta từng dùng cụm từ "hell joseon" để ám chỉ những áp lực cuộc sống của một xã hội cạnh tranh, khi mọi thứ từ giáo dục đến việc làm đều là cuộc chạy đua khốc liệt. Trong những năm 1980, thói quen "làm việc tới chết" đã ăn sâu vào "máu" những người Hàn Quốc, khi họ phải làm việc tới 68 giờ/tuần.
'Ppalli-ppalli' đã tạo ra phong cách làm việc "khét tiếng" khiến nhiều người cảm thấy suy kiệt, từ những nhân viên làm việc quá sức đến học sinh, sinh viên quay cuồng trong những lớp học thêm đến tối mịt. Ở xứ kim chi, nhân viên văn phòng thường nhìn nhau để làm việc, hiếm khi về nhà khi chưa xong việc, và cũng không dám về sớm khi sếp vẫn đang ở văn phòng. Với họ, chuyện đi sớm về muộn, làm thêm quá giờ, rời cơ quan lúc tối mịt đã trở thành một điều bình thường.
Không chỉ vậy, khi dạo quanh các nhà máy, ga tàu, siêu thị,... ta đều dễ dàng trông thấy những người cao tuổi làm đủ nghề để kiếm sống. Họ có thể đã đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu, nhưng vẫn miệt mài làm việc từ vệ sinh, bảo vệ, phát tờ rơi,... thay vì nghỉ ngơi tuổi già.
Văn hóa này đã khiến người dân Hàn Quốc làm việc tới quá sức, thậm chí nhiều người đã đột tử vì làm việc với khối lượng khổng lồ. Trong mùa dịch năm ngoái, do nhu cầu giao hàng tăng cao, Hàn Quốc đã ghi nhận gần 20 trường hợp shipper đột tử vì phải làm việc 12 tiếng/ngày. Mặt trái của văn hóa này được gọi là 'Gwarosa', có nghĩa là làm việc quá sức, giống như văn hóa "996" của Trung Quốc hay "Karoshi" ở Nhật Bản.
Năm 2018, đạo luật "WoLiBal" (tức Work-Life Balance, tạm dịch cân bằng công việc - cuộc sống) được ra đời với hi vọng giúp người Hàn bớt làm việc quá sức. Theo đó, đạo luật yêu cầu công ty có 300 nhân viên trở lên có nghĩa vụ giảm thời gian làm việc tối đa từ 68 tiếng/tuần xuống còn 52 tiếng/tuần.
Giáo sư người Anh Scott Shepherd, Đại học Chungsin nhận định: "Thay vì ppalli-ppalli, đôi khi mọi việc sẽ tốt hơn nếu tất cả cùng 'cheoncheonhi' (từ từ). Làm việc đêm ngày mà không thư giãn nghỉ ngơi không phải một cuộc sống có ý nghĩa".
Câu chuyện Milo ở Nhật Bản: Từ 1 dòng tweet "vu vơ" mà cả nước săn đón đến cháy hàng
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận