"Gia Định tam hùng": Danh hiệu người đời gọi 3 dũng tướng dưới thời vua Gia Long

"Gia Định tam hùng" là danh hiệu mà người đời dùng để nói 3 vị dũng tướng của vua Gia Long Nguyễn Ánh.

Chi Nguyễn
10:00 20/08/2021 Chi Nguyễn
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nói về cụm từ "Gia Định tam hùng", đó là danh hiệu mà người xưa dùng để xưng tụng 3 vị dũng tướng của vua Gia Long Nguyễn Ánh. 3 người đó là Đỗ Thanh Nhơn, Châu Văn Tiếp và Võ Tánh, họ đều là dũng tướng nhưng lại có cái chết đầy bi kịch.

Trong đó phải kể đến Võ Tánh (武性, 1768-1801), vị tướng được coi là dũng mãnh bậc nhất của vua Gia Long. Ông là người có công giúp Nguyễn ánh chống nhà Tây Sơn, và mất trước khi triều Nguyễn chính thức thành lập. Ban đầu, vì không phục nhà Tây Sơn, ông cùng anh trai là Võ Nhàn đã tập hợp lực lượng nổi dậy, tự xưng là  Nghĩa quân Kiến Hòa (sử gọi là Kiến Hòa Đạo) rồi chiếm giữ vùng Gò Công.

gia-dinh-tam-hung-danh-hieu-nguoi-doi-goi-3-dung-tuong-nha-nguyen
"Gia Định tam hùng" là danh hiệu mà người xưa dùng để gọi 3 vị dũng tướng của vua Gia Long Nguyễn Ánh

Sau này, ông đầu quân cho chúa Nguyễn Ánh, ghi được nhiều chiến công lớn, được chúa gả cho em gái là công chúa Ngọc Du. Năm 1799, Võ Tánh theo Nguyễn Ánh tiến đánh thành Quy Nhơn, sau khi chiếm thành thì đổi tên là thành Bình Định. Thế nhưng, trước khi triều Nguyễn được thành lập, ông đã qua đời vì tuẫn tiết cố thủ thành.

Năm 1801, Nguyễn Ánh đem quân rút về Gia Định, lúc này Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu ở lại trấn giữ thành Bình Định. Ngay sau đó, đại quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Thái phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng đến bao vây. Cuộc bao vây kéo dài tới 14 tháng. Lúc này, Nguyễn Ánh cùng Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy đem đại binh ra tìm cách ứng cứu, thậm chí đánh thắng thủy quân Tây Sơn ở đầm Thị Nại, thế nhưng vẫn không thể giải vây thành Bình Định. 

gia-dinh-tam-hung-danh-hieu-nguoi-doi-goi-3-dung-tuong-nha-nguyen
Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu ở lại trấn giữ thành Bình Định

Võ Tánh và Ngô Tùng Châu cho người lén đem mật thư cho Nguyễn Ánh, khuyên ông nên đánh Phú Xuân, còn mình thì ở lại cầm chân quân Tây Sơn. Chúa Nguyễn nghe theo, đến tháng 5/1801 thì chiếm được Phú Xuân. Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng nghe tin Phú Xuân thất thủ, đem quân ra cứu nhưng bị chặn đường, đành phải quay lại.

Trần Quang Diệu liền đem quân trở lại đánh thành Bình Định. Lúc ấy, trong thành binh sĩ lâu ngày thiếu lương thực, có người khuyên Võ Tánh nên chạy thoát, nhưng ông cương quyết ở lại. Tương truyền, ông nói rằng: "Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này, nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình, thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng?".

gia-dinh-tam-hung-danh-hieu-nguoi-doi-goi-3-dung-tuong-nha-nguyen
Võ Tánh sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng rồi châm ngòi tự vẫn, Ngô Tùng Châu cũng uống thuốc độc tự sát

Sau đó, Võ Tánh sai người trao cho Trần Quang Diệu một bức thư, theo đó tha chết cho quân sĩ trong thành. Rồi ông sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng rồi châm ngòi tự vẫn, Ngô Tùng Châu cũng uống thuốc độc tự sát. Trần Quang Diệu sau khi chiếm được thành, xúc động trước sự trung dũng của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, sai người tẩm liệm thi hài hai ông tử tế và tha cho hàng binh nhà Nguyễn.

Biết tin chồng tuẫn tiết, công chúa Ngọc Du khóc ông bằng bài thơ như sau:

"Những tưởng ra tay giúp nước nhà

Ai dè binh địa nổi phong ba

Xót người vị quốc liều thân ngọc

Khiến thiếp cô phòng ủ mặt hoa

Gối mộng mơ màng duyên nợ cũ

Đài mây xiêu lạc phách hồn xa"

gia-dinh-tam-hung-danh-hieu-nguoi-doi-goi-3-dung-tuong-nha-nguyen-8
Biết tin chồng tuẫn tiết, công chúa Ngọc Du đã khóc chồng bằng một bài thơ. Ảnh minh họa

Sau khi qua đời, thương cảm cho Võ tướng quân, dân Bình Định có câu ca: "Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/ Cảm thương quan Hậu thủ thành ba năm". Vua Gia Long cũng truy tặng Võ Tánh là Dực vận công thần Thái úy Quốc công; đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), Võ Tánh được truy phong là Hoài Quốc công (懷國公).  Vợ ông là công chúa Ngọc Du cũng được truy tặng làm Phúc Lộc Thái trưởng công chúa.

gia-dinh-tam-hung-danh-hieu-nguoi-doi-goi-3-dung-tuong-nha-nguyen
Lăng Võ Tánh trong di tích thành Hoàng Đế

Mộ Võ Tánh nằm trong nội cung thành Hoàng Đế ở Bình Định, có hình tròn phía trên đắp biểu tượng con dơi (có tài liệu ghi thi hài đã bị cháy hết), nằm kế mộ Ngô Tùng Châu (đã được cải táng về Phù Cát). Sau này, vua Gia Long sai lập một mộ nữa cho ông ở Phú Nhuận, chôn hình nhân bằng sáp.

gia-dinh-tam-hung-danh-hieu-nguoi-doi-goi-3-dung-tuong-nha-nguyen
Võ Quốc Công Miếu

Hiện nay, con đường mang tên Võ Tánh ở phường 1, thành phố Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang, nằm ở khu vục chợ Mỹ Tho. Ngoài ra, đầu ấp Gò Tre, xã Long Thuận, thị xã Gò Công (Tiền Giang) có ngôi đền thờ Võ Tánh mang tên Võ Quốc Công Miếu.

Có một ông tiến sĩ người Việt cai rượu nhờ... gái đẹp

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận