Giáo viên Ngữ Văn bày mẹo học tập hiệu quả, chinh phục kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Võ Phạm Trúc Linh là một giáo viên Ngữ Văn kinh nghiệm, đã chia sẻ phương pháp học tập hiệu quả, chinh phục môn này trong kỳ thi THPT 2025.
Võ Phạm Trúc Linh là một giáo viên Ngữ Văn khá nổi tiếng, được nhiều học sinh theo dõi. Cô là tác giả của bộ sách "Thưởng Văn 12", cũng là người sáng lập chuyên trang ôn văn "Thưởng Thức Sách dành cho các bạn học sinh.
Vừa qua, nữ giáo viên này đã có nhiều chia sẻ về bí quyết học môn Ngữ Văn hiệu quả, giúp đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT tới đây. Trúc Linh cho biết: "Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cho môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ yêu cầu đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hai năng lực quan trọng, đó là năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học. Hai năng lực này được thể hiện trực tiếp qua 4 kỹ năng: đọc, viết, nói và nghe. Những kỹ năng này của các bạn học sinh sẽ được nuôi dưỡng qua các thể loại văn bản.
Như ở chương trình lớp 12, các bạn học sinh sẽ gặp những thể loại thơ (thơ trữ tình hiện đại có yếu tố biểu tượng, tượng trưng, siêu thực), truyện (tiểu thuyết, truyện truyền kì, truyện hiện đại/hậu hiện đại) ký (phóng sự, nhật kí, hồi kí), kịch (hài kịch) và các bạn sẽ cần nắm vững đặc điểm của những kiểu văn bản nghị luận xã hội, nghị luận văn học và văn bản thông tin tổng hợp. Song song đó, các bạn cũng cần xây dựng phương pháp làm bài cho các dạng đề viết đoạn văn nghị luận xã hội và đoạn văn nghị luận văn học 200 chữ; kỹ năng viết bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học 600 chữ".
Nữ giáo viên này nhận định, việc thay đổi chương trình là một thách thức, nhưng đó cũng là cơ hội cho các học sinh phát triển. Các bạn sẽ có cơ hội tiếp cận đa dạng tác phẩm văn học hơn, khám phá nhiều ngữ liệu, văn bản theo 3 mức độ nhận thức: biết, hiểu và vận dụng. Các bạn phải nắm chắc kiến thức, đặc điểm riêng của các thể loại, tiểu loại và kiểu văn bản, cũng như phương pháp làm bài, kỹ năng viết...
Trúc Linh cho biết: "Các bạn cần học cách mở rộng tư duy, góc nhìn đa chiều của bản thân dành cho mọi vấn đề được đặt ra trong tác phẩm, trong đề bài mà mình nhận được. Khi đối diện với một tác phẩm văn học, hãy đọc thật chậm rãi và kĩ lưỡng trong tâm thế tìm tòi, khám phá cái hay, cái đẹp, nét ấn tượng hay sự hài hòa đan kết có trong tác phẩm; chủ động ngẫm nghĩ về chủ đề của tác phẩm, đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời qua quá trình bóc tách, phân tích tác phẩm. Sự song hành giữa kiến thức nền tảng và năng lực cảm thụ; giữa sự chủ động với tinh thần sẵn sàng khám phá, đón nhận, học hỏi và sự kỉ luật, chăm chỉ, kiên trì trong việc luyện viết sẽ góp phần đưa các bạn tiến gần đến mục tiêu của mình".
Thay đổi lớn nhất trong đề thi Ngữ văn thi THPT 2025 sẽ là không còn sử dụng những văn bản, đoạn trích được học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu. Điều này có thể là thách thức với học sinh, nhưng cũng giúp các bạn học cách cảm nhận sau sắc về một tác phẩm nào đó. Học sinh không nên chỉ nhìn đề là viết ngay, mà nên nghiền ngẫm, tìm tòi những tình cảm, thông điệp của tác giả. Bạn nên đọc ngữ liệu kĩ càng, xác định vấn đề trọng tâm, chú ý các nét đặc trưng của thể loại.
Cô giáo chia sẻ thêm: "Các bạn cần rèn luyện năng lực cảm thụ qua việc đặt ra những câu hỏi về nhân vật và suy ngẫm ý nghĩa từ những lời nói, hành động, cử chỉ của họ; đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật để cảm nhận được suy nghĩ, cảm xúc; dựa vào giá trị nhân đạo và hiện thực để cảm nhận sự đồng cảm, thấu hiểu, tấm lòng, sự trăn trở của tác giả về đối tượng nào đó trong cuộc sống; từ những điều này, các bạn sẽ dần hiểu rõ hơn về những vẻ đẹp phẩm chất, vẻ đẹp trong tâm hồn mà nhân vật đang có cùng bài học, thông điệp ý nghĩa mà tác giả đã gợi ra qua tác phẩm của mình. Sau quá trình nhận biết, xác định nội dung và hình thức nghệ thuật được thể hiện, các bạn sẽ tiếp tục luyện tập cách xây dựng dàn bài, lập dàn ý chi tiết để định hình cấu trúc cho bài văn, đoạn văn của mình. Bước này cần thiết cho một định hướng phân tích, bàn luận đúng đắn; hạn chế tình trạng viết lạc đề, lan man, không rõ ý, thiếu mạch lạc".
Bên cạnh việc luyện viết, nữ giáo viên cũng khuyên nhủ học sinh nên chủ động đọc nhiều hơn. Đó có thể là những tác phẩm ngoài chương trình học, hoặc những quyển sách phù hợp với sở thích để trau dồi vốn hiểu biết, nâng cấp văn phong và làm giàu thêm vốn từ. Thói quen đọc sách báo cũng giúp học sinh làm tốt phần NLXH, dễ dàng vượt qua các dạng đề khác nhau.
Nữ giáo viên chia sẻ: "Càng tiếp xúc nhiều với văn chương và những cuốn sách hay, các bạn sẽ càng có thêm những góc nhìn mới, càng được đào sâu suy nghĩ, mở rộng góc nhìn, nâng cao tư duy của bản thân và có thêm sự thấu hiểu về các văn bản, các tác phẩm ở những tiểu loại, thể loại khác nhau. Có như thế, khi đối diện với những ngữ liệu mới trong đề thi, các bạn học sinh mới không bị bối rối hay lo sợ mà vẫn bình tĩnh làm bài, từng bước khám phá, phân tích tác phẩm.
Khi đối diện với một tác phẩm mới, nhiều bạn có thói quen đọc văn mẫu để tham khảo, định hình cách phân tích. Bản chất của việc tham khảo thêm diễn đạt, gợi ý từ văn mẫu để mở rộng vốn từ và góc nhìn của bản thân vốn không sai, nhưng nếu các bạn thực hiện việc tìm kiếm văn mẫu ngay khi vừa đọc văn bản thì các bạn sẽ dễ rơi vào hố sâu của nó, dần rập khuôn trong cách tiếp cận và bó hẹp trong tư tưởng, chấp nhận sự định hình theo suy nghĩ của người khác, dễ dàng bỏ qua những cảm nhận riêng của bản thân và thiếu đi màu sắc của chính mình. Vì vậy, thay vì tìm kiếm sự trợ giúp hay những bài văn tham khảo ngay lập tức, các bạn hãy cố gắng tập quan sát, suy nghĩ về vấn đề được đặt ra thông qua văn bản, định hình trước các ý chính theo các bước: xác định đề tài, chủ đề của văn bản; tìm ý và lập dàn ý".
Ngoài siêng năng rèn luyện, các bạn học sinh cũng cần học cách tự nhìn nhận, đánh giá bản thân qua mỗi giai đoạn ôn thi. Khi các bạn luôn chủ động để tìm ra phương pháp phù hợp với bản thân, nhìn nhận sự tiến bộ qua từng quá trình, các bạn sẽ biết sửa đổi những điều chưa tốt và tiếp tục hoàn thiện những điều mình đã làm tốt. Có như vậy, quá trình ôn thi mới hiệu quả và giúp các bạn không bỏ lỡ giấc mơ của chính mình.
Cô giáo Trúc Linh bộc bạch: "Tổng kết lại, các bạn cần phải cố gắng xây dựng kiến thức nền tảng thật vững vàng về các thể loại, tiểu loại và các kiểu văn bản. Song song đó thì hãy nâng cao kỹ năng viết, kỹ năng cảm thụ và 4 kỹ năng quan trọng đọc, viết, nói và nghe của bản thân mình, trau dồi năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học. Trong quá trình đó, chúng ta cần có sự nghiêm túc, kỷ luật và luôn luôn chăm chỉ để có thể biến mong muốn, ước muốn của bản thân mình thành hiện thực".
Theo SVVN
Xem thêm: Nhiều tín hiệu hứa hẹn cho năm học mới hậu quyết định ngữ liệu ra đề Ngữ Văn ngoài sách giáo khoa
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận